[Góc chia sẻ] Sách luật chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định?

Chuyên mụcCafe Dân Luật Viết sách

Hi các bác. Mấy hôm trước mình có đăng một bài với tựa đề như trên để phản ánh về tình trạng chung của các sách luật hiện nay. Đó là mình nhận thấy nhiều cuốn sách có tỷ lệ chất xám về kiến thức và kinh nghiệm học thuật hay thực tế còn thấp, mà chủ yếu là chép, tổng hợp lại luật theo chủ đề của tác giả. Sau khi đăng tải không ngờ nhận được nhiều ý kiến đồng cảm của nhiều bạn trên diễn đàn. Thậm chí nhiều bạn còn tỏ ra khá bức xúc và gay gắt với tình trạng này. Cũng qua bài viết, mình có câu kết và mong muốn rằng các tác giả viết sách luật ngày nay hãy nên cân nhắc trước khi viết sách, hãy đầu tư hơn nữa để “đứa con tinh thần”, một “sản phẩm trí tuệ” của mình thực sự là sản phẩm tốt và có chất lượng.

Sách luật chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định?

Sách luật chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định?
Sách luật chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định?

Bài viết cũng đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các bạn, thế nên qua bài viết này cho mình xin tiếp tục được trao đổi những suy nghĩ của mình và góp ý tới các tác giả đã và đang dự định viết sách luật.

1. Cái chung

Để phân loại sách luật, theo mình, dựa vào thực tế hiện nay có thể phân thành 5 loại sau:

– Loại thứ nhất là sách chép 1 văn bản hoặc một số văn bản: luật đất đai, luật đất đai và các văn bản hướng dẫn.

– Loại thứ hai là tổng hợp luật, quy định theo chủ đề: Đây là dạng đơn thuần tác giả chỉ bỏ công sức để tìm kiếm, phân loại, sắp xếp các quy định pháp luật ở các văn bản pháp luật khác nhau theo nội dung liên quan đến chủ đề muốn đề cập. Loại này không có hoặc rất ít những phân tích, trình bày, diễn giải về kiến thức học thuật hoặc kiến thức trên thực tế mà chiếm đa số là quy định pháp luật (thậm chí đưa văn bản luật hoàn chỉnh như loại một vào).

– Loại thứ ba là dạng đi theo hướng học thuật: tức tác giả vừa trình bày về quy định pháp luật (hoặc bản án), vừa phân tích, bình luận các quy định này, nêu ý kiến của mình hoặc dẫn chiếu, so sánh các kiến thức của nước ngoài…dạng này mục tiêu của sách là để người đọc (hướng tới người trong ngành) nắm quy định và biết cách áp dụng quy định và những tồn tại, bất cập của quy định cũng như hướng hoàn thiện, áp dụng luật cho tốt hơn…Các sách này thường do những tác giả có học hàm học vị hoặc nắm chắc về học thuật viết. Loại này thường mang tên kiểu: bình luận, phân tích, áp dụng, so sánh, hướng dẫn, chế định….

– Loại thứ tư là dạng viết về kiến thức, kinh nghiệm thực tế: Mục tiêu của loại này là hướng tới kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Loại này thì ngoài việc trích dẫn quy định liên quan vấn đề, thì sẽ trình bày việc áp dụng những quy định này trên thực tế ra sao, cách xử lý vấn đề hoặc hành nghề như thế nào, lưu ý trên thực tế, tài liệu mẫu biểu thực tế…kiến thức, kinh nghiệm này có thể của tác giả hoặc của các cơ quan, cá nhân khác. Loại này thường do các luật sư, chuyên gia, hoặc người hành nghề va chạm thực tế nhiều. Tên gọi dạng này có thể đi thẳng vào chủ đề hoặc có thêm chữ: kỹ năng, thực tiễn áp dụng, kinh nghiệm hành nghề…

– Loại thứ năm là kết hợp, có cả loại thứ ba và thứ tư.

Như vậy ta thấy rằng đối với sách luật (hoặc do dân luật viết) thì việc xuất hiện các quy định pháp luật vào là có, đều xuất hiện ở 5 loại trên. Nhưng như ta thấy ở trên, chất lượng chất xám và kiến thức của tác giả thể hiện ở một cuốn sách sẽ tăng dần theo từng loại (trừ loại thứ 3 và thứ 4 đi theo hai hướng khác nhau, học thuật hoặc thực tế, không có ý nghĩa cao thấp với nhau). Từ loại thứ 3 trở lên, nếu nghiêm túc, thì việc trích dẫn quy định chỉ là để người đọc nhìn thấy ngay quy định khỏi phải tra cứu lại và để phục vụ cái ý kiến, kiến thức mà tác giả muốn nói. Đó phải là các quy trực tiếp, liên quan nhất tới nội dung đề cập, không được có quy định không liên quan hay không có tác dụng. Như vậy dung lượng của các quy định pháp luật phải ÍT HƠN phần ý kiến, kiến thức, trình bày mà do tác giả VIẾT ra. Nói dễ hiểu là phần quy định chỉ là phụ, là công cụ để phục vụ cái ý kiến, kiến thức của tác giả, thì khi đó cuốn sách mới được coi là chứa nhiều chất xám của tác giả.

Thực tế thì cho thấy có những cuốn sách mới dừng lại ở loại thứ 2. Còn nếu chỉ dừng lại ở loại thứ 2 thì theo mình, mới chỉ dừng lại ở “công sức”, chứ chưa thể gọi là “kiến thức”, “kinh nghiệm” của tác giả. Tất nhiên chúng ta vẫn công nhận, trân trọng công sức đó của tác giả. Và những cuốn sách này vẫn có tác dụng làm công cụ đọc, tra cứu nhanh và tiện dụng, khỏi phải tìm kiếm, xem nhiều văn bản khác nhau khi tìm hiểu một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, loại sách ở dạng 2, theo ý kiến của mình, cần mang tiêu đề “Tổng hợp quy định pháp luật” hoặc “quy định pháp luật về ….” thì đúng bản chất hơn. Điều này để độc giả hiểu đúng về bản chất, nội dung sách hơn trước khi mua, nhất là trong điều kiện mua bán qua mạng trong thời đại ngày nay. Có điều tiêu đề do tác giả đặt chứ không phải độc giả.

2. Cái riêng

Và cũng trong bài viết trước ban đầu mình có nêu một ví dụ minh họa cho tình trạng chung về một cuốn sách mình mới mua nóng. Mình không nêu tên sách, tên tác giả, hay hình ảnh của sách. Mình chỉ nêu về lĩnh vực sách đề cập. Thực ra sách của ảnh chỉ là nằm trong tình trạng chung thôi. Mình nêu ví dụ đó vì mình mới mua xong nên còn nhớ. Tính mình hay quên.

Nhưng ảnh lại nhanh chóng công khai nhận mình là tác giả của ví dụ mình nêu. Mình không nghĩ là ảnh nhận mình là tác giả của cuốn sách trong ví dụ của mình nhanh chóng công khai như vậy. Nhiều bạn trên diễn đàn cũng nói rằng nếu không có tác giả nói thì các bạn cũng không biết cuốn sách nào. Ban đầu ảnh còn cảm ơn ý kiến của mình và sẽ tiếp thu…nhưng khi màn đêm buông xuống ảnh suy nghĩ sao lại nhắn tin trách, yêu cầu này nọ mình. Ngay khi tiếp nhận ý kiến của ảnh, với tinh thần cầu thị, thiện chí và trung thực, mình đã gõ bỏ ví dụ ra khỏi bài viết của mình. Mình còn kêu ảnh nên bình tĩnh, gỡ bỏ việc nhận tác giả của ảnh, vì sợ ảnh hưởng không tốt tới ảnh. Nếu được vậy, mọi việc sẽ lắng xuống và lại yên bình như chưa có gì.

Thực ra việc này lỗi đầu tiên phải là của mình. Vì mình biết cuốn sách của ảnh qua fb bạn bè, lại thấy được tiêu đề cuốn sách đúng ngay lĩnh vực mà mấy năm gần đây mình đang làm, thế là qua fb mình đặt ảnh luôn chứ không xem qua nội dung sách. Cuốn sách viết về đề tài Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại. Phải nói rằng pháp lý về dự án bất động sản là lĩnh vực phức tạp. Nó nằm ở trong nhiều văn bản khác nhau và gồm nhiều bước nhiều công việc khác nhau. Để tổng hợp được quy trình hay hiểu rõ các thủ tục của dự án bất động sản thì chỉ có những người đã làm qua hoặc quan tâm, tìm hiểu sâu trong lĩnh vực này mới biết được. Ngay cả luật sư mà không làm mảng dự án này thì cũng không thể biết được hoặc chỉ biết chút ít, đứt đoạt. Nói chi xa, bản thân mình những năm gần đây khi làm cho các công ty bất động sản mới biết được ít nhiều về nó, chứ những năm đầu ra trường có hỏi cũng đâu biết gì. Ngay cả các cơ quan quản lý của nhà nước còn đang lúng túng, tranh cãi xung quanh cái gọi là quy trình này. Năm trước mình và quản lý của một doanh nghiệp đã phải đi tới đi lui, trao đổi qua lại cả tháng trời với một tỉnh nọ vì họ chưa có quy trình pháp lý cho dự án nhà ở thương mại trên đất hỗn hợp. Cuối cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh phải triệu tập lãnh đạo tất cả sở ban ngành liên quan có sự tham dự của doanh nghiệp để nghe ý kiến các sở và để bên mình trình bày quy trình pháp lý của các tỉnh khác mà doanh nghiệp đã làm làm tham khảo. Cuối cùng mới ra quy trình, doanh nghiệp mới nộp hồ sơ vô được.

Luật Kiến Việt
(Nói tới đây cho mình PR chút, trước đây mình đi làm pháp lý cho các công ty. Nay cùng với vợ mới mở công ty luật tại Tp HCM. Mình cũng đang tuyển sinh viên luật làm thực tập sinh ạ. Ai có nhu cầu thì cứ ới mình nhé.)

Cho nên khi nhìn thấy tiêu đề cuốn sách, thì mình đã kỳ vọng lớn vào cuốn sách. Mình nghĩ rằng sẽ tìm thấy được những phân tích, kinh nghiệm hay nào đó từ một chuyên gia hay đồng nghiệp đang trực tiếp làm mảng này. Hơn nữa mình chưa tìm được cuốn sách nào viết về lĩnh vực này (hay do mình chưa biết, các bạn có thể giới thiệu?). Nên nay ra đời một cuốn sách trực tiếp về mảng này chả lẽ lại bỏ qua cơ hội (tức mình đang nghĩ tới loại thứ 4). Kỳ vọng bao nhiêu, háo hức bao nhiêu. Nhưng khi đọc đặt cuốn sách xuống thì lòng thất vọng bao nhiêu.

Đến nay ảnh đã đăng công khai hình hai cuốn sách ảnh viết. Do đó với mong muốn ảnh có thể hoàn thiện và nâng cao chất lượng của sách hơn, mình xin phép góp ý cho ảnh những ý kiến sau và phân tích một chút cho mọi người hiểu vì sao mình lại chê trách sách của ảnh như vậy. Tuy nhiên mình cũng sẽ không chụp hình nội dung trong cuốn sách để minh họa.

Thứ nhất, tác giả khi dẫn quy định vào sách nên có chọn lọc. Ví dụ về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, tác giả trích dẫn nguyên điều 30, 31, 32 của Luật Đầu tư, bao gồm cả những dự án điện hạt nhân, cảng hàng không, sân bay, chế biến dầu khí…không phải là dự án nhà ở là điều không cần thiết. Trong khi về thẩm quyền chỉ cần trích dẫn hoặc nêu những dự án nhà ở quy mô nào thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng chính phủ, dự án nhà ở quy mô nào thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Hay phần chuyển mục đích sử dụng đất, tác giả cũng trích nguyên Khoản 1 Điều 57 luật Đất đai. Trong đó bao gồm cả các trường hợp chuyển đổi mục đích không liên quan tới đất để xây nhà ở như từ đất lúa sang cây lâu năm, đất rừng, nuôi trồng thủy sản…Trong khi tác giả chỉ cần nêu quy định về loại đất nào có thể chuyển sang làm nhà ở. Đồng thời có thể nêu trên thực tế chủ đầu tư hay phải chuyển loại đất gì? vấn đề này hiện nay chủ đầu tư và cơ quan nhà nước đang bị vướng gì? (ví dụ đất kênh rạch xen kẽ trong khu đất)…

Thứ hai, quy trình pháp lý của sách còn có chỗ chưa chính xác hoặc không đầy đủ, rõ ràng. Ví dụ theo trật tự mà sách trình bày, thì bước lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (mục 6) sau bước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (mục 4) và bước công nhận chủ đầu tư (mục 5). Như vậy là chưa chính xác. Đối với dự án, bước 1/500 phải có trước thì mới làm được bước chuyển mục đích và công nhận chủ đầu tư. Vì phải có quy hoạch chi tiết của dự án, khu đất thì mới chuyển mục đích đất ở, đất giao thông, đất dịch vụ…diện tích bao nhiêu và theo vị trí nào. Hoặc đối với dự án có nguồn gốc từ bán đấu giá, thì khi phê duyệt việc bán đấu giá, dự án/khu đất đã có quy hoạch 1/500 rồi. Sau khi trúng đấu giá và chủ đầu tư nộp đủ tiền, cơ quan nhà nước mới tiến hành giao đất, cho thuê đất. Hoặc đối với dự án do chủ đầu tư nhận chuyển nhượng đất, bước công nhận chủ đầu tư (mục 5) và bước chấp thuận đầu tư (mục 8) trước tới nay thường cơ quan nhà nước gộp chung hoặc cấp liền kề nhau. Vì sau khi có chấp thuận chủ trương và nhà đầu tư đã chuyển mục đích sử dụng đất (đã là đất ở), thì việc công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư chỉ còn là hình thức cho đủ thủ tục.

Hoặc sách cũng còn bỏ qua, chưa đề cập tới một số bước, thủ tục như đấu nối hạ tầng, PCCC, thẩm định dự án và giá cho nhà ở xã hội, duyệt danh sách người đủ điều kiện mua NOXH…

Thứ ba, tác giả chưa cập nhập quy định mới. Ví dụ ngày 05/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 05/11/2020 về tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo đó Bước chấp thuận đầu tư đã được bỏ để giảm bớt thủ tục cho chủ đầu tư. Trong khi đó cuốn sách quyết định xuất bản ngày 29/12/2020 và tác giả vẫn để thủ tục này và nói rằng “chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư trình UBND tỉnh….”.

Thứ tư, ngoài trích dẫn quy định tác giả chưa đưa được ý kiến, phân tích hoặc kết luận của tác giả hoặc của cơ quan quản lý đối với quy định. Ví dụ ở phần cấp giấy phép xây dựng, thay vì chỉ trích dẫn nguyên các điều khoản của Luật Xây dựng cũ và Luật sửa đổi, thì tác giả nên cho người đọc biết hiện nay dự án nhà ở có còn phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không? loại nào vẫn còn phải xin cấp giấy phép, loại nào được miễn giấy phép xây dựng theo quy định mới (chung cư, biệt thự, nhà liền kề, nhà riêng lẻ…?)

Thứ năm, ngoài việc trích dẫn quy định thì tác giả cũng nên ít nhiều nêu kiến thức, kinh nghiệm thực tế thực hiện quy trình, thủ tục dự án như thế nào? Ví dụ đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư thay vì chỉ trích dẫn Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì nếu tác giả đã làm qua thì cũng nên nêu một chút về hồ sơ thực tế hiện nay như thế nào cho những người đang tìm hiểu biết chút ít. Bởi một người chưa từng làm qua hồ sơ này chỉ đọc quy định tại Điều 33 khi được giao làm thực tế chắc chắn sẽ không biết soạn hồ sơ gồm những gì và soạn như thế nào. Này nhé:

Chỉ riêng đối với “Tài liệu chứng minh năng lực tài chính” đã có hàng loạt vấn đề được đặt ra: của nhà đầu tư đối với công ty mới thành lập là giấy tờ gì, đối với công ty hoạt động 1 năm hoặc nhiều năm thì là tài liệu gì? Chứng minh năng lực của vốn chủ sở hữu thôi hay sao? Còn đối với vốn vay và vốn huy động từ khách hàng sẽ chứng minh bằng cái gì? Phải chuẩn bị công việc gì để có tài liệu chứng minh này kèm trong hồ sơ…?

Tài liệu về quyền sử dụng đất thì gồm những giấy gì? Ví dụ nhà đầu tư nhận chuyển nhượng QDDĐ của cá nhân thì đó là giấy tờ gì? Ngoài giấy CNQSDĐ thì có cần bản vẽ (hiện trạng, vị trí) gì hay không? khu đất đang mang tên của cá nhân, lấy gì chứng minh công ty BĐS có quyền sử dụng đất, khu đất có cần phải sang tên qua công ty luôn hay chưa? Nếu là loại đất công ty không thể nhận chuyển nhượng (như đất lúa, đất rừng) thì nộp giấy tờ gì để chứng minh công ty có quyền sử dụng…

Rồi Điều 35, 36 Luật Đầu tư chỉ quy định chung về quy trình cơ quan nhà nước giải quyết. Nhưng cơ quan đăng ký đầu tư (cơ quan nào?) sẽ lấy ý kiến những cơ quan nào? Nắm được điều này cũng là điều cần thiết vì chỉ cần một cơ quan nào đó ý kiến bất lợi cho dự án của bạn thì cơ quan đăng ký đầu tư liệu có dám chấp thuận? biết để mà bạn còn đi xử lý đúng không?

Rồi cái đề xuất dự án đầu tư đối với dự án nhà ở phải viết như thế nào? Cái đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo Luật Đầu tư 2020 yêu cầu phải có ở khâu chấp thuận chủ trương phải có là thuê đơn vị tư vấn đánh giá luôn hay không, là văn bản độc lập hay là 1 nội dung trong Đề xuất đầu tư…?

Chỉ một số câu hỏi được đặt ra thôi đã thấy mệt rồi đúng không? nhưng đó là những vấn đề mà người làm pháp lý dự án phải giải quyết, trong điều kiện quy định thì chỉ chung chung và còn thiếu nhiều, mà cơ quan nhà nước buộc hồ sơ nộp nộp vào phải có và đó là điều hợp lý, cần thiết.

Thứ sáu, một số thủ tục sách nêu có phải là bước pháp lý hay không hay đó chỉ là công việc, hoạt động nội bộ của chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước. Vì nếu định nghĩa quy trình pháp lý dự án là những bước, thủ tục chủ đầu tư phải làm ở cơ quan nhà nước, là giấy phép của dự án thì một số công việc mà sách nêu như lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, ký kết hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng tư vấn giám sát…không phải là bước hoặc thủ tục pháp lý. Đó là những việc chủ yếu do chủ đầu tư tự thực hiện cho dự án của mình (nhất là dự án do chủ đầu tư nhận chuyển nhượng QSDĐ).

Thứ bảy, sách chưa có sự tổng hợp, khái quát hoặc phân chia quy trình cho từng hình thức thực hiện của dự án (đấu thầu, đấu giá, chấp thuận nhà đầu tư). Do đó độc giả sau khi đọc xong hơn 500 trang về quy định, độc giả sẽ quay cuồng và còn mơ hồ, không hiểu quy trình pháp lý của dự án theo hình thức đấu thầu như thế nào, dự án theo hình thức đấu giá ra sao, theo hình thức chấp thuận nhà đầu tư gồm những bước nào? Ngoài ra sách cũng không có bất cứ mẫu biểu, tài liệu thực tế nào để cho độc giả tham khảo, hiểu thêm.

Ngoài ra khi đề cập tới pháp lý dự án thì còn đó rất nhiều, hàng trăm vấn đề cần được đặt ra hoặc phải lưu ý mà ảnh có thể khai thác: các bất cập của quy định hiện nay; giấy phép xây dựng cấp riêng cho phần hạ tầng và phần nhà ở hay cấp chung; nghiệm thu xây dựng có cần cơ quan nhà nước xác nhận hay không; dự án nào thuộc UBND cấp huyện phê duyệt 1/500, dự án nào do UBND tỉnh phê duyệt;…

Những vấn đề này thực sự mới là những điều cần thiết khi đề cập tới quy trình dự án nhà ở chứ không phải những quy định pháp luật trong văn bản. Vì chỉ cần sinh viên luật thì cũng đủ khả năng tìm kiếm văn bản, quy định về một vấn đề nào đó. Còn người đi làm thì càng biết cách tra cứu hơn. Mình có biết rất nhiều người không phải là dân luật nhưng đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc pháp lý dự án ở các tập đoàn, công ty bất động sản. Không phải là dân luật nhưng họ rất giỏi làm pháp lý và nắm được pháp lý, quy trình dựa vào thực tiễn. Họ có tư duy rất tốt mà mình còn phải học hỏi.

3. Kết

Trên đây chỉ là một số ý kiến đóng góp với tác giả cuốn sách, cũng như mong muốn với các tác giả khác là dân luật khác. Có bạn ý kiến rằng những người chưa từng viết sách nhưng lại chỉ giỏi phê phán. Đúng là mình chưa từng viết sách. Vì trước giờ mình vẫn mặc định rằng sách là một sản phẩm trí tuệ bằng con đường chính thống. Những người có thể viết sách chắc hẳn phải là chuyên gia, am hiểu và cần sự đầu tư thời gian và công sức cho cuốn sách. Mình còn phải bận đi làm để kiếm cơm, kiến thức, kinh nghiệm còn non trẻ. Nên mới chỉ viết bài bâng quơ trên mạng, chém gió trên những diễn đàn để lưu ý cho người dân, người mua. Chưa tới thời điểm mình viết sách. Mình muốn nếu đến thời điểm mình viết sách, thì nó phải là ở loại thứ 5. Vậy thôi. Nhưng nếu các bạn vẫn không cải thiện tình trạng sách hiện nay thì sẽ có nhiều độc giả như mình phải thay đổi suy nghĩ, quan niệm về sách và tác giả của sách.

Trân trọng!

Nội dung được chia sẻ bởi tác giả Do Thanh Lam trong Group DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT vào ngày 20/3/2021.

Sách luật chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định? Phần 1:

Trước giờ mình là người cũng hay mua sách luật. Phần vì các em gái bán sách chào mời quá (?), phần vì ủng hộ anh em trong ngành có động lực viết, phần vì muốn có chỗ tra cứu quy định cho nhanh, phần vì hi vọng sẽ đọc được những chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế hay từ những người giỏi đi trước…Nhưng phải nói thật là nhiều sách (nếu không muốn nói là đa số) chỉ dừng lại ở tác dụng tổng hợp các văn bản, quy định, hoặc bản án, biểu mẫu về vấn đề cuốn sách đề cập. Không nhiều cuốn sách có thể chia sẻ kiến thức hay, kinh nghiệm thực tế về các vấn đề của sách đề cập. Trong khi sách luật giờ thấy cuốn nào cũng mấy trăm trang và giá cũng mấy trăm nghìn. Nhưng thực ra trong sách là chép quy định và viết lê thê, dài dòng để kéo dài dung lượng. Thế nên có những cuốn hiện em bỏ nửa dỡ chưa đọc hết.

Theo mình những cuốn sách dạng tổng hợp quy định về một vấn đề thì tiêu đề đúng ra phải là “Tổng hợp các quy định pháp luật về…” thì mới đúng.
Mình thì nghĩ rằng việc viết ra một cuốn sách có ý nghĩa rất lớn với tác giả. Việc cho ra đời một cuốn sách không chỉ mục đích tiền sách mà còn vì qua đó cho mọi người thấy được kiến thức, kinh nghiệm và uy tín, tâm huyết của tác giả. Thế nên phải chăng đã đến lúc các tác giả viết về sách luật hiện nay nên cân nhắc, đầu tư hơn nữa đối với “đứa con tinh thần của mình” và có nhiều cuốn sách viết về kiến thức, kinh nghiệm thực tế hơn là đơn thuần giới thiệu, tổng hợp quy định pháp luật?

Mọi người thấy sao về vấn đề này?

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền