Các yếu tố cấu thành Tội nhận hối lộ tại Bộ luật Hình sự 2015

Nhận hối lộ

Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 279. Tội nhận hối lộ BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội phạm về chức vụ / Các tội phạm về tham nhũng

 

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 

Bình luận Tội nhận hối lộ:

1. Nhận hối lộ là gì?

Nhận hối lộ được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kì lợi ích nào do Bộ luật hình sự quy định dưới bất kì hình thức nào cho mình hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

2. Các yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội nhận hối lộ có các dấu hiệu sau đây:

a) Về hành vi

– Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Được hiểu là sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để thực hiện tội phạm.

– Có hành vi đã nhận hoặc sẽ nhận (nghĩa là tuy nhận nhưng có việc hứa hẹn, thỏa thuận trước việc nhận), tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất khác dưới bất kì hình thức nào (như tiền, vàng, xe gắn máy, quà biếu…).

Việc nhận tiền, tài sản… có thể được thực hiện trực tiếp giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ nhưng cũng có thể qua trung gian (như qua người môi giới, qua bưu điện…).

Việc nhận tiền, tài sản hoặc các lợi ích đó có thể  là cho chính người đó nhưng cũng có thể cho người khác hoặc tổ chức khác.

Lưu ý: Các hành vi nêu trên phải gắn liền với nhau và với điều kiện là:

– Để làm một việc (hành động) vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ (ví dụ: Cán bộ phòng quản lí đô thị nhận hối lộ rồi tiến hành cấp giấy phép xây dựng nhanh hơn…).

– Hoặc để không làm một việc (không hành động) vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ (ví dụ: Cán bộ hải quan nhận hối lộ rồi bỏ qua không lập thủ tục xử phạt người vi phạm hành chính về hải quan…).

– Đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ, thì tội phạm được coi là hoàn thành tính từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ đòi hối lộ và người đưa hối lộ chấp nhận sự đòi hỏi đó. Trường hợp một trong hai bên tỏ thái độ hoặc đưa ra đề nghị đưa hối lộ nhưng một trong hai bên không chấp nhận (từ chối) thì không cấu thành tội nhận hối lộ vì hai bên vẫn chưa có sự thỏa thuận xong về việc đưa và nhận hối lộ.

b) Dấu hiệu khác. Có một trong các dấu hiệu sau đây:

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lí kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Lợi ích phi vật chất.

2.2. Khách thể

Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức khinh tế của nhà nước hoặc tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý và với động cơ vu lợi.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội này có hai nhóm, cụ thể là:

a) Nhóm chủ thể thứ nhất:

Chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị của nhà nước.

b) Nhóm chủ thể thứ hai:

Là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đây là nhóm chủ thể mới được quy định mà trước đây Bộ luật hình sự 1999 chưa quy định.

3. Hình phạt Tội nhận hối lộ

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

c) Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

d) Khung bốn (khoản 4)

Có mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lí theo quy định tại Điều này.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 516 – 518).

 


Các tìm kiếm liên quan đến Tội nhận hối lộ, tội nhận hối lộ 2017, tội nhận hối lộ bị phạt như thế nào, vật chứng tội nhận hối lộ là gì, so sánh tham ô tài sản và nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ, nhận hối lộ 5 triệu đồng, so sánh tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, nhận hối lộ bao nhiêu thì bị truy tố

4/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền