Bình luận về một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ tại BLDS 2015

Chuyên mụcLuật dân sự Bộ luật dân sự 2015

Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ được quy định tại Điều 296 Bộ luật dân sự năm 2015. 

 

Điều 296. Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ

1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

3. Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

 

Bình luận về một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ tại Bộ luật dân sự 2015

Nhu cầu về việc dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ trên thực tế là có. Nhu cầu này thường phát sinh khi giá trị của tài sản dùng để bảo đảm lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ cần thực hiện. Nhà làm luật hiểu được vấn đề này nên đã dành hẳn một Điều luật để quy định về trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ bao gồm các quy định về điều kiện, cách thức thực hiện cũng như xử lý tài sản bảo đảm.

Nếu như việc dùng tài sản để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nhà làm luật không yêu cầu về giá trị tài sản bảo đảm (có thể bằng, lớn hơn hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ) thì đối với trường hợp này nhà làm luật bắt buộc giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Một lưu ý là việc định giá này là căn cứ vào giá tại thời điểm xác lập giao dịch, nhà làm luật không yêu cầu giá trị của tài sản bảo đảm phải luôn luôn lớn hơn tổng giá trị  nghĩa vụ. Quy định như vậy là phù hợp bởi lẽ giá cả biến động theo quy luật cung cầu của thị trường. Quy định như trên là quy định “cứng”, tuy vậy nhà làm luật vẫn cho phép các bên được quyền thỏa thuận khác, nghĩa là giá trị tài sản bảo đảm có thể nhỏ hơn hoặc bằng tổng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm trong trường hợp các bên các bên cho rằng việc yêu cầu giá trị phải lớn hơn là điều không cần thiết hoặc không phù hợp với khả năng của bên bảo đảm.

Một vấn đề được đặt ra, việc sử dụng một tài sản để đảm bảo thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ như vậy có bảo vệ được lợi ích của bên nhận bảo đảm hay không, có những rủi ro gì có thể xảy ra đối với họ? Rủi ro lớn nhất theo quan điểm của tác giả đó chính là người nhận đảm bảo không biết tài sản bảo đảm nơi mình đã được dùng để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác. Việc không biết này dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt nếu xảy ra trường hợp phần giá trị còn dư của tài sản dùng để đảm bảo ít hơn nhiều so với nghĩa vụ sẽ được bảo đảm. Vì vậy cho nên nhà làm luật cũng đã dự liệu trường hợp này, yêu cầu bên bảo đảm phải có nghĩa vụ thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết rằng tài sản dùng để bảo đảm cũng đang được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác và việc thực hiện bảo đảm này phải được lập thành văn bản. Quy định như trên góp phần hạn chế sự bị động cho chủ thể nhận bảo đảm sau và một phần nào đó cũng làm cho chủ thể bảo đảm tránh việc lạm dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ khi giá trị tài sản nhỏ hơn tổng giá trị nghĩa vụ. Tuy nhiên cũng quy định như trên nhiều người sẽ thắc mắc rằng nghĩa vụ của bên bảo đảm chỉ là thông báo vậy liệu bên nhận bảo đảm sau có quyền từ chối nhận bảo đảm không,  hay bắt buộc vẫn phải nhận tài sản bảo đảm đó vì nhà làm luật không cho quyền thỏa thuận? Trong phạm vi Điều luật này thì thắc mắc như vậy là hợp lý vì nhà làm luật không đề cập đến tuy nhiên quay về những quy định chung việc chấp nhận hay không chấp nhận tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận, các bên có thể thỏa thuận về vấn đề này. Pháp luật dân sự nói chung dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận và tinh thần thiện chí của các bên trong giao dịch. Do đó trong trường hợp sau khi nhận được thông báo về việc tài sản định dùng để bảo đảm đã được bảo đảm cho nghĩa vụ khác bên nhận bảo đảm hoàn toàn có quyền từ chối nếu không muốn.

Một vấn đề khá hay và khả năng phát sinh cao liên quan đến xử lý tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó chính là khi một hoặc một số nghĩa vụ đã đến hạn nhưng các nghĩa vụ còn lại vẫn chưa đến hạn thì giải quyết như thế nào, vì tài sản là chung chỉ có một không thể nào chỉ giải quyết những nghĩa vụ đến hạn mà những nghĩa vụ chưa đến hạn không giải quyết vì tài sản sau khi xử lý sẽ không còn. Thế nên không còn cách nào khác, nhà làm luật buộc phải chọn phương án xem như tất cả các nghĩa vụ đã đến hạn và tất cả các bên nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Trách nhiệm xử lý sẽ thuộc về bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản (bên có nghĩa vụ đến hạn) nếu các bên không có thỏa thuận gì khác. Tuy vậy, cách xử lý này chưa phải là cách xử lý hoàn hảo vì những bên nhận bảo đảm chưa đến hạn họ bản chất họ bị “cuốn theo” tài sản bảo đảm khi xử lý trong khi điều họ muốn thực sự là việc nghĩa vụ được tiếp tục thực hiện chứ không phải chấm dứt bằng cách xử lý tài sản. Suy cho cùng tài sản bảo đảm cũng chỉ nhằm mục đích là bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ trọn vẹn nghĩa vụ của mình, đó là cái đích mà các bên hướng tới chứ không phải nhằm mục đích xử lý tài sản bảo đảm (khi nghĩa vụ không được thực hiện). Nhà làm luật cũng nhận ra vấn đề này và tôn trọng nguyện vọng của bên nhận bảo đảm bằng cách cho họ thỏa thuận với bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chưa đến hạn. Tuy vậy nhà làm luật cũng không nói gì thêm trong trường hợp các bên không đạt được sự thỏa  thuận hoặc không có tài sản khác để thay thế thì có phải hướng xử lý là như ban đầu hay không, vấn đề này nhà làm luật không nói rõ nhưng theo quan điểm của tác giả nếu không đạt được sự thỏa thuận thì theo như hướng xử lý ban đầu.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền