Đề cương môn Lý luận định tội danh và quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt

[Hocluat.vn] Đề cương môn lý luận định tội danh và quyết định hình phạt bao gồm nội dung chi tiết môn học, các câu hỏi tự luận và bài tập tình huống để bạn tham khảo, ôn tập.

 

Những nội dung liên quan:

 

Slide bài giảng lý luận định tội danh và quyết định hình phạt (PowerPoint)

  • [Slide] Chương I: Khái niệm, đặc điểm, phân loại và ý nghĩa của định tội danh
  • [Slide] Chương II: Cơ sở pháp lý và các giai đoạn của quá trình định tội danh
  • [Slide] Chương III: Định tội danh theo yếu tố của cấu thành tội phạm
  • [Slide] Chương IV: Định tội danh hành vi phạm tội chưa hoàn thành
  • [Slide] Chương V: Cạnh tranh quy phạm pháp luật và định tội danh
  • [Slide] Chương VI: Định tội danh trong trường hợp có nhiều tội phạm
  • [Slide] Chương VII: Lý luận chung về quyết định hình phạt

Slide bài giảng được chia sẻ bởi cô: Đặng Thị Phương Linh – Giảng viên bộ môn Luật hình sự – Khoa luật – Đại học Vinh / Email: phuonglinh1923@gmail.com

Nội dung môn học lý luận định tội danh và quyết định hình phạt

Chương I: Khái niệm, đặc điểm, phân loại và ý nghĩa của định tội danh

I. Khái niệm định tội danh

Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã thực hiện với dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

II. Đặc điểm của định tội danh

– Định tội danh là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự bao gồm việc tiến hành đồng thời 3 quá trình:

  • Xác định đúng, khách quan các tình tiết thực tế vụ án;
  • Nhận thức đúng nội dung của các quy định trong BLHS;
  • Lựa chọn đúng quy phạm pháp luật hình sự để đối chiếu chính xác, đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong quy phạm đó với các tình tiết của hành vi được thực hiện trong thực tế.

– Quá trình định tội danh bao gồm 3 giai đoạn cơ bản:

  • Làm sáng tỏ những dấu hiệu chung đặc trưng nhất của hành vi
  • Làm sáng tỏ hành vi phạm tội đó thuộc loại tội phạm nào và được quy định ở chương nào của BLHS
  • Chỉ rõ cấu thành tội phạm về tội cụ thể nào được áp dụng

III. Phân loại định tội danh

Căn cứ vào chủ thể thực hiện việc định tội danh, khoa học luật hình sự chia định tội danh thành 2 nhóm:

a. Định tội danh chính thức

Định tội danh chính thức là sự đánh giá về mặt nhà nước tính chất pháp lý hình sự của một hành vi phạm tội cụ thể do các chủ thể được Nhà nước uỷ quyền thực hiện. Định tội danh chính thức có các đặc điểm sau:

  • Về chủ thể của định tội danh chính thức: Chỉ có thể là người tiến hành tố tụng. Bao gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
  • Về hậu quả pháp lý của định tội danh chính thức: Những đánh giá, những kết luận của chủ thể của định tội danh chính thức là cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án, để áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Là cơ sở để ra bản kết luận điều tra, bản cáo trạng và ra bản án.

b. Định tội danh không chính thức

Định tội danh không chính thức là sự đánh giá không phải về mặt Nhà nước tính chất pháp lý hình sự của một hành vi phạm tội cụ thể. Định tội danh không chính thức có các đặc điểm sau:

  • Về chủ thể của định tội danh không chính thức: Là ngoài nhóm chủ thể của định tội danh chính thức. Thông thường chủ thể của định tội danh không chính thức là những người làm công tác nghiên cứu thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, sách giáo khoa, bài báo. Hoặc là luật gia, luật sư hay bất kỳ người nào quan tâm đến việc nghiên cứu một vụ án hình sự cụ thể đưa ra những bình luận về vụ án đó về phương diện định tội danh.
  • Về hậu quả pháp lý của định tội danh không chính thức: Định tội danh không chính thức không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên có liên quan trong vụ án mà chỉ là sự thể hiện ý kiến, quan điểm riêng của các chủ thể này như là sự thể hiện phương pháp nhận thức PLHS

III. Một số điều kiện đảm bảo hoạt động định tội danh đúng

  • Năng lực chuyên môn của người định tội danh
  • Đạo đức nghề nghiệp của người định tội danh
  • Hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh

IV. Mối quan hệ giữa định tội danh và quyết định hình phạt

Định tội danh đúng => Định khung hình phạt đúng => Quyết định hình phạt đúng

V. Ý nghĩa của định tội danh

Hoạt động định tội danh của các chủ thể có thể theo 2 xu hướng: Định tội danh đúng hoặc định tội danh sai.

a. Đối với hoạt động định tội danh đúng

Định tội danh đúng là tiền đề cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh có căn cứ pháp luật.

Định tội danh đúng sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện một loạt các nguyên tắc tiến bộ được thừa nhận trong Nhà nước pháp quyền như: nguyên tắc pháp chế, trách nhiệm do lỗi, trách nhiệm cá nhân, bình đẳng trước pháp luật hình sự, nguyên tắc công minh nhân đạo và nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm.

Định tội danh đúng là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, về thẩm quyền điều tra, xét xử qua đó góp phần hữu hiệu cho việc bảo vệ các quyền và tự do dân chủ của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

b. Đối với hoạt động định tội danh sai

Định tội danh sai sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả tiêu cực như: không đảm bảo được tính công minh có căn cứ đúng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, xâm phạm thô bạo danh dự nhân phẩm các quyền tự do dân chủ của công dân là giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận trong Nhà nước.

Định tội danh sai làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp, vi phạm pháp chế XHCN, ảnh hưởng đến hiệu quả của đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nghị quyết 388/ UBTVQH ban hành ngày 17/03/2003 về bồi thường oan trong tố tụng hình sự Những vụ việc oan sai trong tố tụng hình sự.

Những vụ việc oan sai chủ yếu bắt nguồn từ việc đánh giá chứng cứ phiến diện, thiếu thận trọng, nôn nóng khởi tố, bắt tạm giam, suy diễn chủ quan.

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Định tội danh có bao nhiêu loại?
  2. Định tội danh có ý nghĩa như thế nào?
  3. Lý luận định tội danh có vị trí như thế nào trong hệ thống lý luận khoa học Luật hình sự?

Chương II: Cơ sở pháp lý và các giai đoạn của quá trình định tội danh

I. Ý nghĩa của bộ luật hình sự đối với việc định tội danh

Như đã đề cập, định tội là xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra với các dấu hiệu tương ứng trong quy phạm pháp luật hình sự. Quy phạm pháp luật hình sự chứa đựng những dấu hiệu đặc trưng, điển hình, bắt buộc không thể thiếu được của một loại tội phạm cụ thể. Những dấu hiện đó sẽ trở thành khuôn mẫu pháp lý làm cơ sở cho người tiến hành tố tụng so sánh, đối chiếu với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra ngoài thế giới khách quan, từ đó xác định được người phạm tội phạm tội gì, quy định tại điều, khoản nào của Bộ luật hình sự. Như vậy, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý của việc định tội.

Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Luật hình sự Việt Nam hiện hành không cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự trong lĩnh vực hình sự.

Bộ luật hình sự bao gồm các nhóm quy phạm pháp luật được sắp xếp thành hai phần: phần chung và phần các tội phạm. Trong đó, phần chung quy định các nhiệm vụ, các nguyên tắc, các chế định cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Còn khi xây dựng các quy phạm của phần tội phạm, nhà làm luật đã tìm và xác định xem trong quá trình tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội, dấu hiệu nào là đặc trưng, cơ bản nhất và được lặp lại nhiều lần trong thực tế, để từ đó quy định thành các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng.

Các quy phạm phần chung tuy không nêu lên hết các dấu hiệu cụ thể của bất kỳ một hành vi phạm tội nào, nhưng khi định tội, nhà làm luật phải đồng thời dựa vào cả hai nhóm quy phạm hình sự này. Bởi lẽ, quy phạm phần chung và quy phạm phần các tội phạm có mối liên hệ hữu cơ với nhau và định tội danh chính là sự lựa chọn một quy phạm cụ thể đề cập đến một trường hợp cụ thể, vì thế việc áp dụng quy phạm phần các tội phạm phải dựa trên những quy phạm chung và nguyên tắc được quy định ở phần chung Bộ luật hình sự.

Khi định tội, những quy phạm phần các tội phạm đề cập đến mô hình tội phạm một cách chi tiết, trên cơ sở đó chúng ta xác định được hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi phạm tội; còn các quy phạm hình sự tại phần chung quy định về các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, về các giai đoạn của tội phạm; về đồng phạm… từ đó giúp người áp dụng pháp luật phân biệt được cấu thành tội phạm cơ bản; cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành giảm nhẹ, và xác định được hành vi phạm tội đó ở giai đoạn nào của việc thực hiện tội phạm: ở giai đoạn tội phạm hoàn thành; giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay giai đoạn phạm tội chưa đạt. Chẳng hạn như tại điều 17 quy định tại quy phạm phần chung đề cập đến vấn đề đồng phạm, những người trong đồng phạm và tuy điều luật này không thể hiện cụ thể tính chất đồng phạm của hành vi phạm tội tại tất cả các điều luật quy định tại quy phạm phần các tội phạm, thế nhưng trên thực tế nếu hành vi phạm tội thể hiện dưới hình thức đồng phạm thì điều 17 quy phạm phần chung phải được áp dụng để xác định rõ vai trò, vị trí của từng người trong đồng phạm, bên cạnh việc áp dụng điều luật trong quy phạm phần các tội phạm.

Trong quá trình áp dụng pháp luật, không một cơ quan nào có quyền xem các hành vi khác không được quy định trong luật là tội phạm. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quy định tội phạm mới (tội phạm hoá) hoặc bỏ đi một tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự (phi tội phạm hoá).

Hiện nay, việc giải thích chính thức Luật hình sự được Hiến pháp 2013 trao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Giải thích này có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức, và cá nhân. Việc giải thích Luật hình sự của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hay của Bộ Tư pháp chỉ có giá trị bắt buộc trong phạm vi ngành Tư pháp.

Khi định tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào cả các quy định phần chung và phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Các quy định phần chung nêu lên các nguyên tắc, nhiệm vụ của Luật hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt. Quy định phần các tội phạm quy định những tội phạm cụ thể, loại và mức hình phạt có thể áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể. Khi định tội, ngoài việc dựa vào các điều luật quy định hành vi phạm tội cụ thể, người tiến hành tố tụng còn phải dựa vào những nguyên tắc, điều kiện đã quy định trong phần chung.

II. Các quy phạm pháp luật được áp dụng khi định tội danh

  • Bộ luật hình sự gồm 2 phần: Phần chung và phần các tội phạm
  • Quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm quy định trách nhiệm hình sự đối với mỗi hành vi phạm tội. Những quy định này phải dựa trên những nguyên tắc điều kiện được nêu ra trong các QPPL phần chung.
  • QPPL phần các tội phạm nêu mô hình một cách cụ thể chi tiết giúp ta xác định được hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trên thực tế là tội phạm.
  • QPPL phần chung giúp chúng ta phát hiện các dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể.
  • Cần lưu ý về hiệu lực về không gian và thời gian của điều khoản được viện dẫn

III. Cấu thành tội phạm – mô hình pháp lý của định tội danh

Cấu thành tội phạm (CTTP) là khái niệm pháp lý về hành vi phạm tội, là hệ thống các dấu hiệu cần và đủ đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm là một phạm trù chủ quan được xây dựng một cách khách quan dựa trên quy định của luật hình sự. Chính vì thế, nó đã trở thành cơ sở pháp lý để định tội. Cấu thành tội phạm, nói một cách khách quan, không thể
hiện hết các yếu tố phong phú của tội phạm mà chỉ thể hiện các yếu tố cần và đủ (các dấu hiệu điển hình, đặc trưng nói lên bản chất của tội phạm ấy) cho việc định tội. Chính vì thế, quá trình định tội cần giải quyết hai vấn đề: nhận thức đúng đắn các dấu hiệu Cấu thành tội phạm và xác định các tình tiết của hành vi phạm tội được thực hiện nhằm tìm ra sự đồng nhất giữa các yếu tố luật định và các tình tiết khách quan.

Cấu thành tội phạm được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bởi vì, một trong những đặc điểm của tội phạm là được quy định trong Luật hình sự. Luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội, từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận mới khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là Cấu thành tội phạm. Vì thế, các cán bộ tiến hành tố tụng cần nhận thức đúng đắn bản chất các dấu hiệu Cấu thành tội phạm trong quá trình định tội.

Chú ý, khi xem xét các dấu hiệu Cấu thành tội phạm cần xem xét cả những quy định phần chung và phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Làm sáng tỏ Cấu thành tội phạm và những dấu hiệu của nó là đảm bảo quan trọng đối với việc định tội. Định một tội danh đúng đòi hỏi cán bộ tiến hành tố tụng phải có trình độ pháp luật, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, Nhà nước phải đảm bảo pháp luật đáp ứng được đời sống đa dạng, không ngừng hoàn thiện, đảm bảo giải thích, hướng dẫn luật kịp thời, tránh việc áp dụng luật một cách mâu thuẫn và giải thích tuỳ tiện.

IV. Các giai đoạn của của quá trình định tội danh

Quá trình định tội danh là quá trình xác định sự đồng nhất của các tình tiết cơ bản, điển hình nhất của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu cấu thành tội phạm nào đó được quy định trong pháp luật hình sự.

  • Bước 1: Xác định loại quy phạm pháp luật (QPPL)
  • Bước 2: Xác định các dấu hiệu cùng loại của hành vi phạm tội CTTP được nếu ở chương nào của Bộ luật hình sự (BLHS)
  • Bước 3: Đối chiếu và so sánh các loại dấu hiệu tội phạm (tội gì được quy định ở khoản nào, điều nào?)

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Bộ luật hình sự có ý nghĩa như thế nào đối với định tội danh?
  2. Khi định tội danh, các quy phạm pháp luật hình sự nào được áp dụng?
  3. Định tội danh dựa vào mô hình pháp lý như thế nào?
  4. Các giai đoạn của quá trình định tội danh là gì?

Chương III: Định tội danh theo yếu tố của cấu thành tội phạm

I. Định tội danh theo khách thể của tội phạm

a. Khách thể chung của tội phạm (Ví dụ: Khoản 1 Điều 8)

Căn cứ vào khách thể chung, người định tội danh xác định người thực hiện hành vi có phạm tội hay không.

b. Khách thể loại (Ví dụ: các chương của phần thứ hai)

Căn cứ vào khách thể loại, người định tội danh xác định được hành vi phạm tội nào được hành vi phạm tội được quy định ở chương nào của Bộ luật hình sự để làm cơ sở xác định cấu thành tội phạm cụ thể cụ thể.

c. Khách thể trực tiếp 

Căn cứ vào khách thể trực tiếp người định tội danh xác định được cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với hành vi phạm tội của người phạm tội.

Giải quyết tình huống:

Tùng điều khiển xe ô tô chở dầu từ Bình Phước về thành phố Buôn Mê Thuột, cùng đi có phụ lái là Trần Văn Loan. Khi xe đến trạm thu phí số 3 trên quốc lộ 14, Tùng cho xe dừng lại, Loan xuống xe đưa 50.000 đồng bằng tiền lẻ cho Lục (nhân viên bán vé), Lục cố tình đếm lâu nên Loan chửi thề: ‘‘ĐM! Các anh làm ăn dở quá’’. Đông (nhân viên bán vé) chạy lại mở cửa xe Tùng và đấm vào chân Loan. Loan đẩy Đông ra và đóng cửa xe lại. Dù đã xé vé nhưng nhân viên không mở barie yêu cầu Tùng và Loan phải xin lỗi. Tùng liền điều khiển xe tông barie chạy luôn với tốc độ 20km/h. Đông đuổi xe máy chạy theo yêu cầu Tùng dừng lại nhưng Tùng vẫn cho xe chạy đều khoảng 20km/h và đâm thẳng vào xe của Đông. Hậu quả Đông văng ra giữa đường bị xe của Tùng cán chết.

Có 2 ý kiến về tội của Tùng:

1. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ dựa vào khách thể trực tiếp là quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

2. Tội giết người dựa vào khách thể trực tiếp là tính mạng của người khác.

– Khi định tội danh cần phải xem xét đối tượng tác động của tội phạm. Vì:

+ Đối tượng tác động của tội phạm là yếu tố có ý nghĩa định tội.

Ví dụ: Hàng cấm, hàng giả…

+ Trong một số trường hợp, đối tượng phạm tội là tình tiết định khung của tội phạm.

Ví dụ: Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trong tội hiếp dâm theo Điều 141 BLHS…

+ Trong các trường hợp, nếu không phải là yếu tố định tội, định khung hình phạt, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Ví dụ: Các tình tiết tăng nặng TNHS ở Điều 52 BLHS như phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên…

II. Định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm

a. Những vấn đề chung

-Trong lý luận Luật hình sự, căn cứ vào ý nghĩa pháp lý, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan được phân chia thành những dấu hiệu bắt buộc và những dấu hiệu không bắt buộc.

– Những dấu hiệu bắt buộc của mặt khách quan luôn là dấu hiệu của cấu thành tội phạm có ý nghĩa định tội, đó là:

  • Hành vi phạm tội
  • Hậu quả của tội phạm
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra (CTTP vật chất)

b. Xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội trong quá trình định tội danh

– Để định tội danh đúng, việc xác định, phân loại được các cấu thành tội phạm: cấu thành nào có hành vi chỉ là hành động, cấu thành nào có hành vi chỉ là không hành động; cấu thành nào có cả hành động và không hành động có ý nghĩa rất quan trọng.

– Người tiến hành định tội danh cần chú ý, hành động phạm tội có thể là một động tác xảy ra một lần trong thời gian ngắn hoặc là tổng hợp các động tác.

Nó có thể lặp đi lặp lại trong một thời gian kéo dài, có thể tác động trực tiếp đến đối tượng của tội phạm, cũng có thể là tác động gián tiếp thông qua phương tiện kỹ thuật, máy móc, súc vật…

Giải quyết tình huống:

M và Dũng rủ nhau vào rừng tràm quan hệ tình dục. Hậu, Hùng và Thắng (bạn của Dũng) đã kéo nhau rình xem. Dũng phát hiện và rủ cả bọn vào quan hệ với M. Cả bọn đồng ý nhưng M không đồng ý nên Dũng lấy quần của M và nói nếu không cho bạn mình quan hệ thì sẽ mang quần đưa về cho chồng M. M không nói gì. Dũng ra bảo bản mình vào với M. Hậu vào trước thấy M không mặc quần áo nhưng không giao cấu với M. Thắng vào bị M đẩy ngã nhưng vẫn giao cấu được với M. Hùng cũng khai đã giao cấu được với M.

Có 2 quan điểm: 1. Tội hiếp dâm / 2. Tội cưỡng dâm

c. Xác định hậu quả của tội phạm trong quá trình định tội danh

– Trong lý luận Luật hình sự, căn cứ vào ý nghĩa hậu quả của tội phạm đối với định tội danh và hình thức cấu tạo của quy phạm pháp luật để phân chia cấu thành tội phạm thành cấu thành vật chất và cấu thành hình thức.

– Phân biệt 3 loại hậu quả của tội phạm với ý nghĩa pháp lý như sau:

  • Hậu quả được quy định là một yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm.
  • Hậu quả của tội phạm tuy không có ý nghĩa định tội danh nhưng lại có ý nghĩa định khung.
  • Hậu quả không được luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng không có ý nghĩa định khung tăng nặng cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quyết định hình phạt.

Nội dung thảo luận:

d. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra trong quá trình định tội danh

e. Phương tiện, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội và việc định tội danh

III. Định tội danh theo chủ thể của tội phạm

Các dấu hiệu pháp lý hình sự của chủ thể của tội phạm được xem xét trong quá trình định tội danh bao gồm: NLTNHS, tuổi, chủ thể đặc biệt.

IV. Định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm được chia thành 2 nhóm: Các dấu hiệu bắt buộc (Lỗi) và dấu hiệu không bắt buộc (Động cơ, mục đích phạm tội).

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Phân tích định tội danh theo khách thể của tội phạm.
  2. Phân tích định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm.
  3. Phân tích định tội danh theo chủ thể của tội phạm.
  4. Phân tích định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm.

Chương IV: Định tội danh hành vi phạm tội chưa hoàn thành

I. Xác định các giai đoạn pháp tội chưa hoàn thành và việc định tội danh phạm tội chưa hoàn thành.

Luật hình sự Việt Nam không chỉ xem hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản là tội phạm, mà còn xem cả hành vi chuẩn bị cho việc thực hiện tội phạm cố ý cũng như hành vi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của một tội cố ý vì nguyên nhân khách quan là tội phạm. Và để có cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi chuẩn bị phạm tội cũng như hành vi phạm tội chưa đạt cũng có những đặc điểm cấu thành riêng biệt: đó là cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của phạm tội chưa đạt.

Cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt không được phản ánh trực tiếp tại từng tội danh cụ thể. Dấu hiệu của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được quy định trong các quy phạm thuộc phần chung Bộ luật hình sự. Đó là các dấu hiệu có tính chất chung cho tất cả các tội danh nhưng chưa phải là cấu thành của chuẩn bị phạm tội và cấu thành của phạm tội chưa đạt của riêng một tội phạm cụ thể nào cả. Cấu thành tội phạm chỉ được hình thành trên cơ sở kết hợp cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể với quy định chung về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Vì thế, nếu đối chiếu hành vi chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt với riêng cấu thành cơ bản của một tội cụ thể thì hành vi này hoặc không thỏa mãn, hoặc chưa thỏa mãn hết những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản. Nhưng nếu đặt cấu thành cơ bản trong mối liên hệ với điều luật quy định về
các giai đoạn thực hiện tội phạm thì hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đều hoàn toàn thỏa mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản và của các quy định về giai đoạn thực hiện tội phạm.

Khi định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành, việc xác định đúng giai đoạn thực hiện tội phạm là một việc làm rất quan trọng, bởi vì với mỗi tội danh, nhà làm luật quy định thời điểm hoàn thành tội phạm không giống nhau. Ví dụ như trong “tội cướp tài sản” (điều 133) thì tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi tấn công (dùng vũ lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc các hành vi khác…) dù người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay chưa, nhưng đối với một số tội phạm khác thì thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm người phạm tội lấy được tài sản khỏi nơi cất giữ, ví dụ như “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” (điều 137) hoặc “tội cướp giật tài sản” (điều 136)…v.v…

Ngoài ra, những quy định về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chỉ được thể  hiện ở một số tội phạm nhất định. Có những tội danh mà do những tính chất khách quan đặc thù nên nhà làm luật đã không quy định về các giai đoạn thực hiện tội phạm. Thứ nhất, đối với trường hợp không hành động là tội phạm, như “tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 102) hoặc “tội không tố giác tội phạm” (điều 314), đối với những tội phạm đó thì không thể có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt, bởi vì người phạm tội hoàn toàn không dự đoán được việc xảy ra một tội phạm cụ thể, những tình tiết khách quan được mô tả trong những tội danh tương ứng diễn ra trước khi người phạm tội có hành vi “không hành động”, vì thế người phạm tội không hề có sự chuẩn bị trước sẽ làm như thế nào, và cũng chính vì không hề có ý định phạm tội từ trước nên vấn
đề tội phạm được thực hiện đến giai đoạn nào cũng không được đặt ra, thế nên trong những trường hợp không hành động chỉ đặt ra vấn đề là tội phạm đã hoàn thành hoặc không có tội phạm mà thôi. Thứ hai, đối với những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định để thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản cần có dấu hiệu “bị xử phạt hành chính” hoặc “bị xử lý kỷ luật” thì khi hành vi được thực hiện cũng không bị coi là phạm tội chưa đạt. Khi đó, người có hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật thay vì bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn tội phạm chưa hoàn thành. Ví dụ, Điều 125 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex…đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”. Nếu người có hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex…mà chưa bị
xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị xem là phạm tội chưa đạt tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác mà chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

II. Định tội danh trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội

Trong luật hình sự Việt Nam, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một trong những chế định thể hiện tính nhận đạo của pháp luật Việt Nam. Hành vi nửa chừng tự ý chấm dứt việc phạm tội làm thay đổi một cách cơ bản mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã thực hiện và mức độ nguy hiểm cho xã hội của bản thân người thực hiện hành vi. Theo quy định tại điều 16 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Theo quy định này thì nếu như hành vi khách quan mà người phạm tội thực hiện trước khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm có dự tính đã đủ dấu hiệu để cấu thành một tội độc lập khác thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, A có ý định trục lợi riêng nên đã tiến hành sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu để tham ô, nhưng sau đó A đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội tham ô, như vậy A sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về “tội tham ô” (Điều 353), nhưng hành vi sửa chữa nội dung giấy tờ, tài liệu của A đã có đủ dấu hiệu để cấu thành “tội giả mạo trong công tác” (Điều 359) và A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Khi xây dựng điều 16 về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, nhà làm luật có lẽ không hạn chế phạm vi áp dụng của điều luật. Điều này có nghĩa là, pháp luật hình sự Việt Nam miễn trách nhiệm hình sự đối với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các giai đoạn của việc thực hiện tội phạm chưa hoàn thành, bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tội phạm chưa đạt chưa hoàn thành. Riêng với giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, đa số các quan điểm không thừa nhận xảy ra tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong giai đoạn này.

Đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đáp ứng được hai điều kiện cơ bản sau đây:

  • Một là, việc chấm dứt thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của người phạm tội phải tự nguyện và dứt khoát, tức là người đó phải từ bỏ thực sự ý định phạm tội hoặc hành vi phạm tội mà họ đã bắt đầu, chứ không phải tạm dừng chốc lát để chờ cơ hội, điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện tội phạm.
  • Hai là, việc chấm dứt việc thực hiện tội phạm phải do chính bản thân người đó tự quyết định, mặc dù vào thời điểm thực tế quyết định việc chấm dứt việc thực hiện tội phạm, người phạm tội nhận thức được khả năng thực tế khách quan vẫn cho phép tiếp tục thực hiện tội phạm.

Nguồn: Định tội danh đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành được tiến hành như thế nào?
  2. Định tội danh trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được tiến hành như thế nào?

Chương V: Cạnh tranh quy phạm pháp luật và định tội danh

I. Vấn đề cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự về định tội

a. Cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự trong định tội danh là gì?

Cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự trong định tội danh là trường hợp khi một hành vi phạm tội cùng bao hàm một số điều luật hoặc một số khoản của điều luật quy định các tội phạm cụ thể của BLHS

Cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự là một trong những nguyên nhân cơ bản phát sinh thực tranh xung đột quan điểm trong việc định tội danh.

b. Phân loại (có 3 loại)

  • Cạnh tranh giữa các quy phạm pháp luật chung và quy phạm pháp luật riêng
  • Cạnh tranh giữa các quy phạm pháp luật riêng với nhau
  • Cạnh tranh giữa phần và toàn bộ

II. Cạnh tranh quy phạm pháp luật chung và quy phạm pháp luật riêng

Khi định tội trong trường hợp có sự canh tranh giữa các QPPL chung và riêng thì QPPL riêng được ưu tiên áp dụng để định tội.

Ví dụ:

  • A vô ý làm chết người do bất kỳ nguyên nhân nào đó thì tội danh của A sẽ được định theo QPPL quy định tại Điều 128 (Tội vô ý làm chết người).
  • A vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì tội danh của A sẽ được định theo QPPL quy định tại Điều 129.QPPL ở Điều 129 là QPPL riêng trong quan hệ với QPPL chung (Điều 128).

III. Cạnh tranh giữa các quy phạm pháp luật riêng với nhau

Đối với các trường hợp cạnh tranh giữa các QPPL riêng thì phức tạp hơn. Một trong số các dạng cạnh tranh giữa các QPPL riêng thường gặp là cạnh tranh của các QPPL với các tình tiết định khung tăng nặng và các tình tiết định tội.

Ví dụ: Trường hợp B giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) nhưng người mà B giết lại là ‘‘cô giáo của mình’’ và đang là ‘‘phụ nữ mà biết là có thai’’ (các tình tiết định khung tăng nặng tại Khoản 1 Điều 123 – Tội giết người)

=> Quy tắc là áp dụng QPPL có chứa tình tiết định tội để định tội cho hành vi phạm tội. (Trong ví dụ trên áp dụng Điều 126)

Ví dụ: Trường hợp C cướp tài sản ‘‘có sử dụng vũ khí’’ và ‘‘tái phạm nguy hiểm’’ (các tình tiết định khung tăng nặng tại Khoản 2 Điều 168) và tài sản mà C cướp ‘‘có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên’’ (tình tiết tăng nặng tại Khoản 4 Điều 168).

=> Quy tắc là ưu tiên áp dụng QPPL có chứa các tình tiết có giá trị tăng nặng cao nhất.

Ví dụ: Trường hợp phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) có tình tiết định khung tại khoản 3 là ‘‘Nhiều người hiếp một người’’ nhưng người bị hại ở đây lại là ‘‘người dưới 13 tuổi’’ (khoản 1).

=> Quy tắc là áp dụng QPPL có chứa các tình tiết cho giá trị tăng nặng cao nhất.

Nguồn: Cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự trong định tội danh

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Trình bày hiểu biết về khái niệm và các loại cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự và ý nghĩa của việc hiểu biết về những vấn đề đó?
  2. Nêu và phân tích các quy tắc áp dụng quy phạm pháp luật khi có cạnh tranh giữa quy phạm chung và quy phạm riêng?
  3. Nêu và phân tích các quy tắc áp dụng quy phạm pháp luật khi có cạnh tranh giữa các quy phạm riêng với nhau.

Chương VI: Định tội danh trong trường hợp có nhiều tội phạm

I. Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều tội

a. Các dấu hiệu cơ bản để xác định trường hợp phạm nhiều tội

  • Có lỗi trong việc thực hiện hai hay nhiều tội phạm
  • Các hành vi đó được quy định trong phần các tội phạm của BLHS
  • Người phạm tội chưa bị xét xử về một tội nào trong số các tội phạm đó

b. Trong lý luận luật hình sự, cần phân biệt 2 dạng phạm nhiều tội là:

– Phạm nhiều tội thực tế: Là trường hợp khi một người thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội độc lập khác nhau và cách nhau một khoảng thời gian nhất định, những hành vi đó cấu thành hai hoặc nhiều tội phạm được quy định trong các điều luật khác nhau hoặc trong những khoản khác nhau của điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS.

Ví dụ: A trộm cắp tài sản của nhà B lấy đi 200 triệu đồng, 2 ngày sau A lại cướp giật điện thoại Iphone X trị giá khoảng 30 triệu đồng.

* Lưu ý: Khác với “phạm tội 2 lần trở lên”, phạm nhiều tội thực tế bao gồm các tội phạm khác loại (Từng hành vi phạm tội có tính độc lập, chứa đựng cấu thành của một tội phạm riêng biệt)

– Phạm tội tư tưởng: Là trường hợp khi một người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó cấu thành hai hoặc nhiều tội phạm được quy định trong các điều luật khác nhau hoặc trong những khoản khác nhau của điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS.

Ví dụ: Hành vi giết người khi thực hiện hành vi cướp tài sản là dạng phạm nhiều tội tư tưởng.

* Lưu ý:

  • Đối với trường hợp phạm nhiều tội tư tưởng, hành vi phạm tội của bị cáo mang tính chất của một hành vi phạm tội đơn nhất.
  • Trong những trường hợp khác khi hành vi phạm tội của bị cáo không mang tính chất của một hành vi phạm tội đơn nhất thì không thể có dạng phạm tội tư tưởng, mà có thể là phạm nhiều tội thực tế, hoặc phạm tội 2 lần trở lên hoặc là tái phạm, tái phạm nguy hiểm…

II. Định tội danh trong trường hợp phạm tội hai lần trở lên, tái phạm và tái phạm nguy hiểm

a. Định tội danh trong trường hợp phạm tội hai lần trở lên

– Phạm tội 2 lần trở lên là trường hợp một người phạm tội từ 2 lần trở lên. Các tội phạm mà người đó thực hiện cũng có thể là giống nhau hoặc khác nhau (cùng loại hoặc khác loại). Mỗi hành vi phạm tội phải có tính độc lập.

-> Cần phân biệt “phạm tội 2 lần trở lên” với phạm tội liên tục, phạm tội kéo dài. Trường hợp phạm tội liên tục và phạm tội kéo dài cần được coi như một tội phạm độc lập đơn nhất.

– Tình tiết phạm tội 2 lần trở lên trong BLHS được nhà làm luật quy định với hai ý nghĩa khác nhau:

  • Là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
  • Là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số loại tội phạm nhất định

– Để xác định một trường hợp nào đó là phạm tội 2 lần trở lên, thì ít nhất phải có hai hành vi bị xem là tội phạm. Vì thế không thể xem là phạm tội nhiều lần trong trường hợp một người thực hiện hai hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong đó chỉ có một hành vi bị xem là tội phạm, còn hành vi khác tuy có dấu hiệu của một tội phạm được quy định, nhưng do mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó không đáng kể, nên được xếp vào loại các hành vi vi phạm hành chính, hoặc các dạng vi phạm pháp luật khác.

Ví dụ: A có hành vi vượt đèn đỏ và gây tai nạn cho B làm B bị thương nặng. Trong trường hợp, A không phải phạm tội nhiều lần, mà A chỉ phạm một tội, đó là “tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” (Điều 260 BLHS), còn hành vi vượt đèn đỏ của A không phải là tội phạm, mà chỉlà hành vi vi phạm hành chính thông thường.

– Phạm tội 2 lần trở lên bao gồm cả trường hơp khi một người thực hiện các tội phạm đã hoàn thành lẫn các tội phạm chưa hoàn thành.

Ví dụ: Một người đã thực hiện hai hành vi trộm cắp tài sản, trong đó hành vi phạm tội thứ nhất là tội phạm chưa hoàn thành và hành vi phạm tội thứ hai là tội phạm đã hoàn thành, thì vẫn áp dụng là “phạm tội 2 lần trở lên”.

-> Phạm tội có tính chất chuyên nghiêp cũng là một dạng của phạm tội 2 lần trở lên được nhà làm luật quy định với 2 ý nghĩa: Tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

-> Để định tội danh theo tình tiết này, cần xác định bị cáo thực hiện các tội phạm cùng tội danh 2 lần trở lên và hoạt động phạm tội là nguồn sống chính hoặc nguồn sống bổ sung thường xuyên của bị cáo.

b. Định tội danh trong trường hợp tái phạm và tái phạm nguy hiểm

Tình tiết tái phạm được quy định tại điều 53 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với ý nghĩa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, tái phạm nguy hiểm còn có ý nghĩa là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội phạm nhất định như: khoản 2 điểm h điều 168 tội cướp tài sản; điểm g khoản 2 điều 178 tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; hoặc điểm m khoản 2 điều 192 tội sản xuất, buôn bán hàng giả…

Khoản 1 điều 53 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”.

Theo quy định này, thì một người bị coi là tái phạm khi có đầy đủ những điều kiện sau đây:

– Một là, người đó đã bị kết án. Người đã bị kết án là người có bản án kết tội của Toà án mà không phụ thuộc vào việc bản án đó có hiệu lực pháp luật hay chưa. Vì vậy, ngay từ khi tuyên án kết tội thứ nhất đối với một người mà người đó lại phạm tội mới theo quy định tại khoản 1 điều 53 thì được coi là tái phạm (quy định này không áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội).

– Hai là, người bị kết án chưa được xoá án tích. Điều này có nghĩa là điều kiện bắt buộc là việc kết án đó phải phát sinh án tích và án tích chưa được xoá, mà người đó lại phạm tội mới thì mới xem là tái phạm.

– Ba là, phạm tội mới do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Để xác định tái phạm, luật hình sự quy định tội phạm mới được thực hiện phải thuộc một số trường hợp phạm tội nhất định như phạm tội mới do cố ý, hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, thể hiện nhân thân của người phạm tội không chịu tiếp thu các biện pháp cải tạo giáo dục của pháp luật.

Khoản 2 điều 53 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đặc biệt của tái phạm nên vẫn đòi hỏi những dấu hiệu cần và đủ như đối với trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, vì là một trường hợp đặc biệt của tái phạm, nên tái phạm nguy hiểm cũng có những điều kiện riêng khi áp dụng. Đó là khi định tội danh đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm, cần phải xác định rõ trạng thái án tích của người phạm tội, tức là phải xác định được, ngoài những điều kiện quy định tại điều 53, thì bị cáo đã bị xét xử về tội đầu và án tích của tội đó vẫn chưa được xoá.

Tái phạm nguy hiểm được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 điều 52 và đồng thời là dấu hiệu định khung tăng nặng đối với một số tội phạm nhất định, như tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169 khoản 1 điểm i); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175 khoản 2 điểm g); hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (điều 189 khoản 2 điểm g)…

Một cơ sở pháp lý khác để xác định hành vi nguy hiểm của một người là tái phạm nguy hiểm, đó là chúng ta phải xác định được trước đó bị cáo đã bị Toà án coi là tái phạm, có nghĩa là các điểm, khoản quy định về dấu hiệu tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng chỉ được áp dụng trong trường hợp người đó đã bị Toà án xem là tái phạm trước khi người đó phạm tội mới.

Nguồn: Định tội danh trong trường hợp tái phạm và tái phạm nguy hiểm

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều tội được tiến hành như thế nào?
  2. Định tội danh trong trường hợp phạm tội 2 lần trở lên, tái phạm, tái phạm nguy hiểm được tiến hành như thế nào?

Chương VII: Lý luận chung về quyết định hình phạt

I. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của quyết định hình phạt

a. Khái niệm

Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của tòa án thực hiện sau khi xác định tội danh để đưa ra các biện pháp xử lý tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo đã thực hiện.

b. Đặc điểm của quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là một hoạt động thực tiễn có tính đặc thù của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Dựa vào các quy định của pháp luật hình sự, hoạt động quyết định hình phạt nhằm giải quyết vấn đề TNHS của người phạm tội trong các trường hợp phạm tội cụ thể. Trên cơ sở đó, hình phạt được quyết định một cách công bằng, bình đẳng, đảm bảo sự kết hợp giữa trừng trị với giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung. Qua đó, có thể thấy quyết định hình phạt có những đặc điểm sau:

– Quyết định hình phạt là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự của Hội đồng xét xử.
Đối tượng điều chỉnh của ngành Luật hình sự là những quan hệ xã hội tiêu cực phát sinh giữa một bên là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm với bên kia là Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật hình sự. Trong quan hệ pháp luật hình sự đó, nghĩa vụ và TNHS của người phạm tội không mặc nhiên phát sinh nếu không có hoạt động xét xử của cơ quan Toà án được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình, thủ tục tố tụng do BLTTHS quy định để chứng minh người đó phạm tội và áp dụng các biện pháp chế tài của luật hình sự đối với họ. Do đó, quyết định hình phạt luôn luôn là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự do Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tiến hành trên cơ sở căn cứ vào các quy định của BLHS về quyết định hình phạt đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể. Các quy định của BLHS là những quy phạm pháp luật hình sự có tính khái quát cao và không phải để áp dụng riêng cho một tội phạm cụ thể nào nên quyết định hình phạt không thể mang tính tự động, dập khuôn mà ngược lại luôn đòi hỏi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải có tính sáng tạo. Tức là, sau khi đã thực hiện việc định tội danh, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải cân nhắc, đánh giá, lựa chọn các quy phạm của BLHS (cả phần chung và phần các tội phạm) trên cơ sở nhận thức đúng nội dung, yêu cầu, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội để quyết định một hình phạt tương xứng. Chỉ khi lựa chọn chính xác các quy phạm của BLHS mới có thể quyết định hình phạt đúng. Do đó, quyết định hình phạt là hoạt động nhận thức và vận dụng các quy phạm pháp luật hình sự một cách sáng tạo của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân để hình phạt được tuyên không những đảm bảo tính pháp lý, chính trị – xã hội mà còn là phương án tối ưu để đạt được các mục đích của hình phạt. Điều này hoàn toàn đúng như Mác đã viết: “Nếu như luật pháp tự nó vận dụng được thì Toà án sẽ là thừa”

– Đối tượng của Quyết định hình phạt là cá nhân người phạm tội.

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chỉ thừa nhận chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và có lỗi trong điều kiện hoàn toàn có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định tại thời điểm thực hiện tội phạm. Trường hợp, người bị coi là phạm tội (bị cáo) được đưa ra xét xử nhưng qua quá trình xét xử lại không có tội và được ghi nhận bằng bản án tuyên vô tội của Toà án thì đương nhiên việc quyết định hình phạt sẽ không diễn ra. Điều này đã cho thấy, quyết định hình phạt chỉ diễn ra khi người phạm tội qua quá trình xét xử bị khẳng định là có tội bằng bản án kết kết tội của Toà án có thẩm quyền và phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS. Do đó, đối tượng của quyết định hình phạt chỉ là người phạm tội bị kết án và chính người này sẽ phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã tuyên chứ không ai có thể chấp hành thay, cho dù là tự nguyện. Có như vậy, hình phạt mới phát huy được tác dụng trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội. Đối với pháp nhân phạm tội, việc quyết định hình phạt cũng được thực hiện đối với từng cá nhân người phạm tội trên cơ sở hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, lỗi và TNHS của họ thì hình phạt mới đạt được mục đích trừng trị và giáo dục người phạm tội.

– Phạm vi của quyết định hình phạt bao gồm các nội dung:

Về lý luận cũng như thực tiễn, quyết định hình phạt chỉ diễn ra sau khi Toà án đã tiến hành hoạt động định tội danh và chỉ trong trường hợp người phạm tội bị khẳng định là có tội. Đây chính là kết quả của hoạt động chứng minh tội phạm do Toà án thực hiện dựa trên các tài liệu, chứng cứ do cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát thu thập và qua hoạt động xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà mà Toà án có được theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định….

c. Ý nghĩa của quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là một hoạt động tố tụng hình sự, thể hiện ở việc Toà án tuân thủ các quy định của BLHS và BLTTHS để tuyên một hình phạt đảm bảo tính công minh, có căn cứ và đúng pháp luật đối với người phạm tội bị kết án. Qua đó, góp phần tích cực vào việc bảo vệ các quyền con người và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Vì vậy, quyết định hình phạt có những ý nghĩa quan trọng sau:

  • Quyết định hình phạt đúng là cơ sở pháp lý để đạt được mục đích của hình phạt.
  • Quyết định hình phạt đúng là cơ sở pháp lý đảm bảo và nâng cao hiệu quả của hình phạt.
  • Quyết định hình phạt đúng là điều kiện đảm bảo tính khả thi của hệ thống hình phạt.
  • Quyết định hình phạt đúng góp phần bảo đảm pháp chế trong Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

II. Các nguyên tắc quyết định hình phạt

  • Nguyên tắc pháp chế Xã hội chủ nghĩa
  • Nguyên tắc nhân đạo Xã hội chủ nghĩa
  • Nguyên tắc cá thể hóa
  • Nguyên tắc công bằng

III. Các căn cứ cứ quyết định hình phạt

  • Các quy định của BLHS
  • Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
  • Nhân thân người phạm tội
  • Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự

IV. Quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt

a. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS

Điều 54 BLHS quy định như sau:

– Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 TTGN quy định tại Khoản 1 Điều 51.

– Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

– Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 54 nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp  nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

BÀI TẬP

A phạm tội quy định tại khoản 2 điều 169 BLHS. Trong hành vi phạm tội của A có 2 TTGN được quy định tại K1Đ51 BLHS nên toà án áp dụng Điều 54 BLHS. Quyết định nào sau đây của TA là đúng với trường hợp này?

  1. 36 tháng tù ⇐
  2. 18 tháng tù
  3. 9 tháng tù
  4. 3 năm cải tạo không giam giữ

b. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55 BLHS)

Xem thêm: Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

c. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 55 BLSH)

– Trường hợp 1: Đang phải chấp hành bản án lại bị đưa ra xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này.

  • Tổng hợp với hình phạt của bản án trước thành hình phạt chung
  • Phần hình phạt đã chấp hành của bản án trước được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung

A (30 tuổi) đã bị tòa xử phạt 16 năm tù về tội cướp tài sản. Chấp hành được 4 năm, A lại bị xét xử về tội đã thực hiện trước đó – tội cố ý gây thương tích cho người khác với mức án là 19 năm tù. Như vậy, hình phạt chung mà bị cáo A phải chấp hành là bao nhiêu?

– Trường hợp 2: Đang phải chấp hành bản lại lại bị đưa ra xét xử về tội đã phạm sau khi có bản án này.

  • Quyết định hình phạt đối với tội mới
  • Tổng hợp với phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước thành hình phạt chung

Bị cáo E bị tuyên phạt 12 năm tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 169. Chấp hành án được 1 năm, E lại phạm tội mới – tội giết người và bị tuyên phạt 20 năm tù. Trường hợp này, hình phạt chung mà bị cáo tiếp tục phải chấp hành là bao nhiêu?

d. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 57 BLSH)

Căn cứ vào:

  • Các điều của BLHS về các tội phạm tương ứng
  • Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
  • Mức độ thực hiện ý định phạm tội
  • Những tình tiết khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng

– Chuẩn bị phạm tội: Hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.

– Phạm tội chưa đạt: 

  • CT, TH => HP <20 năm tù
  • Tù có thời hạn: HP <3/4

e. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Tòa án còn phải tuân theo căn cứ:

  • Tính chất đồng phạm
  • Tính chất và mức độ tham gia của những người đồng phạm
  • Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự… chỉ áp dụng đối với người có tình tiết đó.

Câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu:

  1. Phân tích các nguyên tắc quyết định hình phạt
  2. Phân tích các căn cứ quyết định hình phạt
  3. Quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt được tiến hành như thế nào?

– Kết thúc –

Câu hỏi ôn tập môn lý luận định tội danh và quyết định hình phạt

LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐỊNH TỘI DANH VÀ CÁC GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH ĐỊNH TỘI DANH

ĐỊNH TỘI DANH ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ.  CẠNH TRANH QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐỊNH TỘI DANH VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

  1. Định tội danh có bao nhiêu loại?
  2. Định tội danh có ý nghĩa như thế nào?
  3. Lý luận định tội danh có vị trí như thế nào trong hệ thống lý luận khoa học Luật hình sự?
  4. Bộ luật hình sự có ý nghĩa như thế nào đối với định tội danh?
  5. Khi định tội danh, các quy phạm pháp luật hình sự nào được áp dụng?
  6. Định tội danh dựa vào mô hình pháp lý như thế nào?
  7. Các giai đoạn của quá trình định tội danh là gì?
  8. Phân tích định tội danh theo khách thể của tội phạm.
  9. Phân tích định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm.
  10. Phân tích định tội danh theo chủ thể của tội phạm.
  11. Phân tích định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm.

LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

  1. Phân tích các nguyên tắc quyết định hình phạt.
  2. Phân tích các căn cứ quyết định hình phạt
  3. Quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt được tiến hành như thế nào?

Do hệ thống lưu trữ dữ liệu của Hocluat.vn thường xuyên bị quá tải nên Ban biên tập không đính kèm File Đề cương môn lý luận định tội danh và quyết định hình phạt PDF trong bài viết. Nếu bạn cần File word/pdf tài liệu này, vui lòng để lại Email ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Các tìm kiếm liên quan đến Đề cương môn lý luận định tội danh và quyết định hình phạt, cách làm bài tập xác định tội danh, khái niệm định tội danh, định tội danh là gì, giáo trình định tội danh, bài tập lý luận định tội danh, các bước định tội danh, xác định tội danh và định khung hình phạt, sách định tội danh

5/5 - (2 bình chọn)

Phản hồi

  1. Mình muốn download slide bài giảng lý luận định tội danh và quyết định hình phạt (PowerPoint), bạn có thể hướng dẫn mình cách thức download tài liệu này không? Hoặc gửi chia sẻ cho mình tài liệu này qua email: hoangsonglinh2019@gmail.com nhé.
    Chân thành cảm ơn!

  2. Bài viết hệ thống lại toàn bộ chương trình học rất đầy đủ và được trình bày rất khoa học, dễ nhìn. Những gì cô dạy đều có trong đây hết. Cảm ơn anh/chị nhìu nhé!

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền