Thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và giải thích pháp luật

Luật

Khái niệm, đặc điểm, các hình thức và các giai đoạn thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật, áp dụng pháp luật tương tự và giải thích pháp luật.

 

Những nội dung liên quan:

 

Thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và giải thích pháp luật

Mục lục:

I. Thực hiện pháp luật

  1. Khái niệm thực hiện pháp luật
  2. Đặc điểm quá trình thực hiện pháp luật
  3. Các hình thức thực hiện pháp luật

II. Áp dụng pháp luật

  1. Khái niệm áp dụng pháp luật
  2. Các trường hợp cần áp dụng pháp luật
  3. Các giai đoạn áp dụng pháp luật (4 giai đoạn)

III. Áp dụng pháp luật tương tự

  1. Khái niệm áp dụng pháp luật tương tự
  2. Các hình thức áp dụng pháp luật tương tự

IV. Giải thích pháp luật

  1. Khái niệm giải thích pháp luật
  2. Chủ thể giải thích pháp luật
  3. Hình thức giải thích pháp luật
  4. Phương pháp giải thích pháp luật
  5. Nguyên tắc của giải thích pháp luật

Áp dụng pháp luật

I. Thực hiện pháp luật

1. Khái niệm thực hiện pháp luật

* Quá trình thực hiện pháp luật là một hoạt động vừa mang tính khách vừa mang tính chủ của đời sống pháp lý.

  • Tính khách quan: nó là nhu cầu tự thân các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.
  • Tính chủ quan: việc chủ thể quyết định toàn bộ quá trình, phương thức thực hiện pháp luật dựa trên sự tự do ý chí của chính chủ thể.

=> Định nghĩa: Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích, định hướng nhằm thực hiện hóa nội dung các quy định pháp luật bằng hành vi hợp pháp của các chủ thể.

2. Đặc điểm quá trình thực hiện pháp luật

  • Thực hiện pháp luật bằng hành vi: hành vi là phương thức tồn tại của con người, được hình thành trên cơ sở nhận thức và được biểu hiện bằng hành động hoặc không hành động trên thực tế. Coi thực hiện pháp luật bằng hành vi vì như vậy mới có cơ sở để gắn với chế độ trách nhiệm, trách nhiệm pháp lý của chủ thể.
  • Thực hiện pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật: thực hiện pháp luật trước hết và cơ bản là thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý được pháp luật quy định đối với chủ thể. Việc thực hiện pháp luật trên từng lĩnh vực của đời sống pháp lý là khác nhau.
    => Pháp luật cần đưa ra yêu cầu cho từng lĩnh vực: về nhận thức với nội dung pháp luật, về thời hạn, an ninh xã hội…
  • Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích cụ thể: mục đích thực hiện pháp luật của chủ thể là phạm trù mang tính cơ quan và tùy thuộc từng lĩnh vực, hình thức thực hiện pháp luật mà mục đích không giống nhau, có tính rõ ràng đảm bảo thực hiện pháp luật có tác dụng lâu dài.|
    => Mục đích trước hết: đáp ứng nhu cầu của các chủ thể.
  • Thực hiện pháp luật thông qua quan hệ pháp luật: quan hệ pháp luật là sản phẩm của việc thực hiện pháp luật và ngược lại quan hệ pháp luật là môi trường, điều kiện cần thiết cho quá trình thực hiện pháp luật.
  • Quá trình thực hiện pháp luật được đảm bảo bằng các biện pháp của Nhà nước: vì pháp luật là sản phẩm của Nhà nước tạo nên. Trong xã hội, pháp luật thể hiện ý chí số đông Nhân dân lao động.
    => việc pháp luật được tôn trọng và thực thi nghiêm minh là yêu cầu khách quan đặt ra từ chính đời sống xã hội, từ sự mong muốn của Nhà nước cũng như nguyện vọng chung của đa số Nhân dân lao động.

    • Chính sự đảm bảo của Nhà nước mới làm cho pháp luật có môi trường thực thi bình đẳng, công bằng về quyền, nhiệm vụ pháp lý.
    • Việc đảm bảo có thể là đbảo chung (đảm bảo pháp lý,tổ chức, xã hội) hoặc xuất phát từ đặc tính các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh hoặc tùy vào chủ thể chịu sự tác động của pháp luật mà Nhà nước đưa ra biện pháp phù hợp.

3. Các hình thức thực hiện pháp luật

  • Tuân thủ pháp luật: có nội dung là các chủ thể đã thực hiện các hành vi hợp pháp đúng theo yêu cầu của pháp luật.
  • Thi hành pháp luật: hình thức các chủ thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý được pháp luật đòi hỏi thực hiện.
  • Sử dụng pháp luật: hình thức các chủ thể thực hiện quyền pháp lý của mình theo quy định của pháp luật.
  • Áp dụng pháp luật: hình thức các chủ thể có thẩm quyền đưa ra các quyết định cá biệt để giải quyết các sự kiện pháp lý cụ thể trong đời sống pháp lý.

II. Áp dụng pháp luật

1. Khái niệm áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành để đưa ra quyết định có tính cá biệt nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội theo mục tiêu cụ thể và cũng là một hình thức pháp luật nên mang đầy đủ  các đặc điểm của hoạt động pháp luật nói chung đồng thời có những đặc điểm riêng:

Quy phạm pháp luật

  • Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước: vì pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện. Nhờ có sự đảm bảo của Nhà nước mà pháp luật có sức mạnh bắt buộc đối với mọi chủ thể liên quan.  Quá trình áp dụng pháp luật là sử dụng quyền lực Nhà nước, nhân danh Nhà nước giải quyết các vụ việc trên thực tế. Thực chất là quá trình đảm bảo cho quyền lực Nhà nước có hiệu lực trên thực tế đối với chủ thể trong điện kiện cụ thể.
  • Áp dụng pháp luật chỉ được tiến hành bởi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật: pháp luật quy định rõ thẩm quyền, điều kiện áp dụng luật trong từng lĩnh vực để tránh sự tùy tiện, vượt rào pháp luật trên thực tế.
  • Áp dụng pháp luật thể hiện ý chí Nhà nước: quá trình này có thể mang tính đơn phương ý chí Nhà nước hoặc cũng có thể Nhà nước thừa nhận ý chí của các chủ thể có liên quan.
  • Áp dụng pháp luật có điều kiện, quy trình, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ: tùy vào từng lĩnh vực mà trình tự, thủ tục được xác lập cho phù hợp. Các quy trình có thể là đầy đủ hoặc rút gọn theo quy định của pháp luật.
  • Áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt:
    • Áp dụng pháp luật là phương thức chuyển hóa những quy định chung được nêu ra trong các quy phạm pháp luật thành những quy định riêng hay là những quy tắc xử sự cụ thể.
    • Về phía chủ thể, nhờ có Áp dụng pháp luật mới xác định được giới hạn pháp lý cần thiết cả về nội dung của quyền, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm pháp lý có liên quan khi tham gia quan hệ pháp luật.
    • Áp dụng pháp luật làm rõ khía cạnh đòi hỏi cụ thể về mặt hình thức, thủ tục đối với việc thực hiện nội dung cơ bản đó.
  • => Áp dụng pháp luật là hoạt động cần được chi tiết hóa chính xác, tỉ mỉ về những yêu cầu sát thực với điều kiện mà các quy phạm đó tồn tại, sát thực với chủ thể liên quan.
  • Áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao của các chủ thể có thẩm quyền: Áp dụng pháp luật là quá trình thực hiện pháp luật được hình thành trên cơ sở nhận thức. Các chủ thể có thẩm quyền phân tích đánh giá các tình huống có thể xảy ra => không được thụ động, máy móc (sáng tạo chủ yếu về kỹ thuật, tổ chức chứ không phải về nội dung).

2. Các trường hợp cần áp dụng pháp luật

  • Khi quyền, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh mặc dù đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực quan hệ xã hội đó.
  • Khi có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ pháp lý mà các bên liên quan không thể giải quyết được.
  • Khi Nhà nước cần phải áp dụng một biện pháp bắt buộc nhằm đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, xã hội.
  • Khi Nhà nước thấy cần ngăn chặn hành vi trái pháp luật xảy ra có thể gây nguy hiểm đối với xã hội.
  • Khi cần truy cứu trách nhiệm pháp lý với chủ thể vi phạm pháp luật.
  • Khi Nhà nước thấy cần khen thưởng về một thành tích nào đó đối với chủ thể có liên quan.
  • Khi cần xác định một hành vi, một kết quả hoạt động hoặc một mối quan hệ xã hội nào đó là hợp hoặc bất hợp pháp.
  • Khi cần thực hiện quan hệ đối ngoại với các quốc gia, dân tộc khác trên một số lĩnh vực các bên cũng quan tâm.

3. Các giai đoạn áp dụng pháp luật (4 giai đoạn)

3.1. Phân tích đánh giá nội dung, điều kiện hoàn cảnh sự kiện thực tế cần áp dụng pháp luật: giai đoạn khởi đầu có tính chất bản lề. Trước hết cần xác định đúng nội dung, đối tượng, bản chất pháp lý của sự kiến thực tế đó. Nếu cần áp dụng pháp luật thì làm rõ chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết sự việc đó. Tiếp theo chuẩn bị về mặt tổ chức, nhân sự, kỹ thuật…; xác định thuận lợi khó khăn è nhìn chung hướng đến sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian, đạt hiệu quả cao nhất.

3.2. Lựa chọn quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các quyết định áp dụng pháp luật: về nguyên tắc, phải chọn quy phạm pháp luật còn hiệu lực và sát thực với nội dung sự kiện. Tiếp đó phân tích nội dung quy phạm đã lựa chọn. Trên thực tế, việc lựa chọn quy phạm có thể xảy ra các khả năng như sau:

  • Có một quy phạm pháp luật đáp ứng đủ yêu cầu => thuận lợi.
  • Có 2 hay nhiều quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh quan hệ đó nhưng cách giải quyết khác nhau => trường hợp xung đột pháp luật è lựa chọn quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và được ban hành sau
  • Không có quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật với sự kiện đó: áp dụg pháp luật tương tự.

3.3. Đưa ra quyết định Áp dụng pháp luật: giai đoạn phản ánh kết quả thực tế quá trình áp dụng pháp luật. Về bản chất, đây là giai đoạn chuyển hóa những quy định chung được nêu trong quy phạm pháp luật thành quyết định cụ thể, cá biệt. Sự phù hợp của quyết định được xem xét ở 2 khía cạnh pháp lý và thực tế.

* Văn bản áp dụng pháp luật: những văn bản do cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành theo một trình tự, thủ tục, tên gọi luật định, chứa đựng quy tắc xử sự cá biệt, cụ thể và được thực hiện một lần trong đời sống pháp lý.

  • Do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành
  • Trình tự, thủ tục, hình thức, tên gọi văn bản áp dụng pháp luật được pháp luật quy định
  • Chứa đựng quy tắc xử sự cá biệt, cụ thể
  • Được thực hiện một lần đối với chủ thể có liên quan
  • Được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp Nhà nước

3.4. Tổ chức thực hiện quyết định Áp dụng pháp luật trên thực tế: giai đoạn cuối. Cần tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyết định Áp dụng pháp luật với các chủ thể liên quan để đảm bảo hiệu lực của nó trên thực tế.

III. Áp dụng pháp luật tương tự

1. Khái niệm áp dụng pháp luật tương tự

* Nguyên nhân đem lại tình trạng có một quan hệ xã hội nào đó không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh:

  • Về mặt khách quan, trước hết do quan hệ xã hội mới hình thành nhưng lại chưa được phát hiện sớm cho nên việc nhận thức xây dựng pháp luật không đáp ứng kịp. Mặt khác do chính quan hệ xã hội biến đổi một cách nhanh chóng làm các quy phạm pháp luật đã có thể điều chỉnh quan hệ đó bị lạc hậu.
  • Về mặt chủ quan, do tư tưởng cầu toàn chờ quan hệ xã hội chín muồi mới xây dựng pháp luật nên dẫn đến quan hệ đó vận động tùy tiện và lệch hướng. Hoặc cũng có thể do nóng vội trong điều chỉnh pháp luật nên sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong khi quan hệ xã hội đó chưa ổn định đã làm cho các văn bản ban hành bất cập, lỗi thời.

=> Định nghĩa: Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền nhằm giải quyết các vụ việc xảy ra trên thực tế mà không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh quan hệ xã hội đó.

=> Thực chất là khắc phục lỗ hổng trong pháp luật nên chỉ mang tính tạm thời và hết sức hạn chế. Để đảm bảo tính khách quan, đúng đắn của quá trình áp dụng pháp luật tương tự đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh thực tế và có sự hiểu biết sâu về pháp luật và khoa học pháp lý.

2. Các hình thức áp dụng pháp luật tương tự

2.1. Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật: dựa trên một quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội khác có nội dung tương tự. Điều kiện:

  • Phải khẳng định chính xác trong hệ thống pháp luật chưa có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh quan hệ xã hội đang xảy ra.
  • Phải tìm được quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội có nội dung tương tự như quan hệ xã hội đang cần điều chỉnh.
  • Phải làm sáng tỏ được nhu cầu thực tế cần giải quyết sự việc đó là thiết thực và có lợi ích với cộng đồng.

2.2. Áp dụng tương tự pháp luật: dựa trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật, pháp chế và ý thức pháp luật. Điều kiện như trên.

IV. Giải thích pháp luật

1. Khái niệm giải thích pháp luật

Pháp luật muốn được thực thi cần được nhận thức đầy đủ và chính xác. Do đó mục đích của giải thích pháp luật là làm sáng tỏ về mặt nội dung, quy trình thủ tục pháp lý để quá trình thực hiện pháp luật được thống nhất, đúng đắn và hợp pháp.hơn nữa do hệ thống các loại văn bản quy phạm pháp luật là rất nhiều nên khả năng thiếu thống nhất nhận thức về các quy định pháp luật là khó tránh khỏi.

Giải thích pháp luật

=> Định nghĩa: Giải thích pháp luật là hoạt động làm sáng tỏ nội dung các quy phạm pháp luật hoặc các sự kiện pháp lý cá biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất về nhận thức và thực thi pháp luật trên thực tế.

2. Chủ thể giải thích pháp luật

Việc xác định chủ thể giải thích pháp luật phụ thuộc vào các hình thức giải thích pháp luật.

  • Với hình thức giải thích pháp luật chính thức: chỉ có cơ quan Nhà nước hoặc… có quyền hoặc được trao quyền mới được tiến hành hoạt động này. Về nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều có quyền giải thích văn bản do chính mình ban hành ra. Thực tế, có chủ thể ủy quyền cho người khác giải thích.
  • Với hình thức giải thích pháp luật không chính thức: bất kì chủ thể nào cũng có thể thực hiện nhưng phải có sự hiểu biết pháp luật sâu sắc và có trình độ nhất định.

3. Hình thức giải thích pháp luật

Phụ thuộc vào nhiều yếu tổ như chủ thể, nội dung và yêu cầu của từng vấn đề đặt ra dựa vào phương thức thể hiện: giải thích bằng lời nói(văn nói) và văn bản (văn viết) dựa vào chủ thể tiến hành và giá trị văn bản giải thích: chính thức và không chính thức.

3.1. Giải thích chính thức: là hoạt độg của các chủ thể nhân danh Nhà nước để làm sáng tỏ về nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật hoặc một sự kiện pháp lý cụ thể nhằm đảo bảo cho quá trình nhận thức, thực thi pháp luật thống nhất và hiệu quả. Việc được pháp luật quy định và sự đảm bảo của Nhà nước làm cho loại giải thích này mang tính bắt buộc và hiệu lực pháp lý

  • Do các cơ quan Nhà nước hoặc…tiến hành. Về nguyên tắc (như trên) . Về hình thức, giải thích chính thức có thể là giải thích mang tính quy phạm hoặc tính cá biệt cụ thể.
    • Tính quy phạm: hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân được trao quyền là ban hành ra một văn bản luật nhằm hướng dẫn, giải thích cho một văn bản quy phạm pháp luật khác.
    • Tính cá biệt: …..trao quyền là làm sáng tỏ một nội dung, sự kiện pháp lý nào đó thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ thể đó.
  • Trình tự thủ tục giải thích chính thức do pháp luật quy định. Đây là hoạt động nhân danh Nhà nước, có tính pháp lý.
  • Kết quả việc giải thích có hiệu lực và giá trị pháp lý.

3.2. Giải thích không chính thức: là hoạt động không nhân danh Nhà nước, được tiến hành bởi bất kì cá nhân, tổ chức nào và vì những mục đích khác nhau. Đặc điểm cơ bản:

  • Được tiến hành bởi bất kì loại chủ thể nào è thực hiện một phần quyền tự do ngôn luận của các chủ thể được pháp luật ghi nhận và đảm bảo. Về ND, không mang tính quy phạm. Trên thực tế, không có sự đồng nhất giữa các chủ thể.
  • Hoàn toàn không nhân danh Nhà nước: không mag tính bắt buộc, không hàm chứa quyền lực Nhà nước.
  • Hoạt động này và kết quả của nó hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý bắt buộc.

4. Phương pháp giải thích pháp luật

  • Phương pháp lôgíc: đặc trưng là xem xét mối liên hệ, sự tương tác, kết cấu về nội dung của các vấn đề thuộc đối tượng giải thích, nhằm chỉ ra những mâu thuẫn, sự phủ định lẫn nhau hoặc khẳng định về tính hợp lý về các vấn đề đó.
  • Phương pháp giải thích chính trị lịch sử: nhằm làm sáng tỏ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử thực tế mà các quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc một sự kiện pháp lý đã xuất hiện.
  • Phương pháp giải thích ngôn ngữ, văn phạm: để giải thích về các quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.
  • Phương pháp giải thích, so sánh, đối chiếu: nhằm kiến giải về mức độ tương đồng, khác biệt đối với quy định pháp luật hoặc các cách điều chỉnh, giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau.
  • Phương pháp giải thích hệ thống: làm sáng tỏ nội dung, nhiệm vụ của quy phạm đó trong mối tương quan với quy phạm khác của quá trình điều chỉnh pháp luật.

5. Nguyên tắc của giải thích pháp luật

  • Nguyên tắc khách quan trung thực: giải thích pháp luật không là hoạt động lập pháp mà nó hỗ trợ cho quá trình lập pháp để các văn bản quy phạm pháp luật được có hiệu lực trên thực tế. Việc giải thích phải xuất phát từ yêu cầu chung; cần tôn trọng nội dung của các quy phạm pháp luật hoặc các sự kiện cá biệt với tính cách là đối tượng cần giải thích.
  • Nguyên tắc pháp chế: tôn trọng tính tối cao của hiến pháp về mặt nội dung, hình thức đối với các văn bản quy phạm pháp luật được giải thích và các văn bản giải thích. Cần đảm bảo sự tương thích giữa quy định của hiến pháp với văn bản được giải thích và văn bản giải thích. Điều này đòi hỏi việc đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và yêu cầu về hình thức là hết sức quan trọng đòi hỏi cả việc từ chối không giải thích khi có yêu cầu cũng phải đưa ra cơ sở pháp lý của việc từ chối đó và trả lời cụ thể bằng văn bản.
5/5 - (10861 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

Phản hồi