Việc xét xử lưu động vụ án hình sự nhìn từ khía cạnh phòng ngừa tội phạm: Hiệu quả hay không hiệu quả?

Thời gian qua, có một số quan điểm nên dừng việc xét xử lưu động vụ án hình sự; do những băn khoăn về tính uy nghiêm của phiên tòa, việc bảo đảm an toàn, tốn kém nhiều chi phí chuẩn bị, bảo vệ và tổ chức… Ngoài ra, dưới góc độ phòng ngừa tội phạm, việc xét xử lưu động vụ án hình sự có thật sự đạt được tính hiệu quả hay chưa? Sau đây là quan điểm của Ths. Trần Đình Hải, Giảng viên trường ĐHKS Hà Nội về vấn đề này

Xét xử lưu động vụ án hình sự là việc tổ chức phiên toà công khai để xét xử bị cáo trong vụ án hình sự tại một địa điểm khác ngoài trụ sở của Tòa án. Dưới góc độ phòng ngừa tội phạm, đây có thể coi là một trong những biện pháp nhằm góp phần hạn chế các nguyên nhân nảy sinh tội phạm thông qua việc tác động vào ý chí của các chủ thể mà trước tiên là bị cáo bị xét xử, hoạt động này có có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội.

Xuất phát từ quan điểm “giải quyết nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm thể hiện bằng việc nâng cao phúc lợi vật chất của quần chúng, sự giác ngộ tính tích cực, dạy cho quần chúng các quản lý công việc Nhà nước, hình thành những con người được đào tạo và phát triển toàn diện”. Hay nói đơn giản hơn, phòng ngừa tội phạm một cách căn cơ là làm cho con người trong xã hội hình thành những đặc điểm về nhân cách tốt, có xu hướng lựa chọn các xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Để làm được như vậy, việc phòng ngừa phải vừa tác động tới con người và cũng vừa phải tác động vào môi trường xã hội tức phải “cải thiện các điều kiện xã hội, các nguyên nhân…làm xuất hiện các điều kiện tích cực cho sự hình thành nhân cách con người”.

Phiên tòa lưu động xét xử  Nguyễn Hải Dương và đồng phạm trong vụ án thảm sát tại Bình Phước
Phiên tòa lưu động xét xử Nguyễn Hải Dương và đồng phạm trong vụ án thảm sát tại Bình Phước

Thứ nhất, tác động trực tiếp vào bị cáo bị xét xử, đặc biệt là các bị cáo không bị oan sau khi có bản án chính thức có hiệu lực (mà trên thực tế là toàn bộ các bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động trong lịch sử tư pháp Việt Nam đều bị Tòa án tuyên có tội), làm cho bị cáo nhận thức rõ hơn về tính nguy hiểm trong hành vi của mình, tác động trực tiếp vào ý thức, mong muốn bị cáo nhận ra lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa sai lầm, để bị cáo ý thức được sự trừng phạt của pháp luật, sự lên án của dư luận khi trực tiếp chứng kiến phiên tòa, đối diện với sự xấu hổ mà phát huy tính chủ động về lòng tự trọng, ý thức tuân thủ pháp luật…từ đó loại trừ đi ý định “tái phạm tội” trong tương lai.Như vậy, có thể thấy trong xét xử lưu động vụ án hình sự, những tác động đóng vai trò “cải thiện” nhân cách con người mà Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó đặc biệt là Tòa án mong muốn đạt được thông qua các biểu hiện sau đây:

Thứ hai, tác động vào những người tham gia, người theo dõi phiên tòa hay các công dân khác nói chung. Thông qua hoạt động này, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Tòa án thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, răn đe với các đối tượng có ý định phạm tội, khiến họ ý thức được sự trừng trị của pháp luật, loại trừ các tư tưởng manh nha vi phạm pháp luật, hiểu biết được nội dung của tội phạm, kiềm chế các nhu cầu lệch chuẩn. Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động cũng là cơ hội tốt để người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm từ đó tự xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa trở thành nạn nhân của tội phạm cũng như hình thành các kĩ năng khác trong phòng, chống tội phạm.

Như vậy, từ khía cạnh phòng ngừa tội phạm thì hoạt động xét xử lưu động có đóng góp nhất định cho việc hình thành đặc điểm đức tính tốt, “tích cực, hướng thiện, tuân thủ pháp luật” của con người. Là một trong những biện pháp góp phần loại trừ các đặc điểm nhân thân xấu, đặc điểm tâm lý tiêu cực trong con người để từ đó hạn chế, loại trừ việc phát sinh tội phạm.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ tội phạm học, thì: “phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra”. Điều đó có nghĩa, để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm, các chủ thể bao gồm các cơ quan Nhà nước, mà trực tiếp nhất là những cơ quan có chức năng phòng, chống tội phạm theo quy định của pháp luật và mọi tổ chức, cá nhân khác trong xã hội có trách nhiệm thực hiện các biện pháp tác động để từ đó hạn chế, tiến tới loại trừ những nguyên nhân hình thành tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Về mặt lý thuyết, có thể nhận thấy xét xử lưu động là biện pháp có tác dụng để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật tốt hơn của bị cáo và các thành viên trong xã hội; tuy nhiên, xét đến cùng thì hiệu quả thực sự không cao, thậm chí nhiều trường hợp còn mang lại những hệ quả tiêu cực, là nguyên nhân làm nảy sinh những tiêu cực mới từ các đối tượng bị tác động, do đó không có nhiều ý nghĩa cho việc phòng ngừa tội phạm cho xã hội trong tương lai. Vì:

Một là, đối với người phạm tội, phiên tòa lưu động thực tế lại mang lại những tác động tâm lý tiêu cực đối với bị cáo. Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng nói “…đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy trừ phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”. Việc phải đối mặt với cái nhìn khắt khe và nghiêm khắc, thận trọng quá mức so với các vụ án xét xử tại trụ sở của Hội đồng xét xử do nhận được sự theo dõi rộng rãi với nhiều quan điểm “tự do” của những người chứng kiến. Mặt khác, bản thân bị cáo phải đối mặt với sự soi xét (và cả soi mói), tò mò, hiếu kì, bàn tán thậm chí dè bỉu, bôi bác từ dư luận xã hội, của cơ quan truyền thông thông qua việc chứng kiến phiên tòa…Tất cả những yếu tố đó dễ tạo ra tâm lý ức chế, chán chường, xấu hổ, bất mãn, nghĩ mình bị bêu rếu, kì thị, bị trả thù về tinh thần, tâm lý hoang mang, sợ hãi thậm chí suy nghĩ cực đoan, hằn học, hận thù với pháp luật và với xã hội. Trong thực tế, đã có bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động đã tự tử ngay trước khi phiên tòa diễn ra (http://baophapluat.vn/tranh-luan/nguoc-sang-tu-nhung-phien-toa-xu-luu-dong-276965.html). Điều này tất yếu dẫn đến tư tưởng buông xuôi, thất vọng, lạc lõng, tổn thương…rõ ràng các biểu hiện này không phải là cơ sở và điều kiện tốt cho ý chí tu dưỡng, quyết tâm làm lại cuộc đời, nhiều trường hợp còn phát sinh tư tưởng chống đối, trả thù quyết liệt và dai dẳng hơn.

Hai là, đối với những cá nhân khác khi chứng kiến việc xét xử, điều mong muốn mang lại ở họ là tinh thần tuân thủ pháp luật, tránh xa cái xấu, cái ác…thì trên thực tế với việc không cần chủ động tới trụ sở Tòa án tìm hiểu thông tin qua việc xét xử nếu mình quan tâm, chủ yếu sự xuất hiện tại phiên tòa lưu động lại để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kì, quan sát bị cáo. Sự xuất hiện phần nhiều do hiệu ứng đám đông, sẵn sàng và hứng thú để đưa ra phán xét cảm tính về bị cáo, về bị hại dù không thực sự hiểu về hoàn cảnh, động cơ phạm tội, điều kiện giáo dục, sinh sống của bị cáo, bị hại và quan trọng hơn thời điểm đó còn chưa có bản án kết tội…Những biểu hiện này là minh chứng tương đối rõ nét cho việc hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật chưa hẳn đã cao. Nói cách khác, việc chứng kiến phiên tòa đối với nhiều cá nhân không phải để rút ra bài học cho bản thân mình, để hình thành tư tưởng và tinh thần tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, để “biết sợ” sự trừng trị của pháp luật khi có hành vi phạm tội. Hơn nữa, việc xét xử tại trụ sở, cá nhân nào có nhu cầu quan tâm để tự rút ra nhận thức cho mình vẫn có thể tự tìm đến, hoặc có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc xét xử vốn đang rất phong phú, thường xuyên, do đó mục đích công tác tuyên tryền vẫn đạt được, vì vậy, xét xử lưu động suy cho cùng cũng chỉ là một trong các giải pháp tuyên truyền trong số rất nhiều giải pháp khác.

Như vậy, từ góc độ phòng ngừa tội phạm, việc xét xử lưu động vụ án hình sự chưa hẳn là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn các nguyên nhân của tội phạm, chưa có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực cho việc giảm thiểu sự phát sinh tội phạm trong xã hội. Nói cách khác, xét xử lưu động không phải là biện pháp phòng ngừa tội phạm thiết yếu phải triển khai./.

Ngày 6/11/2017, tại phiên họp Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Kiến nghị này đã được Quốc hội chấp thuận.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.