Tội loạn luân quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.
Các nội dung liên quan:
- Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
- Tội tổ chức tảo hôn
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
- Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
- Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Điều 184. Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận Tội loạn luân
Mục lục:
2. Các yếu tố cấu thành tội loạn luân
1. Khái niệm
Loạn luân là hành vi đồng thuận giao cấu giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
2. Các yếu tố cấu thành tội loạn luân
2.1. Khách thể
Khách thể của tội loạn luân là sự phát triển lành mạnh của giống nòi và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đây cũng là một nội dung quan trọng của nguyên tắc hôn nhân tiến bộ Hiến pháp và Luật hôn nhân gia đình.
Các chuyên gia trong giới y học đã chứng minh việc giao cấu giữa những người cận huyến thống dễ dẫn đến nguy cơ sinh ra những đứa trẻ không khỏe mạnh, chậm phát triển, mang dị tật bẩm sinh… Và nguy cơ đó sẽ là đặc biệt cao nếu là kết quả của hành vi giao cấu giữa những người có cùng dòng máu về trực (bao gồm những người có cùng huyết thống , trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau) hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Bên cạnh đó, các gia đình Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng tôn ti trật tự trong gia đình. Hành vi loạn luân sẽ làm đảo lộn trật tự đó và tạo nên sự chồng chéo phức tạp giữa các mối quan hệ trong gia đình và làm hủy hoại thanh danh của gia đình và dòng họ.
2.2. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội loạn luân là hành vi đồng thuận giao cấu giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Trường hợp diễn ra hành vi giao cấu giữa những người nói trên nhưng xuất hiện thêm dấu hiệu của thủ đoạn lừa dối, cưỡng ép hoặc dùng bạo lực để giao cấu thì không cấu thành tội loạn luân mà cấu thành một trong các tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân.
Theo quy định của Điều 184 Bộ luật hình sự, chỉ hành vi đồng thuận giao cấu được thực hiện giữa những người nói trên mới cấu thành tội loạn luân, các hành vi khác như kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng… mà không có dấu hiệu giao cấu thì cũng không cấu thành tội loạn luân, do đó các chủ thể sẽ không bị trừng trị bằng luật hình sự mà chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.
2.3. Mặt chủ quan
Tội loạn luân được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ người kia có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với mình, đồng thời nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội những vẫn mong muốn thực hiện.
Nếu vô ý mà thực hiện hành vi thì không cấu thành tội loạn luân. Một trong hai người miễn cưỡng hoặc bị ép buộc thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của mình thì người cố ý và mong muốn thực hiện hành vi giao cấu cũng không phạm tội loạn luân mà phạm vào một trong các tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội loạn luân là những người có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau. Hành vi nói trên được thực hiện giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa cha mẹ kế với con riêng, giữa cha mẹ với con dâu hoặc rể tuy cũng bị xã hội coi là hành vi “ loạn luân” và bị pháp luật về hôn nhân và gia đình cấm nhưng không phải là loạn luân với tư cách là tội phạm (không cấu thành tội loạn luân) và chủ thể có thể bị xử phạt hành chính chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Về hình phạt
Người phạm tội loạn luân theo quy định tại Điều 184 Bộ luật hình sự thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
(Nội dung được trích từ Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 – TS. Trần Văn Biên và TS. Đinh Thế Hưng, tr 237- 238).
Để lại một phản hồi