Những điểm mới về các tội phạm về chức vụ quy định trong BLHS 2015

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật cac-toi-pham-ve-chuc-vu

Những điểm mới về các tội phạm về chức vụ quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Việc sửa đổi BLHS 2015 – Chương “Các tội phạm về chức vụ” được tiến hành trên tinh thần đáp ứng những yêu cầu về mặt lý luận, những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định về các tội phạm này cũng như những cam kết quốc tế của Việt Nam với tư cách là thành viên của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

Với tinh thần đó, nhà làm luật đã bổ sung vào Chương XXIII BLHS 2015 một số nội dung mới sau:

1. Mở rộng phạm vi của các tội phạm về chức vụ

Trong BLHS 2015, khái niệm tội phạm về chức vụ đã được mở rộng về phạm vi. Cụ thể phạm vi các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ đã được mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước.

Các quy định về tội phạm chức vụ bắt đầu bằng khái niệm tội phạm về chức vụ. Theo khoản 1 Điều 352, “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.” Qua định nghĩa này, có thể thấy, khách thể bị các tội phạm này xâm hại là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước, cụ thể là các quan hệ bảo đảm tính liêm chính, tính vô tư và công minh trong hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức; đồng thời, quan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng có thể trở thành khách thể của các tội phạm về chức vụ. Đối tượng tác động quan trọng nhất của các tội phạm về chức vụ chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Bằng việc bổ sung đối tượng tác động của tội phạm chức vụ là hoạt động thực hiện “nhiệm vụ” bên cạnh hoạt động thực hiện “công vụ” vốn đã được quy định trong BLHS 1999, BLHS 2015 đã khẳng định việc mở rộng phạm vi của tội phạm về chức vụ sang khu vực tư và thể hiện sự thay đổi của khái niệm tội phạm về chức vụ

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định mở rộng phạm vi tội phạm về chức vụ này được luận giải bởi một số lí do sau đây: Một là hiện tượng tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… đã phát sinh một loại hệ quả mang tính tiêu cực là tham nhũng trong khu vực tư với tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng;

Hai là hình sự hóa những hành vi xâm hại hoạt động thực hiện nhiệm vụ trong khu vực tư là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước;

Ba là, việc mở rộng khái niệm tham nhũng sang khu vực tư giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những hậu quả nguy hiểm mà hành vi tham nhũng trong khu vực tư gây ra cho lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là cho những lợi ích về tài chính và một số lợi ích khác của đời sống xã hội.[1] Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư[2] và điều này cũng trở thành một yếu tố thúc đẩy việc mở rộng khái niệm tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam.

BLHS 1999 chỉ xác định bản chất tham nhũng đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công mà không xác định bản chất này đối với các hành vi có tính chất và đặc điểm tương tự trong khu vực tư và vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, phù hợp. Mặc dù theo quy định của BLHS 1999, một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: hành vi của người điều hành hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực chiếm đoạt tài sản được giao quản lý tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 – Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng việc chưa phản ánh đúng bản chất nguy hiểm của các hành vi này, chưa giúp cho xã hội nhận diện và ngăn ngừa được nguy cơ của những tiêu cực trong khu vực tư, chưa phản ánh đúng mức tầm quan trọng của việc bảo vệ tính liêm chính, minh bạch của khu vực tư và chưa có đường lối xử lý thích đáng đối với các hành vi đó khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình mới chưa bảo đảm tính toàn diện.

Bên cạnh đó, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng cho thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư, thậm chí nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư nhân thì không thể xử lý được. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.[3]

Trong bối cảnh khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang ngày càng phát triển và dần dần đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với các yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc, việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Theo BLHS 2015, người có chức vụ, quyền hạn thuộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ hoặc người khác tác động đến hoạt động thực thi nhiệm vụ của những người này vì vụ lợi (đưa hối lộ, môi giới hối lộ) được xác định là những hành vi phạm tội về chức vụ. Quy định này cũng có ý nghĩa để chính sách xử lý hình sự đối với hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực trong và ngoài Nhà nước được thống nhất và phù hợp.

2. Mở rộng chủ thể và đối tượng của một số tội phạm về chức vụ

Khái niệm người có chức vụ, quyền hạn với tư cách là chủ thể của nhiều tội phạm về chức vụ và là đối tượng của tất cả các tội phạm này đã có một số thay đổi tương ứng với việc mở rộng phạm vi của một số tội phạm về chức vụ.

Trước hết, tội tham ô tài sản đã mở rộng phạm vi chủ thể, đó là người có trách nhiệm quản lý tài sản trong mọi loại hình cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước. Trách nhiệm này phát sinh cả trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước cũng như trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước (ví dụ: trách nhiệm quản lý tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn với phần vốn góp từ các cá nhân, của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), vì theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 353, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.

Bên cạnh đó, theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 354, chủ thể của tội Nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lí từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.

Tóm lại, chủ thể của hai tội phạm về chức vụ nêu trên là người có chức vụ, quyền hạn trong cả hai khu vực nhà nước và ngoài nhà nước (khu vực công và khu vực tư). Cần chú ý rằng chủ thể của tội tham ô tài sản ở khu vực tư phải là người được giao quản lý tài sản bởi các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đối với chủ thể của tội nhận hối lộ ở khu vực tư, đó phải là người được các tổ chức, doanh nghiệp tín nhiệm giao vị trí công tác hoặc công việc (họ là người lao động trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp) và hành vi nhận lợi ích của họ trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện sự bội tín với chủ doanh nghiệp hoặc với tổ chức của mình.

Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn ở khu vực ngoài Nhà nước có thể trở thành đối tượng của các tội phạm về chức vụ như tội đưa hối lộ (Điều 364), tội môi giới hối lộ (Điều 365) BLHS 2015. Như vậy, trong khi đối tượng tác động của các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ theo BLHS 1999 chỉ là hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đơn vị của Nhà nước thì BLHS 2015 đã mở rộng đối tượng tác động của các tội này tới hoạt động thực hiện nhiệm vụ nói chung của tất cả những người có chức vụ, quyền hạn trong và ngoài nhà nước.

3. Mở rộng phạm vi “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính trong một số tội phạm chức vụ

Khái niệm “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính trong một số tội phạm chức vụ đã được mở rộng sang các lợi ích phi vật chất. Cụ thể ở các tội nhận hối lộ (Điều 354), lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), đưa hối lộ (Điều 364), môi giới hối lộ (Điều 365), lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366), “của hối lộ” hoặc lợi ích được đưa, nhận không chỉ gồm các loại lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà còn bao gồm các lợi ích phi vật chất. Việc mở rộng này phản ánh đầy đủ yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc về “của hối lộ”, theo đó bất kì loại lợi ích nào được đưa, nhận một cách bất chính để thay đổi hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền đều bị xem là “của hối lộ”. Thực tiễn lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới cũng phản ánh xu thế mở rộng khái niệm “của hối lộ” này.

“Của hối lộ” còn có thể là các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, ví dụ: việc khen ngợi trên phương tiện truyền thông, việc quan hệ tình dục, chỗ học tại một trường chuyên cho con cái. Như vậy, sau khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật, hành vi trao và nhận những lợi ích này bị xem là phạm tội hối lộ.

4. Quy định cụ thể về bên thứ ba hưởng lợi trong các tội phạm hối lộ

BLHS 2015 quy định cụ thể và trực tiếp vấn đề bên thứ ba hưởng lợi từ hành vi hối lộ. Cụ thể Điều 354 về tội nhận hối lộ và Điều 364 về tội đưa hối lộ đều quy định “của hối lộ” có thể được thụ hưởng bởi chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác.

Việc quy định cụ thể dấu hiệu nêu trên tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và trực tiếp cho việc xử lý hành vi hối lộ trong những trường hợp của hối lộ không được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn mà bởi người hoặc tổ chức khác với sự chấp nhận của người có chức vụ, quyền hạn và điều đó nhằm vào việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Của hối lộ được chuyển tới một tổ chức xã hội mà người có chức vụ là thành viên với danh nghĩa của người có chức vụ và được sự đồng ý của người đó, trong trường hợp này tuy người có chức vụ không trực tiếp thụ hưởng nhưng họ biết và chấp nhận việc thụ hưởng bởi tổ chức kia và thực chất người có chức vụ cũng được sự hàm ơn, sự vinh danh của tổ chức kia. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể dấu hiệu này cũng thể hiện sự tương thích với quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

5. Quy định bổ sung hối lộ công chức nước ngoài

Hành vi hối lộ công chức nước ngoài đã chính thức được ghi nhận là một trường hợp của tội đưa hối lộ theo Điều 364 khoản 6. Như vậy là BLHS 2015 đã xác định rõ ràng uy tín và hoạt động của các cơ quan, tổ chức quốc tế công và nước ngoài cũng bảo vệ khỏi sự xâm hại của hành vi đưa hối lộ cho công chức quốc tế hoặc công chức nước ngoài.

Đối tượng tác động của tội đưa hối lộ theo BLHS 2015 không chỉ có hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam mà còn bao gồm hoạt động thực hiện công vụ của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công.

Việc quy định bổ sung như trên trước hết xuất phát từ tinh thần thực thi đầy đủ Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: công chức của quốc gia và công chức của nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Công ước chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công (Điều 16).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới và các tổ chức quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, v.v…Do đó, việc bảo đảm tính liêm chính và hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế công là có ý nghĩa thiết thực. Việc một người nào đó vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các quốc gia khác, với các tổ chức quốc tế công, việc bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công là cần thiết.[4]

6. Một số điểm mới về hình phạt đối với các tội phạm về chức vụ

Thứ nhất, hình phạt đối với các tội phạm về chức vụ được quy định trong BLHS 2015 về cơ bản vẫn bảo đảm tính nghiêm khắc cần thiết, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của các tội phạm này và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh với các tội phạm đó, trong khi đã có một số sửa đổi theo hướng kết hợp với hình phạt ít nghiêm khắc hơn tù có thời hạn và vẫn bảo đảm phù hợp với tính chất của tội phạm về chức vụ.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW về hoàn thiện chính sách xử lý người phạm tội theo hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ đối với một số tội phạm chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, BLHS 2015 đã bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại một số cấu thành cơ bản, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm tính linh hoạt cho Tòa án xem xét áp dụng hình phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Hơn nữa, về bản chất của các tội phạm về chức vụ là có tính chất vụ lợi, thông thường nhân thân người phạm tội là tốt, do đó, đối với tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì việc áp dụng các chế tài không giam giữ cũng bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.[5]

Bên cạnh đó, ở các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ theo Điều 364 và Điều 365, nhà làm luật đã mạnh dạn đưa hình phạt tiền vào khung hình phạt chính ở các khoản 1 do xác định tính chất vụ lợi của các tội phạm này cũng như mức độ nguy hiểm thấp hơn so với các tội phạm tham nhũng. Hình phạt tù quy định đối với các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ đã giảm đáng kể về thời hạn ở tất cả các khung hình phạt. Đáng chú ý là hình phạt tù chung thân đã được xóa bỏ đối với tội đưa hối lộ và mức cao nhất của hình phạt tù đối với tội môi giới hối lộ đã giảm xuống 5 năm so với mức này trong BLHS 1999.

Thứ hai, bên cạnh đa dạng hóa hình phạt chính, BLHS 2015 còn có những sửa đổi đối với hình phạt bổ sung, cụ thể là các mức phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung đã được quy định tăng lên: trong BLHS 1999 các mức phổ biến là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, nay các mức này đã được tăng lên từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Sửa đổi này phù hợp với tính chất của loại tội phạm (tính vụ lợi) và cũng phù hợp với sự thay đổi giá trị đồng tiền và giá cả sinh hoạt.

Có thể thấy so với BLHS 1999 thì hình phạt bổ sung đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã được quy định mở rộng. Cụ thể, hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản mới được quy định bổ sung đối với tội phạm này trong BLHS 2015.

Hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung đối với một số tội phạm về chức vụ đã được thay đổi về phương thức phạt tiền: từ phạt theo số lần giá trị của hối lộ hoặc giá trị tài sản đã trục lợi sang phạt theo số tiền cụ thể. Ví dụ: Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội nhận hối lộ là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, so với quy định trước đây là phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. Quy định này sẽ giúp cơ quan áp dụng dễ dàng hơn khi áp dụng phạt tiền trong những trường hợp không xác định được cụ thể giá trị của hối lộ hoặc tài sản trục lợi.

Thứ ba, bổ sung quy định không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40 khoản 3 điểm c).

Việc bổ sung này được luận giải bởi một số lí do: một là phù hợp với định hướng hạn chế hình phạt tử hình của luật hình sự Việt Nam; hai là việc xác định bản chất của các tội phạm này là tội phạm phi bạo lực, tuy tội phạm có thể gây thiệt hại rất lớn về tài sản và các thiệt hại vật chất khác nhưng nếu người phạm tội đã chủ động nộp lại hầu như toàn bộ tài sản do phạm tội mà có thì về cơ bản thiệt hại vật chất gây ra đã được khắc phục, trong khi Nhà nước ta xác định việc thu hồi tài sản tham nhũng đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết; ba là việc người phạm tội đồng thời đã hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc đã lập công lớn là những biểu hiện của thái độ ăn năn, hối cải, của khả năng cải tạo, giáo dục họ, đặc biệt với tính chất của các tội phạm tham nhũng này là những tội được thực hiện bởi các chủ thể có quyền lực, được che chắn và rất khó bị phát hiện, ít để lại dấu vết, việc hợp tác của người phạm tội là một thuận lợi lớn đối với hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy vậy việc áp dụng quy định mới này cần chú ý bảo đảm việc thỏa mãn đầy đủ các điều kiện luật định và đánh giá chính xác thái độ chủ động, tích cực của người phạm tội và thời điểm họ thể hiện thái độ này để việc áp dụng quy định mang tính khoan hồng trên thực sự phát huy được ý nghĩa và không bị người bị kết án lợi dụng để tránh được việc thi hành án tử hình. Điều đó xuất phát từ chỗ quy định này dẫn đến cách hiểu rằng sau khi người phạm tội các tội tham nhũng trên bị kết án tử hình họ mới chịu nộp lại tài sản do phạm tội mà có và mới chịu hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm của những người khác. Vậy thì tính chất chủ động và tích cực của việc họ làm lúc này có thực sự được thể hiện? Đây là vấn đề cần được chú ý đặc biệt khi ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này.

7. Cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả của một số tội phạm về chức vụ

Trước hết, dấu hiệu hậu quả được phản ánh một cách chung chung trong một số cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm về chức vụ trong BLHS 1999 đã được cụ thể hóa trong BLHS 2015. Cụ thể, ở các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357) và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360), các dấu hiệu “gây thiệt hại cho lợi ích…” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” trước đây đã được cụ thể hóa bằng dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản từ…đến…” hoặc “làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên”, v.v…

Bên cạnh đó, những tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng khác”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” hoặc “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” được quy định tại nhiều cấu thành tội phạm tăng nặng của các tội phạm về chức vụ trong BLHS 1999 đã được BLHS 2915 thay thế bằng các tình tiết phản ánh những biểu hiện cụ thể của hậu quả. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là quy định về các biểu hiện cụ thể của hậu quả ở tội tham ô tài sản theo Điều 353. Đối với tội tham ô tài sản, BLHS 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” của tội phạm này trong BLHS 1999 bằng các tình tiết tại khoản 2:

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

Hay tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” của BLHS 1999 được cụ thể hóa bằng các tình tiết tại khoản 3 Điều 353 BLHS 2015:

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Tương tự như vậy ở một loạt các tội phạm về chức vụ tình tiết tăng nặng liên quan đến hậu quả đã được lượng hóa ở mức khá cao, đặc biệt rõ nét ở các tội như: tội giả mạo trong công tác (Điều 359), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360). Ví dụ như ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dấu hiệu hậu quả đã được cụ thể hóa bằng các biểu hiện của hậu quả về thể chất (thương tích với tỉ lệ nhất định hoặc chết người) hoặc về vật chất.

Sửa đổi này của BLHS 2015 xuất phát bởi sự hạn chế trong cách quy định dấu hiệu hậu quả chung chung, khó xác định của BLHS 1999. Đây là một trong những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS 1999 của Bộ Tư pháp năm 2014. Báo cáo khẳng định việc quy định tình tiết mang tính “định tính” như vậy vừa làm cho công tác áp dụng luật hình sự thiếu thống nhất, dễ sai sót vừa gây khó khăn cho công tác giải thích, hướng dẫn việc áp dụng luật.

8. Thay đổi dấu hiệu định lượng ở một số cấu thành tội phạm

Trước hết, dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của nhiều tội phạm về chức vụ đã có sự thay đổi. Cụ thể đó là sự thay đổi của mức định lượng tối đa của giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ, giá trị của tài sản bất chính hoặc của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Đối với các tội được quy định tại các Điều 353, 355, 366 thì mức tối đa này tăng gấp 2 lần so với quy định của BLHS 1999; riêng các tội quy định tại các Điều 354, 358, 364, 365 thì mức tối đa thậm chí tăng lên đến 10 lần. Ví dụ đối với tội nhận hối lộ, định lượng về “của hối lộ” đã có sự thay đổi, trong BLHS 1999 khung hình phạt cơ bản áp dụng đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, BLHS 2015 quy định khung hình phạt này đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (mức tối đa đã tăng lên 10 lần).

Tiếp theo là những thay đổi về định lượng trong cấu thành tội phạm tăng nặng của nhiều tội: Các tình tiết tăng nặng định khung phản ánh giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc giá trị “của hối lộ” đều thay đổi về định lượng. Có thể thấy các mức định lượng đều tăng lên một cách đáng kể so với với quy định của BLHS 1999, Ví dụ: Đối với tội tham ô tài sản, Điều 278 khoản 2 BLHS 1999 quy định giá trị của tài sản bị chiếm đoạt là từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trong khi Điều 353 khoản 2 BLHS 2015 quy định giá trị của tài sản này là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Có một số khung hình phạt tăng nặng các mức định lượng này tăng lên đến 10 lần so với BLHS 1999, Ví dụ: Đối với tội nhận hối lộ Điều 279 khoản 2 BLHS 1999 quy định giá trị của hối lộ là từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, còn khoản 2 Điều 354 BLHS 2015 quy định giá trị của hối lộ là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Các báo cáo thuyết minh về BLHS sửa đổi hoặc tờ trình dự thảo BLHS sửa đổi đều không giải thích gì về việc sửa đổi này. Theo tác giả sửa đổi này có thể được lý giải bởi sự sụt giảm giá trị của đồng tiền cũng như sự tăng cao của giá cả sinh hoạt. Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này nâng định lượng của nhiều tội lên một mức giống nhau trong khi những tội đó có mức độ nguy hiểm cho xã hội không giống nhau và chính những quy định về định lượng ở BLHS 1999 đã thể hiện sự phân hóa đó. Thiết nghĩ việc tăng định lượng của các tội cho phù hợp với những biến động của giá trị tiền và giá cả là đúng đắn nhưng cũng vẫn phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự.

9. Tiếp tục thực hiện phân hóa trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm về chức vụ

Điểm mới tiếp theo là phân hóa trách nhiệm hình sự đã được thực hiện thêm một bước nữa khi mà một số khung hình phạt được xây dựng thêm và khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa của một số khung hình phạt đã được thu hẹp lại. Ví dụ: Tội lạm quyền trong khi thi thành công vụ (Điều 357) đã được xây dựng 4 khung hình phạt so với 3 khung trước đây trong BLHS 1999, trong đó khoản 4 được bổ sung quy định khung tăng nặng có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm được áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của các khung hình phạt đối với tội này tại khoản 2, 3 đều đã được thu hẹp so với BLHS 1999. Điều này thực sự có ý nghĩa khi xét trong mối liên hệ với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) vì tội phạm đó có thể xem là ít nguy hiểm hơn so với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Những sửa đổi, bổ sung tương tự cũng được thực hiện đối với quy định về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Việc tiếp tục thực hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự như trên thể hiện tính khoa học của những sửa đổi, bổ sung này, đồng thời, tạo cơ sở cho việc cá thể hóa hình phạt trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự xử lý các tội phạm về chức vụ.

Tóm lại, BLHS 2015 đã được bổ sung một số nội dung về các tội phạm về chức vụ như khái niệm và phạm vi của tội phạm về chức vụ, chủ thể có chức vụ trong cấu thành của các tội phạm này, khái niệm của hối lộ, hối lộ công chức nước ngoài, hình phạt đối với các tội phạm này,…Những sửa đổi đó về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về mặt khoa học, yêu cầu của thực tiễn lập pháp và thực tiễn áp dụng luật hình sự, đồng thời, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc.

 


[1] Những luận giải chi tiết cho việc hình sự hóa tham nhũng trong khu vực tư có thể được tìm hiểu thêm tại: Đào Lệ Thu (2010), Các tội phạm về hối lộ trong luật hình sự Việt Nam – So sánh với Luật hình sự Thụy Điển và Australia, Luận án tiến sĩ thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Luật Hà Nội và Khoa Luật – ĐH Tổng hợp Lund Thụy Điển; Gunter Heine, Barbara Huber, Thomas O. Rose (chủ biên), Private Commercial Bribery – A Comparison of National and Supranational Legal Structures, xuất bản bởi International Chamber of Commerce, Rreiburg im Breisgau 2003.

[2] Theo quy định tại Điều 21 Công ước chống tham nhũng, các quốc gia nên áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư, gồm hai dạng hành vi là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, Điều 22 Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại.

[3] Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.

[4] Xem thêm: Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.

[5] Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.

 

Nguồn: tapchitoaan.vn

 


Các tìm kiếm liên quan đến các tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015, chương tội phạm về chức vụ, hướng dẫn các tội phạm về chức vụ, bộ luật hình sự 2015, tội tham nhũng trong bộ luật hình sự 2015, điểm mới của bộ luật hình sự 2015 so với bộ luật hình sự 1999 về tội phạm tham nhũng, điều 122 bộ luật hình sự 2015, bài tập tội phạm về chức vụ, điều 353 bộ luật hình sự

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền