Dấu hiệu pháp lý của Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Chuyên mụcLuật hình sự Mang thai hộ vì mục đích thương mại

Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình

 

Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình luận tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Mục lục:

1. Khái niệm

2. Dấu hiệu pháp lý của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

3. Về hình phạt

Mang thai hộ vì mục đích thương mại

1. Khái niệm

1.1. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

1.2. Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi tổ chức cho người phụ nữ mang thai hộ người khác bằng phương pháp áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản nhằm mục đích hướng lợi về kinh tế hoặc mục đích khác.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

2.1. Khách thể

Khách thể của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là chế độ quản lý nhà nước trong việc áp dụng kỹ thuật sinh sản để người phụ nữ mang thai hộ cho cặp vợ chồng gặp khó khăn về vấn đề này. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý của mình đối với việc mang thai hộ là nhằm mục đích bảo vệ tính nhân đạo của các quy định pháp luật cho phép mang thai hộ, đồng thời chống lại hiện tượng lạm dụng cơ thể người phụ nữ để thực hiện việc mang thai hộ với mục đích thương mại.

2.2. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là tổng hợp những hành vi khác như chủ trì, dàn xếp, thương lượng, lên kế hoạch hoặc giúp đỡ hai bên cung, cầu gặp nhau, tạo các kiểu thuận lợi về vật chất hoặc tinh thần để tiến hành việc mang thai hộ.

Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Việc mang thai hộ đã được thực hiện thành công  hay chưa hay chủ thể đã đạt được mục đích thương mại hay chưa không đóng vai trò quyết định trong việc tội danh mà chỉ có ý nghĩa trong việc xác định rõ trách nhiệm hình sự khi Tòa án quyết định hình phạt.

2.3. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và mong muốn thực hiện hành vi đó nhằm được hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Theo đó, chỉ khi nào người tổ chức mang thai hộ có mục đích thương mại thì mới phạm tội này. Mục đích thương mại được hiểu là mục đích đạt được lợi ích vật chất (lợi ích về kinh tế) hoặc lợi ích khác.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là những người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.

3. Về hình phạt của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Người phạm tội theo quy định của khoản 1 Điều 187 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; phạm tội đối với 02 người trở lên hoặc phạm tội từ 02 lần trở lên hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để phạm tội hoặc phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định của khoản 2 Điều 187 Bộ luật hình sự.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 187 như: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 – TS.Trần Văn Biên và TS.Đinh Thế Hưng, tr 241 – 242).

5/5 - (27310 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền