Ai mới là cán bộ? Ý nghĩa của thuật ngữ cán bộ

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Cán bộ

Theo luật cán bộ, công chức 2008 thì CÁN BỘ là người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan hoặc đoàn thể nhà nước. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ thông dụng, thuật ngữ cán bộ được sử dụng với nhiều nghĩa và trong nhiều ngữ cảnh hơn định nghĩa pháp lý vốn có.

Ý nghĩa của thuật ngữ cán bộ

Cán bộ (幹 部) theo từ điển hán nôm có nghĩa là phần tử trung kiên của một chính đảng hoặc một đoàn thể.
– Chữ “cán” (幹) nghĩa là bộ phận chủ yếu, chính và quan trọng (như cốt cán) hoặc tài năng (như tài cán).
– Chữ bộ (部) lại gồm rất nhiều nghĩa khác nhau như một đơn vị có chức năng riêng trong một cơ quan chỉnh thể (chữ bộ này cũng chính là “bộ” trực thuộc chính phủ), cầm đầu và thống suất (nghĩa cổ), xếp đặt hoặc bố trí…

Với những nghĩa trên, “cán bộ” có thể hiểu là người có tài năng, nắm giữ vị trí chủ yếu, “cầm đầu và thống suất” một đơn vị trong tổng thể cơ quan nhà nước.

Lịch sử khái niệm cán bộ và lối sử dụng trong tiếng Việt

Thuật ngữ « Cán bộ » với lối hán tự 幹 部 vốn dĩ xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản. Thế kỷ 19, khi người Nhật tiếp cận nền văn minh phương tây đã đem từ «Cadre » trong tiếng pháp có ý nghĩa chỉ các « sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội » (nghĩa tiếng Pháp xuất hiện từ năm 1796), và/hoặc những « nhân viên làm việc trong cơ quan hành chính » (nghĩa tiếng Pháp xuất hiện từ năm 1840) dịch thành « cán bộ » với ý nghĩa là « bộ phận cốt cán ».

Đầu thế kỷ 20, từ « cán bộ » bắt đầu được sử dụng ở Trung Quốc, và được Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông thường xuyên sử dụng. Tháng 7 năm 1922, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2, Đảng cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng từ « cán bộ » trong đảng chương, từ đó sử dụng rộng rãi đến ngày nay.

Từ đó trở đi, người đảm nhiệm chức vụ nhất định trong đảng cộng sản và các cơ quan nhà nước, quân đội, đoàn thể, đơn vị văn hoá xí nghiệp… ở Trung Quốc đều được gọi chung là cán bộ. Có thể thấy, Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn bởi lối sử dụng này của Trung Quốc, do có cùng ý thức hệ cộng sản và hệ ngôn ngữ sử dụng nhiều từ hán-việt.

Trong ngôn ngữ thông dụng, danh xưng « cán bộ » thường được người dân nói về những người có quyền hành như : cán bộ lãnh đạo, cán bộ cao cấp, cán bộ quản lý, cán bộ nguồn…

Ngoài ra, danh từ « cán bộ » cũng được sử dụng kết hợp với danh từ chỉ ngành nghề chuyên môn như « cán bộ công an », « cán bộ tòa án », « cán bộ kiểm lâm », …

Trong lĩnh vực quân sự, cán bộ được dùng như từ đồng nghĩa với sĩ quan. « Cán bộ » cũng thường được tù nhân trong trại giam gọi những người quản lý trại giam ở Việt Nam.

Trong tiếng anh, « cán bộ » với nghĩa tương đương như phân tích ở trên cũng là « Cadre ». Đây chính là từ mượn của tiếng Pháp, vốn có nghĩa đen là khung sườn, sau này xuất hiện thêm các nghĩa phái sinh chỉ bộ phận sĩ quan nòng cốt của quân đội (1796) và nhân viên hành chính công (1840), nhân viên quản lý cao cấp trong doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước, nhóm người được đào tạo đặc biệt cho một công việc nhất định…

Tác giả: Linh – Anh
Minh họa: Anh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cán bộ, Từ điển Hán- Nôm, https://hvdic.thivien.net/hv/cán%20bộ

2. 干 部, https://wapbaike.baidu.com/item/%E5%B9%B2%E9%83%A8/2693?ms=1&rid=11442932415497858678
3. Cadre, Kho dữ liệu tiếng Pháp số hóa TLFi, http://stella.atilf.fr/Dendien/scripts/tlfiv5/visusel.exe?11%3Bs=3659868120%3Br%3D1%3Bnat%3D%3Bsol%3D0

4. Luật cán bộ, công chức năm 2008

Nguồn: Luật văn diễn dịch

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền