Quyền phụ nữ trong các bản Hiến pháp Việt Nam

Quyền bầu cử
Người dân thực hiện quyền bầu cử để cử đại diện cho mình tham gia quản lý nhà nước

Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ (Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ CEDAW 1979), coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Ở Việt Nam, quyền của phụ nữ đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ 1946 đến 2013 và cụ thể hóa những quy định đó trong đời sống xã hội.

Đời sống của phụ nữ là một bộ phận của đời sống gia đình, xã hội. Người phụ nữ không tách biệt với phần còn lại của thế giới, trái lại họ gắn liền và chi phối mạnh mẽ đời sống gia đình và xã hội. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, ngày nay quyền của phụ nữ đã trở thành vấn đề được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ (Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ CEDAW 1979), coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới.

Với tư cách là công dân, người phụ nữ ngang quyền với nam giới

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Hồ Chủ tịch đã trích những nội dung bất hủ trong các bản Hiến pháp của các nước dân chủ Hoa Kỳ, Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến vào ngày 09 /11 /1946.

Là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là sự kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, đáp ứng khát vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam về bảo vệ nền độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của mọi công dân. Ngay tại Điều 1, Hiến pháp 1946 đã ghi nhận: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Như vậy, chúng ta thấy rằng, từ một đất nước đã trải qua hàng ngàn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, gần trăm năm bị đàn áp từ thực dân và đế quốc, người phụ nữ với hàng ngàn năm chịu lép vế đàn ông, nay đã được đứng ngang hàng với họ. Đây là những quy định đầu tiên có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh đất nước non trẻ vừa mới được thành lập. Góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người trong lịch sự lập hiến Việt Nam. Quy định này đã phá tan xiềng xích tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của chế độ phong kiến bấy lâu. Quan điểm “nam nữ bình quyền” còn được quán triệt và cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 6: “Tất cả công dân đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”; Điều 7: “Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”; Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; Điều 18: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử…”

Với tư cách là công dân, người phụ nữ ngang quyền với nam giới và họ được đảm bảo bởi hàng loạt các quyền:
Các quyền bình đẳng: Bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6), bình đẳng trước pháp luật, tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7), phụ nữ bình đẳng với nam giới (Điều 9).

Các quyền tự do: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do tín ngưỡng (Điều 10), tự do về thân thể (không bị bắt bớ, giam cầm nếu không có quyết định của Tòa), thư tín, nhà ở không ai được xâm phạm (Điều 11).

Các quyền dân chủ: Bầu cử, ứng cử, bãi miễn (Điều 17,18,19), phúc quyết về Hiến pháp và những quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).

Các quyền về kinh tế: Quyền tư hữu của công dân được đảm bảo (Điều 12), quyền lợi của giới cần lao trí thức và chân tay được đảm bảo (Điều 13).

Các quyền về văn hóa: Nền sơ học cưỡng bách và không học phí (Điều 15)

Các quyền về xã hội (Điều 14).

Với những quy định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã mở đường cho tư tưởng nam nữ bình đẳng về quyền lợi trên mọi phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho các bản Hiến pháp sau này về quyền của phụ nữ.

Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng đinh các quyền cơ bản của nhân dân, cũng như của phụ nữ, đặc biệt tại Điều 23, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã tiến thêm một bước tiến lớn trong các quyền dân chủ đó là việc xác lập quyền ứng cử của công dân không phân biệt nam nữ: “ Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội…đều có quyền bầu cử…ứng cử…” Điều này đã khẳng định quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Tại Điều 24 ghi nhận: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ…”. Như vậy, so với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng như nam giới. Đây có thể coi là sự trân trọng đặc biệt mà pháp luật ghi nhận đối với vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Hiến pháp 1980, tiếp tục ghi nhận và kế thừa những tư tưởng pháp lý về quyền của phụ nữ tại các bản Hiến pháp trước đó. Đồng thời, tiếp tục làm rõ, bổ sung và khẳng định, mở rộng quyền phụ nữ trong xã hội. Theo đó, các quyền của phụ nữ được khẳng định trên mọi mặt của đời sống xã hội, chẳng hạn tại Điều 63, Hiến pháp 1980 quy định: “Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nhà nước và xã hội chăm lo nâng cao đời sống chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ …”; Điều 64: “…Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.” Theo quy định này, lần đầu tư tưởng bình đẳng giới đã mở rộng không chỉ đối với người trưởng thành mà còn đối với trẻ em.

Hiến pháp 1992, và Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 tiếp tục khẳng định các quyền tự do cơ bản của công dân nói chung và của phụ nữ nói riêng như điều mang tính tất yếu. Không chỉ dừng lại ở đó, Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 còn có quy định nhằm nhấn mạnh những hành vi áp bức, kỳ thị, phân biệt, đối xử với phụ nữ là xâm phạm đến các quy phạm được pháp luật bảo vệ: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ…” (Điều 63). Như vậy, với các hành vi được liệt kê ở trên, pháp luật ghi nhận quyền về nhân phẩm của phụ nữ, đồng thời như một lời cảnh báo nếu ai đó xâm phạm quyền này, sẽ phải bị pháp luật trừng trị.

Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầng cao hơn khi mà các nhà làm luật ở nước ta đã đưa chương V Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên đặt trang trọng ở Chương II. Theo đó, quyền phụ nữ, một bộ phận cấu thành và không thể tách rời của quyền con người, quyền công dân lại một lần nữa được khẳng định và đề cao. Ở ngay điều đầu tiên của Chương II đã ghi nhận quyền con người nói chung, quyền phụ nữ nói riêng được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho tới văn hóa, xã hội. Các quyền này được pháp luật và toàn thể xã hội thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Cụ thể hóa các quyền cơ bản của phụ nữ

Trên nền tảng quy định của Hiến pháp về quyền phụ nữ, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản luật, văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa các quyền cơ bản của phụ nữ, nhằm bảo vệ quyền phụ nữ tốt hơn, phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội, hòa nhập chung với hệ thống pháp luật khu vực và quốc tế, phù hợp với những cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ mà Việt Nam đã ký kết như Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014…Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trên thế giới sớm phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ – CEDAW (được Đại hội đồng Liên Hợp quốc phê chuẩn và thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1979).

Ngày nay, với một nửa dân số đất nước là nữ giới (48.519.393 nữ giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2017) , Việt Nam đã dần dần thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc đảm bảo bình đẳng quyền của phụ nữ trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay. Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày nay “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các ngành nghề, các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như lần đầu tiên ở nước ta có tới 03 nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, đây là số lượng nhiều nhất từ trước tới nay, ngoài ra trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội cũng có những nữ lãnh đạo giữ nhiều trọng trách lớn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường nước nhà như Phó Chủ tịch nước ; Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế; Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,7%, với 133 nữ đại biểu, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%). Trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng có nhiều nữ doanh nghiệp có tiếng tăm trên thương trường, với sự kiên trì, bền bỉ, siêng năng, bằng tài trí của mình đã tạo nên chỗ đứng vững chắc trong giới kinh doanh, trở thành những nữ tỷ phú, triệu phú nổi danh khắp cả nước.
Như vậy, lịch sử lập hiến của nước ta đã trải qua hơn 70 năm, từ Hiến pháp 1946 tới bản Hiến pháp hiện hành năm 2013, các quyền cơ bản của phụ nữ đã được ghi nhận và củng cố, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Các quy định của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ thể hiện khả năng, trí tuệ của mình đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Đưa họ đến đúng vị trí, vai trò một nửa thế giới của mình. Đúng như câu nói của Hồ Chí Minh về phụ nữ Việt Nam: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.”

ThS. ĐỖ TRỌNG TUÂN (Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

Tài liệu tham khảo
1.Hoa Kỳ- Tuyên ngôn Độc lập 1776.
2.Pháp- Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789.
3.Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
4.Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ.

4/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền