Vị trí, vai trò của luật đất đai trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Chuyên mụcLuật đất đai Luật Đất đai

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật đất đai có vị trí, vai trò quan trọng không thể phủ nhận. Vị trí, vai trò của Luật đất đai được thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Luật đất đai có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng. Đối tượng điều chỉnh của Luật đất đai là các quan hệ xã hội phát sinh trực tiếp từ việc con người sở hữu, chiếm hữu, quản lý và sử dụng đất đai. Đây là các quan hệ liên quan trực tiếp đến việc sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai – một loại tài sản đặc biệt. Tính đặc biệt của đất đai thể hiện: (i) Về nguồn gốc phát sinh, đất đai không do con người tạo ra mà do tự nhiện tạo ra; cố định về vị trí địa lý, không di dời được và bị giới hạn bởi không gian, diện tích; (ii) Đất đai được sử dụng vào các mục đích khác nhau; nên quan hệ đất đai vừa chứa đứng yếu tố quản lý hành chính vừa chứa đựng yếu tố kinh tế (kinh tế), dân sự, thương mại, văn hóa và xã hội (XH)…: (iii) Đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất đặc biệt, là lãnh thổ quốc gia mà còn là nơi cư trú của con người và là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống;

Thứ hai, Luật đất đai có những nguyên tắc đặc trưng so với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các nguyên tắc này bao gồm: (i) Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; (ii) Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật; (iii) Nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Nguyên tắc bồi bổ, cải tạo và bồi bổ đất đai; (v) Nguyên tắc đặc biệt ưu tiên bảo vệ nhóm đất nông nghiệp;

Xem thêm:

Thứ ba, Luật đất đai đã quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đất đai nhằm phục vụ những yêu cầu của cách mạng qua từng giai đoạn cụ thể:

Sau khi giành được chính quyền tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện việc tịch thu ruộng đất của thực dân, đế quốc, địa chủ, phong kiến chia lại ruộng đất cho nông dân nhằm thực hiện đường lối cách mạng của Đảng “làm cách mạng dân tộc dân chủ đánh đổ thực dân, phong kiến; tịch thu ruộng đất của tư sản, địa chủ, cường hào chia cho nông dân thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Cơ sở pháp lý của việc làm này là Luật cải cách ruộng đất được ban hành năm 1953. Tiếp đến, khi miền Bắc được giải phóng (tháng 10 năm 1954); miền Nam tiếp tục công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viên đắc lực cho chiến trường miền Nam, Đảng ta phát động “phong trào hợp tác hóa” vận động nông dân tự nguyện đóng góp ruộng đất, trâu bò và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Cơ sở pháp lý của việc làm này là Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao năm 1961. Sau khi đất nước thống nhất (tháng 4 năm 1975), cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP ngày 01/08/1980 về tăng cường công tác quản lý đất đai trong cả nước. Nhận thức rõ việc duy trì cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sẽ cản trở sự phát triển của đất nước khi cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: Giai đoạn thống nhất đất nước, xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã phát động công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Công cuộc đổi mới đất nước được tiến hành với khâu đột phá là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, từng bước xác định địa vị làm chủ của hộ gia đình (gia đình), cá nhân đối với ruộng đất. Hàng loạt đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp nói chung và xác định vai trò của hộ gia đình, cá nhân là đơn vị kinh tế tự chủ trong sản xuất nông, lâm nghiệp nói riêng đã lần lượt được ra đời với việc thực hiện giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; đồng thời mở rộng các quyền năng của người sử dụng đất. Quan điểm xác lập và mở rộng các quyền của hộ gia đình, cá nhân đối với đất đai được ghi nhận trong các văn kiện chủ yếu sau đây của Đảng:

– Chỉ thị 100/CT-TW ngày 13/10/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong Hợp tác xã Nông nghiệp”, trong đó xác định: “…tổ chức tốt việc giao diện tích đất cho đội sản xuất, nhóm người lao động… khi diện tích giao khoán hợp lý thì có thể ổn định để xã viên yên tâm thâm canh trên diện tích đất đó”. Chính sách khoán và giao đất sử dụng ổn định đã bước đầu động viên nông dân hăng hái lao động, sản xuất và “bước đầu quá trình xác lập địa vị làm chủ ruộng đất thực sự của người lao động”;

– Tiếp đó, ngày 05/04/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, đã khẳng định hộ gia gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ trong sản xuất nông nghiệp và giao khoán ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ gia đình nông dân;

– Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) đã ghi nhận: “Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, ruộng đất được giao cho nông dân sử dụng lâu dài. Nhà nước quy định bằng luật pháp các vấn đề thừa kế, chuyển quyền sử dụng ruộng đất” [1] . Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết của các hội nghị TW tiếp theo, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (khóa VII tháng 12 năm 1991) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VII, tháng 6/1992): “ruộng đất được trao cho nông dân sử dụng lâu dài. Nhà nước quy định bằng pháp luật việc thừa kế, chuyển quyền sử dụng đất” (10, tr 68);

– Vấn đề sử dụng đất ổn định lâu dài của hộ gia đình, cá nhân còn được ghi nhận trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các hộ nông dân được Nhà nước giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài và cấp giấy chứng nhận. Luật pháp quy định cụ thể việc thừa kế và chuyển quyền sử dụng ruộng đất” [2] ;

– Ngày 12/03/2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa IX ra Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: “Người được giao quyền sử dụng đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, được thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật về thừa kế như các tài sản khác” [3] v.v;

Luật đất đai năm 2013

Những quan điểm, đường lối đổi mới cơ chế quản lý đất đai trên đây của Đảng đã được thể chế hóa trong nội dung Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 1998 và năm 2001, Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013.

>>> Xem thêm: Bảng so sánh đối chiếu Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013

Thứ tư, Luật đất đai 2013 góp phần xác lập quyền sở hữu tài sản của hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực đất đai dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.  Kế thừa và phát triển các quy định của Luật đất đai năm 2003: Nhà nước- với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai- giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất trong thời hạn giao đất, cho thuê đất, Luật đất đai 2013 bổ sung quy định về quyền tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung quy định về thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bổ sung quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất thực hiện các dự án ĐT tại Việt Nam… Luật đất đai 2013 góp phần làm phong phú lý thuyết về quyền sử dụng đất; theo đó, nội hàm của khái niệm quyền sử dụng đất đã vượt khỏi quan niệm truyền thống là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để tham gia vào những giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường và được sử dụng làm tài sản bảo đảm trong quan hệ vay vốn hoặc đem góp vốn  liên doanh để sản xuất- kinh doanh. Hơn nữa với những quy định này, Luật đất đai 2013 đã xác lập những cơ sở pháp lý ban đầu cho việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất có tổ chức ở nước ta.

Thứ năm, trong hệ thống pháp luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Luật đất đai 2013 có vị trí không khó để nhận biết với nét đặc thù là các quy định về sở hữu toàn dân về đất đai. Trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần, đa dạng hóa các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là một đòi hỏi mang tính khách quan nhằm đáp ứng đòi hỏi của hoạt động sản xuất- kinh doanh. Tuy nhiên, đất đai- tư liệu sản xuất, chủ yếu, quan trọng nhất- lại không được Luật đất đai 2013 cho phép đa dạng hóa hình thức sở hữu. pháp luật đất đai hiện hành chỉ thừa nhận một hình thức sở hữu đất đai duy nhất: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Việc duy trì và củng cố hình thức sở hữu đất đai này nhằm giữ vững ổn định chính trị, duy trì tính ổn định trong các quan hệ quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời góp phần giữ vững tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần ở nước ta.

Thứ sáu, Luật đất đai 2013 đã đưa các nội dung kinh tế – dân sự vào các quy định thông qua việc xác định mục đích, nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất; các quy định về chính sách tài chính về đất đai; các quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất; các quy định về cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, GPMB…;

Thứ bảy, hệ thống pháp luật là một chỉnh thể thống nhất mà mỗi ngành luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng song không tồn tại tách biệt với nhau mà ngược lại chúng có mối quan hệ tương thích, gắn bó chặt chẽ với nhau. Mặc dù, Luật đất đai 2013 là một ngành luật độc lập, có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng song nó vẫn có mối quan hệ tương thích với các đạo luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều này thể hiện:

– Các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất tuân theo quy đinh chung về thừa kế tài sản của Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó” (khoản 5 Điều 113);

– Các quy định của Luật đất đai 2013 về xác lập quyền sử dụng đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thống nhất với nội dung của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành; theo đó, Luật đất đai 2013 ghi nhận và bảo hộ quyền bình đẳng giữa vợ và chồng đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất: “Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh và số giấy chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng” (điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư số Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất);

– Các quy định của Luật đất đai 2013 thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015 về hình thức chuyển quyền sử dụng đất, nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất, điều kiện chuyển quyền sử dụng đất…;

– Quy định của Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành tương thích với nội dung Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt và trình tự, thủ tục xử phạt …;

– Quy định về thời hạn thuê đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thống nhất với nội dung của Luật ĐT. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Luật đất đai 2013 đã xác lập mặt bằng pháp lý bình đẳng cho mọi đối tượng sử dụng đất; theo đó, Chương IV của đạo luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất. Mọi chủ thể sử dụng đất không phân biệt đó là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước hay tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất được hưởng các quyền chung và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất quy định tại Điều 105 và Điều 107;

– Các quy định về giải quyết khiếu nại,tố cáo về đất đai của Luật đất đai 2013 phù hợp với nội dung Luật khiếu nại, tố cáo về thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo …;

– Các quy định về chính sách tài chính về đất đai của Luật đất đai 2013 tương thích với các đạo luật thuế sử dụng đất v.v;

Thứ tám, cùng với các đạo luật về nhà ở năm 2014, Luật xây dựng năm 2014, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015…, Luật đất đai năm 2013 góp phần xác lập khung pháp luật cho việc ra đời, tổ chức và hoạt động của thị trường bất động sản có tổ chức theo hướng công khai, minh bạch và lành mạnh ở nước ta với việc cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất trong thời hạn giao đất, cho thuê đất.


[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2005, tr. 275.

[2] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sdd, tr. 343.

[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Nghị quyết của trung ương Đảng 2001 – 2004 (sách phục vụ thảo luận các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng X) Lưu hành nội bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2004, tr.175.


Những nội dung liên quan đến vị trí, vai trò của luật đất đai trong hệ thống pháp luật Việt Nam: Vai trò của Luật đất đai, Nguồn của luật đất đai, Vai trò của chính sách đất đai trong nông nghiệp, Chứng minh Luật đất đai Việt Nam ngày càng mở rộng quyền cho người sử dụng đất, Thực tiễn thực thi các quyền của Nhà nước đối với đất đai trong thời gian qua, Luật đất đai là gì, Quá trình phát triển của Luật đất đai, Quyền của người sử dụng đất qua các thời kỳ

5/5 - (30404 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền