Tôi là Nguyễn Thu Thảo, năm nay 26 tuổi, tôi đang có vấn đề này rất băn khoăn muốn được các Luật sư giải đáp như sau: Gia đình cụ thân sinh ra tôi có 3 anh chị em gồm tôi, anh trai tôi là Nguyễn Đức Anh và em gái tôi là Nguyễn Thu Thương. Hiện nay cả 3 anh chị em tôi đều đã lập gia đình và tạm ổn về cuộc sống, bố mẹ tôi cũng đều đã già và hiện đang sống cùng anh trai tôi trên diện tích đất 2400m2 do bố mẹ tôi cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vùng ngoại thành. Tháng 3 năm 2017, bố tôi ốm nặng và qua đời do tuổi cũng đã cao, sức yếu. Trước khi mất bố tôi có để lại di chúc thừa kế viết tay và gia đình tôi đã đem công chứng đầy đủ tại Văn phòng công chứng. Theo đó, bố tôi muốn chia ½ diện tích đất trên tương ứng 1200m2 đất thuộc quyền sử dụng của bố tôi cho anh cả Nguyễn Đức Anh vì vợ chồng anh đã hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ tôi lúc ốm đau, còn 1200m2 đất còn lại của mẹ tôi thì mẹ tôi sẽ tùy ý quyết định, tôi và em gái đã lấy chồng nên sẽ không cho đất mà cho mỗi người 400 triệu lấy vốn kinh doanh. Sau khi bố tôi mất, mẹ con chúng tôi có mở di chúc dưới sự chứng kiến của nhiều người trong gia đình, gia đình tôi đều thống nhất làm theo nguyện vọng, mong muốn cuối cùng của bố tôi.
Luật sư có thể cho tôi biết Luật thừa kế đất đai theo di chúc theo quy định mới nhất là gì? cũng như việc bố tôi để lại di chúc định đoạt tài sản như trên có hợp pháp hay không? Tại sao bố tôi lại không có quyền chia toàn bộ diện tích đất 2400m2 trên cho anh chị em tôi? Tôi rất mong nhận được ý kiến tư vấn từ phía Luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Đầu tiên, tôi xin thay mặt HọcLuật.VN gửi lời cảm ơn tới chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, đối với các thông tin chị đưa ra trên, tôi xin đưa ra tư vấn cụ thể để chị và gia đình tham khảo cụ thể như sau:
Hiện nay, di chúc là một trong những giấy tờ phổ biến được người dân sử dụng nhằm mục đích định đoạt tài sản của mình, Pháp luật cũng công nhận quyền thừa kế của công dân cụ thể
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật
Như vậy, việc bố chị lập di chúc thể hiện ý chí của mình đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật công nhận. Dưới đây là thông tin cụ thể hơn về Luật thừa kế đất đai theo di chúc mà chị và gia đình cần nắm rõ.
Về tính hợp pháp của di chúc thừa kế:
Theo như chị đưa ra thông tin, di chúc bố chị lập là di chúc bằng văn bản và có công chứng đầy đủ tại văn phòng công chứng theo đúng quy định của pháp luật, khi lập di chúc bố chị cũng hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt và có thể nhận thức đầy đủ để đưa ra quyết định. Như vậy, theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì di chúc mà bố chị để lại là hoàn toàn hợp pháp và có giá trị pháp lý, di chúc sẽ có hiệu lực khi bố chị mất và nội dung của di chúc trên là không trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Về nội dung của di chúc thừa kế:
Bố chị có chia 1200m2 đất thuộc quyền sử dụng của bố chị cho anh cả Nguyễn Đức Anh vì vợ chồng anh đã chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chị lúc ốm đau, còn 1200m2 đất còn lại của mẹ chị thì mẹ chị sẽ được tùy ý quyết định. Điều này là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật dân sự vì 2400m2 đất trên là tài sản chung của bố mẹ chị trong thời kỳ hôn nhân, cả hai cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, bố chị chỉ có quyền sử dụng 1200m2 tương ứng ½ diện tích đất trên, phần còn lại 1200m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mẹ chị. Hiện nay mẹ chị vẫn còn sống thì mẹ chị vẫn có quyền sử dụng, quản lý diện tích đó, trường hợp mẹ chị muốn tặng cho các anh chị hay thực hiện giao dịch khác thì mẹ chị có thể để lại di chúc để định đoạt tài sản hoặc thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng sao cho đúng với các quy định của pháp luật. Việc bố chị để lại toàn bộ 1200m2 đất trên cho anh trai chị là sự tự nguyên trong ý chí định đoạt tài sản và hoàn toàn hợp pháp, không trái với các quy định của pháp luật Dân sự hiện hành. Các phần còn lại của di chúc theo thông tin chị đưa ra là hoàn toàn hợp pháp, không trái với các quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp bị pháp luật nghiêm cấm. Như vậy, việc bố chị để lại di chúc và để thừa kế đất đai cho anh chị diện tích 1200m2 là hoàn toàn đúng quy định của Pháp luật, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Về hồ sơ thủ tục để khai nhận di sản thừa kế:
Hiện nay, việc khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo di chúc là trường hợp bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc thống nhất mà các văn bản chỉ đề cập đến việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Như vậy, việc khai nhận di sản thừa kế thực hiện tại văn phòng công chứng sẽ được thực hiện theo Luật Công chứng, chứng thực; các văn bản hướng dẫn về công chứng, chứng thực (Nghị định 29/2015/NĐ_CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, chứng thực; Thông tư 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất).
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế là đất đai bao gồm:
– Bản sơ yếu lý lịch của người nhận di sản thừa kế.
– CMND/hộ chiếu, sổ hộ khẩu của người nhận di sản, người để lại di sản.
– Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền trong trường hợp thực hiện giao dịch qua người đại diện.
– Giấy chứng tử của bố chị.
– Bản gốc bản di chúc hợp pháp bố chị để lại
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Sau đó, Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng. Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của UBND phường, xã mà không có tranh chấp, khiếu kiện, Công chứng viên hẹn ngày lên ký kết văn bản khai nhận phân chia di sản. Vào ngày hẹn, người thừa kế mang theo toàn bộ bản chính các giấy tờ đã nộp cho phòng công chứng đến ký kết văn bản khai nhận phân chia di sản thừa kế
Trên đây là phần tư vấn của HọcLuật.VN về vấn đề Luật thừa kế đất đai theo di chúc dựa trên những thông tin mà chị đưa ra, nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan chị có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài tư vấn 1900 để được tư vấn cụ thể và nhanh nhất.
Để lại một phản hồi