Khác với công ty đối vốn, công ty đối nhân là loại hình công ty đề cao sự quen biết, tin tưởng giữa các thành viên. Bởi vậy, điểm mạnh của các công ty này là đề cao mối quan hệ và sự tin tưởng giữa các thành viên và đồng thời đảm bảo an toàn pháp lý rất cao cho khách hàng, chủ nợ khi giao dịch với công ty. Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn kinh doanh, các hình thức của công ty đối nhân đã có khá nhiều thay đổi.
Abstract: Unlike the counterpart enterprise, the partnership enterprise is a type of company that favors the acquaintance, mutual trust among members. Therefore, the strengths of this type enterprise is favoring the relationship and the trust among members and ensuring very high legal safety for its clients, creditors when transacting with the company. Currently, the type of partnership enterprise appears in several modality to catch up with the requirements and demands from the business practices.
Keywords: partnership enterprise, general partnership, limited partnership, limited liability partnership, Enterprise Law.
Trong lịch sử phát triển của công ty, công ty đối nhân là loại hình công ty xuất hiện sớm nhất. Loại hình công ty đối nhân thường tồn tại dưới một số hình thức như: công ty hợp danh, công ty hợp danh hữu hạn hay công ty hợp danh TNHH. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, các công ty này gặp phải khá nhiều trở ngại. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, pháp luật nhiều nước đã có những điều chỉnh nhất định đối với loại hình công ty này. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác nhau, việc quy định các hình thức pháp lý của loại hình công ty đối nhân cũng thường khác nhau.
1. Các hình thức pháp lý phổ biến của công ty đối nhân
Pháp luật hầu hết các nước đều quy định hai hình thức cơ bản của công ty đối nhân: công ty hợp danh và công ty hợp danh hữu hạn. Ngoài ra, hình thức công ty hợp danh TNHH cũng khá phổ biến tại một số nước thuộc hệ thống Common law.
1.1 Công ty hợp danh
Công ty hợp danh (general partnership, simple partnership hay ordinary partnership) là “loại công ty hình thành sớm nhất trên thế giới”[1]. Công ty này còn có khá nhiều cái tên khác như: “công ty hợp danh toàn diện, công ty hợp danh phổ thông”[2], “công ty liên danh”[3], “công ty đồng danh”[4]…
Đây là công ty mang bản chất của loại hình công ty đối nhân một cách tuyệt đối. Công ty hợp danh có duy nhất một loại hình thành viên là thành viên hợp danh. Tất cả các thành viên hợp danh đều phải liên đới chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ tài sản của công ty hợp danh. Trường hợp nếu công ty không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ thì các thành viên hợp danh phải cùng nhau gánh vác các khoản nợ thay cho công ty. Thành viên hợp danh phải mang tài sản dân sự của mình để thực hiện các nghĩa vụ tài chính cho công ty. Nói cách khác, vai trò của các thành viên hợp danh thực chất là những người bảo lãnh liên đới cho mọi hoạt động của công ty hợp danh.
Do là công ty đối nhân tuyệt đối nên nguyên tắc chịu trách nhiệm vô hạn, không có ngoại lệ với bất kỳ thành viên hợp danh nào. Kể từ khi chính thức trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh, trách nhiệm và liên đới đã phát sinh hiệu lực đối với thành viên đó. Ngay cả khi thành viên hợp danh rời khỏi công ty thì về nguyên tắc, trách nhiệm của họ đối với công ty vẫn chưa chấm dứt. Ví dụ, ở Đức, pháp luật quy định: “nghĩa vụ của thành viên hợp danh là 05 năm tiếp theo kể từ khi đã rời khỏi công ty”[5]; ở Việt Nam, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, các thành viên đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên[6].
Đánh giá vai trò của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, học giả người Pháp Francis Lemeunier cho rằng: “Mối quan hệ giữa các thành viên (nhân thân) giữ một vai trò quyết định tới việc thành lập, hoạt động và giải tán công ty. Chính vì sự liên quan chặt chẽ của các thành viên, nên rất khó để một thành viên của công ty hợp danh có thể rút khỏi công ty sau khi đã chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một bên thứ ba mà không được sự nhất trí của tất cả các thành viên còn lại đối với việc chuyển nhượng này. Ngoài ra, việc một thành viên của công ty hợp danh chết cũng có thể là lý do quan trọng dẫn tới việc công ty bị giải thể. Về nguyên tắc, công ty bị giải thể trong trường hợp một thành viên qua đời”[7].
Do vai trò quan trọng của thành viên công ty hợp danh nên pháp luật các nước rất hạn chế can thiệp vào các công việc mang tính nội bộ của công ty hợp danh. Bởi lẽ, nghĩa vụ liên đới và trách nhiệm vô hạn là sự đảm bảo rất cao về mặt an toàn pháp lý. Vì vậy, ngoài việc quy định cơ cấu tổ chức bắt buộc, pháp luật các nước đều cho phép các thành viên có quyền tự quyết định mọi vấn đề liên quan của công ty. Để tạo thuận lợi cho thành viên hợp danh, pháp luật các nước còn quy định tư cách thương nhân (thương gia) của các thành viên hợp danh. Vì vậy, các thành viên hợp danh đều có thể đại diện công ty để giao dịch với bên ngoài.
Ở các nước, việc đăng ký thành lập công ty hợp danh khá đơn giản. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, công ty hợp danh được thành lập hết sức dễ dàng, có thể qua cái bắt tay của các nhà đầu tư[8]. Công ty hợp danh không nhất thiết phải đăng ký kinh doanh[9]. Pháp luật Thụy Điển yêu cầu các thành viên khi thành lập công ty hợp danh: “lập thành văn bản hoặc để thuận tiện hơn có thể thỏa thuận bằng miệng, nhưng phải đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật”[10].
1.2 Công ty hợp danh hữu hạn
Công ty hợp danh hữu hạn (limited partnership) hay thường được gọi là công ty hợp vốn đơn giản. Lịch sử hình thành của công ty hợp danh hữu hạn luôn gắn bó với công ty hợp danh nên vì thế, công ty hợp danh hữu hạn cũng là loại hình công ty xuất hiện từ rất sớm. Ngược dòng lịch sử, từ thời trung cổ đã có những đạo luật quy định rất cụ thể về công ty hợp danh hữu hạn. Nước Pháp, từ thế kỷ 17, đã ban hành Dụ năm 1673 quy định hội hợp tư đơn thường[11]. Mặt khác, sự hình thành của công ty hợp danh hữu hạn thường được bắt nguồn từ chính công ty hợp danh. Theo các tác giả Maurice Cozian và Alian Viandier: “Công ty hợp danh cũ buộc phải chuyển đổi thành công ty hợp tư khi có một hội viên qua đời nhằm tạo điều kiện cho người thừa kế chưa thành niên trở thành hội viên xuất vốn (họ không thể có tư cách kinh doanh vì vậy không thể trở thành hội viên công ty hợp tư được)”[12]. Thông thường, công ty hợp danh được thành lập trước rồi trên cơ sở này, công ty hợp danh hữu hạn mới hình thành sau. Nói một cách khác, công ty hợp danh hữu hạn là một dạng công ty phái sinh, hay là sự biến tấu từ chính công ty hợp danh. Bởi lẽ, công ty hợp danh hữu hạn có được sự kết hợp từ các đặc điểm của công ty hợp danh và có thêm được lợi thế là luôn có thể dễ dàng thu hút thành viên tham gia. Do giữa hai hình thức công ty này có mối liên quan với nhau, vì vậy, pháp luật của các nước đều cho phép công ty hợp danh hữu hạn đều có thể thực hiện hoạt động kinh doanh tương tự công ty hợp danh.
Tuy nhiên, do công ty hợp danh hữu hạn tồn tại hai loại thành viên khác nhau (thành viên nhận vốn và thành viên xuất vốn), nên thủ tục thành lập công ty hợp danh hữu hạn chặt chẽ hơn công ty hợp danh. Thực chất, thành viên nhận vốn của công ty hợp danh hữu hạn chính là thành viên hợp danh của công ty hợp danh thông thường. Thành viên góp vốn này, chỉ phải chịu nghĩa vụ về tài sản trong phạm vi số vốn góp của họ. Thành viên góp vốn được hưởng chế độ chịu TNHH về mặt tài sản. Có thể nói, sự khác biệt lớn nhất và quan trọng nhất giữa công ty hợp danh và công ty hợp danh hữu hạn là công ty hợp danh hữu hạn có thêm sự xuất hiện của thành viên góp vốn với cơ chế chịu TNHH về mặt tài sản.
Khác với thành viên hợp danh, thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng phần vốn góp của họ khá dễ dàng. Hay nói cách khác, sự thay đổi về thành viên góp vốn hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của công ty hợp danh hữu hạn. Tuy nhiên, việc quản lý điều hành công ty hợp danh hữu hạn chỉ thuộc về các thành viên hợp danh. Còn các thành viên góp vốn chỉ được quyền tham gia vào các công việc quản lý nội bộ có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Mặt khác, như đã nêu, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hữu hạn đều có tư cách thương nhân nên họ đều có thể đại diện cho công ty giao dịch với bên ngoài. Nhưng đối với thành viên góp vốn thì không có tư cách thương nhân nên không có quyền đại diện cho công ty hợp danh hữu hạn. Trong trường hợp thành viên góp vốn đứng ra thay mặt công ty giao dịch với người thứ ba, tư cách pháp lý của thành viên góp vốn sẽ chấm dứt và bị chuyển sang tư cách pháp lý của thành viên hợp danh.
Điểm tương đồng giữa pháp luật của các nước chính là không cho phép các thành viên góp vốn, được dùng tên của họ làm thành tên hãng hoặc một phần tên hãng của công ty hợp danh hữu hạn. Nói cách khác, tên hãng chỉ có thể là tên của một (hoặc một số) thành viên nhận vốn. Ví dụ, theo quy định của pháp luật Cộng hòa liên bang Đức, “công ty hợp vốn đơn giản chỉ được ghi tên của thành viên nhận vốn, thành viên góp vốn không được ghi tên lên tên hãng để tránh nhầm lẫn cho người thứ ba giao dịch với công ty”[13].
Thực tiễn tồn tại hai loại hình khác nhau của công ty hợp vốn là: công ty hợp vốn đơn giản (trong đó các thành viên xuất vốn được lựa chọn thiên về nhân thân và là người có các phần vốn góp của công ty) và công ty hợp vốn cổ phần (các thành viên xuất vốn có các quyền có thể được chuyển nhượng tức là cổ phần, tình trạng của thành viên xuất vốn gần giống như tình trạng của cổ đông trong các công ty cổ phần)[14].
Ở Pháp, công ty hợp vốn cổ phần có nhiều điểm vừa giống với công ty cổ phần, vừa giống với công ty hợp vốn đơn giản. Nó khác với công ty hợp vốn đơn giản ở chỗ là nó có thể phát hành chứng khoán. Hơn nữa, những quyền của các thành viên góp vốn không phải được đại diện bằng phần vốn góp, mà là bằng cổ phần. Các thành viên hợp vốn là những cổ đông”[15]; ở Đức, “công ty hợp vốn cổ phần là sự kết hợp cấu trúc của công ty cổ phần và công ty hợp vốn đơn giản. Công ty được phép phát hành cổ phần để huy động vốn của công chúng theo các quy định của pháp luật chứng khoán”[16].
1.3 Công ty hợp danh TNHH
Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn[17] (TNHH) khác với công ty hợp danh thường – là trong trường hợp có một thành viên lạm dụng địa vị của mình để tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng mang lại rủi ro, thua lỗ cho công ty thì trách nhiệm của thành viên còn lại cũng chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị tài sản công ty; tất nhiên các thành viên phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ do hành vi của mình gây ra và các nghĩa vụ khác không thuộc trường hợp trên[18]. Công ty hợp danh TNHH cho phép tất cả các thành viên (cả thành viên hợp danh) đều có TNHH trong một giới hạn nhất định.
So với công ty hợp danh, việc thành lập công ty hợp danh TNHH phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Công ty này đặc biệt thích hợp đối với nghề mang tính chuyên môn cao như kế toán, kiểm toán… bởi nó cho phép nhà đầu tư linh hoạt trong việc quản lý và điều hành công ty, đồng thời lại có thể giúp họ tránh được trách nhiệm vô hạn trong một số trường hợp[19]. Trên thực tế, số lượng công ty hợp danh TNHH khá ít và thường hoạt động ở một số quốc gia theo hệ thống pháp luật common law (Anh, Canada, Hoa Kỳ).
Mặc dù là công ty thuộc hình thức của công ty đối nhân, tuy nhiên, công ty hợp danh TNHH cũng như công ty hợp danh hữu hạn, đã có khuynh hướng giảm dần tính chất đối nhân (một số công ty hợp danh hữu hạn còn cho phép một số thành viên được hưởng chế độ TNHH về tài sản). Đây là sự khác biệt rất lớn đối với một công ty đối nhân thuần túy. Vì vậy, có thể nói, công ty hợp danh TNHH và công ty hợp danh hữu hạn không còn là công ty đối nhân tuyệt đối như công ty hợp danh.
2. Kiến nghị
Sau khi nghiên cứu các hình thức pháp lý của loại hình công ty đối nhân tại một số quốc gia và đối chiếu với loại hình công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể nhận thấy, loại hình công ty hợp danh đang có nhiều điểm khác biệt và tồn tại khá nhiều hạn chế, bất cập. Vì thế, để loại hình công ty hợp danh có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thì cần thiết xem xét các giải pháp sau:
Thứ nhất, như đã nêu, pháp luật các nước thường quy định sự tồn tại của một số hình thức công ty đối nhân khác nhau. Sự đa dạng các hình thức công ty đối nhân góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tại các quốc gia này có thể lựa chọn các loại hình công ty phù hợp với nhu cầu, mong muốn. Tuy nhiên, trái ngược với các quốc gia khác, Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam hiện nay chỉ quy định duy nhất một loại hình công ty đối nhân là công ty hợp danh. Điều này góp phần làm hạn chế sự phát triển của các hình thức công ty đối nhân tại Việt Nam và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà đầu tư.
Thứ hai, pháp luật hầu hết các quốc gia đều tách bạch rõ ràng hình thức pháp lý của các loại hình công ty đối nhân. Thông thường, pháp luật các nước điều chỉnh mỗi hình thức của công ty bằng từng đạo luật riêng biệt (Anh, Hoa Kỳ…). Việc điều chỉnh bằng từng đạo luật riêng biệt giúp cho các quy định của pháp luật đối với từng loại hình công ty trở nên đầy đủ, chặt chẽ và giảm được sự mâu thuẫn. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định về hình thức pháp lý của công ty hợp danh vẫn còn dấu vết của công ty hợp danh hữu hạn[20]. Hay nói cách khác, “pháp luật Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại của cả loại hình công ty hợp vốn đơn giản vào trong công ty hợp danh”[21]. Việc quy định gộp cả hai loại công ty thành một loại công ty làm cho các quy định pháp luật trở nên thiếu chặt chẽ và không phản ánh đúng bản chất pháp lý của từng loại hình công ty. Đây cũng là một trong các lý do làm cho loại hình “công ty hợp danh hầu như không phát triển mấy ở Việt Nam”[22]. “Số lượng các công ty hợp danh đã được thành lập theo Luật Doanh nghiệp rất khiêm tốn”[23]. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần nhanh chóng tách bạch rõ ràng hình thức pháp lý của công ty hợp danh và công ty hợp danh hữu hạn. Cần thiết xây dựng riêng chế định pháp luật về công ty hợp danh hữu hạn và chuyển các quy định về loại hình thành viên góp vốn sang chế định pháp luật của công ty hợp danh hữu hạn. Công ty hợp danh chỉ tồn tại duy nhất một loại hình thành viên là thành viên hợp danh. Đồng thời, nên tham khảo kinh nghiệm xây dựng các loại hình công ty đối nhân của nước ngoài; từ đó quy định công ty hợp danh bắt buộc phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên; công ty hợp danh hữu hạn cần thiết phải có ít nhất một thành viên hợp danh và một thành viên góp vốn. Điều này góp phần làm cho các quy định về cả hai công ty này rõ ràng, chặt chẽ và tránh sự mâu thuẫn./.
TS. Nguyễn Vinh Hưng – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Ngô Văn Tăng Phước (2009), Giáo trình pháp luật kinh tế, Nxb. Thống kê, tr. 157.
[2] Phan Văn Ba, Phan Xuân Thảo (2012), Everyday American Law – Pháp luật phổ thông Hoa Kỳ, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr. 145.
[3] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại và Luật Kinh doanh, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 195.
[4] Lê Tài Triển (1959), Luật Thương mại toát yếu, Quyển thứ 2, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr. 50.
[5] Friedrich Fubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Pháp lý, tr. 33.
[6] Khoản 5 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[7] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại và Luật Kinh doanh, sđd, tr. 204.
[8] Phan Văn Ba, Phan Xuân Thảo (2012), Everyday American Law – Pháp luật phổ thông Hoa Kỳ, sđd, tr. 143.
[9] Lê Học Lâm, Lê Ngọc Đức (2010), Luật Kinh doanh, Nhà xuất bản Thống kê, tr. 176.
[10] Carl Hemstrom 1995, Corporations and Partnership in Sweden, Fritez, 1995, pp. 19
[11] Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ, Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, sđd, tr. 799.
[12] Maurice Cozian, Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, tr. 190.
[13] Friedrich Fubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 35.
[14] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại và Luật Kinh doanh, sđd, tr. 170.
[15] Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 4 (35) và số 5 (36) năm 2006.
[16] Nguyễn Văn Lâm (2016), Pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề Môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tư pháp, tr. 168.
[17] limited liability partnership.
[18] Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2006), Luật Kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 224.
[19] Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2006), Luật Kinh tế Việt Nam, sđd, tr. 225.
[20] Khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[21] Ngô Huy Cương (2009), Khái niệm công ty hợp danh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11(148), tháng 06/2009. tr. 23 – 26.
[22] Minh Ngọc và Ngọc Hà (2011), Luật Kinh tế, Nxb. Lao động, tr. 224.
[23] Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật Doanh nghiệp: Tình huống – phân tích – bình luận, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 58.
Để lại một phản hồi