Mối quan hệ giữa triết học và QPPL hình sự trong việc định tội

Chuyên mụcLuật hình sự, Triết học dinh-toi-danh

Mối quan hệ giữa triết học và quy phạm pháp luật hình sự trong việc định tội

Triết học – hạt nhân lý luận của thế giới quan, là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới tự nhiên, về các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với thế giới quan đó. Đối với việc xác định tội danh, triết học là cơ sở khoa học cho việc áp dụng đúng đắn các quy phạm pháp luật hình sự, là một phạm trù đặc trưng cơ bản cho bản chất nhận thức luận của quá trình áp dụng quy phạm pháp luật hình sự khi định tội, và một trong những cơ sở lý luận khoa học của triết học, đóng vai trò quan trọng khi định tội chính là phạm trù cái chung và cái riêng, cái cụ thể và cái trừu tượng…v.v…

Quy phạm pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh những nhóm quan hệ xã hội. Nếu như xem xét quy phạm pháp luật dưới quan điểm của triết học thì quy phạm chính là khái niệm cái chung.

Theo Lênin “cái chung” là phạm trù “được dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác”. Ví dụ như khi quy phạm pháp luật hình sự quy định các dấu hiệu của cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”, thì phạm trù cái chung dùng để chỉ những thuộc tính của sự vật, hiện tượng được xem xét chính là những dấu hiệu cơ bản nhất của các dạng hành vi nguy hiểm cho xã hội được đề cập dưới dạng khái quát. Như vậy, khái niệm tội “cưỡng đoạt tài sản” với tư cách là “hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” được áp dụng với mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu của điều 135 Bộ luật hình sự.

“Cái riêng” theo quan điểm triết học là “phạm trù được dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính… chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định và không được lặp lại ở bất kỳ một kết cấu vật chất nào khác”. Chẳng hạn như cùng có điểm giống nhau là đều xâm hại đến mặt khách thể là quan hệ sở hữu của công dân, nhưng mặt khách quan ở cấu thành “tội cướp tài sản” (Điều 133 Bộ luật hình sự) là hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”, hành vi này khác so với hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản ở cấu thành “tội trộm cắp tài sản” (Điều 138 Bộ luật hình sự). Những điểm khác nhau ở hành vi khách quan của hai tội này chính là những “cái riêng”, nghĩa là hành vi “công khai” ở “tội cướp tài sản” không thể xuất hiện trong cấu thành “tội trộm cắp tài sản” được và ngược lại hành vi “lén lút” là dấu hiệu đặc trưng của “tội trộm cắp tài sản”, không thể đồng thời xuất hiện ở cấu thành tội cướp.

“Cái chung” và “cái riêng” đều là những phạm trù phản ảnh hiện thực khách quan, tuy quy phạm pháp luật hình sự không thể chứa đựng toàn bộ các dấu hiệu đa dạng, đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là phạm trù cái chung không phản ánh được những chi tiết khách quan.

Quy phạm pháp luật hình sự chỉ quy định một số dấu hiệu của tội phạm tương ứng được khái quát hoá tách ra khỏi các dấu hiệu và thuộc tính khác của tội phạm đó, vì thế khái niệm “cái chung” chứa đựng không phải sự ngẫu nhiên các dấu hiệu mà là tách ra từ các dấu hiệu đó những dấu hiệu thể hiện bản chất của hiện tượng, để một phần nào làm sáng tỏ được quy luật khách quan của hiện thực thực tế được khái niệm đó thể hiện.

Triết học xác định một cách rõ ràng mối tương quan giữa “cái riêng” và “cái chung”.

“Cái chung” tồn tại một cách thực tế, nhưng không hề độc lập mà thông qua các hiện tượng cụ thể, đơn nhất. V.I.Lênin với quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng, cũng đã chỉ ra được mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng” “cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”, còn “cái riêng” chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến “cái chung”. “Cái chung” là một bộ phận của “cái riêng” còn “cái riêng” không gia nhập hết vào “cái chung”, khẳng định trên của Lênin đã phản ánh một sự thật là bên cạnh những thuộc tính được lặp lại ở các sự vật khác nhau, tức là bên cạnh “cái chung”, bất cứ “cái riêng” nào cũng còn chứa đựng những “cái đơn nhất”, những cái chỉ vốn có ở nó và không được lặp lại ở bất cứ sự vật nào nữa.

Trong thực tế khách quan, phạm trù “cái chung” được biểu hiện dưới những khái niệm trừu tượng, khái quát nhất về một sự kiện hiện tượng nào đó. Vì thế, khi xem xét, đánh giá quy phạm pháp luật dưới góc độ phạm trù “cái chung”, thì những quy phạm pháp luật hình sự được ghi nhận trong Bộ luật hình sự có thể cũng chứa đựng các khái niệm với những mức độ trừu tượng khác nhau. Ví dụ như ở mức độ khái quát cao nhất về hành vi nguy hiểm cho xã hội được ghi nhận ở khái niệm tội phạm được quy định tại điều 8 Bộ luật hình sự; mức độ khái quát tiếp theo là sự trừu tượng, khái quát về một nhóm hành vi có các dấu hiệu đặc trưng được quy định tại chương XII về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, và mức độ khái quát thấp hơn nữa chính là các quy định về
tội phạm cụ thể tương ứng với các điều luật trong Bộ luật hình sự.

Quy phạm pháp luật là một hiện tượng của ý thức xã hội, tồn tại trong hiện thực khách quan, chính vì thế tính độc lập tương đối của phạm trù “cái chung” là cơ sở của triết học cơ bản nhất để xác định và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự. Đồng thời, mối quan hệ biện chứng giữa phạm trù “cái chung” với “cái riêng” là một trong những phương pháp luận khoa học của quá trình định tội, nhất là quá trình so sánh, đối chiếu giữa “cái chung” và “cái riêng”; giữa các tình tiết thực tế với các quy phạm pháp luật, để từ đó lựa chọn quy phạm pháp luật tương ứng cho từng trường hợp.

Quy phạm pháp luật được xây dựng dựa trên các cơ sở lý luận của triết học, vì thế giữa quy phạm hình sự và các phạm trù “cái chung”, “cái riêng” có sự tác động, biện chứng lẫn nhau. Vấn đề đặt ra là việc nhận thức về mối quan hệ giữa hành vi thực tế và quy phạm pháp luật hình sự có ý nghĩa như thế nào trong quá trình định tội?

Quá trình định tội danh như đã đề cập là quá trình nhận thức, đối chiếu các hành vi khách quan với các quy phạm pháp luật; là sự xác định về mặt đồng nhất các dấu hiệu cơ bản của hành vi với các cấu thành tội phạm, để từ đó lựa chọn được cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với hành vi đó. Thế nên, việc quan niệm về tình tiết thực tế của vụ án; quan niệm về nội dung của quy phạm pháp luật hình sự và quan niệm về mối quan hệ giữa các dấu hiệu thực tế của hành vi và các dấu hiệu được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự là những điều cần thiết của việc định tội. Nếu sự thật của vụ án không được xác định đúng, khách quan thì các quy phạm pháp luật hình sự sẽ không được áp dụng một cách đúng đắn. Hay nói cách khác, việc định tội đúng chính là sự thể hiện chính xác tính chất, mối liên hệ giữa các tình tiết thực tế với các quy phạm pháp luật hình sự.

Hiện thực khách quan là tổng hoà các sự kiện, hiện tượng đa dạng, phức tạp và luôn luôn biến động.

Chính vì thế, chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa, một sự nhận xét mang tính tuyệt đối nào đối với các khía cạnh của vấn đề. Dù rằng đối với mọi tội danh cụ thể, nhà làm luật đều xây dựng nên những cấu thành tội phạm tương ứng, nhưng vấn đề khó khăn nhất khi định tội chính là đứng trước một hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm sao xác định, lựa chọn được dấu hiệu cấu thành phù hợp để áp dụng. Ví dụ như khi có hành vi “cố ý gây thương tích” xảy ra trên thực tế, hành vi này có thể cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, hoặc có thể cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, trong trường hợp này người áp dụng pháp luật phải tiến hành phân biệt những dấu hiệu khác nhau của những cấu thành gần giống nhau đó để đưa ra một kết luận khẳng định phù hợp nhất với thực tế.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Mối quan hệ giữa triết học và quy phạm pháp luật hình sự trong việc định tội, giáo trình luật hình sự việt nam phần các tội phạm, bài giảng luật hình sự phần các tội phạm, giáo trình luật hình sự phạm văn beo, luật hình sự phần riêng phạm văn beo, giáo trình luật hình sự đại học luật tp hcm, bài tập luật hình sự phần các tội phạm, mối quan hệ giữa tội phạm và cấu thành tội phạm, nhận định luật hình sự phần các tội phạm

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền