Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân tại BLHS 2015

Chuyên mụcLuật hình sự Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

 

Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình luận Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại Bộ luật hình sự 2015:

Điều luật quy định hai tội gồm:

  • Tội trốn đi nước ngoài, nhằm chống chính quyền nhân dân
  • Tội trốn ở lại nước ngoài, nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là gì?

a) Trốn đi nước ngoài được hiểu là hành vi của công dân Việt Nam lén lút ra nước ngoài mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

b) Trốn ở lại nước ngoài được hiểu là hành vi của công dân Việt Nam được phép ra nước ngoài có thời hạn (như đi công tác. chữa bệnh, lao động,…) nhưng không về Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Các yếu tố cấu thành Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các dấu hiệu sau:

a) Đối với tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Được thể hiện bằng các phương thức, thủ đoạn như: Dùng giấy tờ để giả để vượt các trạm kiểm soát, lén lút vượt biên giới… (với mục đích ra nước ngoài hoạt động chống chính quyền nhân dân).

b) Đối với tội ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Được hiểu là hành vi của công dân Việt Nam đi ra nước ngoài có thời hạn một cách hợp pháp, như được cử đi công tác, học tập, lao động, thăm thân nhân, chữa bệnh,… nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc đã đến thời hạn mà không về Việt Nam theo quy định (với mục đích chống chính quyền nhân dân).

Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời xâm hại đến hoạt động quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của các cơ quan Việt Nam

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân (đe dọa đến sự ổn định chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia làm 03 khung, cụ thể như sau

a) Khung một (khoản 1).

Có mức phạt tù từ 03 đến 12 năm.

a) Khung hai (khoản 2).

Có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm.

a) Khung ba (khoản 3).

Có mức phạt tù từ 01 đến 05 năm (áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội).

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cứ trú 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền