Mối quan hệ giữa Luật biển với các ngành luật khác của Luật quốc tế
Là một bộ phận của Luật quốc tế, Luật biển có quan hệ mật thiết với các ngành luật và chế định khác của Luật quốc tế. Trước hết, Luật biển có quan hệ với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Đây là mối quan hệ giữa các nguyên tắc cơ bản của một hệ thống pháp luật với một ngành luật trong hệ thống đó. Mối quan hệ này thể hiện ở chổ, các quy định của Luật biển quốc tế được xây dựng trên cơ sở phhù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Trong quan hệ với các ngành luật khác của Luật quốc tế, Luật biển có quan hệ mật thiết trước hết với các ngành khác như Luật quốc tế về biên giới lãnh thổ, Luật hàng không quốc tế, Luật quốc tế về môi trường.
Luật biển với luật quốc tế về lãnh thổ và biên giới quốc gia
Luật quốc tế về lãnh thổ và biên giới quốc – một ngành của Luật quốc tế, là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp lý quốc tế điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của Luật quốc tế liên quan đến lãnh thổ và biên giới quốc gia.
Mối quan hệ giữa Luật biển quốc tế và Luật quốc tế về biên lãnh thổ và biên giới quốc gia là mối quan hệ giữa luật về cái chung (lãnh thổ, biên giới) và luật về cái bộ phận (biển). Phải như chúng ta đã biết, lãnh thổ quốc gia được xác định bao gồm bốn bộ phận là vùng đất, vùng lòng đất, vùng trời và vùng nước trong đó biển là một bộ phận của vùng nước. Do vậy những quy chế của biển được xây dựng trước hết dựa trên những nguyên tắc tổng quát của lãnh thổ quốc gia nói chung. Chẳng hạn như khi xây dựng quy chế pháp lý cho vùng lãnh hải và nội thuỷ, các quốc gia phải dựa vào quy chế pháp lý vè lãnh thổ quốc gia. Ngược lại, Luật biển quốc tế lại có những tác động nhất định đến Luật quốc tế về lãnh thổ và biên giới quốc gia. Luật biển quốc tế có vai trò quan trọng trong việc xác định ranh giới trên biển của lãnh thổ quốc gia-đó là ranh giới ngoài của vùng lãnh hải. Mặt khác, chế độ pháp lý của các vùng lãnh thổ quốc gia trên biển phải được xác định dựa trên cơ sở Luật biển quốc tế.
Ngoài ra, cũng như Luật biển quốc tế, Luật quốc tế về biên giới, lãnh thổ cũng chịu sự tác động của các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế nói chung. Đây là sự tác động giữa cái chung đến cái bộ phận tồn tại trong một thể thống nhất.
Luật biển với luật hàng không quốc tế
Luật hàng không là một ngành độc lập của Luật quốc tế, bao gồm các nguyên tắc và qy phạm pháp lý quốc tế điều chỉnh các quan hệ pháp lý phát sinh giữa các chủ thể của Luật quốc tế trong việc sử dụng và quản lý không phận phục vụ cho hàng không dân dụng.
Vùng biển và vùng trời là hai bộ phận của lãnh thổ quốc gia do đó, mối quan hệ giữa Luật biển và Luật hàng không quốc tế là quan hệ giữa hai luật bộ phận. Vùng biển là một trong những căn cứ để xác định vùng trời trên biển và như vậy, quy chế pháp lý của vùng trời ít nhiều bị ảnh hưởng bởi quy chế pháp lý của các vùng biển. Chẳng hạn như vùng trời ở trên vùng lãnh hải và nội thuỷ thì được xác định là vùng không phận quốc gia. Ngược lại, vùng trời nằm phía trên các vùng biển khác sẽ được coi là vùng không phận quốc tế với các quy chế pháp lý khác nhau.
Luật biển với luật môi trường quốc tế
Luật quốc tế về môi trường là tổng hợp những nguyên tắc và quy phạm pháp lý quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể của Luật quốc tế phát sinh liên quan đến sử dụng và bảo vệ môi trường. Giữa Luật quốc tế về môi trường và Luật biển tồn tại một mối quan hệ mật thiết. Suy cho cùng thì biển cũng là một bộ phận của môi trường, do vậy bảo vệ biển cũng chính là góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó thì việc bảo vệ môi trường biển lại phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, sử dụng và bảo tồn tài nguyên biển. Chính vì vậy, Luật biển quốc tế dành nhiều quy định cho vấn đề bảo vệ môi trường biển và đây cũng chính là một bộ phận của Luật quốc tế về môi trường. Đến lượt mình, các quy định của Luật quốc tế về môi trường lại có tác động đến sự hình thành và phát triển các quy định của Luật biển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.
Để lại một phản hồi