Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư

Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng là nội dung được quy định tại Quy tắc 28 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

..

Những nội dung liên quan:

..

Quy tắc 28 chứa đựng những quy định rất cụ thể và rõ ràng những việc luật sư không được làm với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Cụ thể:

Quy định về việc luật sư không được phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật về những vấn đề liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng. Việc phát ngôn sai sự thật rất nguy hiểm, có thể làm sai lệch nhận định về sự thật của vụ án và ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đồng thời, luật sư có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý thậm chí phải đối mặt với vấn đề trách nhiệm hình sự.

Ví dụ 9: luật sư. A biết rõ là vụ án đang trong quá trình giải quyết, các cơ quan tiến hành tố tụng đang truy tìm thủ phạm nhưng luật sư phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc ở nơi công cộng là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bao che, tiếp tay cho hung thủ bỏ trốn mà không bắt hoặc không có biện pháp tích cực nào khác để truy tìm thủ phạm trong vụ án.

Sau khi luật sư. A phát biểu, ý kiến của luật sư. A đã được nhiều người chia sẻ và bình luận. cơ quan tiến hành tố tụng đã phải có phát biểu chính thức về vấn đề và đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm của luật sư theo pháp luật.

Thực tế, khi xảy ra vụ án, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, cơ quan báo chí, truyền thông có xu hướng mời luật sư tham gia phỏng vấn, phát biểu ý kiến bình luận. Ý kiến bình luận, đánh giá của luật sư rất được xã hội quan tâm bởi lẽ nghề luật sư, người luật sư hành nghề tự do, luôn đại diện cho các bên trong vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi đối tượng không phân biệt, kỳ thị. Ý kiến của luật sư mang tính tham khảo về mặt pháp lý rất cao. Thông qua việc tham gia bình luận, phát biểu ý kiến là cách để luật sư xây dựng thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, khi phát biểu ý kiến, bình luận, đánh giá về vụ án, vụ việc luật sư cần chú ý:

– Thứ nhất, vì không tham gia tố tụng, luật sư không được tiếp cận với hồ sơ, tài liệu trong vụ án, vụ việc, việc đánh giá hay nhận định về nội dung vụ án, vụ việc có thể sẽ không được đầy đủ, toàn diện.

– Thứ hai, khi đưa ra ý kiến, nhận định, bình luận, luật sư cần chỉ rõ luật sư dựa vào nguồn tài liệu, nguồn tin nào để nhận định.

– Thứ ba, khi phát biểu ý kiến cần nắm rõ giai đoạn tố tụng vụ án, vụ việc đang được giải quyết để biết được những phạm vi, những vấn đề luật sư có thể phát biểu.

Luật sư đã biết rõ nội dung phát biểu của mình là sai sự thật nhưng cố tình phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng nhằm khiến dư luận xã hội hiểu sai, hiểu không đúng về vụ án, vụ việc theo một hướng khác sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án, hơn nữa làm sai lệch bản chất của vụ án. Điều này tạo dư luận xấu cũng như ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, đặc biệt là có thể gây nhiễu loạn xã hội, mất trật tự an ninh và làm ảnh hưởng tới lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Một hành vi khác mà luật sư không được làm với các cơ quan, người tiến hành tố tụng đó là phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng. Luật sư luôn đứng về phía người yếu thế để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng do vậy thường phải có sự đấu tranh và mang tính phản biện cao. Khi có những xung đột, phản biện, tranh luận gay gắt xảy ra giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng hay người tiến hành tố tụng, luật sư có thể không giữ được bình tĩnh mà phản ứng tiêu cực bằng cách tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng. Luật sư tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng đến một số chủ thể như:

– Đối với khách hàng: Quyền và lợi ích hợp pháp không được luật sư bảo vệ với đầy đủ các chứng cứ, căn cứ pháp lý; không được người tham gia tố tụng tranh luận, xem xét dưới các góc độ khác nhau; Phải chấp nhận bản án, quyết định, chứng cứ mà không có sự bảo vệ của luật sư vì hoạt động tố tụng, trình tự tố tụng của vụ án, vụ việc vẫn được thực hiện một cách hợp pháp.

Từ đó, có thể thấy, việc tự ý bỏ về của luật sư đã đem lại những bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Đối với cơ quan, người tiến hành tố tụng: Việc tự ý bỏ về sẽ làm khó các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như có thể kéo dài việc giải quyết vụ việc, nhất là đối với những vụ án đông người tham gia tố tụng hoặc tình tiết phức tạp hoặc vụ án có nhiều bị cáo bị tạm giam làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết vụ án khi không có luật sư tham gia và phiên tòa bị hoãn nhiều lần. Cá biệt, ngay lúc mới khai mạc phiên tòa, nhiều khi luật sư yêu cầu HĐXX triệu tập thêm người làm chứng hoặc giải đáp một số thắc mắc trong hồ sơ vụ án nhưng không được HĐXX chấp nhận đã phản ứng rất tiêu cực bằng hình thức tự ý bỏ về gây khó cho việc tiếp tục xét xử. Đây là những ứng xử rất không tôn trọng người khác và được quy định là một trong những hành vi luật sư không được làm khi tham gia tố tụng với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Luật sư tự ý bỏ về vì bất cứ lý do gì cũng dễ gây ra những hiểu lầm, những đánh giá tiêu cực từ phía xã hội, đặc biệt khi có những đối tượng cố ý lợi dụng sự việc để đưa ra những ý kiến, vấn đề không đúng nhằm kích động, bôi nhọ uy tín, danh dự của Nhà nước, hệ thống cơ quan tư pháp. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư phải quy định thành một điều cấm.

Ví dụ 10: Trong phiên tòa hình sự chỉ có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người có giấy triệu tập và giấy mời của Tòa án mới được vào phòng xét xử. Người nhà bị hại tỏ ra bất bình khi nhiều người dân không được vào theo dõi phiên tòa. Nhiều lần, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại và người nhà bị hại đề nghị Chủ tọa cho phép tất cả người dân đang đứng ngoài cổng Tòa được vào phòng xét xử. Chủ tọa phiên tòa cho biết, đây là phiên xét xử công khai, tất cả người dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, theo quy định, vấn đề bảo vệ an ninh phiên tòa là trách nhiệm của lực lượng công an.

Đầu giờ chiều, việc xét xử được tiếp tục. Phía bị hại yêu cầu lực lượng cảnh sát phải để tất cả người dân có mặt vào phòng xét xử. Không được đáp ứng yêu cầu, đại diện hợp pháp của bị hại cũng không vào tham gia phiên tòa dù Thư ký Tòa án đã ra tận cổng mời vào.

Phiên tòa được tiếp tục dù phía bị hại từ chối vào tham dự. Vị luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng Tòa đã vi phạm Hiến pháp nên từ chối tranh luận và bỏ về khi buổi xét xử mới được bắt đầu.

Đại diện VKSND đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vì xuất hiện những tình tiết mà trong phiên xét xử không thể làm rõ. HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày tới.

Bình luận: Hành vi từ chối tranh luận và tự ý bỏ về khi bắt đầu phiên tòa của luật sư dù vì bất kỳ lý do gì đều đã vi phạm Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

Ngoài hai nhóm hành vi luật sư không được làm với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng như trên thì luật sư cũng bị cấm thực hiện những hành vi khác mà pháp luật quy định trong quan hệ giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Những hành vi đó có thể là luật sư xúc phạm đối với cơ quan tiến hành tố tụng hay người tiến hành tố tụng trong khi luật sư tham gia tố tụng. Trong quá trình hành nghề hoặc tham gia giải quyết vụ án, khi những đề nghị, yêu cầu của luật sư không được đáp ứng hoặc đáp ứng không đầy đủ, luật sư lớn tiếng xúc phạm hoặc có những hành vi khác mà pháp luật cấm luật sư thực hiện đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Phân tích Quy tắc 28 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam?

5/5 - (12059 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền