Khái niệm và các loại đối tượng tác động của tội phạm. Cho ví dụ?

Giết người

Khái niệm đối tượng tác động của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm mà khi tác động lên nó, người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

 

Những nội dung liên quan:

 

Trong nội tại của khái niệm trên về đối tượng tác động của tội phạm cho thấy sự thể hiện ở 2 mặt:

Thứ nhất: Về mặt nội dung thì đối tượng tác động của tội phạm là cái thông qua sự tác động lên nó tội phạm trực tiếp gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Vấn đề này có thể được đánh giá qua sự phân tích các ví dụ sau:

Ví dụ 1: Đối với tội giết người.

A dùng dao đâm chết B. Trong trường hợp phạm tội này, tội phạm xâm hại quan hệ nhân thân của B và chỉ có thể thông qua sự tác động lên cơ thể của B mới có thể gây thiệt hại đến tính mạng của B. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là con người B – B là chủ thể của quan hệ nhân thân.

Giết người

Ví dụ 2: Đối với tội trộm cắp tài sản

A trộm ti vi của B. Tội phạm xâm hại đến quan hệ sở hữu của B. Trong trường hợp này, chỉ có thể thông qua sự tác động vào chiếc ti vi mới có thể gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu của B. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là chiếc ti vi của B – là đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội.

Trộm cắp tài sản

Ví dụ 3. Đối với tội đưa hối lộ

A là cán bộ kiểm lâm đã nhận 10 triệu đồng của B là lâm tặc đang vận chuyển gỗ lậu. Trong trường hợp này tội phạm xâm hại đến quan hệ về sự hoạt động đúng đắn của ngành kiểm lâm và chỉ có thể thông qua sự tác động làm thay đổi tới quyền và nghĩa vụ của cán bộ kiểm lâm mới có thể gây thiệt hại cho sự hoạt động đúng đắn của ngành kiểm lâm. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm là quyền và nghĩa vụ của A – là nội dung của quan hệ xã hội.

Đưa hối lộ

Thứ hai: Xét về mặt cấu trúc đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm. Như vậy, khách thể của tội phạm phải được hợp thành bởi nhiều bộ phận trong đó có một bộ phận là về đối tượng tác động của tội phạm.

Khách thể của tội phạm chính là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, các bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm cũng chính là các bộ phận hợp thành của các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm.

Các bộ phận hợp thành của quan hệ xã hội đó là: Con người chủ thể của quan hệ xã hội, các đối tượng vật chất là lợi ích mà các chủ thể hướng tới là khách thể của quan hệ xã hội và quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là một trong ba bộ phận trên của khách thể của tội phạm.

* Nhận xét về đối tượng tác động của tội phạm:

– Để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội can phạm phải tác động vào đối tượng tác động. Cơ sở để xác định mức độ thiệt hại mà tội phạm gây ra phải dựa vào mức độ làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.

– Các quan hệ xã hội khách thể của tội phạm trong mọi trường hợp luôn bị gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nếu có tội phạm xảy ra.

– Đối tượng tác động của tội phạm có thể ở tình trạng tốt hơn tình trạng ban đầu (nếu đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng vật chất).

Các loại đối tượng tác động của tội phạm

Các loại đối tượng tác động của tội phạm bao gồm: con người, các đối tượng vật chất và Quyền & nghĩa vụ của các chủ thể.

Con người với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: tội giết người.

Các đối tượng vật chất với ý nghĩa là khách thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm sở hữu.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm hoạt động của cơ quan tư pháp, các tội phạm tham nhũng.

5/5 - (10404 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.