7 điều thú vị về pháp luật Hong Kong

Chuyên mụcBạn có biết? phap-luat-hong-kong

Hôm nay, 1/7, là kỷ niệm 21 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc, sau 99 năm làm thuộc địa của Anh (1898 – 1997).

Trong 99 năm đó, Hong Kong đã phát triển thành một thương cảng sầm uất và là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới. Danh hiệu này vẫn được Hong Kong giữ vững trong 21 năm qua, kể từ khi trở thành Đơn vị Hành chính Đặc biệt của Trung Quốc.

Để làm được điều đó, yếu tố quan trọng bậc nhất là hệ thống pháp luật của Hong Kong. Ngày nay, tuy là một phần của Trung Quốc và phải áp dụng một số quy định của pháp luật Trung Quốc, Hong Kong vẫn thụ hưởng quy chế tự trị tương đối và có một hệ thống pháp luật riêng.

Sau đây là bảy điều thú vị cần biết về hệ thống pháp luật khá đặc biệt này.

1. Hong Kong có hiến pháp riêng, được gọi là Luật Cơ bản (Basic Law). “Tiểu hiến pháp” này được Quốc hội Trung Quốc thông qua năm 1990, sáu năm sau khi hoàn tất đàm phán với chính phủ Anh về việc thu hồi Hong Kong.

2. Hong Kong giữ nguyên hệ thống pháp luật Anh từng được sử dụng ở vùng lãnh thổ này. Các thẩm phán Hong Kong có thể viện dẫn án lệ từ các nước thông luật khác như Anh, Mỹ để xét xử.

Bên cạnh đó, dù Hong Kong không phải là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Luật Cơ bản của họ vẫn công nhận hiệu lực pháp lý của hai công ước của LHQ về nhân quyền là Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế – Văn hoá – Xã hội. Các công ước quốc tế về lao động vốn được thừa nhận trước đây vẫn tiếp tục có hiệu lực sau ngày 1/7/1997.

3. Trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc, cơ quan xét xử tối cao của Hong Kong nằm ở… London (Anh), gọi là Uỷ ban Tư pháp của Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Đây cũng chính là cơ quan đã thụ lý vụ án Nguyễn Ái Quốc vào năm 1932 nhưng chưa kịp xét xử thì Nguyễn Ái Quốc và chính quyền thuộc địa Hong Kong đã thoả thuận dàn xếp ngoài toà.

Kể từ ngày 1/7/1997, khi không còn là thuộc địa của Anh, Hong Kong lập ra Toà Thượng thẩm (The Court of Final Appeal) để thay thế cho Uỷ ban Tư pháp của Viện Cơ mật Hoàng gia Anh trong vai trò là cơ quan xét xử tối cao.

4. Khi xét xử, hội đồng xét xử của Toà Thượng thẩm Hong Kong có 5 thẩm phán, trong đó có Chánh án, ba thẩm phán thường trực và một thẩm phán không thường trực. Thẩm phán không thường trực được chọn ra từ hai ban: ban cựu thẩm phán Hong Kong và ban thẩm phán nước ngoài, chủ yếu đến từ Anh, Úc, và Canada. Hiện Toà Thượng thẩm có 12 thẩm phán không thường trực là người nước ngoài. Chánh án Toà Thượng thẩm Hong Kong mới đây đã ca ngợi các thẩm phán nước ngoài là chìa khía thành công của toà án này.

5. Toà án Hong Kong thụ hưởng quy chế độc lập so với nhánh hành pháp và lập pháp. Theo đó, toà án có quyền giải thích hiến pháp (Luật Cơ bản), trong tiếng Anh gọi là judicial review. Điều này có nghĩa là toà án có thể tuyên một đạo luật của nhánh lập pháp, một quyết định hay một hành vi công quyền của nhánh hành pháp là vi hiến. Đây là công cụ quan trọng nhất khiến cho một toà án trở nên độc lập. Toà án Việt Nam không có được công cụ này.

Tuy nhiên, toà án Hong Kong không có quyền tối cao trong việc giải thích Luật Cơ bản. Quyền này thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, đây chính là cơ quan uỷ quyền cho toà án Hong Kong giải thích Luật Cơ bản trong phạm vi giới hạn.

6. Toà án Hong Kong không được can thiệp vào các vấn đề quốc phòng và đối ngoại. Hai lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh.

7. Hong Kong chỉ được tự trị trong 50 năm, cho đến năm 2047. Đến khi đó, hệ thống chính trị và pháp luật xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc sẽ thay thế hệ thống hiện nay.

 

Nguồn: Luận khoa tạp chí (luatkhoa.org)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền