Quyền yêu cầu li hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Luật hôn nhân và gia đình

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu li hôn tại Điều 51. Theo đó, quyền yêu cầu li hôn có thể thuộc về vợ, chồng hoặc thuộc về cha mẹ, người thân thích của một bên vợ hoặc chồng khi có những điều kiện nhất định. Đồng thời, Luật cũng quy định người chồng không có quyền yêu cầu li hôn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, quy định này còn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó có thể dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất. Bài viết tập trung phân tích để làm sáng tỏ các nội dung về quyền yêu cầu li hôn của vợ, chồng, hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng và quyền yêu cầu li hôn của cha mẹ, người thân thích.

 

Li hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu được khi hôn nhân tan vỡ. Trên quan điểm tự do hôn nhân, pháp luật dân sự và pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định quyền li hôn của vợ, chồng. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu toà án giải quyết việc li hôn”.(1)
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu li hôn và quy định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng trong trường hợp nhất định. Ngoài ra, Luật cũng quy định cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng cũng có quyền yêu cầu li hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ. Có thể nhận thấy Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu li hôn có một số điểm mới so với các Luật trước đó. Việc làm sáng tỏ về lí luận và thực tiễn của quy định quyền yêu cầu li hôn là cần thiết.

 

1. Quyền yêu cầu li hôn của vợ, chồng

Kết hôn và li hôn là quyền nhân thân và là quyền dân sự cơ bản của con người. Pháp luật công nhận cho nam, nữ quyền quyết định việc kết hôn để xác lập quan hệ vợ chồng thì cũng quy định cho vợ, chồng quyền yêu cầu li hôn để chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đồng thời, giải quyết li hôn phải dựa vào thực chất của quan hệ vợ chồng mà chính vợ, chồng là người xác định một cách chính xác nhất thực chất mối quan hệ giữa họ. C. Mác đã khẳng định: “Li hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: Cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã chết, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối. Đương nhiên, không phải sự tuỳ tiện của nhà lập pháp, cũng không phải sự tuỳ tiện của những cá nhân, mà chỉ bản chất của sự kiện mới quyết định được là cuộc hôn nhân đã chết hoặc chưa chết, bởi vì, như mọi người đều biết, việc xác nhận sự kiện chết tuỳ thuộc vào thực chất của vấn đề, chứ không phải vào nguyện vọng của những bên hữu quan”.(2) Như vậy, khi vợ, chồng nhận thức một cách rõ ràng về tình trạng quan hệ hôn nhân của họ đã trầm trọng, về việc họ không thể tiếp tục cuộc sống chung thì họ có quyền yêu cầu toà án giải quyết li hôn. Pháp luật không buộc những người yêu nhau phải kết hôn với nhau thì cũng không buộc những người không còn yêu nhau phải tồn tại quan hệ vợ chồng. Do vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cũng như các luật trước đó đều quy định vợ, chồng có quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, nếu quan hệ vợ chồng đã không phản ánh đúng bản chất của nó nhưng vợ chồng vẫn không muốn li hôn thì không ai có quyền buộc họ phải li hôn. Hôn nhân tự nguyện không chỉ thể hiện trong việc kết hôn mà còn thể hiện cả trong việc tồn tại hôn nhân. Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ, chồng nhận thấy cuộc sống chung của họ đã mất ý nghĩa, không những không đem lại hạnh phúc cho mỗi bên mà còn mang lại sự khổ đau nhưng vì con, vì gia đình… mà họ không li hôn. Trong trường hợp này, không ai buộc họ phải li hôn. Vì vậy, quyền yêu cầu li hôn thuộc về vợ, chồng là phù hợp cả về lí luận và thực tế.

 

2. Hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng

Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, từ tính nhân đạo của pháp luật, luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta quy định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng trong một số trường hợp. Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cho đến này, đã có 4 luật về hôn nhân và gia đình được ban hành đó là Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Các luật đều quy định quyền yêu cầu li hôn chỉ thuộc về vợ, chồng. Tuy nhiên, quy định về trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn có sự khác nhau. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: Trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin li hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm.(3)

 

Theo đó, quyền yêu cầu li hôn của người chồng bị hạn chế dựa vào hai yếu tố: 1) Người vợ đang có thai và 2) Người vợ sinh con chưa được một năm. Trong đó yếu tố thứ hai chỉ dựa trên sự kiện sinh của người vợ. Nếu người vợ “có sinh mà không có dưỡng” thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, khi người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu li hôn.(4) Như vậy, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng căn cứ vào hai yếu tố: 1) Người vợ đang có thai và 2) Người vợ đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi. Phân tích yếu tố thứ hai có thể nhận thấy nhà làm luật dường như không chú ý đến sự kiện sinh mà chỉ quan tâm đến việc người vợ đang nuôi con. Như vậy đối với trường hợp “có sinh mà không có dưỡng” thì người chồng vẫn có quyền yêu cầu li hôn. Điều này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Khắc phục khiếm khuyết đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chồng không có quyền yêu cầu li hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.(5) Có thể nhận thấy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã kế thừa quy định của cả ba luật trước đó về vấn đề hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng. Theo đó, việc xác định quyền yêu cầu li hôn của người chồng dựa vào trạng thái có thai, nuôi con và sự kiện sinh con của người vợ.

– Về trạng thái có thai của người vợ:
Việc xác định trạng thái có thai của người vợ dựa trên cơ sở sinh học thông qua quá trình thụ thai và phát triển của trứng để thành thai nhi. Thụ thai là sự thụ tinh và làm tổ của trứng. Thụ tinh là sự kết hợp giữa một giao tử đực là tinh trùng và một giao tử cái là noãn để hình thành một tế bào mới gọi là trứng. Trứng di chuyển vào buồng tử cung để làm tổ. Sau khi làm tổ, trứng phát triển qua hai thời kì. Thời kì thứ nhất bắt đầu từ khi thụ tinh cho đến hết 8 tuần lễ đầu (thời kì sắp xếp tổ chức). Đây là thời kì hình thành bào thai.

Thời kì thứ hai từ tháng thứ 3 đến khi đủ tháng (thời kì hoàn chỉnh tổ chức). Đây là thời kì phát triển của thai. Thai nhi đã được hình thành đầy đủ các bộ phận và tiếp tục lớn lên, phát triển và hoàn chỉnh các tổ chức của thai.(6)

Như vậy, có thể nói người vợ có thai được tính từ khi trứng hoàn thành quá trình làm tổ trong buồng tử cung cho đến khi thai nhi được sinh ra. Hiện nay, do sự phát triển vượt bậc của y học nên con người đã can thiệp vào quá trình thụ tinh. Sự thụ tinh có thể diễn ra trong cơ thể người phụ nữ hoặc có thể diễn ra trong phòng thí nghiệm (gọi là thụ tinh trong ống nghiệm). Tuy nhiên, quá trình phát triển của trứng để thành thai nhi nhất định phải diễn ra trong cơ thể người phụ nữ. Do vậy, đối với các trường hợp thông thường, người vợ có khả năng mang thai thì dù sự thụ tinh diễn ra trong cơ thể của họ hay trong ống nghiệm rồi được cấy vào tử cung của họ
(thành công) thì họ đều được xác định là đang có thai. Khi đó, việc xác định chồng của họ không có quyền yêu cầu li hôn là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng đối với những trường hợp vì lí do nào đó mà người vợ không thể mang thai nên đã nhờ người khác mang thai hộ (vì mục đích nhân đạo) thì việc xác định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng của cả bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ còn có những ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, tác giả có một số ý kiến như sau:

– Đối với bên mang thai hộ: Nếu người vợ đang mang thai hộ thì chồng của họ không có quyền yêu cầu li hôn. Bởi vì, về mặt sinh học rõ ràng người vợ đang mang thai.

– Đối với bên nhờ mang thai hộ: Có ý kiến cho rằng người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn ngay cả trong thời gian nhờ mang thai hộ.(7) Tuy nhiên, xét về mặt sinh học của việc mang thai, có thể nhận thấy người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn. Bởi lẽ, trong trường hợp này người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không “có thai” mà là người phụ nữ mang thai hộ “có thai”.

– Về việc người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi:
Việc xác định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng dựa trên sự thực là người vợ đang chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng. Người con này có thể là con đẻ, có thể là con nuôi (của người vợ hoặc của cả hai vợ chồng). Trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, pháp luật quy định người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.(8) Do vậy, nếu người vợ mang thai hộ sau khi sinh mà đang chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ thì cũng được coi là người vợ đang nuôi con và người chồng không có quyền yêu cầu li hôn.(9)

– Về việc người vợ sinh con:
Sinh con được diễn ra trong quá trình gọi là chuyển dạ, bắt đầu khi tử cung mở, tiếp theo là sổ thai và cuối cùng là sổ rau. Về hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng khi vợ sinh con còn có ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng người chồng không có quyền yêu cầu li hôn trong thời gian vợ sinh con, có nghĩa là người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn chỉ trong thời gian diễn ra quá trình sinh con. Ý kiến này dựa trên sự phân tích câu chữ trong điều luật cho rằng: Cụm từ “dưới 12 tháng tuổi” không bổ nghĩa cho cụm từ “sinh con” mà chỉ bổ nghĩa cho cụm từ “nuôi con”.(10) Ý kiến thứ hai cho rằng người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn khi vợ sinh con mà tính từ thời điểm sinh là chưa được 12 tháng. Tức là người chồng chỉ có quyền yêu cầu li hôn sau khi vợ sinh con được 12 tháng.

Căn cứ vào bản chất, ý nghĩa của quy định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng, cũng như phân tích câu chữ trong điều luật có thể nhận thấy rằng ý kiến thứ hai là phù hợp. Xét trên khía cạnh bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nếu người chồng chỉ bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn trong quá trình sinh con là không hợp lí. Quá trình sinh con chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian. Theo y học thì quá trình này diễn ra trong thời gian tối đa là khoảng 10 giờ.(11) Nếu pháp luật hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng chỉ trong thời gian đó thì không có ý nghĩa trong việc bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Sự kiện sinh con của người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ. Vì vậy, hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng phải được kéo dài trong khoảng thời gian sau khi vợ sinh con. Hơn nữa, quy định này nhằm hạn chế quyền li hôn của người chồng cả trong trường hợp người vợ sinh con mà không được nuôi con (do con chết, do mang thai hộ…). Xét về mặt câu chữ của điều luật thì giữa cụm từ “sinh con” và “nuôi con” có từ “hoặc”, do đó cụm từ “dưới 12 tháng tuổi” bổ nghĩa cho cả cụm từ “sinh con” và “nuôi con”. Như vậy, sự kiện sinh con của người vợ được coi là một trường hợp hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng nhưng không chỉ vào thời điểm người vợ sinh con mà kéo dài cho đến khi được 12 tháng.

 

3. Quyền yêu cầu li hôn của cha mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, quyền nhân thân luôn gắn với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Do vậy, về nguyên tắc, quyền yêu cầu li hôn chỉ thuộc về vợ, chồng. Lịch sử lập pháp của Việt Nam chỉ ghi nhận quyền yêu cầu li hôn của vợ, chồng. Pháp luật thời kì Pháp thuộc quy định chỉ có vợ, chồng mới có thể người nọ xin li dị người kia hoặc vợ, chồng cùng xin li dị nhau.(12) Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời (nay là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cho đến trước khi ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cả ba luật về hôn nhân và gia đình (ban hành năm 1959, năm 1986 và năm 2000) đều chỉ quy định quyền yêu cầu li hôn thuộc về vợ, chồng.(13)

Tuy nhiên, nếu chỉ công nhận cho vợ, chồng có quyền yêu cầu li hôn thì sẽ không giải quyết được những trường hợp đặc biệt khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình lại bị ngược đãi, hành hạ… Thực tế đã có không ít trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, bên kia không những không quan tâm, chăm sóc theo đúng nghĩa vụ mà còn hành hạ, ngược đãi hoặc có các hành vi khác đe dọa đến sức khoẻ, tính mạng của họ… Đối với trường hợp này, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng có quyền yêu cầu toà án giải quyết li hôn.(14) Đây là quy định có tính ngoại lệ về quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì cha, mẹ, người thân thích đều có quyền yêu cầu li hôn. Chỉ những trường hợp người vợ hoặc chồng đó đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng mới có quyền yêu cầu li hôn. Như vậy, có thể nhận thấy rằng cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng có quyền yêu cầu toà án giải quyết li hôn khi có đủ ba yếu tố: Một là một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; hai là bên vợ hoặc chồng đó là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra; ba là tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng không có quyền yêu cầu li hôn.

 

Có thể thấy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng có quyền yêu cầu li hôn trong trường hợp đặc biệt là xuất phát từ tính nhân đạo và phù hợp với thực tế. Mặc dù vậy, việc áp dụng quy định này trên thực tế có một số khó khăn, vướng mắc sau:

 

Thứ nhất, khó khăn trong việc cung cấp chứng cứ
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, người khởi kiện phải cung cấp chứng cứ.(15) Như vậy, khi cha, mẹ, người thân thích yêu cầu li hôn thì họ phải đưa ra các chứng cứ sau: 1) Người vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; 2) Bên vợ hoặc chồng đó là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra; 3) Hành vi bạo lực đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ.

 

Về chứng cứ thứ nhất, người khởi kiện phải cung cấp kết luận giám định pháp y tâm thần của hội đồng giám định được thành lập theo quy định của Luật giám định tư pháp. Người khởi kiện không thể cung cấp sổ khám, chữa bệnh hay bệnh án của bên vợ hoặc chồng để làm chứng cứ chứng minh rằng người này bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Bởi vì, “kết luận trong giám định pháp y tâm thần không hoàn toàn giống kết luận chẩn đoán bệnh của bệnh viện tâm thần. Kết luận của bệnh viện tâm thần chỉ phục vụ việc chữa bệnh không bao gồm việc đánh giá năng lực chịu trách nhiệm hành vi của đối tượng”.(16) Việc đánh giá năng lực chịu trách nhiệm hành vi của người bệnh tâm thần phải dựa vào 2 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn y học và tiêu chẩn pháp luật. Tiêu chuẩn y học là kết luận chẩn đoán bệnh. Tiêu chuẩn pháp luật là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.(17) Do đó, khi đã có kết luận chuẩn đoán bệnh thì phải đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, mức độ nhận thức và làm chủ hành vi. Vì vậy, người khởi kiện phải cung cấp kết luận giám định pháp y tâm thần để chứng minh họ có quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, để có được kết luận này, cơ quan giám định phải tuân theo quy trình kĩ thuật chung về giám định pháp y tâm thần và theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012. Do đó, người khởi kiện phải mất thời gian (đi lại, chờ đợi), công sức, tiền bạc để có được bản kết luận. Đây thực sự là khó khăn đối với người khởi kiện.

 

Về chứng cứ thứ hai, bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra. Có nghĩa là phải có hành vi bạo lực gia đình mà nạn nhân là người vợ hoặc chồng bị tâm thần và người có hành vi bạo lực gia đình là chồng hoặc vợ họ. Việc đưa ra căn cứ để chứng minh có thể bằng nhân chứng hoặc các văn bản xác nhận có hành vi bạo lực gia đình (như biên bản xử lí hành chính đối với người có hành vi bạo lực…).
Về chứng cứ thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bạo lực gia đình của một bên vợ hoặc chồng với tình trạng tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về tình trạng tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì thiết nghĩ phải dựa trên kết luận về giám định pháp y thương tích. Các giám định viên phải kết luận rằng những thương tích của nạn nhân là kết quả của hành vi bạo lực (do chồng hoặc vợ họ) gây ra và vì những thương tích đó mà tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Như vậy, có thể nhận thấy cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng yêu cầu li hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp chứng cứ. Do đó, việc thực hiện quyền này trên thực tế còn rất nhiều trở ngại.

 

Thứ hai, thiếu sự tương thích với một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền khởi kiện

Theo Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác (với tư cách là người đại diện).(18) Trong trường hợp này, cha, mẹ, người thân thích khác khởi kiện vụ án li hôn không phải để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ mà là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một bên vợ hoặc chồng. Cha, mẹ, người thân thích khác cũng không phải là người đại diện của một bên vợ hoặc chồng. Bởi vì, nếu một bên vợ hoặc chồng cần được đại diện thì bên kia là chồng hoặc vợ họ đại diện cho họ (với tư cách là người giám hộ). Hơn nữa, người khởi kiện không nhất thiết phải là cha, mẹ, người thân thích khác của bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Đồng thời, theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ hoặc chồng không thuộc trường hợp có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.(19) Như vậy, quy định này thiếu sự tương thích với Điều 161 và Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004./.

 

(1).Xem: Điều 42 Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(2).Xem: C. Mác, “Bản dự luật về li hôn”, C. Mác – Ph. Ăngghen toàn tập, Tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 220.
(3).Xem: Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và Điều 41 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.
(4).Xem: Khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
(5).Xem: Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(6).Xem: Bài giảng về sự thụ thai, làm tổ và phát triển của trứng, nguồn: http://www.dieutri.vn/bgsan phukhoa/ 31-10-2012/S2923/Bai-giang-su-thu-thai-lam-to-va- phat-trien-cua-trung.htm, truy cập ngày 15/11/2015.
(7).Xem: Nguyễn Thị Lan, “Mang thai hộ và những vấn đề phát sinh”, Tạp chí luật học, số 4/2015, tr. 20.
(8).Xem: Khoản 1 Điều 97 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(9). Về trường hợp này còn có thể áp dụng quy định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng khi vợ sinh con.
(10).Xem: Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(11).Xem: Bài giảng các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ, nguồn: http://www.dieutri.vn/bgsanphukhoa/1-11-2012/ S2947/Bai-giang-cac-yeu-to-tien-luong-cuoc-de.htm, truy cập ngày 15/11/2015.
(12).Xem: Điều 116 Hoàng Việt hộ luật, Nxb. Hồng Đức, 2015; Điều 117 Bộ dân luật Bắc kỳ năm 1931.
(13).Xem: Điều 25 và Điều 26 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959; Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986; khoản 1 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
(14).Xem: Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(15).Xem: Khoản 1 Điều 6 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
(16).Xem: Cục bổ trợ tư pháp, Viện pháp y quốc gia – Viện pháp y tâm thần trung ương, “Một số vấn đề pháp
lí và kĩ năng thực hiện giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2013, tr. 190.
(17).Xem: Cục bổ trợ tư pháp, Viện pháp y quốc gia – Viện pháp y tâm thần trung ương, sđd, tr. 192
(18).Xem: Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
(19).Xem: Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

 

Ngô Thị Hương – Tạp chí Luật học số 12/2015

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.