Địa vị pháp lý của luật sư (quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm)

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư
Luật sư - Ảnh: hocluat.vn

Địa vị pháp lý của luật sư là gì? Phân tích quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cơ bản của luật sư? Những điều luật sư không được làm trong hoạt động hành nghề?

..

Những nội dung liên quan:

..

Địa vị pháp lý của luật sư là gì?

Địa vị pháp lý của luật sư chứa đựng các quy định xác định tư cách pháp lý luật sư, dựa trên tổng thể các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý mà luật sư được hưởng và phải gánh vác khi hành nghề.

“Địa vị pháp lý của luật sư” là một trong số chế định pháp lý cơ bản của Luật Luật sư, điều chỉnh tổng thể các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, phạm vi và giới hạn khả năng hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Cần phân biệt tư cách pháp lý của luật sư với địa vị pháp lý của luật sư để hiểu và sử dụng đúng trong hoạt động nghề nghiệp luật sư. Trong mối quan hệ với địa vị pháp lý, tư cách pháp lý của luật sư xác lập danh nghĩa pháp lý là luật sư dành cho một cá nhân là công dân Việt Nam khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định Luật Luật sư hiện hành. Nội hàm tư cách pháp lý của luật sư đề cập đến vị trí, vai trò và cách thức thể hiện cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của luật sư trong từng mối quan hệ pháp luật cụ thể, được thiết lập giữa các chủ thể của hoạt động nghề nghiệp, dựa trên địa vị pháp lý (tổng thể các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý theo Luật Luật sư và pháp luật liên quan). Mối quan hệ giữa địa vị pháp lý và tư cách pháp lý của luật sư là mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt (bên trong và bên ngoài) của một chế định pháp lý về luật sư, theo đó, địa vị pháp lý là nền tảng pháp lý bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của cá nhân, còn tư cách pháp lý bảo đảm tính hợp pháp cho sự hiện hữu thực tế chức danh luật sư đối với một cá nhân trước pháp luật và xã hội.

Tư cách pháp lý là vị trí được xác định trong từng mối quan hệ pháp luật cụ thể và cách thức luật sư thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý trên cơ sở vị trí được xác định từ thỏa thuận/cam kết hợp pháp trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc yêu cầu hợp pháp từ phía CQNN có thẩm quyền. Địa vị pháp lý của luật sư là yếu tố tĩnh, tuân theo sự điều chỉnh của thể chế pháp lý luật sư và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Tư cách pháp lý của luật sư là yếu tố động, phù hợp với thể chế pháp lý, quy chế nghề nghiệp, quy tắc đạo đức – ứng xử nghề nghiệp luật sư và theo sự lựa chọn/quyết định của các bên trong từng giao dịch/quan hệ pháp lý cụ thể.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của luật sư

* Quyền cơ bản của luật sư

Chế định địa vị pháp lý luật sư hiện hành quy định quyền cơ bản mà luật sư được hưởng và được bảo đảm thực hiện là quyền được hành nghề.

Quyền cơ bản của luật sư là tổng thể các quyền mà Hiến pháp và pháp luật hiện hành dành cho luật sư trong hoạt động hành nghề cũng như trong các hoạt động xã hội trên tư cách pháp lý luật sư. Quyền này tương ứng với trách nhiệm của nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền bảo đảm để luật sư thực hiện một cách đầy đủ, phù hợp với sự thượng tôn pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo quy định, quyền cơ bản của luật sư gồm “quyền được hành nghề” và các quyền khác. Nội hàm quyền được hành nghề được tiếp cận theo nhiều góc độ, như quyền đại diện cho khách hàng, quyền tự do lựa chọn phương thức, địa điểm, tổ chức hành nghề, quyền được nhận thù lao trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Khả năng hưởng quyền này chịu sự chi phối/giới hạn trong từng tư cách pháp lý luật sư phù hợp với từng mối quan hệ pháp luật. Quyền hành nghề của luật sư còn chịu sự chi phối bởi tư cách pháp lý tố tụng của khách hàng của luật sư; khả năng, năng lực phối hợp, phản biện của chính luật sư. Trong chừng mực nhất định, quyền hành nghề của luật sư chịu tác động từ phía khách hàng và các chủ thể pháp luật khác. Do đó, ngoài sự bảo đảm của chế định địa vị pháp lý luật sư thì vai trò hiện thực hóa quyền hành nghề của luật sư được quyết định căn bản bởi chính năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tầm nhìn phát triển của cá nhân luật sư.

Luật sư còn được hưởng các quyền khác theo tư cách nghề nghiệp, như quyền được đào tạo, bồi dưỡng, quyền tham gia xây dựng thể chế pháp lý, phản biện xã hội, quyền thông tin, hội họp, quyền đóng góp và cống hiến cho sự phát triển chung của nghề luật và nghề luật sư ở Việt Nam.

* Nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cơ bản của luật sư

Tương ứng với các quyền cơ bản là nghĩa vụ pháp lý của luật sư trong hoạt động hành nghề, được quy định khá rõ trong Luật Luật sư hiện hành.

Nghĩa vụ pháp lý cơ bản của luật sư là những công việc hay lợi ích hợp pháp của chủ thể pháp luật mà luật sư phải tích cực, tận tâm, vô tư, khách quan, liêm chính để bảo vệ và thực hiện bằng những biện pháp phù hợp với pháp luật, công lý, quy tắc đạo đức – ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Đối với luật sư, những nghĩa vụ pháp lý cơ bản bao gồm nghĩa vụ đối với khách hàng; đối với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề; đối với CQNN và các chủ thể khác trong xã hội. Đó là tổng hợp của nhiều nghĩa vụ khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của nội dung dịch vụ pháp lý hoặc mối quan hệ pháp luật phát sinh. Nguyên tắc cơ bản khi thực hiện các nghĩa vụ này là tuân thủ nghiêm Hiến pháp, pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; thực hiện công việc, nghĩa vụ nghề nghiệp một cách độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng những biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của cá nhân. Sự bảo đảm quan trọng cho những nghĩa vụ cơ bản của luật sư là thể chế pháp lý luật sư; quy chế trách nhiệm nghề nghiệp; quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Trách nhiệm pháp lý của luật sư là hậu quả pháp lý bất lợi, tồn tại dưới hình thức chế tài, được áp dụng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà luật sư thực hiện trong hoạt động hành nghề.

Về tổng thể, trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với luật sư trong thực tiễn bao gồm: (1) Trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội phạm, như tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội không tố giác tội phạm, tội chiếm đoạt tài sản,…; (2) Trách nhiệm dân sự phát sinh trong hoạt động hành nghề của luật sư thường gặp là trách nhiệm dân sự trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, hợp đồng ủy quyền… và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng theo chỉ định của CQTHTT; (3) Trách nhiệm hành chính là loại hình trách nhiệm pháp lý mà luật sư phải gánh chịu khi thực hiện hành vi có lỗi, vi phạm quy định pháp luật về quản lý nhà nước, bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp và những lĩnh vực khác.

* Trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư

Đối với hoạt động nghề nghiệp của luật sư, trách nhiệm nghề nghiệp là loại hình trách nhiệm tồn tại độc lập, với ý nghĩa bổn phận và trách nhiệm kỷ luật do vi phạm bổn phận nghề nghiệp được quy định trong pháp luật về nghề nghiệp, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Theo nghĩa “bổn phận”, trách nhiệm nghề nghiệp ràng buộc luật sư cam kết thực hiện công việc, thỏa thuận hợp đồng với khách hàng, các nhiệm vụ, các mối quan hệ phối hợp với đồng nghiệp và các chủ thể khác một cách đầy đủ, tích cực, chất lượng, hiệu quả cao theo đúng quy định pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Khi luật sư thực hiện công việc của mình mà vi phạm các bổn phận được xác định thì trách nhiệm kỷ luật của luật sư sẽ được đặt ra.

Có sự tương đồng một phần giữa trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kỷ luật khi luật sư có hành vi vi phạm đồng thời cả quy định của Luật Luật sư, pháp luật liên quan, cùng điều lệ, quy chế làm việc của tổ chức hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp và quy tắc đạo đức – ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đối với trách nhiệm kỷ luật, tùy theo mức độ, tính chất của sự việc mà luật sư phải chịu một trong các hình thức kỷ luật do Luật Luật sư quy định. Việc xem xét kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hồi đồng thi đua, khen thưởng, kỷ luật của từng Đoàn. Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với luật sư vi phạm được xem xét và quyết định từ nhẹ đến nặng, với bốn mức độ: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 06 tháng đến 24 tháng; Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư (kèm theo áp dụng chế tài kỷ luật tước chứng chỉ hành nghề luật sư). Việc gánh chịu trách nhiệm kỷ luật không có ý nghĩa thay thế việc phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm pháp luật của luật sư.

* Những điều luật sư không được làm trong hoạt động hành nghề

Đối với luật sư, những điều/việc/hành vi không được thực hiện mà Luật Luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp đã quy định là “không gian pháp lý” mang tính cảnh báo/phòng ngừa/răn đe, buộc người hành nghề phải biết rõ/hiểu rõ/ghi nhớ để tuân thủ/chấp hành nghiêm, không có ngoại lệ (Điều 9 Luật Luật sư năm 2006). Có thể khái quát hóa hành vi mà pháp luật quy định luật sư không được làm bao gồm các nhóm sau:

(1) Những hành vi trái pháp luật, trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích vật chất, tinh thần của khách hàng;

(2) Những hành vi xâm hại đến hoạt động hợp pháp của hệ thống cơ quan tố tụng Việt Nam;

(3) Những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể pháp luật.

Nhận thức, kỹ năng và thái độ ứng xử của luật sư đối với quy định không được làm trong khi hành nghề có tính chất đa diện. Khi một luật sư có hành vi xâm phạm đến những “vùng cấm pháp lý” thì cá nhân luật sư sẽ phải đối diện với những hậu quả pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp tiêu cực, gây nên thiệt hại khôn lường cho cả luật sư cũng như các chủ thể pháp luật khác và xã hội. Ngược trở lại, khi luật sư coi những hành vi không được thực hiện là “ranh giới” bất khả xâm phạm dù vì bất cứ lý do gì thì những quy định đó sẽ được “chuyển hóa” thành tư duy/năng lực/thái độ ứng xử tích cực trong nghề nghiệp. Nó góp phần định hình, xây dựng, trải nghiệm, bồi đắp và phát triển văn hóa chuyên nghiệp, bản lĩnh độc lập và sự chính trực của một luật sư trước sự tác động của những yếu tố tiêu cực từ bên ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và sứ mệnh nghề nghiệp cao quý của luật sư.

Giá trị của những vùng cấm pháp lý khẳng định sự hữu ích đối với năng lực chủ quan của luật sư, đó là khả năng quản trị “cái tôi” cá nhân của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp.

“Cái tôi” luật sư là cá tính; bản chất; sự tự nhận thức, tự đánh giá về nhân cách và giá trị bản thân, được xã hội thừa nhận; là niềm tự hào về cộng đồng và nghề nghiệp luật sư trong các quan hệ xã hội – nghề nghiệp, bảo đảm để luật sư thực thi tốt nhất sứ mệnh, chức năng nghề nghiệp.

Với tính chất nghề nghiệp tự do và vị thế độc lập trong quan hệ xã hội – nghề nghiệp, quản trị “cái tôi” của bản thân trước cơ hội, thách thức, điều tốt – cái xấu, trước “những cám dỗ” tiêu cực của lợi ích vật chất, tinh thần được xác định là một trong những giá trị cốt lõi thuộc về năng lực nghề nghiệp luật sư. Năng lực quản trị cái tôi là tổ hợp của kiến thức (quan sát/nhận diện/phân biệt ranh giới: Đúng – sai; được làm – không được làm – nên làm – cần làm – không nên làm…), kỹ năng, thái độ và niềm tin về giá trị tốt đẹp của công lý/công bằng/đạo đức nghề nghiệp luật sư. Quản trị thành công cái tôi đối với luật sư thể hiện trí tuệ cảm xúc bậc cao của một nghề nghiệp vốn có yêu cầu về khả năng nhận thức và tư duy đỉnh cao. Ở phương diện nghề nghiệp, quản trị cái tôi được coi là “thước đo” sự thông minh, cảm xúc, chứng tỏ được khả năng tự kiềm chế, không để cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, biết tự điều chỉnh, tự đánh giá đâu là những việc/hành vi được làm/phải làm/không được làm/không nên làm. Đó cũng là khả năng kiểm soát và chế ngự một cách tích cực những khát vọng, đam mê có tính bản ngã tự nhiên của cá nhân để đưa chúng vào đúng quỹ đạo phù hợp của nghề nghiệp luật sư. Trên nữa, quản trị cái tôi trong con người luật sư cũng thể hiện khả năng thiết lập và tuân thủ kỷ luật tự giác trong điều kiện công việc độc lập; tư duy tích cực để tự tìm ra được nhiều giải pháp phục vụ công việc. Đặc điểm của sự tự kiểm soát và quản trị được bản thân là suy nghĩ đúng đắn, chính trực, hợp tình, hợp lý trong mỗi tình huống. Đối với luật sư, đây chính là những “lá chắn” nghề nghiệp hữu dụng, giúp luật sư giữ gìn sự độc lập, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp trong những mối quan hệ xã hội – nghề nghiệp. Môi trường hành nghề luật sư là “người thầy” thực tiễn tốt nhất để luật sư trải nghiệm, xây dựng và phát triển năng lực quản trị bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc.

Những nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện này đối với luật sư đã được cụ thể hóa tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Khi thực hiện những hành vi bị cấm theo Luật Luật sư hiện hành thì đồng thời vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư và hậu quả mà người vi phạm phải gánh chịu là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kỷ luật nghề nghiệp.

5/5 - (11503 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền