Bình luận về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm tại Bộ luật dân sự 2015

Chuyên mụcLuật dân sự Bộ luật Dân sự

Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm được quy định tại Điều 293 Bộ luật dân sự năm 2015.

 

Những nội dung liên quan:

 

Điều 293. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm

1. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

2. Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

3. Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Bình luận về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm tại Bộ luật dân sự 2015

Phạm vi nghĩa vụ mà nhà làm luật quy định ở đây bao gồm cả phạm vi theo nghĩa hẹp, tức giới hạn phạm vi bảo đảm đối với một nghĩa vụ nhất định và phạm vi bảo đảm theo nghĩa rộng, tức những loại nghĩa vụ được đảm bảo. Ngoài ra nhà làm luật cũng dành riêng Khoản 3 tại Điều này để làm rõ hơn về việc đảm bảo đối với loại nghĩa vụ trong tương lai. Đây chính là nội dung mới so với quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005.

Trước tiên chúng ta sẽ bàn về phạm vi bảo đảm theo nghĩa hẹp. Theo quy định tại Khoản 1 thì phạm vi bảo đảm không nhất thiết phải là toàn bộ nghĩa vụ mà có thể là việc đảm bảo một phần tùy theo thỏa thuận của các bên. Từ đây chúng ta sẽ có 2 kết luận nhỏ, kết luận thứ nhất đó là pháp luật tôn trọng và đề cao sự thỏa thuận của các bên, thỏa thuận này có giá trị pháp lý cao nhất (tất nhiên phải là những thỏa thuận đảm bảo về mặt pháp lý để có tính hiệu lực). Kết luận nhỏ thứ hai đó chính là nghĩa vụ bằng cách thức nào đó phải chia được từng phần nếu muốn việc đảm bảo theo phần. Điều này là đương nhiên vì nếu nghĩa vụ thực hiện là trọn vẹn không chia được theo phần thì việc đảm bảo thực hiện một phần nghĩa vụ là việc bất khả thi.

Trong trường hợp các bên không hề có thỏa thuận về phạm vi đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì nhà làm luật mặc định rằng phạm vi bảo đảm sẽ là toàn bộ nghĩa vụ. Như vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp các bên chỉ muốn đảm bảo thực hiện một phần nghĩa vụ thì mong muốn này phải được thể hiện bằng sự thỏa thuận của các bên. Tốt hơn hết là nên có sự thỏa thuận bằng văn bản, trong đó giới hạn rõ phạm vi đảm bảo. Bởi lẽ việc không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến những bất lợi về sau khi nhà làm luật mặc định rằng bảo đảm toàn bộ bao gồm cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại (nghĩa vụ phái sinh từ nghĩa vụ ban đầu).

Tiếp theo chúng ta sẽ bàn về phạm vi bảo đảm theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này phạm vi bảo đảm bao gồm bảo đảm nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. Theo quy định này thì hầu như không có nghĩa vụ nào là không thể dùng biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cả. Tuy nhiên tại sao nhà làm luật lại dùng từ ‘hoặc” khi nói về nghĩa vụ có điều kiện mà không phải là từ “và”. Theo tác giả thì nhà làm luật có lý khi sử dụng như thế. Bản chất của nghĩa vụ có điều kiện là một loại nghĩa vụ đặc biệt, nó có thể là nghĩa vụ trong hiện tại cũng có thể là nghĩa vụ trong tương lai và việc xác định nó không dựa vào yếu tố thời gian mà dựa vào “điều kiện” làm phát sinh nghĩa vụ. Do đó nghĩa vụ có phát sinh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện mà các bên thỏa thuận có xảy ra trên thực tế hay không và trong trường hợp nó xảy ra, nhà làm luật vẫn cho phép thực hiện biện pháp bảo đảm đối với loại nghĩa vụ này.

>>> Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền