Nội dung, đặc tính và việc thực hiện quyền tư pháp

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật Tư pháp

Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tổ chức bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước được phân chia giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Toà án có vị trí độc lập với cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, có chức năng thực hiện quyền tư pháp.

Nội dung của quyền tư pháp là gì?

Trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” xuất bản năm 1762, Rousseau đã viết: “Cơ quan tư pháp… là người bảo vệ luật; mà luật là do cơ quan quyền lực tối cao ban hành và do chính phủ chấp hành” [1].
Luật, theo Rousseau có ba loại luật:

– Luật chính trị, cũng gọi là luật cơ bản để điều chỉnh mối quan hệ giữa cái chung với cái chung, giữa cơ quan quyền lực tối cao với toàn bộ quốc gia;

– Luật dân sự để điều chỉnh những quan hệ giữa các thành viên xã hội với nhau;

Luật hình sự để điều chỉnh quan hệ giữa con người và luật pháp, có ý nghĩa là sự trừng phạt của mọi người đối với kẻ vi phạm luật [2].

Với luận điểm trên, Rousseau đã chỉ rõ: Toà án có chức năng bảo vệ luật, Quốc hội có chức năng ban hành luật, Chính phủ có chức năng chấp hành luật. Từ đó cho chúng ta nhận biết nội dung của quyền tư pháp là bảo vệ luật. Và như ông đã viết, luật chỉ do Quốc hội ban hành, không bao gồm những văn bản pháp quy của Chính phủ.

Về sau, nội dung của quyền lực tư pháp đã được mở rộng thêm bởi Toà án tối cao Hoa Kỳ. Năm 1803, trong vụ án Marbury kiện Madison, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng khoản 13 Đạo luật về cơ quan tư pháp năm 1789 là không hợp hiến. Với phán quyết này, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra một nguyên tắc: Toà án có quyền bác bỏ các đạo luật của Quốc hội nếu những đạo luật này bị phát hiện trái với Hiến pháp. (Quyền bác bỏ ở đây được hiểu là Toà án không áp dụng đạo luật ấy, dẫn đến làm cho đạo luật ấy bị vô hiệu). Và phán quyết này cũng đã chỉ ra nội dung của quyền tư pháp không chỉ bảo vệ luật mà còn bảo vệ Hiến pháp.

Nguyên tắc này không những được thực hiện ở Hoa Kỳ mà về sau còn được các quốc gia khác thực hiện. Đầu thế kỷ 20 và đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Châu Âu đã xác lập quyền bảo hiến trong việc thực hiện quyền lực tư pháp. Thí dụ: Điều 92 Hiến pháp năm 1949 của Cộng hoà liên bang Đức quy định: “Quyền lực tư pháp được trao cho các Thẩm phán; quyền lực đó được thực thi bởi Toà án Hiến pháp liên bang, các Toà án liên bang được quy định trong Luật cơ bản này và các Toà án của bang”.

Hay như Hiến pháp năm 1993 của Liên bang Nga, tại Chương 7 – Quyền tư pháp, Điều 118 quy định: “1. Quyền xét xử tại Liên bang Nga chỉ do Toà án thực hiện. 2. Quyền xét xử được thực hiện bằng thủ tục tố tụng hiến pháp, dân sự, hành chính và hình sự. 3…”. Và Điều 4 Luật Hiến pháp Liên bang Nga về hệ thống Toà án Liên bang Nga năm 1996 quy định: “…3. Toà án Liên bang bao gồm: Toà án Hiến pháp liên bang Nga; Toà án tối cao liên bang Nga, Toà án tối cao của các nước cộng hoà…”.

Như vậy, kể từ năm 1803, nội dung của quyền tư pháp (hay phạm vi của quyền tư pháp) không chỉ là bảo vệ luật mà còn là bảo vệ hiến pháp.

Về đặc tính của quyền tư pháp

Tocqueville trong bộ sách đồ sộ “Nền dân trị Mỹ” [3] đã nêu lên ba đặc tính của quyền tư pháp như sau:
“Đặc tính thứ nhất của quyền lực tư pháp là đứng ra làm trọng tài”. Với đặc tính này thì Toà án chỉ thực hiện quyền tư pháp khi xét xử vụ án, Toà án sẽ là “trọng tài” phân xử qua việc nghe hai bên tranh tụng với nhau.

“Đặc tính thứ hai của quyền lực tư pháp là phán quyết về những trường hợp riêng rẽ chứ không phát ngôn về những nguyên tắc chung”. Điều này chỉ rõ: Toà án chỉ giải thích (diễn giải) luật vừa đủ trong phạm vi giải quyết vụ án cụ thể chứ không vượt quá giới hạn này.

“Đặc tính thứ ba của quyền lực tư pháp là chỉ có thể hành động khi người ta yêu cầu nó, hoặc nói theo ngôn từ pháp lý, khi nó được giao xét xử… Người ta báo cho nó một tội phạm, và nó trừng trị kẻ phạm tội. Người ta nhờ cậy nó sửa chữa một điều bất công, và nó sửa lại. Người ta đặt trước mặt nó một sự vụ và nó giải thích sự vụ đó. Nhưng tự nó không bao giờ khởi tố những kẻ phạm tội, không đi tìm chỗ có chuyện bất công và xem xét các sự việc.”. Ông cho rằng “đặc tính thứ ba này thật là căn bản”[4] . Đặc tính này nhấn mạnh chức năng của Toà án là xét xử, và chỉ xét xử khi có yêu cầu, có sự khởi tố trước Toà án. Chức năng này phân biệt với chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra của Quốc hội, Viện kiểm sát, Kiểm toán và Thanh tra Chính phủ.

Về việc thực hiện quyền tư pháp

Việc thực hiện quyền tư pháp ở những quốc gia theo truyền thống luật dân sự và những quốc gia theo truyền thống thông luật có sự khác biệt căn bản.

● Ở những quốc gia theo truyền thống luật dân sự, quyền tư pháp được phân chia cho nhiều loại Toà án khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng một cách sâu sắc tư tưởng tam quyền phân lập của Montesquieu và của Rousseau. Theo Montesquieu: “Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán đối với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp” [5]. Và theo Rousseau thì: “Cơ quan tư pháp sẽ hoá thành kẻ lộng quyền khi nó chiếm lấy quyền hành pháp, mà chính ra nó chỉ là kẻ điều hoà. Cơ quan tư pháp cũng sẽ lộng quyền nếu nó đứng ra ban bố pháp luật, mà chính ra nó chỉ là kẻ bảo vệ” [6] , ông cũng chỉ rõ: “luật chỉ là sự công bố ý chí của toàn dân” [7] . Tư tưởng của hai ông đã trở thành học thuyết của cách mạng Pháp và là nền tảng lý thuyết cho việc tổ chức bộ máy Nhà nước ở Pháp cũng như ở nhiều quốc gia Châu Âu khác. Theo đó, quyền hạn của Toà án chỉ hạn chế trong phạm vi giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, lao động và xét xử các vụ án hình sự. Các Toà án không có thẩm quyền tuyên bố bác bỏ một đạo luật, bởi luật là ý chí của toàn dân thông qua các đại diện ở cơ quan quyền lực tối cao (Quốc hội) công bố. Và nếu Toà án được quyền vô hiệu hoá một đạo luật tức là đã “nhập vào” (hay đã chiếm lấy) quyền lập pháp. Toà án thậm chí còn không được quyền giải quyết các tranh chấp hành chính vì điều đó bị coi là đã xâm phạm vào quyền hành pháp.

Cộng hoà Pháp là một quốc gia trung thành tuyệt đối đối với tư tưởng của Montesquieu và của Rousseau. Sau cách mạng 1789-1794, nước Pháp chỉ có hệ thống Toà án thẩm quyền chung, đến năm 1799 mới thành lập Tham chính viện, một cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tư vấn và giải quyết tranh chấp hành chính và mãi đến năm 1962 mới dần trở thành một cơ quan tư pháp. Và năm 1958, nước Pháp mới thành lập Hội đồng bảo hiến với tính cách là một cơ quan chính trị, cho đến năm 2009 mới được coi gần như là một Toà án Hiến pháp.

Mặc dù cũng dựa trên nền tảng lý thuyết về tổ chức bộ máy Nhà nước như ở Pháp, nhưng nước Đức lại không áp dụng mô hình của nước Pháp. Hiến pháp Cộng hoà liên bang Đức phân chia quyền lực tư pháp cho nhiều loại Toà án khác nhau và tiếp thu mô hình Toà án Hiến pháp của Cộng hoà Áo [8] đã thành lập Toà án Hiến pháp như là một thiết chế riêng, độc lập với các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Liên bang Nga, Hungary, Bungary và nhiều quốc gia khác đã áp dụng mô hình Toà án Hiến pháp này. Nhìn chung, quyền tư pháp ở các quốc gia này được phân chia cho: Toà án Hiến pháp, Toà án thẩm quyền chung, có thể có Toà án hành chính và một số Toà án khác.

● Ở những quốc gia theo truyền thống thông luật và áp dụng mô hình của Hoa Kỳ, quyền tư pháp chỉ được giao cho một loại Toà án. (Chúng ta thường gọi là Toà án tư pháp hay Toà án thẩm quyền chung).

Phán quyết vào năm 1803 của Toà án Hoa Kỳ đã nêu ở trên là phán quyết đầu tiên trên thế giới mà Toà án bác bỏ luật do Quốc hội ban hành vì trái Hiến pháp. Vào thời điểm đó, trên thế giới chỉ duy nhất ở Hoa Kỳ có Toà án hoạt động với tư cách như là Toà án Hiến pháp. Tocqueville khi đến Hoa Kỳ vào năm 1831 đã nhận xét rằng: Người Mỹ đã duy trì ba đặc tính căn bản của quyền lực tư pháp như ở các quốc gia khác. Thế nhưng tại sao quan toà ở Mỹ có quyền lực chính trị vô cùng lớn mà quan toà ở các quốc gia khác không có. “Nguyên nhân nằm ở sự kiện duy nhất này: người Mỹ thừa nhận ở các quan toà cái quyền xây dựng các quyết án dựa trên hiến pháp hơn là dựa trên các đạo luật. Nói cách khác, người Mỹ cho phép các quan toà của họ không áp dụng các bộ luật tỏ ra là không hợp hiến trước mắt các quan toà” [9].

Nhưng vì sao người Mỹ lại cho phép Thẩm phán của họ có quyền hạn đó? Chúng ta đều biết rằng người Anh đã lập ra quốc gia Hoa Kỳ. Và như Thẩm phán Peter J. Messitle của Hoa Kỳ đã viết: “Nước Anh không bao giờ tiếp thu quan điểm của Cách mạng Pháp cho rằng quyền lực của Thẩm phán cần phải được kìm hãm, rằng họ cần bị hạn chế nghiêm ngặt chỉ áp dụng pháp luật mà cơ quan lập pháp công bố. Do đó, những người Anh đến nước Mỹ khai hoang cũng đi theo truyền thống ấy” [10].

Theo truyền thống ấy, Thẩm phán có quyền giải thích luật khi xét xử một vụ án, Hiến pháp được coi là luật của các loại luật, là luật tối cao của quốc gia. Vì vậy, Thẩm phán ở Hoa Kỳ đã có quyền giải thích hiến pháp và luật khi xét xử, nếu thấy luật trái với Hiến pháp thì không áp dụng luật đó – đây là thẩm quyền của Toà án Hiến pháp ở Châu Âu lục địa.

Các nước Úc, Canada và một số quốc gia khác đã áp dụng mô hình của Hoa Kỳ. Nhật Bản mặc dù là một quốc gia theo truyền thống luật dân sự, nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai đã chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ thống tư pháp Hoa Kỳ nên cũng áp dụng mô hình tư pháp của Hoa Kỳ, tuy nhiên có sự khác biệt là chỉ có Toà án tối cao Nhật Bản mới có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác.

Kết luận

– Quyền lực tư pháp có chức năng bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật. Như vậy, phạm vi quyền lực tư pháp rất rộng. Như chúng ta đều biết, Hiến pháp và pháp luật điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội, như: quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhau theo chiều ngang và theo chiều dọc, quy định mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước và nhân viên các cơ quan này với công dân, quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như các phương thức bảo vệ các quyền và thực hiện các nghĩa vụ đó.

– Quyền lực tư pháp do Toà án thực hiện. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và nền tảng văn hoá mà có nhóm quốc gia trao quyền lực tư pháp cho một loại Toà án thực hiện, nhóm quốc gia khác trao quyền lực tư pháp cho nhiều loại Toà án thực hiện.

– Toà án thực hiện quyền lực tư pháp thông qua hoạt động xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng. Điều đó có nghĩa rằng Toà án chỉ thẩm định luật do Quốc hội ban hành có hợp hiến hay không, các văn bản pháp quy của các cơ quan hành pháp có phù hợp với Hiến pháp và luật hay không khi có yêu cầu hoặc có khởi kiện đến Toà án. Toà án chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước và nhân viên của các cơ quan này với công dân, giữa các công dân với nhau, khi tranh chấp đó được khởi kiện đến Toà án. Toà án cũng chỉ quyết định rằng việc bắt, tạm giam một người là đúng hay không đúng luật khi người đó khiếu nại đến Toà án. Tóm lại, Toà án chỉ thực hiện quyền lực tư pháp khi được yêu cầu. Toà án không bao giờ tự mình thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản luật và dưới luật; Toà án không tự mình kiểm tra rồi phán quyết về tính hợp hiến, hợp pháp của hành vi và quyết định của các cơ quan công quyền. Bởi lẽ, đó là thẩm quyền của các cơ quan giám sát của Quốc hội, của cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra của Chính phủ và của Viện kiểm sát (hay Viện Công tố).

– Như chúng ta đều biết, phạm vi thực hiện quyền tư pháp của Toà án ở Việt Nam được dần dần mở rộng cùng với sự phát triển về mọi mặt của đất nước. Ban đầu chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự và hình sự sau đó lần lượt được giao thêm thẩm quyền xét xử các tranh chấp lao động, kinh tế, khiếu kiện hành chính. Ngày nay, trong tiến trình cải cách tư pháp, với việc hiểu rõ nội hàm và các đặc tính của quyền lực tư pháp, chúng ta cần nghiên cứu một cách cẩn trọng nên giao thêm những quyền hạn nào cho Toà án.

Theo tôi, bước đầu có thể giao thêm cho Toà án thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Khi xét xử một vụ án, Toà án có thẩm quyền không áp dụng quy định của một thông tư do cơ quan Chính phủ ban hành nếu cho rằng thông tư đó là trái luật./.

NGÔ CƯỜNG (Nguyên Vụ trưởng VHTQT TANDTC)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).


1.J.J. Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr.174.
2.J.J. Rousseau, Sđd, tr. 89, 90.
3. Alexis de Tocqueville (1805-1859) là một quý tộc người Pháp, đậu cử nhân luật tại Paris năm 1826.
Nền dân trị Mỹ tập 1 được xuất bản năm 1835, tập 2 được xuất bản năm 1840. Ở Hoa Kỳ, tác phẩm này của ông – bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ – được tôn thờ gần như là một thứ “tôn giáo chính trị”. Ở Châu Âu ông được khen là “Montesquieu của thế kỷ XIX” (Bùi Văn Nam Sơn, bài giới thiệu về bộ sách Nền dân trị Mỹ, NXB Tri thức 2007).
4. Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, tập 1, NXB Tri thức 2007, tr 231, 232.
5. Montesquieu, Bàn về tinh thần pháp luật, NXB Lý luận chính trị, 2004, tr 106.
6,7. J.J. Rousseau, Sđd, tr 175, tr 141.
8.Hiến pháp 1920 của Cộng hoà Áo đã quy định thẩm quyền Hiến pháp cho Toà án Hiến pháp, một Toà án độc lập với Quốc hội, Chính phủ, Toà án Công lý và Toà án hành chính.
9.Tocqueville, Sđd, tr 233.
10. Phương thức hoạt động của Toà án Hoa Kỳ, NXB Văn hoá – Thông tin, 2007, tr 
42.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền