Hậu quả về quan hệ tài sản của vợ chồng khi chia tài sản chung

Chuyên mụcLuật hôn nhân và gia đình, Thảo luận pháp luật Luật Hôn nhân và gia đình

Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, quan hệ tài sản của vợ chồng có những thay đổi nhất định liên quan đến hình thức sở hữu một số loại tài sản. Các nguyên tắc xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng tại các điều 33, 43 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 (LHNGĐ 2014) cũng mất hiệu lực một phần. Riêng chế độ tài sản của vợ chồng không thay đổi, trước hay sau khi chia tài sản chung thì chế độ tài sản của vợ chồng luôn là chế độ tài sản theo luật định.

1. Quy định hiện hành

1.1. Chế độ tài sản giữa vợ và chồng

Cần khẳng định, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không làm thay đổi chế độ tài sản giữa vợ và chồng. Dù vợ, chồng tiến hành chia toàn bộ tài sản chung thì chế độ tài sản của vợ, chồng vẫn là chế độ tài sản theo luật định. Việc chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại chỉ thay đổi hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với những tài sản nhất định. Những tài sản còn lại không nằm trong thỏa thuận vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Khối tài sản chung của vợ chồng mang tính chất mở, chừng nào hôn nhân còn tồn tại thì khối tài sản đó còn tiếp tục phát sinh và thay đổi. Do đó, ngay cả trong trường hợp vợ chồng phân chia toàn bộ tài sản chung thì cũng không làm thay đổi chế độ tài sản trong tương lai. Nội dung này cũng được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP: “Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định”.

1.2. Hình thức sở hữu tài sản

Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 xác định hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là “… phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”. Điều luật này được hướng dẫn rõ hơn tại văn bản quy định chi tiết, theo đó, khoản 2 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP liệt kê những tài sản sau sẽ trở thành tài sản riêng của vợ chồng do hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm: phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng. So sánh với pháp luật giai đoạn trước, phạm vi tài sản bị tác động bởi sự kiện chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại đã có một số thay đổi đáng kể. Cụ thể, Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định: Sau khi chia tài sản chung, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản được chia và thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng [1].

Điểm giống nhau giữa các văn bản pháp luật kể trên là đều công nhận phần tài sản được chia [2] và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng. Việc thay đổi hình thức sở hữu của những tài sản được chia (từ sở hữu chung hợp nhất trở thành sở hữu riêng) là đương nhiên, vì đây là những tài sản chịu tác động trực tiếp nhất và minh thị nhất từ việc phân chia tài sản chung. Trong đa số trường hợp, hệ quả này là mục đích quan trọng mà các bên hướng đến khi tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Nếu phần tài sản được chia phát sinh hoa lợi, lợi tức thì những hoa lợi, lợi tức này cũng thuộc về tài sản riêng của một bên. Rõ ràng, những quy tắc chung về thành phần cấu tạo nên khối tài sản chung và khối tài sản riêng của vợ, chồng đã có sự thay đổi. Sự kiện phân chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại làm cho một bộ phận tài sản đáng lẽ sẽ là tài sản chung [3] nay lại trở thành tài sản riêng. Cũng cần lưu ý là hệ quả này chỉ áp dụng cho hoa lợi, lợi tức phát sinh sau khi đã chia tài sản chung, những hoa lợi, lợi tức có trước đó vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất mà không bị lấy ra khỏi tài sản chung và nhập vào tài sản riêng.

Pháp luật hiện hành loại bỏ “thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác” ra khỏi những tài sản sẽ trở thành tài sản riêng do việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo quan điểm của tác giả, sự thay đổi này là hợp lý. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác là nhóm tài sản chủ yếu tạo dựng nên khối tài sản chung của vợ chồng, thực tế nhiều cặp vợ chồng cũng chỉ sở hữu nguồn tài sản này trong thời kỳ hôn nhân. Nghĩa là, trong một chừng mực nào đó, hệ quả này sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong mối quan hệ tài sản giữa vợ, chồng mà dễ nhận thấy nhất là sự ràng buộc vợ, chồng về tài sản càng trở nên suy yếu. Điều này cũng đồng thời tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến đời sống vật chất của gia đình khi mà có thể vợ, chồng phải tính toán phần đóng góp của mình vào việc duy trì gia đình sao cho không thua thiệt với bên còn lại.

Về mặt lý luận, hệ quả này tạo ra sự bất hợp lý do việc phân chia một bộ phận tài sản lại gây tác động đến những tài sản không liên quan khác. Trừ trường hợp vợ, chồng ghi nhận cụ thể trong thỏa thuận, không có mối liên hệ nào giữa “thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác” với những tài sản được phân chia [4]. Việc mặc nhiên xác định thu nhập hợp pháp phát sinh sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng là chưa thật sự phù hợp với quy định về căn cứ xác định tài sản chung được thể hiện tại khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật Hôn nhân và gia đình 2000): “Tài sản chung của vợ, chồng gồm thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Hậu quả pháp lý khi phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ nên tác động đến những tài sản mà vợ, chồng thỏa thuận phân chia và tài sản khác có liên quan. Đối với những tài sản còn lại cần được áp dụng các căn cứ xác định tài sản chung và tài sản riêng một cách thống nhất. Hơn nữa, nếu vợ, chồng chỉ tiến hành phân chia một phần tài sản chung, theo logic thông thường, họ sẽ không nghĩ và cũng không mong muốn toàn bộ thu nhập làm ra sau này đều là tài sản riêng. Có quan điểm nhận định rằng: “Sẽ có nhiều người thật sự bất ngờ nếu biết rằng sau khi chia tài sản chung để trả một món nợ riêng thì tiền lương, thu nhập do lao động của mình không còn là tài sản chung nữa mà là tài sản riêng do quy định của pháp luật”[5]. Để tránh điều này, vợ, chồng buộc phải ghi nhận thêm trong văn bản thỏa thuận nội dung ngược lại.

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc pháp luật hiện hành không đưa nhóm tài sản “thu nhập do hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác” vào khối tài sản riêng của một bên sau khi chia tài sản chung là hợp lý. Hơn nữa, văn bản hướng dẫn còn quy định minh thị: “Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng”[6]. Rõ ràng đã có sự thay đổi tư duy pháp lý, lúc này thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn thuộc sở hữu chung hợp nhất, bất kể có nguồn gốc từ tài sản riêng hay tài sản chung. Sự kiện phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoàn toàn không ảnh hưởng đến hình thức sở hữu của nhóm tài sản này. Quy định trên cũng phù hợp với nguyên tắc suy đoán pháp lý: tài sản không chứng minh được là tài sản riêng của một bên thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Điểm tiến bộ trong pháp luật hiện hành còn nằm ở việc bổ sung sự điều chỉnh đối với nhóm tài sản dường như bị “bỏ quên” khi xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình 2000, đó là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng (những tài sản thuộc sở hữu riêng không phải do việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân). Việc bổ sung thêm nhóm tài sản này giúp các bên quản lý và xác định tài sản chung – riêng dễ dàng hơn. Mục đích của việc chia tài sản chung là tạo sự độc lập nhất định về tài chính, vì vậy thừa nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng cũng là tài sản riêng sẽ phù hợp với mong muốn của các bên. Hơn nữa, suy cho cùng, tài sản gốc làm phát sinh hoa lợi, lợi tức vốn là tài sản riêng, nếu không có sự kiện kết hôn thì những hoa lợi, lợi tức này sẽ thuộc sở hữu riêng. Dễ nhận thấy, sau khi chia tài sản chung, tính chất “riêng” của các tài sản riêng trở nên “triệt để” hơn khi mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng lại trở về thuộc sở hữu riêng.

Pháp luật hiện hành ghi nhận khả năng vợ chồng có thỏa thuận khác về hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả phân chia tài sản chung không nên được hiểu theo hướng mở rộng để vợ chồng có thể “thỏa thuận khác” đối với mọi loại tài sản [7] mà chỉ nên giới hạn trong phạm vi “tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác”. Nói cách khác, “thỏa thuận khác” của vợ chồng sẽ mang tính chất một chiều là giảm bớt khối lượng tài sản chuyển từ sở hữu chung hợp nhất sang sở hữu riêng mà không có chiều ngược lại.

1.3. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba

Khoản 2 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khẳng định: “Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.” Điều này có nghĩa là, trước khi thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có quyền tài sản, nghĩa vụ tài sản như thế nào với chủ thể thứ ba khác thì sau việc phân chia, những quyền và nghĩa vụ đó vẫn giữ nguyên không thay đổi. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, giá trị pháp lý của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của quyền, nghĩa vụ tài sản giữa vợ, chồng với bên thứ ba đã phát sinh trước thời điểm thỏa thuận phân chia có hiệu lực[8].

Khi giao dịch tài sản với vợ, chồng, bên thứ ba không có nghĩa vụ phải dự đoán vợ chồng sẽ tiến hành phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến những thay đổi về khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ tài sản. Pháp luật một mặt đảm bảo vợ, chồng có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của mình (vợ, chồng không cần sự đồng ý hay giám sát từ bên thứ ba mà mình có nghĩa vụ tài sản để tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân); mặt khác yêu cầu vợ, chồng không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba do việc phân chia tài sản chung. Bởi lẽ, theo nguyên tắc chung, chủ sở hữu tự do thực hiện quyền đối với tài sản trong khuôn khổ pháp luật và không xâm phạm đến lợi ích của chủ thể khác. Khi tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, giá trị tài sản mà mỗi bên vợ, chồng sở hữu đã thay đổi, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba. Trách nhiệm của vợ, chồng khi phân chia tài sản chung là phải đảm bảo khả năng thanh toán cho những người mà mình có nghĩa vụ tài sản.

Như vậy, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã cơ cấu lại thành phần thực tế tài sản chung – riêng của vợ chồng. Cụ thể, khối tài sản riêng của mỗi bên sẽ tăng lên tức thời vì có thêm các tài sản được chia và tiếp tục tăng nhanh hơn nhờ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trước đó và tài sản được chia. Song song đó, khối tài sản chung không chỉ bị giảm đi ở hiện tại mà trong tương lai cũng bị hạn chế khả năng phát triển do mất đi nguồn bổ sung đáng kể từ hoa lợi, lợi tức. Chế độ tài sản của vợ chồng vẫn là chế độ tài sản pháp định, chỉ khác là những quy định đặc biệt được áp dụng làm thay đổi hình thức sở hữu của một số loại tài sản, thay vì nhập vào tài sản chung thì bây giờ thuộc sở hữu riêng của một bên. Đồng thời, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng đối với bên thứ ba phát sinh trước khi tiến hành phân chia.

2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định

Thông thường, những nghĩa vụ phát sinh từ tài sản riêng, không phân biệt tài sản riêng hình thành trước hay sau khi chia tài sản chung, đều là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Tuy nhiên, nếu hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng đó là nghĩa vụ chung hay nói cách khác sẽ dùng tài sản chung của vợ chồng để thực hiện [9]. Quy định này đương nhiên phù hợp trong bối cảnh hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng khi xảy ra việc phân chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức nói trên trở thành tài sản riêng của một bên thì việc dùng tài sản chung để bảo quản tài sản riêng, duy trì hay tu sửa tài sản riêng là không hợp lý.

Bên cạnh đó, việc chuyển hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình có thể đe doạ đến lợi ích gia đình do một bên được toàn quyền sử dụng “nguồn sống duy nhất của gia đình” cho những mục đích cá nhân. Mặc dù khoản 2 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định “trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên” nhưng rõ ràng việc phải trông chờ sự đóng góp từ một phía sẽ đặt bên còn lại và cả gia đình vào tình thế bị động. Hơn nữa, tài sản riêng bỏ ra lúc này chỉ cần đủ dùng cho “nhu cầu thiết yếu” của gia đình. Trong khi đó, nếu như những hoa lợi, lợi tức này là tài sản chung thì do “vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”[10] nên sẽ có cơ hội thỏa thuận với bên còn lại việc sử dụng tài sản chung để đáp ứng những nhu cầu cao hơn của gia đình và con chung.

Từ những lý do trên, tác giả kiến nghị khi có điều kiện nên sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 theo hướng sau: Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng; trừ hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

3. Kết luận

Hậu quả về quan hệ tài sản sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là mối quan tâm chủ yếu của các cặp vợ chồng khi tiến hành phân chia tài sản. Dễ nhận thấy, qua các lần sửa đổi, bổ sung, pháp luật Hôn nhân và gia đình ngày càng hoàn thiện hơn những quy định liên quan đến tài sản của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung. Nhìn chung, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã làm sáng tỏ những nội dung còn gây tranh cãi tại thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có hiệu lực, nhất là vấn đề liên quan đến thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên, từ đó đảm bảo pháp luật được hiểu và áp dụng thống nhất. Quy định hiện hành giữ vững chế độ tài sản pháp định giữa vợ và chồng, qua đó ổn định mối quan hệ tài sản và cao hơn là ổn định mối quan hệ gia đình, vợ, chồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên yếu thế hơn.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn tồn tại bất cập do không tính đến ý nghĩa của “hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng” đối với đời sống gia đình (không phân biệt những hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất với hoa lợi, lợi tức khác) khi chuyển đổi hình thức sở hữu nhóm tài sản này từ chung sang riêng. Về nguyên tắc, trong mọi trường hợp, lợi ích của gia đình phải được ưu tiên nhất, vì vậy, tác giả cho rằng cần cân nhắc sửa đổi quy định liên quan đến hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên nhưng lại là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).


1.Điều 8 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 Quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
2.Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình mặc dù không quy định minh thị phần tài sản được chia là tài sản riêng của vợ, chồng nhưng theo logic thông thường và trên thực tế đều thừa nhận hệ quả này.
3.Trước khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, những tài sản được chia là tài sản chung của vợ chồng nên hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những tài sản này là tài sản chung; đồng thời hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác cũng là tài sản chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
4.Trong khi đó, rất dễ dàng nhận ra mối liên hệ giữa phần tài sản được chia với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản được chia; còn tính hợp lý khi xác định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác cũng trở thành tài sản riêng sẽ được giải thích ở phần sau.
5.Nguyễn Ngọc Điện (2004), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Tập II: Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 207.
6.Khoản 3 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
7.Ngô Thị Anh Vân, “Quy định về tài sản hình thành trong tương lai và những tác động đến việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quy định về tài sản trong bộ luật dân sự 2015 và ảnh hưởng của nó đến các quy định khác trong pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí (2017), tr. 151.
8.Khoản 4 Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”
9.Khoản 4 Điều 44, khoản 2 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
10. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền