Định tội trong trường hợp đồng phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

dong-pham

Luật hình sự Việt Nam không mô tả riêng các cấu thành tội phạm đồng phạm – cấu thành tội phạm của hành vi đồng thực hiện tội phạm; cấu thành tội phạm của hành vi xúi giục thực hiện tội phạm; cấu thành tội phạm của hành vi giúp sức thực hiện tội phạm và cấu thành tội phạm của hành vi tổ chức thực hiện tội phạm.

 

Các nội dung liên quan:

 

Bộ luật hình sự chỉ có một điều luật quy định về đồng phạm (Điều 17 BLHS 2015), trong đó mô tả các dấu hiệu của trường hợp phạm tội này và mô tả dấu hiệu của những hành vi đồng phạm: hành vi thực hành; hành vi tổ chức; hành vi xúi giục và hành vi giúp sức.

Đồng phạm là gì?

Đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt của trường hợp phạm tội cố ý có nhiều người tham gia. Như vậy, để có đồng phạm đòi hỏi phải có nhiều người tham gia và phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Với sự tham gia của nhiều người thì không thể chỉ có người thực hiện tội phạm mà có thể có người cùng thực hiện tội phạm hoặc có người giúp sức thực hiện tội phạm hoặc có người xúi giục thực hiện tội phạm hoặc có người tổ chức thực hiện tội phạm. Chỉ khi có nhiều người tham gia vào việc phạm tội thì việc kiểm tra các dấu hiệu của đồng phạm mới đặt ra. Sự tham gia của nhiều người vào việc phạm tội có thể là đồng phạm và cũng có thể không phải là đồng phạm.

Khác với cấu thành tội phạm cơ bản của từng tội, cấu thành tội phạm đồng phạm không được quy định trực tiếp cho từng tội danh. Dấu hiệu của các hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức thực hiện tội phạm được quy định trong các quy phạm phần chung Bộ luật hình sự. Đó là các dấu hiệu có tính chất chung cho tất cả các tội danh nhưng chưa phải là cấu thành đồng phạm của một tội phạm cụ thể nào. Cấu thành tội phạm này chỉ được hình thành trên cơ sở kết hợp cấu thành tội phạm của tội cụ thể với những quy định chung của bộ luật. Đồng thời, các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành đồng phạm là các dấu hiệu định tội cho trường hợp phạm tội của người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức thực hiện tội phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Phương pháp định tội danh trong trường hợp đồng phạm

Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”.

Theo quy định này, khi định tội đối với trường hợp đồng phạm, cần xem xét, kiểm tra các dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, hành vi phạm tội đồng phạm phải xâm hại cùng khách thể. Theo đó, để xác định những người trong đồng phạm có cố ý cùng thực hiện một tội phạm hay không, chúng ta cần phải xác định xem hành vi nguy hiểm mà những người trong đồng phạm thực hiện có xâm hại đến cùng một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ hay không. Nếu họ cùng cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và cùng biết là hành vi của họ cùng xâm hại vào một khách thể, thì đó là đồng phạm. Ví dụ, do có hiềm khích với C từ trước, nên A và B bàn tính tìm C đánh cho hả giận. Cả A và B cùng tìm đến nhà và xông vào đánh C tới tấp, hậu quả C bị tổn thương 13%, như vậy trong trường hợp này, A và B cùng có hành vi nguy hiểm và cùng cố ý xâm hại vào một khách thể trực tiếp là sức khoẻ của C, nên A và B là đồng phạm “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (điều 134); và ngược lại nếu hành vi nguy hiểm được thực hiện không cùng nhằm vào một khách thể giống nhau, thì vấn đề đồng phạm không được đặt ra. Ví dụ, A, B và C bàn nhau đến nhà D lấy trộm. Nhưng vốn do có thù hằn với D từ trước, nên nhân lúc A và B mãi lấy tài sản, C đã giết chết D. Trong tình huống này, A, B và C là đồng phạm “tội trộm cắp tài sản” (điều 173) vì cùng có hành vi nguy hiểm xâm hại đến cùng khách thể là quyền sở hữu của D; tuy nhiên đối với cái chết của D, thì A và B không phải là đồng phạm của C, vì trong trường hợp này, chỉ có C mới có hành vi nguy hiểm xâm hại đến khách thể là tính mạng của D, nên chỉ có C phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội giết người” (điều 123).

Thứ hai, mặt khách quan của đồng phạm phải thỏa mãn hai dấu hiệu: có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm, đồng thời những người này phải cùng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó được thực hiện trong mối quan hệ thống nhất với những đồng phạm khác. Những người trong đồng phạm đều cùng cố ý hướng đến việc thực hiện cùng một tội phạm, vì thế giữa hành vi của mỗi người trong đồng phạm và hậu quả của tội phạm đều phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Dựa trên tính chất, hình thức thể hiện hành vi của từng người trong đồng phạm, Bộ luật hình sự đã chia thành bốn loại người trong đồng phạm, được quy định tại khoản 2 điều 17, bao gồm: người thực hành; người tổ chức; người xúi giục và người giúp sức. Trong đó, “người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”, như vậy có thể nói hành vi của người thực hành xét về bản chất cũng không khác so với hành vi của người phạm tội trong vụ án không có đồng phạm, vì xét về dấu hiệu khách quan, thì hành vi phạm tội đó cũng đã thể hiện các dấu hiệu cấu thành của một tội phạm cụ thể.

Trong vụ án có đồng phạm, có thể chỉ có một người thực hành, nhưng cũng có thể có nhiều người thực hành. Trong trường hợp nhiều người cùng tham gia với vai trò là người thực hành thì không cần mỗi người phải thực hiện đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm mà chỉ cần tổng hợp hành vi của những người thực hành này thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Nếu tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm có sự tham gia của nhiều dạng người: người tổ chức; người xúi giục; người giúp sức thì quy tắc chung khi định tội đối với những hành vi của những người trong đồng phạm sẽ vận dụng điều 17 Bộ luật hình sự để xác định vai trò của từng người trong đồng phạm và đồng thời định tội theo điều luật thuộc phần các tội phạm của Bộ luật hình sự đối với người thực hiện. Bởi vì trong một vụ án có đồng phạm thì người thực hiện đóng một vai trò rất quan trọng, hành vi phạm tội của người thực hành là căn cứ để định tội: người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào thì những người đồng phạm khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó.

Có thể nói, hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức của những người đồng phạm khác có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện tội phạm của người thực hành, nhưng không vì thế mà ta cho rằng hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức và hậu quả tội phạm xảy ra là có mối quan hệ nhân quả với nhau. Vấn đề cơ bản đặt ra chính là trong vụ án đồng phạm, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội chỉ đặt ra trong trường hợp hành vi phạm tội của người thực hành trực tiếp gây ra hậu quả và hậu quả đó là kết quả tất yếu của hành vi phạm tội mà người thực hành đã thực hiện. Còn những người tổ chức, xúi giục, giúp sức bằng hành vi của mình tham gia vào việc thực hiện tội phạm thông qua hành vi tội phạm của người thực hành. Ví dụ, do có thù hằn A đã thuê B giết chết C, trong trường hợp này B là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của C, còn A đóng vai trò là kẻ chủ mưu trong vụ án này. Hoặc trong một ví dụ khác, do từng bị K đánh trọng thương, nên T đã nung nấu ý định giết K để trả thù, T đã nói ý định này cho Q biết, do cũng có ân oán từ lâu với K nên Q đã nói với T “muốn giết thì dùng thuốc chuột mà giết” và đưa cho T gói thuốc chuột, T đã dùng gói thuốc này bỏ vào giếng nước của K, và hậu quả là K chết do ngộ độc. Trong trường hợp này, T là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm, còn Q là đồng phạm “tội giết người” (điều 123) với vai trò là người xúi giục và giúp sức.

Khi xác định tính chất hành vi của những người đồng phạm khác trong vụ án có đồng phạm, cần phải xác định được hành vi xúi giục là hành vi mang tính kích động, dụ dỗ hoặc thúc đẩy người khác phạm tội, hành vi này có thể tác động, thúc đẩy nhanh hơn ý định phạm tội vốn hình thành từ trước trong ý thức chủ quan của người thực hành hoặc hành vi xúi giục có thể tạo ra ý định phạm tội vốn chưa được người thực hành nghĩ đến, nhưng dù sao đi nữa thì cũng phải khẳng định một điều nếu không có hành vi xúi giục thì không có hành vi phạm tội xảy ra. Tuy nhiên, nếu có hành vi xúi giục, nhưng người bị kích động, dụ dỗ, thúc đẩy vẫn không phạm tội, thì không có đồng phạm xảy ra.
Đối với người giúp sức, hành vi giúp sức có thể thông qua hành động hoặc không hành động. Cũng xem là hành vi giúp sức trong trường hợp một người hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội, sau khi tội phạm kết thúc. Việc hứa hẹn này phải diễn ra trước khi tội phạm được thực hiện hoặc tội phạm chưa kết thúc. Nếu không có hứa hẹn trước, nhưng sau khi tội phạm được thực hiện, họ đã giúp sức che giấu các dấu vết của tội phạm thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội che giấu tội phạm “ (điều 389).

Thứ ba, trong vụ đồng phạm phải có ít nhất hai chủ thể phạm tội. Khoản 1 điều 17 Bộ luật hình sự quy định: “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm”. Từ quy định này, một vấn đề đặt ra là có phải chỉ cần trong một vụ án có từ hai người trở lên tham gia thì tất cả những người đó đều trở thành chủ thể của tội phạm hay không? Hai hay nhiều người này phải có NLTNHS (không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi; đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật hình sự).

Như vậy, trong một vụ án, dù có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm, nhưng nếu một trong những người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự thì vấn đề đồng phạm không được đặt ra. Ví dụ, B là người bị tâm thần, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã bị A dụ dỗ đốt nhà của C, kết quả làm C thiệt mạng. Trong vụ án này, dù B là người trực tiếp thực hiện hành vi nguy hiểm, nhưng theo quy định tại điều 21 Bộ luật hình sự thì B là người không có năng lực trách nhiệm hình sự, do đó B không phải chịu trách nhiệm hình sự, B không phải là đồng phạm với A trong vụ án, chỉ có A là người phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội giết người” (điều 123). Quy định về chủ thể của tội phạm trong đồng phạm không áp dụng đối với những chủ thể đặc biệt, nghĩa là, đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, để có đồng phạm, những người trong đồng phạm không cần phải có đầy đủ dấu hiệu của chủ thể đặc biệt, ngoại trừ đó là người thực hành. Chẳng hạn, đối với các tội phạm được quy định tại chương XXI Bộ luật hình sự (các tội phạm về chức vụ) đòi hỏi người thực hiện tội phạm phải là người thỏa mãn một số đặc điểm nhất định mới là chủ thể của tội phạm – chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, B là thủ quỹ của cơ quan X, đã mượn G một số tiền lớn nhưng vẫn chưa có khả năng thanh toán. Lợi dụng tình cảnh này, G đã xúi giục B tham ô tài sản của cơ quan. Trong trường hợp này, B và G đều là đồng phạm về “tội tham ô tài sản” (điều 353), trong đó B là người thực hành – là chủ thể đặc biệt của tội phạm, còn G là đồng phạm với vai trò xúi giục dù G không có chức vụ, quyền hạn.

Thứ tư, để có đồng phạm, khi thực hiện tội phạm, những người trong đồng phạm phải có lỗi cố ý. Đồng phạm theo quy định tại khoản 1 điều 17 “…là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Từ quy định này, chúng ta có thể xác định được rằng những người tham gia trong đồng phạm bao giờ cũng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Lỗi cố ý này thể hiện ở chỗ những người trong đồng phạm khi tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội, họ đều nhận thức được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và biết người đồng phạm khác cũng có hành vi nguy hiểm như thế; thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện và họ cũng mong muốn hậu quả chung xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.

Như vậy, lỗi cố ý trong đồng phạm có thể là cố ý trực tiếp, và cũng có thể là cố ý gián tiếp. Nếu những người tham gia thực hiện tội phạm đều nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và nhận biết được tính nguy hiểm của hành vi của người đồng phạm khác, họ đều thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm và cùng mong muốn cho hậu quả xảy ra thì đó là lỗi cố ý trực tiếp. Còn trong trường hợp những người tham gia thực hiện tội phạm nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và cũng biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm như mình, họ đều thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia và họ cũng có ý thức để mặc cho hậu quả của tội phạm xảy ra, đó chính là lỗi cố ý gián tiếp. Ví dụ, A được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu do bị bệnh nặng. B và C là hai bác sĩ trực ban đã bàn nhau sách nhiễu đòi hối lộ của gia đình A. khi cùng nhau có hành vi sách nhiễu này, cả B và C đều ý thức được rằng nếu không cấp cứu kịp thời, thì A có thể sẽ chết nhưng với mục đích muốn vòi tiền, nên B và C đã cố tình níu kéo, trì hoãn những thao tác nghề nghiệp cần thiết. Hành vi đó dẫn đến hậu quả là A bị thiệt mạng. Trường hợp này B và C là đồng phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Bên cạnh dấu hiệu về lỗi, mặt chủ quan của đồng phạm cũng cần phải được xem xét ở những dấu hiệu khác nhau thuộc mặt chủ quan của tội phạm mà điều luật quy định là dấu hiệu bắt buộc. Vì chỉ khi thỏa mãn những dấu hiệu đó thì mỗi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới có thể được coi là tội phạm, từ đó mới xác định được là đồng phạm hay tội phạm đơn lẻ. Vì thế xem xét về dấu hiệu động cơ, mục đích trong đồng phạm là một trong những điều kiện quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự của từng người trong đồng phạm.

Về dấu hiệu mục đích phạm tội, để xác định xem có đồng phạm hay không, chúng ta phải xác định được tội phạm được thực hiện. Theo điều luật tương ứng trong Bộ luật hình sự có quy định mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, như vậy những người tham gia trong vụ án là đồng phạm với nhau nếu họ có cùng mục đích khi tham gia thực hiện tội phạm đó hoặc nếu không có cùng mục đích thì cũng phải có sự tiếp nhận mục đích của nhau. Ví dụ, một nhóm người có cùng mục đích là chống chính quyền nhân dân đã cùng nhau thu thập tin tức thuộc bí mật nhà nước để cung cấp cho nước ngoài (có cùng mục đích được quy định trong cấu thành tội phạm) hoặc trường hợp một người biết rõ người khác đang tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng vì được trả tiền nên vẫn giúp người kia thực hiện hoạt động tập hợp lực lượng (tức là tiếp nhận mục đích được quy định trong cấu thành tội phạm).

Đối với dấu hiệu động cơ phạm tội, thì vấn đề xác định xem có đồng phạm hay không cũng dựa trên cơ sở xác định xem dấu hiệu động cơ có phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm hay không. Trong trường hợp những người tham gia thực hiện hành vi nguy hiểm mà điều luật tương ứng quy định dấu hiệu động cơ là dấu hiệu bắt buộc (ví dụ như động cơ cá nhân trong tội giả mạo công tác điều 359) thì chỉ khi người đó có động cơ như vậy hoặc ít nhất là phải tiếp nhận động cơ này từ người phạm tội kia thì họ mới có thể là đồng phạm, và trong trường hợp ngược lại thì chỉ riêng người thỏa mãn dấu hiệu động cơ mới có thể là người phạm tội. Ví dụ, nếu một người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356) nhận được sự giúp đỡ của một nhân viên để thực hiện tội phạm nhưng bản thân nhân viên đó không có động cơ mà điều luật quy định và cũng không biết động cơ của người có chức vụ, quyền hạn là vì động cơ cá nhân thì nhân viên đó không thể được xem là người giúp sức trong vụ án nói trên.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Định tội danh trong trường hợp đồng phạm, phương pháp định tội danh trong đồng phạm, đồng phạm phức tạp, hành vi giúp sức trong đồng phạm, các hình thức đồng phạm, người tổ chức trong đồng phạm, đồng phạm không có thông mưu trước, tính chất nguy hiểm của đồng phạm, dấu hiệu pháp lý của đồng phạm

5/5 - (13488 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.