Án lệ (Tiền lệ pháp) hay phép xét xử theo tiền lệ được coi là nguồn hình thành nên pháp luật, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó. Tiền lệ pháp còn là quá trình làm luật của Toà án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử.
Nhắc đến Án lệ là ta có thể nhớ đến ngay hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (Anglo- Sacxon) hay còn có tên gọi khác là hệ thống Common Law. Hệ thống Luật này cũng áp dụng mô hình học thuyết “tam quyền phân lập” (trias politica), trong đó 3 quyền của nhà nước là hành pháp, lập pháp, tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Mỗi cơ quan có mỗi chức năng riêng tạo thành thế cân bằng, do đó việc áp dụng án lệ trong hệ thống tư pháp được áp dụng khá triệt để.
Bên cạnh đó, đối với hệ thống Civil Law, tiêu biểu ở một số nước như Pháp, Ý, Nhật Bản… Án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật. Những bản án này không được xem là luật, không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng tòa cấp dưới phải tham khảo, nếu không áp dụng thì tòa cấp trên sẽ xem xét khá kỹ và khả năng bị xét xử lại là rất cao.
Tại Việt Nam, Án lệ cũng đã được công nhận trong Khoản 3 Điều 45 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, việc áp dụng án lệ được thực hiện khi vụ việc dân sự có các tình tiết mà pháp luật không quy định thì Tòa án có thể áp dụng án lệ để xử. Và nguồn án lệ phải dựa trên nguồn được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.
Theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành cũng đã đưa ra khái niệm cho án lệ cụ thể tại Khoản 1 của Nghị quyết: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”
Trên cơ sở các quy định của Pháp Luật và Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, ngày 06/4/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 220/QĐ-CA năm 2016 công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành công bố 06 án lệ đầu tiên, và đến ngày 17/10/2016 ban hành Quyết định 698/QĐ-CA năm 2016 công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành gồm 04 án lệ tiếp theo áp dụng trong xét xử, đó là:
- Án lệ số 01/2016/AL về vụ án giết người;
- Án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản;
- Án lệ số 03/2016/AL về vụ án ly hôn;
- Án lệ số 04/2016/AL về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế;
- Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế;
- Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà trước ngày 01/7/1991;
- Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm;
- Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại;
- Án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Liên kết hiện đang bị lỗi, Ban biên tập sẽ sớm khắc phục. Rất xin lỗi bạn vì sự bất tiện này!
Hy vọng các Án lệ này có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập và nghiên cứu. Xin chân thành cảm ơn.
Để lại một phản hồi