Khái niệm hiến pháp

luat-hien-phap

Thuật ngữ “hiến pháp” có gốc la tinh là “Constitutio” có nghĩa là xác định, quy định. Thuật ngữ này có từ thời rất xa xưa. Nhà nước cổ La mã dùng thuật ngữ này để gọi các văn bản quy định của nhà nước. Nhưng, với ý nghĩa như ngày nay là một đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất so với các đạo luật khác thì “hiến pháp” chỉ được dùng trong cách mạng tư sản, trong cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp tư sản đang lên và nắm vị trí thống trị cả lĩnh vực chính trị, với giai cấp phong kiến đang suy tàn vẫn còn cố giữ sự thống trị chính trị của mình trong xã hội, từ thế kỷ thứ 13, 14 đến thế kỷ 18, 19.

 

Các nội dung liên quan được tìm kiếm:

 

Ở phương Đông (Trung Quốc cổ đại) thuật ngữ “Hiến pháp” được dùng với nghĩa là pháp lệnh (kỷ cương, phép nước). Trong sách cổ Trung Quốc chữ “Hiến pháp” dùng để chỉ một loại chế độ nói chung, như “thưởng thiện phạt gian, quốc chi hiến pháp”, ý nghĩa của nó hoàn toàn khác với ý nghĩa như hiện nay. Nhằm mục đích ngăn chặn cuộc cách mạng của giai cấp tư sản, năm 1908, chính quyền nhà Thanh đã ban hành một văn bản gọi là “Hiến pháp đại cương”, bề mặt hứa hẹn với dân chúng một số yêu cầu, nhưng lại công nhiên tuyên bố: “Quân thượng chí thánh tôn nghiêm, không được xâm phạm,” nhằm mục đích duy trì chế độ chuyên chế phong kiến. Sau Cách mạng Tân Hợi, Chính phủ lâm thời Nam Kinh đã chủ trì ban hành Ước pháp Lâm thời Trung Hoa dân quốc, đây là văn bản đầu tiên có tính chất hiến pháp của Trung Hoa dân quốc.1

Ngày nay ta có thể tìm thấy nhiều định nghĩa thế nào là một hiến pháp tuỳ thuộc vào góc độ nhìn nhận của các nhà nghiên cứu.

Với góc độ là một sự kiện chính trị pháp lý, hay còn có thể nói chức năng chính trị  thì hiến pháp như trên đã nêu là văn bản ghi nhận mối tương quan lực lượng chính trị  trong xã hội, khi hiến pháp mới được ban hành. Thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, hiến pháp là văn bản ghi nhận mối tương quan lực lượng chính trị giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến. Càng về sau này vị trí vai trò của giai cấp phong kiến mà đại diện là nhà vua càng suy yếu, thì mối tương quan lực lượng chính trị ấy chuyển sang giữa giai cấp tư sản thống trị và nhân dân lao động.

Stecner, giáo sư Cộng hoà liên bang Đức, coi hiến pháp là những quy định có tầm cao nhất nhằm điều chỉnh việc tổ chức nhà nước, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước, hình thức, cơ cấu và mối quan hệ của nhà nước với công dân.

Cũng theo quan điểm về tính trội hơn hết và cao hơn hết so với các đạo luật khác của hiến pháp các nhà nghiên cứu Pháp, giáo sư G.I.Vedel, P. Duveger cho rằng hiến pháp có các quy phạm có tính cơ bản. Những quy phạm khác được ban hành trái với hiến pháp thiếu những hình thức mà hiến pháp đã chỉ ra, thì sẽ không có giá trị. Theo hai ông, hiến pháp có mục đích quy định tính trội hơn của “quyền lập quyền”, tức quyền lập hiến, phải khác với “quyền được lập ra”, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư  pháp. Quyền luật hiến có tính cách nguyên thuỷ và vô hạn chế, tức là khẳng định ưu thế của quyền lập hiến trên các quyền được thiết lập. Vì quyền lập hiến ấn định và tổ chức các quyền khác, vì các quyền khác đi từ quyền lập hiến. (1)

Xét về mặt nội dung, hiến pháp là tất cả các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, ấn định hình thể quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia.(2)

Thông qua hiến pháp cho phép chúng ta vẽ nên mô hình của nhà nước, nguồn gốc quyền lực nhà nước. Ban đầu đối tượng điều chỉnh của hiến pháp chỉ bó hẹp trong khuôn khổ quy định những vấn đề có liên quan đến tổ chức chính quyền nhà nước ở cấp trung ương thể hiện ở nguyên tắc phân chia quyền lực. Tuy nhiên, càng về sau này, phù hợp với sự phát triển của dân chủ, đối tượng điều chỉnh của hiến pháp ngày càng được mở  rộng. Không những hiến pháp chỉ quy định việc tổ chức quyền lực nhà nước, mà còn quy định cả quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không những thế hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa còn quy định cả về chế độ kinh tế, chế độ văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng. Với sự ảnh hưởng ít nhiều của hiến pháp xã hội chủ nghĩa, một số hiến pháp tư bản mới được thông qua, đối tượng điều chỉnh của chúng cũng được mở rộng sang một số lĩnh vực khác. Nhưng dù mở rộng đối tượng điều chỉnh đến đâu đi chăng nữa, phần cơ bản là tổ chức quyền lực nhà nước vẫn được giữ lại trong bất cứ một hiến pháp tư sản nào.

Nói tóm lại, hiến pháp là một đạo luật cơ bản do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành quy định việc tổ chức nhà nước, cơ cấu, thẩm quyền các cơ quan nhà nước trung ương và quyền cơ bản của con người. Mọi cơ quan và mọi tổ chức phải nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Khái niệm hiến pháp, khái niệm hiến pháp việt nam, khái niệm luật hiến pháp, đặc điểm của hiến pháp, nội dung cơ bản của hiến pháp, hiến pháp là gì, luật hiến pháp là gì, hiến pháp ra đời khi nào, các quan điểm về hiến pháp
2/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền