Tư vấn chia thừa kế đất đai khi không có di chúc

Chuyên mụcLuật dân sự Chia thừa kế đất đai khi không có di chúc

Nhờ Luật Sư tư vấn giúp em. Nhà mẹ em có 2 sổ đất, 1 là do mẹ em đứng tên, 1 là do dì em đứng tên. Mẹ em thì mới mất và không để lại di chúc.

 

Hàng thừa kế thứ nhất còn bà ngoại, ba và 3 chị em (có 1 em 13 tuổi). Giấy kết hôn có trước khi làm sổ đất. Phần đất do mẹ em đứng tên thì ½ sẽ do ba em thừa kế, ½ còn lại sẽ chia làm 5 phần bằng nhau (bà ngoại, ba và 3 chị em). Cho em hỏi các câu sau ạ:

 

– Sau khi mẹ em mất thì giấy kết hôn với ba em có còn hiệu lực để làm giấy tờ nào khác ngoài chia di sản thừa kế không?

– Nếu bà ngoại em mất thì phần thừa kế (1/5 của ½ thửa đất mẹ em đứng tên) của ngoại sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất của ngoại em phải không?

– Ngoại em sẽ viết giấy không nhận phần di sản thừa kế của mẹ em để lại. Nếu ngoại em chuyển nhượng lại thì chia đều cho ba và 3 chị em hoặc cho 1 ai đó ngoại mà ngoại em chỉ định?

–  Sắp tới em sẽ nhờ Dì đi sang tên chuyển lại cho bên gia đình em. Em tính cho cả ba và 3 chị em cùng đứng tên. Vậy phần đất mà Dì em chuyển tên lại sẽ chia đều cho ba và 3 chị em đúng không ạ?

– Sau khi Dì e chuyển tên rồi, em muốn nhập 2 sổ làm 1 và cùng đứng tên ba và 3 chị em. Vậy tổng phần đất đó có chia đều lại không hay là:  Ba: ½ đất (di sản thừa kế) + 1/5 của ½ đất (di sản thừa kế) + 1 phần đất Dì sang tên + 2 chị em trên 18 tuổi: 1/5 của ½ đất (di sản thừa kế mẹ để lại) + 1 phần đất Dì sang tên + 1 em 13 tuổi: Tài sản sẽ do ba em quản lý đến lúc đủ 18 tuổi? Mong Luật Sư tư vấn giúp em các thắc mắc trên và chỉ cho em hướng giải quyết nào là ổn thỏa nhất ạ. Em cảm ơn Luật Sư nhiều!

 

Trả lời: Trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về giá trị của giấy đăng ký kết hôn.

 

Khoản 1 Điều 65 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

“Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

 

Căn cứ vào quy định này, quan hệ hôn nhân giữa ba và mẹ bạn chấm dứt từ ngày mẹ bạn chết được ghi trong Giấy chứng tử. Giấy đăng ký kết hôn của ba bạn không còn hiệu lực nữa.

 

Thứ hai, trong trường hợp bà ngoại bạn mất thì phần thừa kế được nhận từ mẹ của bạn sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất.

 

Bởi vì, một phần tài sản được nhận từ di sản thừa kế của mẹ bạn đã hoàn toàn thuộc về bà ngoại bạn. Cho nên khi bà ngoại bạn mất phần tài sản này sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bà ngoại bạn.

 

Thứ ba, dì của bạn chuyển nhượng thửa đất cho cả gia đình nhà bạn, vì vậy gia đình (4 người) sẽ có quyền và nghĩa vụ ngang bằng nhau đối với thửa đất này.

 

Thứ tư, sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất từ dì thì gia đình bạn có gộp sổ được hay không?

 

Thông tin bạn cung cấp còn thiếu nên chúng tôi không có cơ sở để tư vấn cụ thể cho bạn được. Bạn cần cung cấp các thông tin sau:

 

–  Hai mảnh đất này có liền kề nhau không?

 

– Diện tích đất ở của bạn cả hai thửa là bao nhiêu m2 ?

 

– Diện tích đó thuộc tỉnh, thành phố nào?

 

Hạn mức đất ở do UBND tỉnh tại nơi có đất quy định. Do đó, bạn cần xác định rõ những vấn đề trên. Nếu việc gộp hai sổ vượt quá hạn mức cho phép hoặc hai thửa đất này không liền kề thì không thể gộp hai thửa làm một được.

 

Trong trường hợp, hai thửa đất này có thể gộp làm một và mang tên ba và các chị em trong gia đình bạn thì có hai trường hợp:

 

Trường hợp một: Ba bạn và các chị em trong gia đình thỏa thuận đây là tài sản chung với phần quyền và nghĩa vụ bằng nhau. Thì lúc này trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ chỉ ghi diện tích đất và những người có quyền sử dụng thửa đất này, vì vậy được hiểu các bên có quyền và nghĩa vụ với thửa đất này ngang nhau.

 

Trường hợp hai: Nếu ba và các chị em không có thỏa thuận về việc đây là tài sản chung thì phần quyền và nghĩa vụ sẽ được chia theo tỷ lệ tương ứng.

 

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền