Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Các cơ quan (cơ cấu tổ chức) của Liên đoàn luật sư Việt Nam hiện nay gồm có: Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc; Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam; Văn phòng Liên đoàn và Cơ quan đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Các đơn vị trực thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

..

Những nội dung liên quan:

..

Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc

Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ năm (05) năm một lần. Đại hội có thể được triệu tập bất thường theo quyết định của Hội đồng luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên Đoàn luật sư, bầu bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc.

Đại biểu Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc gồm:

– Đại biểu đương nhiên là các Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc đương nhiệm và các Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc đã miễn nhiệm do không tái cử Chủ nhiệm Đoàn luật sư tại Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư trước Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc;

– Đại biểu do Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư bầu với số lượng theo sự phân bổ của Hội đồng luật sư toàn quốc. Đại biểu Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc phải là luật sư có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Nội quy Đoàn luật sư; có tinh thần trách nhiệm và khả năng đóng góp vào những quyết định của Đại hội; không phải là người đã bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ do vi phạm Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Nội quy Đoàn luật sư hoặc đang bị Đoàn luật sư, Liên Đoàn luật sư xem xét xử lý kỷ luật; không phải là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc hợp lệ nếu có ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu được triệu tập tham dự. Trong trường hợp không đủ hai phần ba (2/3) số đại biểu được triệu tập tham dự Đại hội thì trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày triệu tập lần thứ nhất phải triệu tập Đại hội lần thứ hai.

Đại hội triệu tập lần thứ hai hợp lệ khi có trên một phần hai (1/2) số đại biểu được triệu tập tham dự.

Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Thảo luận báo cáo của Hội đồng luật sư toàn quốc về kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo;

– Thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có);

– Bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên Đoàn luật sư; – Thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc của Ban Thường vụ Liên đoàn.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc được thông qua khi có trên một phần hai (1/2) số đại biểu có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.

Căn cứ quy định Điều lệ này và quy định của pháp luật, Hội đồng luật sư toàn quốc hướng dẫn cụ thể cho từng kỳ Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc về nội dung, thành phần tham dự Đại hội, việc bầu đại biểu tham dự Đại hội; chuẩn bị các văn kiện và thực hiện các thủ tục cần thiết khác trình Đại hội thông qua.

Hội đồng luật sư toàn quốc

Hội đồng luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc. Hội đồng luật sư toàn quốc có nhiệm kỳ năm (05) năm theo nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc. Nhiệm kỳ của Hội đồng luật sư toàn quốc kết thúc tại thời điểm Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc bầu ra Hội đồng luật sư toàn quốc nhiệm kỳ mới.

Thành phần Hội đồng luật sư toàn quốc gồm:

– Ủy viên đương nhiên là Chủ nhiệm đương nhiệm của các Đoàn luật sư;

– Ủy viên do Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc bầu. Số lượng Ủy viên do Đại hội bầu không quá một phần hai (1/2) số lượng Ủy viên đương nhiên của Hội đồng luật sư toàn quốc. Luật sư có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì có thể được bầu làm Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc:

– Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Có trình độ chuyên môn, năng lực xử lý công việc, đưa ra quyết định; có uy tín và tinh thần trách nhiệm, khả năng đóng góp vào những quyết định của Hội đồng;

– Có điều kiện về thời gian, sức khỏe để tham gia hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban của Liên đoàn khi được phân công.

Luật sư thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được ứng cử Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc:

– Đã bị Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc tổ chức đoàn thể mà luật sư đó tham gia xử lý kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong nhiệm kỳ;

– Đang bị Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét xử lý kỷ luật;

– Đang bị tạm giữ, tạm giam, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Người trúng cử Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc phải đạt được số phiếu trên một phần hai (1/2) tổng số phiếu bầu hợp lệ. Trong trường hợp số người đạt được số phiếu trên một phần hai (1/2) tổng số phiếu bầu hợp lệ lớn hơn so với số Ủy viên cần bầu thì người có số phiếu cao hơn là người trúng cử; nếu có số phiếu bằng nhau thì người có thâm niên luật sư lâu hơn sẽ là người trúng cử.

Hội đồng luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Quyết định những chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện nghị quyết và các quyết định của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc;

– Thông qua báo cáo công tác, báo cáo tài chính và chương trình hoạt động hàng năm của Liên đoàn;

– Hướng dẫn về thời gian tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư; hướng dẫn nội dung và thủ tục tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư;

– Hướng dẫn việc bầu đại biểu tham dự Đại hội, chuẩn bị các văn kiện, quy trình đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng cử viên và các vấn đề chi tiết liên quan đến việc bầu cử Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký; giới thiệu luật sư vào danh sách ứng cử viên bầu vào Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ mới;

– Quyết định số lượng Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch; bầu Ủy viên Ban Thường vụ, các Phó Chủ tịch; bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký của Liên đoàn; miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc;

– Quyết định việc triệu tập Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc;

– Quy định khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn luật sư, mức phí thành viên và tỷ lệ trích nộp phí thành viên về Liên đoàn;

– Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ này hoặc do Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc giao.

Hội đồng luật sư toàn quốc họp thường kỳ một (01) lần trong một năm theo triệu tập của Ban Thường vụ Liên đoàn. Ban Thường vụ có thể triệu tập Hội đồng luật sư toàn quốc họp bất thường để quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn hoặc một phần ba (1/3) số Ủy viên Hội đồng yêu cầu.

Các cuộc họp của Hội đồng luật sư toàn quốc hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số Ủy viên Hội đồng tham gia.

Nghị quyết của Hội đồng luật sư toàn quốc phải được trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp biểu quyết tán thành.

Hội đồng luật sư toàn quốc có thể thông qua nghị quyết, quyết định bằng hình thức lấy ý kiến của các Ủy viên Hội đồng bằng văn bản. Trong trường hợp này, nghị quyết được thông qua khi có trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc tán thành.

Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng luật sư toàn quốc;

– Tham gia thảo luận những vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng; biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng; – Gương mẫu chấp hành và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng; phổ biến, thuyết phục luật sư thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng;

– Hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chức trách do Hội đồng hoặc Ban Thường vụ Liên đoàn phân công.

Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì tùy theo mức độ có thể bị Hội đồng luật sư toàn quốc khiển trách; hoặc bị tạm đình chỉ tư cách Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc; bị bãi nhiệm theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 11 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam

Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam là cơ quan điều hành công việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc. Ban Thường vụ Liên đoàn có nhiệm vụ điều hành hoạt động của Liên đoàn nhằm thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc, Hội đồng luật sư toàn quốc và các nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn.

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

– Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên Đoàn luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Am hiểu pháp luật, hoạt động tư pháp và nghề luật sư;

– Có năng lực tổ chức, điều hành;

– Có uy tín trong giới luật sư;

– Có điều kiện về thời gian và sức khỏe để tham gia hoạt động của Ban Thường vụ.

Luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì không được ứng cử vào Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ban Thường vụ Liên đoàn do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu ra trong số Ủy viên Hội đồng. Ban Thường vụ Liên đoàn gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ do Hội đồng luật sư toàn quốc quyết định và không vượt quá hai mươi mốt (21) luật sư.

Thể thức bầu Ban Thường vụ được áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Quyết định thành lập và quy định về tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc của Liên đoàn, các đơn vị trực thuộc Liên đoàn; căn cứ nghị quyết của Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành các quy chế, quy định nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn trong các lĩnh vực công tác;

– Cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội, phương án nhân sự bầu vào các cơ quan của Đoàn luật sư; hướng dẫn việc thực hiện nội dung, thủ tục tổ chức Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và của Hội đồng luật sư toàn quốc;

– Triệu tập cuộc họp của Hội đồng luật sư toàn quốc; quyết định những vấn đề về chủ trương trong quá trình điều hành giữa các kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc; quyết định kế hoạch công tác cụ thể sáu (06) tháng, hàng năm của Liên đoàn theo chương trình hoạt động, nghị quyết, quyết định của Hội đồng luật sư toàn quốc;

– Phê duyệt giáo trình đào tạo nghề luật sư, kế hoạch đào tạo nghề luật sư hàng năm;

– Hướng dẫn Đoàn luật sư quản lý tập sự hành nghề luật sư; quyết định kế hoạch kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và giám sát hoạt động của Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; quy định các loại biểu mẫu về tập sự hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn luật sư; – Tổ chức giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; giám sát luật sư, Đoàn luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nghị quyết của Hội đồng luật sư toàn quốc, của Ban Thường vụ Liên đoàn; đình chỉ thi hành, yêu cầu sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ nghị quyết, quy định, quyết định của Đoàn luật sư trái với Điều lệ, nghị quyết, quy định, quyết định của Liên đoàn; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp phát hiện luật sư thuộc một trong các trường hợp phải bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật; kiến nghị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành, yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư trái với quy định của pháp luật;

– Hướng dẫn nội dung, quyết định kế hoạch tổ chức bồi dưỡng bắt buộc và bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề; bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư;

– Quy định cụ thể nghĩa vụ tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí của các luật sư; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định này;

– Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Luật sư và của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

– Tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ luật sư trong cả nước; tổ chức bình chọn, vinh danh luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư;

– Tập hợp và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của luật sư với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Tổ chức để luật sư tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

– Quyết định kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; quy định và hướng dẫn công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các thành viên;

– Báo cáo hàng năm và báo cáo theo yêu cầu của các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; gửi Bộ Tư pháp nghị quyết, quyết định, quy định của Liên Đoàn luật sư;

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc do Hội đồng luật sư toàn quốc giao. Ban Thường vụ Liên đoàn họp thường kỳ ba (03) lần trong một năm và có thể họp bất thường để thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ theo đề nghị của ít nhất một phần hai (1/2) số Ủy viên Ban Thường vụ hoặc theo quyết định của Thường trực Liên đoàn. Cuộc họp của Ban Thường vụ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số Ủy viên Ban Thường vụ tham dự.

Nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn phải được trên một phần hai (1/2) số Ủy viên có mặt tại cuộc họp biểu quyết tán thành.

Ban Thường vụ Liên đoàn có thể thông qua nghị quyết, quyết định, bằng hình thức lấy ý kiến các Ủy viên Ban Thường vụ bằng văn bản. Trong trường hợp này, nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Ban Thường vụ tán thành.

Thường trực Liên đoàn gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch có nhiệm vụ điều hành hoạt động thường xuyên của Liên đoàn giữa các kỳ họp của Ban Thường vụ Liên đoàn.

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Thường vụ;

– Tham gia thảo luận những vấn đề trong chương trình nghị sự của Ban Thường vụ; biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ;

– Gương mẫu chấp hành và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ; phổ biến, thuyết phục Đoàn luật sư, luật sư thành viên của Liên đoàn thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ;

– Hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chức trách được Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ phân công.

Ủy viên Ban Thường vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình từ khi được Hội đồng luật sư toàn quốc bầu cho đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Hội đồng luật sư toàn quốc, trừ trường hợp miễn nhiệm theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 hoặc bị bãi nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ủy viên Ban Thường vụ thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì tùy theo mức độ có thể bị Ban Thường vụ khiển trách hoặc bị tạm đình chỉ tư cách Ủy viên Ban Thường vụ, bị bãi nhiệm theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 11 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Văn phòng Liên đoàn và Cơ quan đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

Văn phòng Liên đoàn là cơ quan giúp việc của Liên đoàn. Chủ tịch Liên đoàn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh, Phó Văn phòng Liên đoàn theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Liên đoàn.

Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan giúp việc thường trực của Liên đoàn tại khu vực phía Nam; Chủ tịch Liên đoàn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng, Phó Cơ quan đại diện theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Liên đoàn.

Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Liên đoàn, Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Liên đoàn quy định căn cứ quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các đơn vị trực thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam

Trường đào tạo nghề luật sư có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nguồn luật sư; được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Luật sư, pháp luật về giáo dục, đào tạo và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; có tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật.

Câu lạc bộ luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, phát huy trí tuệ và nguồn lực của các luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế; có tài khoản và con dấu, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy chế của Câu lạc bộ.

Trung tâm Tư vấn pháp luật được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp và quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; có tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật.

Tạp chí luật sư là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của giới luật sư Việt Nam, nghiên cứu khoa học và đăng tải các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ luật sư; được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; có tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập các đơn vị khác trực thuộc Liên đoàn theo quyết định của Hội đồng luật sư toàn quốc căn cứ quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định.

Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Điều lệ là văn bản quan trọng nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thực tế cho thấy, các quy định của Điều lệ liên quan tới tất cả các luật sư giữ vị trí trong Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật, Thường trực, Ban Thường vụ và hoạt động của các luật sư. Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định được địa vị pháp lý, xác định được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp trung ương và mối quan hệ với các Đoàn luật sư, các luật sư. Đây là văn bản quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tác động đến các thành viên của Liên đoàn là các Đoàn luật sư và luật sư đồng thời là văn bản thống nhất trong hoạt động của đội ngũ luật sư cả nước, phù hợp với Luật Luật sư.

Căn cứ quy định của Luật Luật sư và pháp luật về hội, Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc thông qua Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi Bộ Tư pháp Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xem xét phê duyệt. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt.

Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư.

Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm những nội dung chính sau đây:

• Tôn chỉ, mục đích và biểu tượng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

• Quyền, nghĩa vụ của thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

• Mối quan hệ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư;

• Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư, rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư, chuyển Đoàn luật sư của luật sư;

• Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư;

• Mẫu trang phục luật sư tham gia phiên tòa; mẫu Thẻ luật sư, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư;

• Nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư; mối quan hệ phối hợp giữa các Đoàn luật sư trong việc quản lý luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư;

• Cơ cấu, số lượng đại biểu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc, Đại hội toàn thể hoặc Đại hội Đại biểu luật sư của Đoàn luật sư; trình tự, thủ tục tiến hành Đại hội của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

• Việc ban hành nội quy của Đoàn luật sư;

• Tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

• Khen thưởng, kỷ luật luật sư và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

• Nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

• Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác.

5/5 - (11871 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.