Pháp luật của Trung Quốc và Nhật Bản về ô nhiễm không khí

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Ô nhiễm không khí
(Ảnh minh họa - Nguồn: financialtribune.com)

Pháp luật của Trung Quốc và Nhật Bản về ô nhiễm không khí và một số nhận xét, so sánh với pháp luật Việt Nam.

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích những quy định về các biện pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm không khí và trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý đối với pháp nhân được quy định trong Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí của Trung Quốc và Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản, từ đó đề xuất xây dựng Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí của Việt Nam.

Abstract: This article provides analysis of the legal regulations on air pollution prevention and treatment and on liability for air pollutants, especially liability for legal entities as specified in the Law on the Prevention and Control of Air Pollution of China and the Law on Air Pollution Control of Japan, from which it is proposed the development of the Law on the Prevention and Control of Air Pollution in Vietnam.

 

Ô nhiễm không khí (ÔNKK) đã trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa an toàn, an ninh cá nhân mỗi con người, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia châu Á.

Nghiên cứu mới cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 55% số ca tử vong do ÔNKK trên toàn thế giới, với khoảng 1,6 triệu người chết vì ÔNKK ở Trung Quốc và 1,4 triệu người chết ở Ấn Độ vào năm 2013[1]. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy, tổng thiệt hại phúc lợi xã hội toàn cầu do tác động gây tử vong sớm của ÔNKK lên tới 5,11 nghìn tỷUSD. Ở Việt Nam, những thiệt hại này tổng cộng ước tính khoảng 23,8 tỷ USD trong năm 2013, hoặc khoảng 5,2% GDP của cả nước[2].

ÔNKK được hiểu là sự thay đổi tính chất không khí, vi phạm tiêu chuẩn không khí mà pháp luật đã quy định. ÔNKK là tình trạng trong không khí có xuất hiện chất lạ hoặc có sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí làm thay đổi tính chất lý, hóa vốn có của nó, vi phạm tiêu chuẩn môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, gây tác động có hại cho con người và thiên nhiên[3]. Các hợp chất ÔNKK gồm: dioxide lưu huỳnh, khí monoxide carbon và nitrat, nhưng cũng có thể bao gồm các chất độc hại như kim loại nặng; các hạt rất nhỏ có thể được phát ra trực tiếp từ các nguồn năng lượng như các phương tiện cơ giới hoặc các nhà máy điện, hoặc chúng có thể hình thành khi các loại khí như amoni từ phân bón phản ứng với các chất ô nhiễm khác trong khí quyển.

Một trong những chất gây ô nhiễm nguy hại nhất là các hạt trôi nổi[4] (particulate matter) -những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên, như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại, v.v.. Trong đó, bụi PM10 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (micromet);PM2,5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet) hoặc khoảng một phần ba chiều rộng của một sợi tóc người. Do kích thước nhỏ, các hạt này có khả năng thâm nhập sâu vào phổi, tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kích thước hạt là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định nơi các hạt lắng đọng trong phổi. So với các hạt lớn, hạt mịn có thể bay lơ lửng trong không khí trong khoảng thời gian dài hơn và di chuyển trên một khoảng cách dài hơn. Một số nghiên cứu cho thấy hạt mịn có tác động mạnh tới đường hô hấp ở trẻ em hơn hạt lớn. Hạt lớn hơn 10 micrômét hiếm khi có thể qua được đường khí trên, trong khi các hạt mịn nhỏ hơn 2 micrômét có thể đi tới tận các phế nang, và có thể xâm nhập các bức tường của phổi, đi vào máu[5].

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, hít thở không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy nhược và gây chết người như bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và viêm phế quản mãn tính. ÔNKK là nguy cơ sức khỏe gây tử vong hàng thứ tư trên thế giới, gây ra một phần mười số tử vong vào năm 2013[6]. Đồng thời, ÔNKK từ các ngành công nghiệp, công trường xây dựng, nông nghiệp, các phương tiện xe cộ và việc đốt các nguồn năng lượng bẩn tiếp tục phát triển[7].

1. Pháp luật Nhật Bản về ô nhiễm không khí 

Để đối phó với vấn đề ÔNKK, nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm từ các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, các phương tiện xe cơ giới và việc đốt các nguồn năng lượng, Chính phủ Nhật bản đã ban hành Luật Kiểm soát ÔNKK (APCA) vào năm 1968 (được sửa đổi vào năm 1996 và 2006)[8]. APCA của Nhật Bản[9] gồm 6 chương, 37 Điều, ban hành với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng và BVMT sống đối với ÔNKK, bằng cách quy định về kiểm soát lượng khí thải, bụi, khói, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các hạt trôi nổi từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhà máy và cơ sở kinh doanh; kiểm soát lượng khí thải của các hạt bụi trong quá trình xây dựng; thực thi các biện pháp chống ÔNKK độc hại; quy định tiêu chuẩn đối với các nồng độ của các chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí (dioxide lưu huỳnh; dioxide nitơ; chất dạng hạt, bụi lơ lửng; thiết lập giới hạn cho phép tối đa đối với khí thải xe ô tô, vv..)

Đồng thời, APCA còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ÔNKK nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động và quy định trách nhiệm pháp lý đối với những chủ thể gây ÔNKK từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhà máy và cơ sở kinh doanh, gây tổn hại sức khoẻ của người dân, cụ thể:

a) APCAquy định Bộ Môi trường có trách nhiệm đặt ra Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về Chất lượng không khí, hoặc nồng độ cho phép trong không khí ngoài trời, đối với các chất gây ô nhiễm phổ biến:dioxide lưu huỳnh, khí monoxide carbon, hạt vật chất, bụi lơ lửng, dioxide nitơ vv…

APCA cũng đưa ra quy định, ngoài Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, nếu Bộ trưởng Bộ Môi trường xét thấy cần thiết để kiểm soát lượng khí thải và ngăn ngừa ÔNKK ở bất kỳ tỉnh nào (các tỉnh hay các khu vực mà tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp có các thiết bị xả bụi và khói gây ô nhiễm môi trường), Bộ trưởng Môi trường có thể yêu cầu Chủ tịch tỉnh đó sửa đổi các tiêu chuẩn khí thải hiện có, hoặc ban hành Bộ tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở tỉnh đó để kiểm soát lượng khí thải, bụi, khói, các chất hữu cơ dễ bay hơi, các hạt trôi nổi từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhà máy và cơ sở kinh doanh; đồng thời Chủ tịch tỉnh phải có biện pháp kiểm soát lượng bụi trong quá trình xây dựng trong địa bàn của tỉnh mình.

Trường hợp nếu Chủ tịch tỉnh cho rằng các tiêu chuẩn khí thải hiện hành theo quy định của pháp luật đối với lượng khí thải và các chất độc hại không đủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc bảo tồn các điều kiện tự nhiên và xã hội, môi trường sống trong địa phận tỉnh mình, thì Chủ tịch tỉnh có thể ban hành quy định, tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các quy định của Chính phủ. Tuy nhiên trước khi ban hành, Chủ tịch tỉnh cần phải xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Môi trường. Căn cứ vào tình hình ÔNKK, Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm công bố công khai chỉ số quan trắc về tình trạng của ÔNKK trong địa bàn mình quản lý.

b) Từ Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về Chất lượng không khí, trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Môi trường nhận thấy ÔNKK đã xảy ra hoặc có thể xảy ra ở mức độ vượt quá giới hạn theo quy định trong tất cả hoặc một số khu vực tập trung thiết bị xả khói và bụi thải vào khí quyển, Bộ trưởng Bộ Môi trường có thể ban hành một Thông tư quy định tiêu chuẩn khí thải đặc biệt cho tất cả hoặc một số khu vực này, Thông tư được áp dụng thay cho tiêu chuẩn khí thải theo Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về Chất lượng không khí.

Đối với các cơ sở có lắp đặt các thiết bị xả thải chất ô nhiễm ra không khí, trước khi hoạt động, phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê; lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Hồ sơ đăng ký phải gửi đến Chủ tịch tỉnh nơi các nhà máy, xí nghiệp hoặc xưởng sản xuất đặt trụ sở để báo cáo và xin phép cho việc lắp đặt các thiết bị xả thải khói và bụi vào khí quyển.

Hồ sơ đề nghị phải kèm theo các giấy tờ thể hiện số lượng dioxide lưu huỳnh hoặc chất độc hại sẽ được tạo ra bởi các thiết bị xả thải tạo ra khói và bụi từ ống khói của các nhà máy, xí nghiệp hoặc xưởng sản xuất (số lượng của bụi và khói), hoặc số lượng khói và bụi hoặc các chất độc hại sẽ được chứa trong khí thải tạo ra bởi các thiết bị tạo ra bụi và khói và thoát vào khí quyển từ ống khói (nồng độ của bụi và khói), sẽ được phát ra, và bất kỳ các vấn đề khác quy định bởi một Pháp lệnh của Bộ Môi trường.

Nếu Chủ tịch tỉnh phát hiện lượng khí thải, bụi, khói, hay nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phát ra từ một nhà máy hay xí nghiệp không phù hợp với tiêu chuẩn khí thải theo quy định, Chủ tịch tỉnh có thể ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở đó và yêu cầu cơ sở đó sửa chữa thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn phát thải theo quy định. Đối với nhà máy hay xí nghiệp có phát thải hay phân tán hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ra không khí, chủ cơ sở phải có trách nhiệm thường xuyên đo nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phát ra trong không khí và phải lập hồ sơ theo dõi hàng ngày để kiểm soát và theo dõi sự phát thải và phân tán đó.

c) Đối với lượng khí thải từ các phương tiện xe cơ giới phát ra vào khí quyển, APCA quy định Bộ trưởng Bộ Môi trường quy định chi tiết về giới hạn tối đa cho phép đối với lượng khí thải từ các phương tiện xe cơ giới phát ra vào khí quyển.

Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi lượng khí thải từ các phương tiện xe cơ giới trên địa bàn mình quản lý, trường hợp phát hiện lượng khí thải từ các phương tiện xe cơ giới vượt quá tiêu chuẩn phát thải theo quy định, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông của tỉnh đó thực hiện các biện pháp theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ (Luật số 105 năm 1960) để ngăn chặn và khắc phục tình trạng ÔNKK.

d)Vềgiám sát mức độ ÔNKK: APCA yêu cầu Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình ÔNKK và phải thường xuyên báo cáo tình hình ÔNKK cho Bộ trưởng Bộ Môi trường. Nếu phát hiện tình trạng ÔNKK nghiêm trọng có thể gây tổn hại đến sức khoẻ con người và điều kiện sống, thì Chủ tịch tỉnh cần phối hợp với các cơ sở có phát thải, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông của tỉnh đó thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu lượng ô nhiễm ra không khí và công bố tình trạng ÔNKK trong tỉnh.

e)Trách nhiệm pháp lý đối với những chủ thể gây ÔNKK:APCA quy định trường hợp có thiệt hại về sức khoẻ con người hoặc thiệt hại đến tính mạng do sự phát tán các chất độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp thì giám đốc hoặc người điều hành các nhà máy, xí nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp có thiệt hại về sức khoẻ con người hoặc thiệt hại đến tính mạng là do khí thải vào không khí bởi hai hoặc nhiều nhà máy, xí nghiệp hay xưởng sản xuất thì áp dụng việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 719, khoản 1 của Bộ luật Dân sự (Đạo luật số 89 năm 1896), Nếu số lượng phát thải của nhà máy, xí nghiệp hay xưởng sản xuất gây ra thiệt hại không đáng kể, tòa án có thể xem xét các trường hợp để xác định số tiền bồi thường thiệt hại của người đó.

Khi xác định trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại, Tòa án cũng cần xem xét các yếu tố xảy ra do thiên tai hay trường hợp bất khả kháng để đưa ra căn cứ xác định trách nhiệm và mức bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.

f)Quy định trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc đối với những hành vi gây ÔNKK:Tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Kiểm soát ÔNKK, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và tùy theo tính chất và mức độ vi phạm; hậu quả của hành vi đã thực hiện gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân, APCA quy định 05 mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về ÔNKK như sau: Phạt tù đến 01 năm hoặc phạt tiền lên đến 1.000.000 yên (Điều 33); Phạt tù đến 06 tháng hoặc phạt tiền lên đến 500.000 yên (Điều 33-2); Phạt tù đến 03 tháng hoặc phạt tiền lên đến 300.000 yên (Điều 34); Phạt tiền 200.000 yên (Điều 35); Phạt tiền đến 100.000 yên (Điều 37).

2. Pháp luật Trung Quốc vềô nhiễm không khí 

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK năm 1987, (sửa đổi năm 1995, 2000, 2015). Luật Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK sửa đổi năm 2015[10] gồm 8 Chương, 129 Điều, ban hành với mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường, ngăn ngừa và kiểm soát ÔNKK, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng sinh thái và tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội bền vững, quy định các cơ quan giám sát và quản lý việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK; các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK; đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp trong việc phòng ngừa và kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong phạm vi quản lý của mình, đưa ra các tiêu chuẩn phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK; quy định về trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí.

Quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) không khí 

Các cơ quan quản lý từ cấp huyện đến trung ương và các cơ quan khác có liên quan đến việc BVMT, phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK phải tích hợp việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình và tăng cường đầu tư tài chính trong vấn đề này (Điều 3).

Chính quyền nhân dân ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải tích hợp việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cũng như tăng cường đầu tư tài chính để hỗ trợ việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK.

Chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm về chất lượng không khí xung quanh trong khu vực mình quản lý, phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để kiểm soát hay giảm dần lượng khí thải các chất ÔNKK sao cho chất lượng môi trường không khí xung quanh từng bước được cải thiện và đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Cơ quan có thẩm quyền về quản lý và BVMT của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải giám sát và quản lý, theo tiêu chuẩn về phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK. Các cơ quan hành chính khác có liên quan khác của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn, trong chức năng và nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình, phải giám sát và quản lý việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK (Điều 5).

Công khai các tiêu chuẩn BVMT không khí, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan đối với việc BVMT không khí

Để giải quyết các vấn đề môi trường không khí nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay, sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK là rất quan trọng. Theo quy định của Luật Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK năm 2015, cơ quan có thẩm quyền về quản lý và BVMT của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải giám sát và quản lý, theo tiêu chuẩn việc phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK. Các cơ quan có thẩm quyền về quản lý và BVMT cấp tỉnh hoặc cao hơn phải công bố trên trang website của mình các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường không khí và tiêu chuẩn đối với việc thải các chất ô nhiễm vào khí quyển. Công chúng có thể đọc và tải các tiêu chuẩn đó miễn phí. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, công nghệ để áp dụng vào phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK (Điều 11).

Đối với các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà sản xuất và những người điều hành doanh nghiệp khi thực hiện các dự án, phải có đánh giá tác động môi trường không khí theo quy định của pháp luật và công bố các báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 18). Đồng thời doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà sản xuất và những người điều hành doanh nghiệp khi thải các chất ô nhiễm ra không khí phải tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải chất ÔNKK phù hợp với quy định chung của nhà nước và các thiết bị xả khí phải được lắp đặt theo quy định của pháp luật và các quy định khác của Bộ BVMT (Điều 20).

Quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK[11]

Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK gây ra bởi việc đốt than đá và năng lượng 

Các cơ quan có liên quan thuộc Quốc vụ viện và chính quyền địa phương các cấp cần có các các biện pháp để điều chỉnh cơ cấu năng lượng, thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng sạch; tối ưu hóa việc sử dụng than đá, giảm lượng khí thải gây ÔNKK trong quá trình sản xuất (Điều 32). Nhà nước cấm nhập khẩu, bán, đốt và sử dụng than không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước quy định, khuyến khích đốt than chất lượng cao (Điều 35).

Chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp tăng cường quản lý than phục vụ dân sinh, nghiêm cấm việc bán than không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích sử dụng than chất lượng cao, các bếp lò tiết kiệm năng lượng (Điều 36).

Các nhà máy nhiệt điện và các đơn vị sử dụng việc đốt than khác cần có các quy trình sản xuất sạch để khử lưu huỳnh hoặc các biện pháp khác như chuyển đổi công nghệ để kiểm soát việc phát thải các chất ô nhiễm ra không khí (Điều 37).

Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK gây ra do sản xuất công nghiệp

Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng nguyên liệu và các sản phẩm với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Nhà nước khuyến khích việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng các dung môi hữu cơ có độc tính thấp.

Các doanh nghiệp sản xuất thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, dầu khí và hóa chất có xả ra bụi, chất sulfua và oxit nitơ phải lắp đặt thiết bị để loại bỏ bụi, khử lưu huỳnh hoặc áp dụng các biện pháp nâng cấp công nghệ để kiểm soát việc xả chất ÔNKK (Điều 43).

Các doanh nghiệp dầu mỏ, hóa chất và những nhà sản xuất và sử dụng các dung môi hữu cơ phải có biện pháp bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đường ống, thiết bị nhằm giảm sự rò rỉ của vật liệu và phải xử lý kịp thời khi các thiết bị đó bị rò rỉ (Điều 47).

Phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm thải ra từ các phương tiện cơ giới và tàu thuyền

Nhà nước khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông có lượng xả thải các bon thấp và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Chủ sở hữu các phương tiện giao thông có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu phải phù hợp với quy định về kiểm định.

Các nhà sản xuất xe có động cơ phải tiến hành kiểm định khí thải đối với các sản phẩm mới của họ. Những sản phẩm này nếu không được kiểm định về khí thải, sẽ không được bán trên thị trường. Thông tin liên quan đến việc kiểm định khí thải phải được công bố công khai (Điều 52).

Việc sản xuất, nhập khẩu và bán các loại xe có động cơ và tàu có thải các chất ô nhiễm trong không khí vượt quá giới hạn quy định đều bị cấm (Điều 51). Xe ô tô phải chịu sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan kiểm định khí thải. Nếu không được kiểm định sẽ không được lưu hành.

Nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu và bán các loại nhiên liệu không phù hợp cho các loại xe có động cơ và tàu, thuyền.

Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm do bụi

Chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường quản lý đối với các công trình xây dựng và hoạt động giao thông vận tải. Để ngăn ngừa và kiểm soát ÔNKK do bụi, chính quyền địa phương các cấp phải có trách nhiệm giữ cho đường sạch sẽ, xử lý rác thải, quản lý đường ống nước thải, mở rộng diện tích trồng cỏ trên vỉa hè (Điều 68) Đối với chủ đầu tư các dự án phải có dự toán các chi phí của việc ngăn ngừa ô nhiễm do bụi trong dự án và thỏa thuận với nhà thầu, quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu nhằm ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do bụi. Các nhà thầu xây dựng cần có kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do bụi tại các công trường xây dựng (Điều 69).

Nhà thầu xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng đô thị, cải tạo sông và phá dỡ các công trình, trước khi thi công phải báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền kế hoạch thi công các công trình đó để các cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát và quản lý mức độ ô nhiễm bụi khi xây dựng, cải tạo các công trình.

Khi thi công xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng đô thị, cải tạo sông và phá dỡ các công trình,nhà thầu phải lắp đặt dải phân cách cứng tại công trường xây dựng và có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm bụi, đồng thời nhà thầu đó phải có trách nhiệm công bố thông tin liên quan về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm bụi tại các công trường xây dựng đó, bao gồm các biện pháp cụ thể, người phụ trách và các bộ phận có thẩm quyền để giám sát.

Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK gây ra bởi nông nghiệp và các hoạt động khác

Chất lượng môi trường không khí có thể bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đúng liều lượng gây phát tán một lượng hóa chất độc hại vào không khí,nên pháp luật quy định, trong quá trình sản xuất nông nghiệp phải sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực theo quy định của Nhà nước để giảm thải các chất gây ÔNKK như amoniac và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Đối với các trang trại nuôi gia cầm, gia súc cần phải có phương án xử lý nước thải, phân bón an toàn để ngăn ngừa xả khí hôi (Điều 75). Nghiêm cấm việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, vì điều đó sẽ gây ra khói, bụi làm ô nhiễm môi trường; nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học tiên tiến vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học tiên tiến để xử lý rơm rạ để biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Nghiêm cấm việc đốt nhựa đường, vải bạt, cao su, nhựa, da, rác và các chất độc hại khác có thể sản sinh ra khí độc và các loại khí có mùi khó chịu ở khu vực đông dân cư (Điều 82).

3. Một số nhận xét, so sánh với pháp luật Việt Nam

Một là, do tầm quan trọng của ÔNKK, Nhật Bản và Trung Quốc đã ban hành luật về ÔNKK, trong đó quy định cụ thể những tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường không khí; quy định cụ thể về nồng độ cho phép trong không khí ngoài trời đối với những chất gây ô nhiễm phổ biến: dioxidenitơ, dioxide lưu huỳnh, chì, ôzôn tầng mặt đất, khí monoxide carbon và hạt vật chất, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi vv…; quy định rõ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, từ hoạt động sản xuất công nghiệp, từ phương tiện cơ giới, tàu thuyền, hoạt động xuất nông nghiệp và các nguồn khác; xây dựng cơ chế thực thi, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không khí và phòng ngừa, ngăn chặn ÔNKK, quy định cụ thể vai trò, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác giám sát tình trạng ÔNKK; quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc đối với những chủ thể gây ÔNKK. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật kiểm soát ÔNKK, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc phạt hành chính do những hành vi của mình gây ra.

Hai là, để xử lý nghiêm khắc những hành vi gây ÔNKK, pháp luật của Nhật Bản và Trung Quốc quy định cụ thể trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân gây ÔNKK. Pháp nhân hoặc tổ chức gây thiệt hại, ô nhiễm môi trường không khí, phải khắc phục và bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, pháp nhân hoặc tổ chức gây thiệt hại đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong thực tiễn cho thấy, đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí, không chỉ có cá nhân, mà còn có nhiều pháp nhân thực hiện hành vi gây ô nhiễm, những hành vi này đã gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội.

Ba là, Việt Nam hiện nay chưa có đạo luật riêng về BVMT không khí, những quy định về kiểm soát ÔNKK chủ yếu đang được quy định trong Luật BVMT và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Mặc dù Luật BVMT năm 2014 đã có mục riêng quy định về BVMT không khí (Điều 62, Điều 63, Điều 64), đưa ra những nguyên tắc chung về BVMT không khí như: các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát; tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật; quy định cơ quan quản lý nhà nước về BVMT có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải và đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê; lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải. Nhưng trong thực tế, các quy định này chưa được triển khai thực sự hiệu quả.

Bốn là, Bộ luật Hình sự (BLHS) số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12) không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường không khí, chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân.

BLHS năm 2015, có hiệu lực vào 01/01/2018[12] đã có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự[13]. Điều 235 BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm pháp lý đối với pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường. Để triển khai trong thực tế được hiệu quả, chúng ta cần có những quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý đối với những chủ thể gây ÔNKK.

Năm là, hiện nay những quy định về phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK còn quy định trong nhiều văn bản khác nhau, ngoài Luật BVMT 2014, Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng Tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 909/2010/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố; Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động Giao thông vận tải; Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 về việc Quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/ 2016 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025[14].

Để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện, cần tích hợp những quy định hiện hành về ÔNKK vào một văn bản thống nhất, do vậy, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng Luật Phòng ngừa và kiểm soát ÔNKK./.

 

Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06/2018.

[1] Xem http://www.healthdata.org/news-release/poor-air-quality-kills-55-million-worldwide-annually.

[2]Xemhttp://documents.worldbank.org/curated/en/781521473177013155/pdf/108141-REVISED-Cost-ofPollutionWebCORRECTEDfile.pdf.

[3] Giáo trình Luật Môi trường (2014), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 165.

[4] Hạt trôi nổi có nghĩa là bất kỳ những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí do các phản ứng hóa học hoặc quá trình quang hợp, hoặc kết quả của việc sản xuất công nghiệp, xây dựng vv…

[5] Xem http://www.eia.gov/energyexplained/?page=coal_environment.

[6] http://www.healthdata.org/infographic/global-burden-air-pollution.

[7] Xem http://www.healthdata.org/infographic/global-burden-air-pollution.

[8] Xem https://www.ecolex.org/details/legislation/air-pollution-control-law-law-no-97-of-1968-as-amended-by-law-no-32-of-1996-lex-faoc040740/.

[9] Xem http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2146&re=02.

[10] Xem Luật Phòng ngừa và Kiểm soát ÔNKK của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2015,http://www.cciced.net/cciceden/NEWSCENTER/LatestEnvironmentalandDevelopmentNews/201509/P020160908584777560703.pdf

[11] Xem Điều 32 đến Điều 85 Luật Phòng ngừa và Kiểm soát ÔNKK của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2015, trênhttp://www.cciced.net/cciceden/NEWSCENTER/LatestEnvironmentalandDevelopmentNews/ 201509/ P020160908584777560703.pdf.

[12] Xem Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Công báo số 493+494, ngày 15/7/2017.

[13] Xem Điều 2, Điều 8, Điều 33, Điều 74, Điều 75, Điều 76 BLHS năm 2015.

[14] Xem thêm Lê Hoài Nam, Công tác quản lý nhà nước về chất lượng không khí và kiểm soát ÔNKK tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Hội thảo ÔNKK tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 2017.

 

TS. Mai Hải Đăng – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

đánh giá bài viết

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền