Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Chuyên mụcLuật hình sự Môi giới hối lộ

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội phạm về chức vụ / Các tội phạm về tham nhũng

 

Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

Bình Luận tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

1. Khái niệm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất dưới bất kỳ hình thức nào, để dùng ảnh hưởng của mình, thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc thông qua một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ, hoặc làm một việc không được phép.

2. Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác

Tội phạm này gần giống với tội nhận hối lộ, do đó, khách thể, mặt chủ quan của tội phạm khá giống với tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, yếu tố chủ thể và mặt khách quan là điểm khác biệt giữa tội phạm này với tội nhận hối lộ.

2.1. Mặt khách quan

(i) Hành vi: mặt khách quan của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi được đặc trưng bởi hành vi khách quan, bao gồm hai loại hành vi sau:

– Hành vi nhận tiền hoặc tài sản của người khác. Giá trị tài sản giống tội nhận hối lộ.

– Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi với tội nhận hối lộ và các tội khác. Ở tội nhận hối lộ, người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, còn người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chỉ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc là một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc không được phép làm.

(ii) Phương tiện phạm tội:

– Bộ luật hình sự năm 2015 cũng có một số sửa đổi bổ sung liên quan đến các mức giá trị tài sản và lợi ích trục lợi trong tình tiết định tội và định khung tăng nặng. Cụ thể:

– Đối với tình tiết định tội, nâng mức giá trị tài sản trục lợi từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng (trong Bộ luật hình sự năm 1999) lên mức từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

– Bổ sung “lợi ích phi vật chất” và danh mục những tài sản, lợi ích trục lợi dùng để định tội.

– Đối với tình tiết tăng nặng, nâng mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng” (trong Bộ luật hình sự năm 1999) lên mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng)” đối với khung phạt tù từ 06 năm đến 13 năm; nâng mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng” (trong Bộ luật hình sự năm 1999) lên mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” đối với khung hình phạt tù từ 13 năm đến 20 năm; nâng mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên” (trong Bộ luật hình sự năm 1999) lên mức “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên”.

– Bộ luật hình sự năm 2015 cũng bổ sung tình tiết “gây thiệt hại về tài sản” với các mức giá trị tương tự nhưng các tội tham nhũng khác.

2.2. Chủ thể

Đối với lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi, người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng họ không có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà phải tác phẩm với người có trách nhiệm trực tiếp yêu cầu cho người “đưa hối lộ”.

3. Về hình phạt

Chế tài của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi có cấu trúc tương tự chế tài của một số tội tham nhũng (không có hình phạt tử hình).

Người phạm tội theo quy định của khoản 1 điều 358 thì  bị phạt tù từ 01 đến 06 năm.

Tình tiết tăng nặng:

(i) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

– Có tổ chức

– Phạm tội 02 trở lên (Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “phạm tội nhiều lần”)

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng).

– Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

(ii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 13 năm đến 20 năm:

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

(iii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Gây thiệt hại tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên;

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “Người phạm tổi còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi”).

(Nội dung được trích dẫn tại Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 của TS. Trần Văn Biên và TS. Đinh Thế Hưng, trang 557, 558, 559).


Các tìm kiếm liên quan đến Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi blhs 2015, ví dụ tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, giả mạo trong công tác vì vụ lợi, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ blhs 2015, dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong các tội phạm về chức vụ, điều 358 bộ luật hình sự 2015

4/5 - (4 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền