Thu thập chứng cứ của Luật sư và Tòa án – Quy định và vướng mắc

Chứng cứ

Bài viết phân tích nội dung quy định việc thu thập chứng cứ của hai chủ thể, một là người tham gia tố tụng là Luật sư và chủ thể cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án theo quy định của BLTTHS 2015 – bất cập, khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án [1]. Trong việc giải quyết vụ án hình sự, chứng cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến việc chứng minh có tội hay không có tội của một cá nhân, pháp nhân thương mại. Việc thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh, là tiền đề để diễn ra các hoạt động tố tụng tiếp theo. Nếu không có thu thập chứng cứ thì không có việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự.

Theo quy định tại Điều 88 BLTTHS 2015 thì việc thu thập chứng cứ không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà còn được thực hiện bởi chủ thể là luật sư trong vai trò tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.

1. Thu thập chứng cứ của Luật sư và Tòa án theo quy định của BLTTHS 2015

1.1. Thu thập chứng cứ của Luật sư

Trước đây, theo quy định tại BLTTHS 2003 thì chủ thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án [2]. Đây là những cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, các cơ quan này phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Như vậy, có thể thấy được điểm bất hợp lý trong quy định của BLTTHS 2003 khi Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội “có vị trí ngang hàng” với cơ quan buộc tội nhưng lại không được coi trọng, không được thừa nhận một cách trực tiếp là chủ thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ, việc thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định trước đây chỉ được quy định một cách gián tiếp là việc “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Để hạn chế rào cản này trong việc thu thập chứng cứ của Luật sư, khoản 2 Điều 88 BLTTHS 2015 đã bổ sung quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”. Điều đó đồng nghĩa, lần đầu tiên tố tụng hình sự Việt Nam đã trực tiếp thừa nhận “Luật sư là chủ thể có quyền thu thập chứng cứ” trong quá trình thực hiện hoạt động gỡ tội cho thân chủ của mình. Đây là một quy định rất tiến bộ, thể hiện sự đổi mới trong tư duy lập pháp khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Luật sư trong việc góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Trong tố tụng hình sự, việc thu thập chứng cứ của luật sư được chủ động thực hiện thông qua các hoạt động sau:

– Luật sư có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, để nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án: Lời trình bày của người bị buộc tội, bị can, bị cáo là chứng cứ quan trọng được sử dụng trong vụ án hình sự, bởi họ là những người trực tiếp nắm giữ những thông tin quan trọng. Những lời trình bày, khai nhận tự nguyện trung thực, khách quan góp phần quan trọng làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Bên cạnh các chứng cứ là biên bản ghi lời khai được tiến hành do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, thì Luật sư được quyền gặp người mà mình bào chữa để nghe họ trình bày, xác minh tính xác thực trong các biên bản ghi lời khai do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Vấn đề đặt ra ở trường hợp này là hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư.

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, liên quan đến việc bào chữa: Bên cạnh việc trực tiếp, độc lập tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ, BLTTHS 2015 còn ghi nhận quyền của Luật sư trong việc tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng. Sự có mặt của luật sư khi người tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan, đúng trình tự, thủ tục của người tiến hành tố tụng hoặc trấn an tinh thần của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Các hoạt động này được thể hiện ở việc:

– Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

– Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS;

– Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

– Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

– Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

– Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

– Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

1.2. Thu thập chứng cứ của Tòa án

Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của BLTTHS; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Như đã khẳng định bên trên, Tòa án cũng là chủ thể tiến hành thu thập chứng cứ, tuy nhiên khác với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thì Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án là người trọng tài, điều hành, xem xét, đánh giá và quyết định việc có tội hay không có tội của một chủ thể. Do đó hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án có những nét đặc thù riêng; trước đây BLTTHS 2003 mặc dù khẳng định là chủ thể của hoạt động thu thập chứng cứ nhưng không có điều luật cụ thể hóa các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án, dẫn đến việc mặc dù được ghi nhận là quyền nhưng các Tòa án lúng túng không biết thực hiện phạm vi quyền của mình như thế nào, dẫn đến quy định của luật chỉ dừng lại ở mức hình thức và thiếu tính khả thi trong việc áp dụng.

Để tháo gỡ khó khăn này, BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án ở Điều 252, Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ bằng các hoạt động:

– Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
– Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;
– Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
– Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của BLTTHS; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản.

2. Một số bất cập, khó khăn trong thực tiễn áp dụng

BLTTHS 2015 có nhiều quy định sửa đổi bổ sung đã phần nào khắc phục những hạn chế bất cập mà BLTTHS 2003 để lại, bên cạnh những quy định mới tiến bộ, vẫn còn một số quy định bộc lộ những bất cập khó khăn trong quá trình thực tiễn áp dụng, cụ thể:

* Việc thu thập chứng cứ của Luật sư:

Việc thừa nhận là chủ thể thực hiện việc thu thập chứng cứ của Luật sư, tuy nhiên thực tiễn áp dụng có thể thấy việc thu thập chứng cứ độc lập của Luật sư vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, có thể kể đến:

– Khoản 4 Điều 88 BLTTHS quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, sau khi thu thập được tài liệu, đồ vật… thì việc đánh giá xem đó có phải là chứng cứ hay không và việc quyết định có sử dụng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tiến hành tố tụng. Một bên gỡ tội thực hiện thu thập các chứng cứ gỡ tội, khi thu thập được lại phải kịp thời giao nộp [3] cho bên buộc tội (cơ quan tiến hành tố tụng – Viện kiểm sát); dẫn đến sự thiếu khách quan, trong nhiều trường hợp khi giao nộp những chứng cứ quan trọng sẽ bị vô hiệu hóa làm sai lệch dẫn đến giá trị chứng minh không còn; nên thực tiễn khi thu thập được chứng cứ quan trọng, quyết định việc có tội hay không có tội của bị can, bị cáo thì thông thường luật sư sẽ không tiến hành giao nộp ngay mà chỉ đợi đến khi phiên tòa được mở, thậm chí đến phần tranh luận mới xuất trình, gây khó khăn trong quá trình xem xét đánh giá chứng cứ của Tòa án.

– Họat động thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa: Quy định này rất hình thức bởi thực tiễn, rất hiếm trường hợp Luật sư đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cơ quan, tổ chức Nhà nước cung cấp được các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Khi nhận được sự bất hợp tác của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp các tài liệu, đồ vật thì Luật sư lại phải quay sang “đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng” thu thập [4]. Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư vẫn trở lại bằng việc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập; việc xem xét có tiến hành theo đề nghị của Luật sư hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng trong việc đánh giá xem Luật sư đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể thu thập chứng cứ được hay chưa.

Nhận xét chung về quy định việc Luật sư thu thập chứng cứ: Mặc dù đã có nhiều quy định mới được sửa đổi bổ sung góp phần nâng cao vị trí của luật sư trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư vẫn vô cùng khó khăn, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện. Trong thời gian tới, cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết để các quy định này được thực hiện một cách nghiêm túc.

* Việc thu thập chứng cứ của Tòa án:

– Quy định về thu thập chứng cứ vẫn mang tính cảm tính, tại Điều 88 BLTTHS 2015 vẫn gộp thuật ngữ cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ và Điều 13 BLTTHS trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Việc gộp chung cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm cả Tòa án là không hợp lý bởi Tòa án vừa là cơ quan tiến hành xét xử vừa là cơ quan tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm đồng nghĩa với việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ảnh hưởng đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự, đồng thời không thể hiện rõ chức năng xét xử của Tòa án.

* Về Điều 252 BLTTHS 2015:

– Cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án, phải chăng trong mọi trường hợp Tòa án tự mình thu thập chứng cứ hay là phải theo khoản 6 Điều 252 BLTTHS là phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nếu Viện Kiếm sát không làm thì Tòa án mới được tự mình thu thập chứng cứ. Bởi khoản 6 Điều 252 BLTTHS 2015 hiện nay có nhiều quan điểm áp dụng khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là độc lập không phụ thuộc vào việc Tòa án đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát hay chưa. Xuất phát từ Điều 88 quy định các chủ thể tiến hành việc thu thập chứng cứ, theo đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ, việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Quan điểm thứ hai: Tòa án chỉ được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được. Như vậy điều kiện tiên quyết trước khi tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung và Viện kiểm sát không bổ sung được chứng cứ mà Tòa án yêu cầu thì Tòa án mới được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ (tác giả đồng tình với quan điểm này).

Việc nhiều người hiểu theo quan điểm thứ nhất là do cách thiết kế sai lầm nghiêm trọng của nhà làm luật; nghiên cứu kỹ Điều 252 BLTTHS 2015 ta thấy rõ mở đầu Điều luật, nhà làm luật dẫn chiếu nội dung bằng cụm từ: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động”, tiếp theo lời dẫn chiếu là 6 khoản nằm trong nội dung thể hiện hoạt động trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án. Tuy nhiên, nội dung tại khoản 1- 5 điều luật là đồng nhất thể hiện trùng khớp với nội dung dẫn chiếu mở đầu của Tòa án. Nhưng đến khoản 6 là nội dung hoàn toàn riêng biệt, nó thể hiện điều kiện thực hiện các hoạt động trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Như vậy, nội hàm Điều 252 BLTTHS 2015 bao hàm 02 nội dung chính nên việc xây dựng Điều luật gồm 6 khoản thể hiện 01 nội dung chính là không chính xác.

Theo quan điểm tác giả, Điều 252 BLTTHS 2015 phải được sửa đổi lại phù hợp với nội hàm điều luật là:

“Điều 252. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

1. Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:
a) Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
c) Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;
d) Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
đ) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;

2. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.

Nhận xét chung về quy định việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ: Việc quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ cho Tòa án đang làm khó cho Tòa án. Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như vậy chức năng chính của Tòa án là xét xử, giải quyết các loại vụ việc. Thẩm phán người tiến hành tố tụng là người được đào tạo nghiệp vụ chính là xét xử, và không có nghiệp vụ điều tra, vậy việc đặt quy định Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ liệu có tính khả thi. Khi quy định thẩm quyền này khó mà thực hiện được, nếu thực hiện được cũng chỉ là những hoạt động thu thập đơn giản. Đặt ngược lại vấn đề, vậy những vấn đề đơn giản như vậy tại sao Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra lại không thực hiện được mà phải chờ đến Tòa án thực hiện? Đó là những vấn đề chờ sự giải thích, hướng dẫn một cách thỏa đáng của các cơ quan có thẩm quyền.

NGUYỄN XUÂN BÌNH ( TAND tỉnh Bắc Ninh)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).


1.Xem Điều 86 BLTTHS 2015
2.Xem điều 65 BLTTHS 2003
3.Xem khoản 2 Điều 81 BLTTHS 2015
4.Khoản 3 Điều 81 BLTTHS 2015

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền