Dấu hiệu pháp lý của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Chiếm đoạt tài sản

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản BLHS 1999.

 

Những tội danh liên quan:

 

Bình luận Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015

Mục lục:

  1. Khái niệm
  2. Các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  3. Hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
  4. Hình phạt bổ sung

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

1. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi sau khi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả lại tài sản hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Xem:  Các yếu tố cấu thành Tội vu khống tại Bộ luật Hình sự 2015

2. Các yếu tố cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi. Có một trong các hành vi sau đây:

Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái phép tài sản của người khác thành tài sản của mình (xem giải thích tương tự ở Tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) sau khi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Chỉ coi là có hành vi chiếm đoạt khi:

  • Được coi là có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả khi bản thân người phạm tội có tài sản (như có nhà, đất…) hoặc có nguồn tài sản (như có phần tài sản hưởng thừa kế chưa chia…) nhưng đã tìm mọi cách thoái thác việc trả nợ hoặc tuyên bố không trả nợ hoặc tuyên bố không trả nợ hoặc né tránh việc trả nợ (như khi có người đến đòi nợ thì tránh mặt…).
    Tuy nhiên nhữngh trường hợp có hứa hẹn trả nợ và họ chưa có điều kiện trả nợ (như có nhà, đất nhưng chưa bán được…) thì không được coi là cố tình không trả nợ.
  • Dùng thủ đoạn gian dối để không phải trả lại tài sản. Thủ đoạn này tương tự như thủ đoạn nêu ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng là nhằm để chiếm đoạt tài sản không qua các giao dịch hợp pháp đã được thực hiện trước đó mà không có ý thức chiếm đoạt trước khi thực hiện các giao dịch đó.
  • Có hành vi bỏ trốn. Được hiểu là hành vi trốn tránh để không thực hiện nghĩa vụ trả tiền sau khi đã giao dịch với người khác bằng hình thức vay, mượn, thuê tài sản (theo Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản năm 1992 – trang 1023, thì “trốn tránh” là trốn để khỏi phải gặp, phải làm hoặc phải chịu điều không hay, không thích nào đó).
    Để xác định một người có bỏ trốn hay không cần xác định các dấu hiệu sau:

    • Việc họ rời bỏ nơi cư trú là lén nút hay công khai (có khai báo tạm trú, tạm vắng hay không).
    • Lý do của việc rời bỏ nơi cư trú.
    • Mục đích của việc rời bỏ nơi cư trú.
    • Việc rời bỏ nơi cư trú là tạm thời hay không xác định thời hạn.
  • Có hành vi sử dụng tài sản mà mình đã vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng vào các mục đích bất hợp pháp (như dùng tiền vay để đánh số đề, đánh bạc, buôn lậu,…) dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho bên cho vay, cho mượn hoặc giao tài sản.
Xem:  Tội gây ô nhiễm môi trường tại Bộ luật hình sự 2015

Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản trên là sau khi nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp như vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác  (như do người khác gửi giữ…) bằng hình thức hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế.

Trong thực tiễn có ý kiến cho rằng trường hợp sử dụng điện thoại không sử dụng cước điện thoại hoặc thuê tài sản không trả tiền thuê theo hợp đồng là phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi cho rằng như vậy là chưa chính xác vì tiền cước điện thoại và tiền thuê phải trả khi thuê tài sản thực chất là khoản lợi tức mà bên cho vay, mượn, thuê tài sản… được hưởng theo hợp đồng. Trong khi đó, dấu hiệu được điều luật mô tả là phải vay, mượn, thuê tài sản,… để chiếm đoạt chính tài sản đó chứ không phải chiếm đoạt lợi tức của tài sản đó. Vì vậy, việc không trả tiền cước điện thoại, tiền thuê tài sản theo quan điểm của chúng tôi chỉ là sự vi phạm nghĩa vụ đơn thuần mà thôi.

  • Khái niệm “dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp” được hiểu là hành vi dùng tài sản vào những việc trái pháp luật. Thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng thường coi hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp theo phạm vi hẹp, tức là trái pháp luật hình sự, với ý nghĩa là dấu hiệu của cấu thành tội phạm, như dùng tiền vay được để hối lộ, đánh bạc để mua chất ma tuý, để buôn bán hàng cấm…
  • Tài sản chiếm đoạt là tài sản đang do người phạm tội quản lý, nên thường không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, vì hành vi phạm tội luôn đồng nghĩa với việc chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành. Nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý, nhưng vì do khách quan nên chưa chiếm đoạt được tài sản, thì trường hợp này có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tội phạm hoàn thành kể từ khi hậu quả đã xảy ra do người phạm tội thực hiện hành vi gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản có được một cách hợp pháp vào mục đích bất hợp pháp.

b) Dấu hiệu khác. Có một trong các dấu hiệu sau đây:

  • Giá trị của tài sản bị chiếm đoạt phải từ bốn triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Nếu dưới bốn triệu đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt (như công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…) hoặc đã bị kết án về tội này hoặc các tội chiếm đoạt tài sản được quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 290 chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại.
Xem:  Một số ý kiến về tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” và tội “đánh bạc”

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

2.3. Mặt khách quan

Người phạm tội thực hiện đến tội phạm này với lỗi cố ý.

Tuy nhiên cần phải lưu ý: mục đích chiếm đoạt tài sản chỉ phát sinh sau khi đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình thực hiện tội phạm người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt.Trường hợp này, ngừoi phạm tội vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, có một số trường hợp lại cấu thành tội danh đọc lập khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng ấy.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

a) Khung một (khoản 1).

Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

b) Khung hai (khoản 2).

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

c) Khung ba (khoản 3).

Có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

d) Khung bốn (khoản 4).

Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong những hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị câm đảm nhiệm chứ vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 


Các tìm kiếm liên quan đến tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: tội lua dao chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, đơn tố cáo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, so sánh tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, bình luận tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, điều 140 bộ luật hình sự 2009, điều 140 bộ luật hình sự 2015, điều 175 bộ luật hình sự 2015

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.