Phân tích tính độc lập của tư pháp trong bộ máy nhà nước tư sản Mỹ

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Lý luận nhà nước và pháp luật nha-nuoc-tu-san-my

Trong nhiều Nhà nước tư sản, quyền lực nhà nước được phân chia thành ba lĩnh vực: Quyền lực lập pháp (Legislative – quyền làm luật), quyền lực hành pháp (Exekutive – quyền thực thi pháp luật) và quyền lực tư pháp (Judikative-quyền tài phán).

Bản chất của phân quyền là lấy quyền lực để hạn chế quyền lực. Mục đích của phân quyền là để các thiết chế Nhà nước kiểm soát lẫn nhau và cùng với đó ngăn cản sự tập trung quyền lực trong tay một người hay một tổ chức (như trong chế độ quân chủ thời trung cổ). Nói cách khác, phân quyền nhằm chống lại quyền lực độc đoán, tùy tiện trong bộ máy nhà nước mà thực chất là để chế ngự lẫn nhau và bảo vệ quyền lợi của những phe cánh khác nhau của giai cấp tư sản trong bộ máy nhà nước.

Ở Hoa Kỳ, Hiến pháp năm 1787 ghi nhận 4 nguyên tắc quan trọng là: Phân chia quyền lực, chủ nghĩa liên bang, chủ quyền nhân dân và cân bằng quyền lực. Việc tách quyền lực, được gọi là “separation of power”, đạt được qua sự chia quyền lực thành 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quyền lập pháp được thực hiện bởi cả hai viện của Quốc hội là Thượng nghị viện “House of Senate” và hạ nghị viện “House of Representatives”. Quyền hành pháp thuộc về Tổng thống.

Tư pháp trong bộ máy nhà nước tư sản Mỹ

Quyền tư pháp được xem là quyền lực thứ ba và bao gồm một hệ thống các tòa án được tổ chức trên cả nước, trong đó có Tòa án tối cao (Supreme Court) của Hợp chủng quốc. Tòa án tối cao là Tòa án hiến pháp liên bang. Theo quy định tại Điều 3, khoản 1 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì: “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp”.

Các nhà lập hiến của Mỹ đã tạo ra một quyền lực tư pháp riêng để bảo vệ các quyền cơ bản và thể chế hóa liên bang về mặt pháp lý. Tòa án tối cao liên bang là thiết chế cao nhất của quyền tư pháp. Trên thực tế, qua các phán quyết nguyên tắc của mình Tòa án tối cao đã phát triển thành một nhân tố chính trị quan trọng trong hệ thống quyền lực của chính trị Mỹ.

Trong hệ thống tư pháp, Tòa án tối cao là tòa án cấp phúc thẩm cao nhất. Trong một ít lĩnh vực khác nó thực hiện chức năng xét xử sơ thẩm: Trong những khiếu kiện chống lại nhà ngoại giao và trong các trường hợp mà ở đó là một trong các Nhà nước bang. Đặc biệt theo Hiến pháp, Tòa án tối cao có thẩm quyền đối với các tranh chấp giữa một nhà nước bang và một công dân của một Nhà nước bang khác. Bên cạnh các tòa án liên bang chuyên ngành đối với các công việc thuế, hải quan, quân  sự, ở Hoa Kỳ có trên 90 tòa án khu vực cấp liên bang (United States District Courts) như là cấp liên bang thấp nhất. Cấp trung gian bao gồm mười hai tòa phúc thẩm liên bang nói chung (United States Court of Appeal), được phân chia trên toàn quốc và giữa ba và chín bang tập hợp thành một tòa khu vực.Tài phán của các bang cơ bản thích hợp với mô hình này. Chín mươi phần trăm các vụ án hình sự và các vấn đề dân sự thông thường được quyết định bởi các tòa án bang (tòa án quốc gia).

Tính độc lập của tư pháp trong bộ máy nhà nước tư sản Mỹ

Trong lịch sử phát triển của nhà nước trên thế giới, có thể thấy nhà nước Mỹ có một hệ thống tòa án được hưởng nhiu quyền độc lập hơn cả và quyết định của tòa án Mỹ được thực thi một cách nghiêm chỉnh hơn cả. Ngay cả ở nhà nước từng là mẫu quốc của họ (nước Anh) cũng không có một nền tư pháp mạnh mẽ như vậy. Mãi cho đến những năm gần đây, những nhà nước ở châu Âu mới nhận ra vấn đề này và đang có những cải cách cho kịp Mỹ. Đã có cả một thời kỳ nước Mỹ được mệnh danh là chính phủ của các quan tòa. Ở Mỹ, nếu mâu thuẫn trong xã hội không thể giải quyết được ở đâu thì cuối cùng phải đến tòa án để giải quyết.

 

Ví dụ, tranh cãi trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 43 của Mỹ  giữa hai ứng cử viên Gore và Bush phải chờ đến phán quyết của Tòa án Tối cao liên bangVì vậy, có quan điểm cho rằng, không phải người dân Mỹ mà chính là tòa án đã bầu ra tổng thống. Nước Mỹ chi rất nhiều tiền của cho hoạt động xét xử nếu so với các quốc gia khác trên thế giới, song họ cho rằng, những chi phí đó là cần thiết để làm cho xã hội của họ dân chủ và phát triển thịnh vượng hơn.

 

Trong hệ thống phân chia quyền lực của Mỹ, mỗi nhánh quyền lực độc lập với các nhánh quyền lực kia. Sự kiểm tra và cân bằng (Checks and Balances) được thực hiện để hạn chế quá nhiều quyền lực tập trung vào một trong các nhánh và cũng để bảo đảm các quyền và sự tự do của công dân. Tòa án tối cao liên bang có thể tuyên một đạo luật được ban hành bởi Quốc hội hoặc một chỉ thị của Tổng thống là vi hiến. Nhưng trên thực tế, sự độc lập của Tòa án tối cao liên bang bị ảnh hưởng mạnh bởi Tổng thống với quyền đề cử các viên chức tư pháp, nên Tòa án tối cao liên bang mặc dù là người gác canh hiến pháp vẫn có thể tuyên bố một quyết định của Tổng thống không vi hiến và cùng với đó ủng hộ chính sách của Tổng thống. Mặc dù có vị trí tối cao nhưng Tòa án tối cao liên bang trong việc thực thi quyền phán quyết của mình vẫn trông cậy nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp, bởi một bản án không được thi hành có thể không có hiệu lực.

Như một ví dụ điển hình là việc Tòa án tối cao liên bang ngày 17/5/1954 ra phán quyết Brown vs. Board of Education of Topeka hủy bỏ sự phân biệt chủng tộc trong các trường học công ở Mỹ. Cùng với đó, phán quyết này hủy bỏ phán quyền đã tồn tại hơn 100 năm ở Mỹ về tổ chức các trường công lập dành riêng cho học sinh da đen và học sinh da trắng. Phán quyết này gặp phải sự phản đối kéo dài trong nhiều năm của các thống đốc, người soạn thảo luật và công chức giáo dục ở miền Nam nước Mỹ và vì vậy trên thực tế đã không phát huy được hiệu lực trong nhiều năm ở đây. Sự phụ thuộc của quyền tư pháp vào quyền lập pháp và quyền hành pháp cũng cho thấy trong thủ tục bãi nhiệm Tổng thống, vì trách nhiệm chủ yếu này thuộc về Thượng viện.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Phân tích tính độc lập của tư pháp trong bộ máy nhà nước tư sản Mỹ, khái niệm tư pháp độc lập, độc lập tư pháp là gì, lập pháp hành pháp tư pháp ở việt nam, tính độc lập trong xét xử của tòa án, tại sao trong nhà nước pháp quyền tư pháp phải độc lập, nhà nước tư sản mỹ thời cận đại, thế nào.là tư pháp độc lập, quyền tư pháp là gì

5/5 - (13958 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền