Hàm nghĩa của thuật ngữ “Tư pháp”

luat

Trong các thuật ngữ pháp lý tiếng việt, “tư pháp” là một hiện tượng đồng âm khác nghĩa thú vị, có thể được hiểu với nhiều ý nghĩa khác nhau, dễ gây hiểu lầm cho những ai không tìm hiểu sâu. Về mặt định nghĩa, khái niệm của các thuật ngữ này đã quá rõ ràng trong các giáo trình, thư viện số. Tuy nhiên, hiểu về mặt con chữ sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận biết khái niệm và phân biệt rõ ràng hơn.

 

Xem thêm:

 

1. “Tư pháp” với ý nghĩa là một trong ba nhánh quyền lực của nhà nước.

Theo học thuyết Tam quyền phân lập, quyền lực nhà nước chia làm ba nhánh là “Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp”, trong đó quyền lập pháp được hiểu là quyền ban hành hiến pháp và pháp luât; quyền hành pháp được hiểu là quyền lập quy và quyền hành chính, còn quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử.

Với ý nghĩa này, thuật ngữ “tư pháp” diễn dịch cho khái niệm judiciary, từ tiếng latin là judiciaries, với gốc “judicium” có nghĩa là sự xét xử.

Khi du nhập thuyết Tam quyền phân lập vào phương Đông, thuật ngữ “Tư pháp” ở phương diện này có lối viết Hán tự là 司法.Trong đó chữ tư (司) còn có một âm đọc khác là “ti”. Từ này có nghĩa là sở quan, cơ quan trung ương (như án sát ti – 按察司 nghĩa là sở quan coi về hình án) hoặc chức danh để chỉ người trông coi một việc. Vào thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc, chữ “tư” này từng được áp dụng cho rất nhiều chức quan quan trọng trong triều đình như Tư đồ (quản lý việc giáo dục), Tư mã (quản lý quân chính), Tư không(chủ quản các công trình kiến trúc), Tư khấu(quản lý hình phạt, kiện tụng)… Như vậy có thể hiểu nôm na “tư pháp” trong trường hợp này chính là trông coi và quản lý pháp luật.

Ngày nay, “Tư pháp” mang ý nghĩa là hoạt động bảo vệ pháp luật thông qua xét xử, áp dụng pháp luật để ra phán quyết về các vi phạm pháp luật và các tranh chấp xảy ra trong xã hội.

 

2.“Tư pháp” với ý nghĩa là pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các cá nhân.

Ý nghĩa thứ hai của thuật ngữ tư pháp, là để chỉ ngành “luật tư”, nhằm phân biêt với luật công trong “công pháp-tư pháp”. Cách phân chia nngành luật theo hai nhánh luật công-luật tư hiện đang được các nước theo hệ thống dân luật (civil law) lẫn thông luật (common law) áp dụng. Các thuật ngữ này trong tiếng anh là public law (luật công) và private law (luật tư). Trong đó private có gốc latin là privatus, nghĩa là thuộc về riêng tư, cá nhân.

Vì thế, ở đây thuật ngữ “tư pháp” có cách viết Hán tự là 私法. Chữ tư (私) có nghĩa là những gì thuộc về cá nhân, của riêng từng người (vd: tư cách, tư chất) hoặc tài sản, của cải (vd: tư liệu). Trong tiếng Nhật, chữ 私 còn mang nghĩa là “tôi” – ngôi thứ nhất, phiên âm là わたし (wa ta shi). Điều này phản ánh rõ tính cá nhân của chữ này. Như vậy, khi phân tích về mặt con chữ, khái niệm “Tư pháp” đã quá rõ ràng.

Có một điểm thú vị là dù cùng cách viết hán tự ở nhóm (1) nêu trên, từ “Tư pháp” trong “Bộ Tư pháp” lại không mang nghĩa là nhánh quyền xét xử. Theo Nghị định 22/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án… Như vậy, từ “tư pháp” ở đây lại gần với nghĩa gốc con chữ, là “trông coi và quản lý pháp luật” hơn so với nghĩa “Quyền tư pháp”.

Và vì thế, với nghĩa này, thì tên tiếng Anh của Bộ Tư pháp lại là Ministry of Justice, từ Justice được biết đến nhiều qua lối dịch “công lý”. Chúng tôi sẽ dành một bài viết riêng để bàn luận về ý nghĩa của “Justice-Công lý” ở những bài viết tiếp theo của dự án.

————————————–

Tác giả: Linh – Anh

Minh họa: Anh

Nguồn: Page Luật văn diễn dịch (https://www.facebook.com/VietnameseLegalTerm/)

—————————————

Tài liệu tham khảo:

  • Từ điển Hán Việt
  • Từ điển Larousse
  • Từ điển Oxford
  • Judiciary, wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Judiciary
    Tam quyền phân lập, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_quyền_phân_lập
  • Bộ tư pháp, trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, http://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/Pages/chuc-nang-nhiem-vu.aspx?ItemID=1

 


Các tìm kiếm liên quan đến khái niệm tư pháp, khái niệm tư pháp hình sự, khái niệm quyền tư pháp, tư pháp là gì đơn giản nhất, cơ quan tư pháp gồm, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, quyền tư pháp trong hiến pháp 2013, công an là cơ quan hành pháp hay tư pháp, viện kiểm sát có phải là cơ quan tư pháp

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền