Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng từ thực tiễn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Tổ chức tín dụng

Tóm tắt: Ngày 21/6/2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua. Trong hai năm qua, bên cạnh các lợi ích mang lại, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

 

Những nội dung liên quan:

 

Abstract: The Resolution No. 42/2017/QH14 of June 21st, 2017 on pilot settlement of bad debts of the credit institutions was adopted by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in the 3rd meeting session of term XIV. For two years of its enforcement, along with the acheivements, the Resolution 42 also reveals several disadvantages that the Credit Institutions have been facing with the Resolution.

1. Khái quát về Nghị quyết số 42/2017/QH

Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ 42) về Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), có hiệu lực từ 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm từ ngày có hiệu lực thi hành. NQ 42 bao gồm 19 Điều, cùng với Phụ lục với phạm vi điều chỉnh quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) của khoản nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý TSĐB của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các TCTD. Để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, NQ 42 đã quy định cụ thể tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu được áp dụng các chính sách theo quy định.

Với quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc và cản trở về mặt pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, NQ 42 khẳng định quyền thu giữ và xử lý TSĐB của TCTD và Công ty Mua bán tài sản của các TCTD (VAMC), khẳng định lại quyền mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới TSĐB tại Tòa án, quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSĐB, phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC….

Dù vẫn còn những mặt hạn chế, nhưng NQ 42 đã tạo cơ sở cho việc rút ngắn thời gian, tạo quyền hợp pháp cho các TCTD và VAMC được chủ động trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để giải quyết nợ xấu.

2. Thực tiễn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong quá trình xử lý nợ xấu

2.1 Các cơ quan quản lý nhà nước triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 

Ngay sau khi NQ 42 được ban hành, ngày 7/5/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1403/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN.

Ngày 10/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 992/TTg-KTTH về việc triển khai nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu. Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai văn bản đóng vai trò rất quan trọng cho các cơ quan quản lý trong việc triển khai NQ 42, đó là Chỉ thị số 32/CT-TTg để chỉ đạo các cơ quan quản lý triển khai nghị quyết một cách đồng bộ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Ngày 20/7/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1533/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Để chi tiết hóa và hướng dẫn các TCTD thực hiện Nghị quyết 42, Cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN tiếp tục ban hành các văn bản triển khai chi tiết như Công văn 665/NHNN-CQTTGS ngày 24/7/2017 Hướng dẫn triển khai đề án tái cơ cấu gắn liền xử lý nợ xấu, Công văn 6400/NHNN-CQTTGS hướng dẫn chi tiết triển khai NQ 42 đến các ngân hàng thương mại. Cơ quan này được giao nhiệm vụ giám sát và đốc thúc quá trình triển khai nghị quyết 42 tại các TCTD.

Ngay khi NQ 42 có hiệu lực, Tổng cục Thi hành án Dân sự cũng đã kịp thời ban hành văn bản số 3022/TCTHADS-NV1 ngày 15/8/2017 hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai NQ 42.

Trong quá trình triển khai, một số văn bản tiếp tục được ban hành như văn bản số 609/NHNN -TTGSNH ngày 24/1/2018 của NHNN về việc tăng cường xử lý nợ xấu, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện NQ 42; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSĐB tại Tòa án nhân dân…

Trong quá trình thực hiện NQ 42, NHNN thường xuyên có những văn bản cũng như yêu cầu các TCTD báo cáo, phản ánh các vướng mắc. Ngày 29/3/2019, Kiểm toán Nhà nước công bố Quyết định số 590/QĐ-KTNN, ban hành Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD tại NHNN và 18 TCTD nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện NQ 42, tính tuân thủ trong quá trình triển khai, quan trọng nhất là ghi nhận các ý kiến phản ánh các khó khăn vướng mắc của các tổ chức trong quá trình triển khai NQ 42.

2.2 Kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14

a. Kết  quả đạt được sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14

Sau gần hai năm áp dụng NQ 42, trong năm 2018, nếu nhìn về mặt số liệu, toàn hệ thống ngân hàng đã bước được một bước rất quan trọng là đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống giảm mạnh, xuống dưới 2%. Theo số liệu về tình hình xử lý nợ xấu năm 2018 được NHNN công bố vào ngày 7/01/2019, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Tỷ lệ 1,89% cũng là mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay – thời điểm nợ xấu ngân hàng bắt đầu được nhận diện một cách đầy đủ và sát thực hơn, với các bước nâng cao tiêu chuẩn phân loại nợ[1]. Dù chưa cập nhật cụ thể thêm về nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nhưng mức nợ xấu nội bảng nói trên đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% – ngưỡng mà tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành đầu năm nay Chính phủ đặt ra yêu cầu hệ thống ngân hàng phải đảm bảo thực hiện được cho năm 2019[2].

Nhìn vào bảng Số liệu nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2015-2018ở dưới đây, có thể nhận thấy rõ hiệu quả về xử lý nợ xấu mà NQ 42 mang lại trên toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ 2,55% năm 2015, 2,46% năm 2016, 2% vào năm 2017 và chỉ còn 1,89% trong năm 2018[3].

Chỉ tiêu Đơn vị 2015 2016 2017 2018
1. Tỷ lệ nợ xấu
Theo NHNN % 2,55 2,46 2 1,89
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia % 2,4
2. Tỷ lệ nợ xấu gộp
Theo NHNN % 10,08 7,36 6,5
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia % 8,85 11,90 9,50
3. Nợ xấu đã xử lý Tỷ đồng 95.000 70.000
4. Nợ xấu tại VAMC Tỷ đồng
Đã mua lũy kế Tỷ đồng 228.416 264.755 307.932 280.000
Xử lý được Tỷ đồng 20.679 30.700 100.000

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng mà NQ 42 mang lại chính là nhận thức của bên vay trong tình hình các TCTD ráo riết áp dụng biện pháp xử lý tài sản. Theo NQ 42, quyền chủ động của các TCTD trong việc xử lý tài sản được khẳng định, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý tài sản, như là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của Bên vay. Việc này tạo áp lực rất lớn buộc Bên vay phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản.

b. Những hạn chế, bất cập khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14

Thứ nhất, sự lúng túng các cơ quan địa phương

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định là phải phối hợp với các TCTD trong quá trình triển khai NQ 42. Việc triển khai thu giữ tài sản hiện nay phải tuân thủ đúng NQ 42 về việc công khai thông tin về thời gian và địa điểm thu giữ, phối hợp với cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản trong việc đảm bảo an ninh trật tự, chứng kiến và ký biên bản thu giữ[4]. Tuy nhiên, tại các địa phương (ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội), việc  thu giữ, xử lý TSĐB của các khoản nợ xấu ngân hàng theo NQ 42 là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên các cơ quan địa phương khá lúng túng khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ phía các TCTD.

Thứ hai, điều kiện thu giữ chưa sát với thực tế

Theo Điều 7 NQ 42,TCTD phải có thỏa thuận về quyền thu giữ TSĐB tại Hợp đồng bảo đảm hoặc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSĐB[5]. Trong khi đó, đa phần các Hợp đồng bảo đảm trước thời điểm ban hành NQ 42 đều không để dự liệu trước và chỉ ghi chung chung về quyền xử lý tài sản của Ngân hàng theo quy định của pháp luật chứ không nêu rõ biện pháp là thu giữ. Do vậy, nếu Hợp đồng bảo đảm không thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ hoặc có thỏa thuận những nội dung không rõ ràng có thể gây tranh cãi trong quá trình áp dụng thu giữ TSĐB và phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện quyền thu giữ, xử lý TSĐB.

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm d khoản 2 Điều 7 NQ 42, điều kiện để áp dụng thu giữ là TSĐB không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền. Thực tế cho thấy, các TCTD thường gặp phải hiện tượng là một khi đã có nợ xấu tại Ngân hàng thì bên vay có các tranh chấp với bên thứ 3 liên quan đến TSĐB. Trong khi đó, mặc dù TSĐB được thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định pháp luật nhưng các TCTD không thể áp dụng biện pháp thu giữ theo NQ 42 vì các tranh chấp “vô tình hoặc cố ý” của chính bên vay với bên thứ 3 có liên quan đến TSĐB.

Thứ ba, bất cập trong thứ tựưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ xấu được bảo đảm tại các TCTD

Theo quy định tại Điều 12 của NQ 42, số tiền thu được từ xử lý TSĐB được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp bên chuyển nhượng không hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế sẽ không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng cho người mua tài sản. Do đó, các TCTD thường phải đồng ý việc trích tiền từ việc xử lý TSĐB để thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp mới thực hiện được thủ tục đăng ký quyền sử dụng cho người mua TSĐB mặc dù không đủ thu nợ xấu.

Thứ tư, bất cập trong việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết tranh chấp 

Điều 8 NQ 42 quy định Tòa án được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSĐB của khoản nợ xấu. Trên thực tế, đến ngày 15/5/2018, tức là 9 tháng sau khi NQ 42 có hiệu lực, Hội đồng thẩm phán TANDTC mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 8 NQ 42. Tuy nhiên, để được áp dụng thủ tục rút gọn, TSĐB phải thỏa mãn các điều kiện theo NQ 42[6], trong đó điều kiện không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn. Do vậy, nếu xảy ra trường hợp bên vay bỏ trốn ra nước ngoài thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn.

Hơn nữa, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường[7]. Như vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Do đó, nếu không có hướng dẫn cụ thể với những quy định nêu trên, biện pháp áp dụng các thủ tục rút gọn có thể không phát huy được hiệu quả xử lý trong thực tế như kỳ vọng khi ban hành NQ 42. Thực tế, kể từ khi NQ 42 có hiệu lực, Tòa án nhân dân các cấp vẫn chưa từng thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn như quy định, thường gây khó khăn hoặc viện dẫn quy định để không thụ lý giải quyết theo thủ tục rút gọn.

3. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14

Một là, đề nghị Quốc hội cân nhắc đến việc luật hóa NQ 42, không để NQ 42 chỉ tồn tại ở dạng thí điểm và chỉ có hiệu lực 5 năm vì việc này hạn chế rất nhiều quá trình xử lý tài sản của các TCTD. Nếu sau 5 năm, không có một cải tiến nào chính thức về mặt pháp lý thì quá trình xử lý nợ xấu lại quay lại con đường cũ. Đồng thời, Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể nhằm tạo một hành lang pháp lý chắc chắn trong thu giữ tài sản để xử lý nợ xấu của các TCTD. Việc này cũng sẽ giúp các cơ quan nhà nước tại địa phương có được “danh chính ngôn thuận” hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.

Hai là, các TCTD đang rất cần các cơ quan bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện NQ 42 và truyền thông xuyên suốt đến các cơ quan chức năng tại địa phương để các ngân hàng được hỗ trợ tối đa trong công tác thu giữ tài sản, nhằm thu hồi nợ một cách nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng. Trong đó, văn bản hướng dẫn phải đảm bảo quy định rõ về thời gian xử lý, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cơ quan địa phương.

Ba là, các quy định pháp luật về tố tụng nên được chỉnh sửa theo hướng rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời tinh gọn thủ tục hành chính để đảm bảo việc khởi kiện đòi nợ của ngân hàng theo con đường tố tụng được rút ngắn, quy định rõ thời gian xử lý trong quá trình tố tụng, thi hành án kể từ khi thụ lý của các cơ quan có thẩm quyền. Việc này sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các TCTD xử lý TSĐB khi các món nợ không đủ điều kiện áp dụng NQ 42.

Bốn là, các ngân hàng không được ưu tiên thanh toán như quy định tại Điều 12 mà phải đóng thay bên vay tiền thuế và các loại chi phí khác mới thực hiện được thủ tục sang tên tài sản, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng. Bộ Tài chính cần ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng TSĐB để thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của bên mua TSĐB. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển nhượng tài sản, xử lý tài sản khi TSĐB là các dự án bất động sản có tài sản hình thành trong tương lai.

Năm là, Chính phủ cần ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về hoạt động mua bán nợ với các tổ chức, cá nhân khác (ngoài việc mua bán nợ với VAMC) để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho thị trường mua bán nợ của Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13

2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 số 92/2015/QH13

3. Nghị quyết 42/2017/QH ngày 21/6/2019 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

4. Quyết định số 1403/QĐ-NHNN ngày 05/7/2017 của Thống đốc NHNN về việc thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN.

5. Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng về việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH ngày 21/6/2019 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD

6. Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”

7. Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

8. Quyết định số 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

9. Công văn 665/NHNN-CQTTGS của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN ngày 24/7/2017 hướng dẫn triển khai đề án tái cơ cấu gắn liền xử lý nợ xấu;

10. Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Tổng cục Thi hành án Dân sự hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD

11. Công văn số 609/NHNN -TTGSNH ngày 24/01/2018 của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN về việc tăng cường xử lý nợ xấu, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 42 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD

12. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu

13. Thu Hà, Đã có nhiều bất cập xuất hiện khi triển khai Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, http://antt.vn/da-co-nhieu-bat-cap-xuat-hien-khi-trien-khai-nghi-quyet-so-42-xu-ly-no-xau-252418.htm, truy cập ngày 17/5,2019

14. Nhất Nam, “Nợ xấu hệ thống Ngân hàng giảm mạnh cuối năm 2018”, http://vneconomy.vn/no-xau-he-thong-ngan-hang-giam-manh-cuoi-nam-2018-20190107103714394.htm, truy cập ngày 16/5/2019.

15. Cấn Văn Lực, Những vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, http://cafef.vn/nhung-vuong-mac-trong-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-va-de-xuat-thao-go-20190214113235953.chn, truy cập ngày 18/5/2019

16. Báo Lao Động, Kiểm toán về xử lý nợ xấu tại NHNN và nhiều ngân hàng, http://laodong.vn/kinh-te/kiem-toan-ve-xu-ly-no-xau-tai-ngan-hang-nha-nuoc-va-nhieu-ngan-hang-726871.ldo, truy cập ngày 19/5/2019.

Tác giả: TS. Võ Trung Tín, Khoa Luật Thương mại – Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; ThS. Văn Thành Khánh Linh, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro – Ngân hàng TMCP Bản Việt

Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13(389), tháng 7/2019


[1] Nhất Nam, Nợ xấu hệ thống ngân hàng giảm mạnh cuối năm 2018, Nguồn: http://vneconomy.vn/no-xau-he-thong-ngan-hang-giam-manh-cuoi-nam-2018-20190107103714394.htm.

[2] Cấn Văn Lực, Những vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và đề xuất tháo gỡ, “Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD đã giảm xuống mức 1,89% (so với mức 1,99% cuối năm 2017 và 2,46% cuối năm 2016) và tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 6,67% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017. Trong đó, kết quả xử lý nợ xấu của VAMC cũng khá khả quan; tính đến hết tháng 8/2018, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc đã mua. Đặc biệt là tác động của NQ 42 tương đối rõ nét. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính từ giữa năm 2012 đến hết tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu, riêng sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, toàn hệ thống đã xử lý được 138.290 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 17,5% của cả 6 năm qua); trong đó các TCTD đã xử lý được 58.800 tỷ đồng. Với những bước tiến trong công tác xử lý nợ xấu thời gian qua, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu gộp về 3% đến cuối năm 2020 là khả thi”.
http://cafef.vn/nhung-vuong-mac-trong-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-va-de-xuat-thao-go-20190214113235953.chn
[3] Nguồn: NHNN, VAMC, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
[4] Điểm b khoản 2 Điều 7 NQ 42 quy định về việc trong Hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản khi có nợ xấu xảy ra. Điểm d khoản 2 Điều 7 quy định TSĐB không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.
[5] Điểm b Khoản 2 Điều 7 quy định về việc trong Hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản khi có nợ xấu xảy ra. Điểm d Khoản 2 Điều 7 quy định TSĐB không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.
[6] Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 quy định: Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSĐB của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao TSĐB của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý TSĐB; b) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

[7] Khoản 3 Điều 317 và khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền