Xác định thế nào là Tòa án “triệu tập hợp lệ” đương sự

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự, Thảo luận pháp luật Đương sự

TS. ĐẶNG THANH HOA (Giảng viên Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh) – Tạp chí Tòa án điện tử ngày 16/01/2021, các tác giả Phan Thanh Hải & ThS Trương Huỳnh Hải có bài về việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Bài viết dưới đây tiếp cận theo hướng phải có hướng dẫn thống nhất để xác định đúng, chính xác như thế nào là Tòa án “triệu tập hợp lệ” đương sự.

Xác định thế nào là Tòa án “triệu tập hợp lệ” đương sự

Hai tác giả trong bài viết cho rằng Tòa án xem việc nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai như trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, lập biên bản không tiến hành hòa giải được và tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó thông báo kết quả phiên họp cho nguyên đơn và tiến hành các bước tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

1. Pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng dân sự nói riêng không có định nghĩa riêng biệt đối với thuật ngữ “triệu tập”[1] và “triệu tập hợp lệ”

Tìm hiểu quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành để xác định những hoạt động nào của Tòa án cần phải triệu tập và khi đó đương sự phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án hay không người viết nhận thấy việc triệu tập của Tòa án là khá phong phú về thời điểm tố tụng (bao gồm cả thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm…); cũng như chủ thể được triệu tập (bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự và cả những người tham gia tố tụng khác). Tuy nhiên, quy định hoạt động tố tụng nào Tòa án (Thẩm phán) có quyền hạn triệu tập lại là vấn đề hiện đang còn tranh cãi. Đồng thời, vì còn tranh cãi trong việc xác định hoạt động tố tụng nào Tòa án có quyền triệu tập đã làm ảnh hưởng đến việc xác định Tòa án đã thực hiện việc “triệu tập hợp lệ” hay không. Nói cách khác, nếu Tòa án triệu tập đối với những hoạt động tố tụng không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì đây chính là một trong những trường hợp xác định Tòa án đã thực hiện việc triệu tập không hợp lệ.

Nghiên cứu một số quy định về việc Tòa án triệu tập các chủ thể nói chung và đương sự trong vụ án dân sự nói riêng cho thấy có một vấn đề còn tồn tại là xác định hoạt động tố tụng nào Tòa án có quyền “triệu tập”.

Pháp luật tố tụng dân sự quy định chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập đương sự chính là Thẩm phán khi được Chánh án Tòa án phân công (khoản 9 Điều 48 BLTTDS). Thẩm phán chỉ triệu tập người tham gia “phiên tòa, phiên họp”.

Thế nhưng khi quy định các hoạt động mà chủ thể được Tòa án triệu tập phải có mặt theo giấy triệu tập lại không thống nhất như quy định đối với nhiệm vụ quyền hạn triệu tập của Thẩm phán như đã nêu trên là chỉ đối với phiên tòa, phiên họp. Chẳng hạn, đối với quy định người làm chứng phải có mặt “tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp” theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc “lấy lời khai” của người làm chứng phải thực hiện công khai “tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp” (khoản 8 Điều 78 BLTTDS). Như vậy với cụm từ “tại Tòa án” bên cạnh hai cụm từ “tại phiên tòa, phiên họp” cho thấy việc “triệu tập” của Tòa án còn có thể thực hiện đối với hoạt động lấy lời khai đối với người làm chứng tại Tòa án chứ không phải chỉ có việc Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp. Quy định này cũng đã được cụ thể hóa bằng Mẫu số 13-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán TÀDTC) quy định về Mẫu Giấy triệu tập người làm chứng càng có cơ sở để cho rằng việc triệu tập có thể cho các hoạt động khác diễn ra ngoài phiên tòa, phiên họp chứ không nhất thiết chỉ triệu tập cho hoạt động tố tụng diễn ra tại phiên tòa, phiên họp.

2. Thực tiễn Tòa án áp dụng quy định về triệu tập đương sự

Khảo sát thực tiễn cho thấy các Tòa án cho đến nay vẫn phổ biến triệu tập các chủ thể dưới hình thức “Giấy triệu tập” để tham gia khá nhiều nội dung khác nhau như: triệu tập để giải quyết vụ án, triệu tập để lấy lời khai, triệu tập để tham gia phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải… Tuy nhiên, do hiện nay chưa có mẫu Giấy triệu tập thống nhất dùng cho đương sự nên mỗi Tòa án vẫn đang sử dụng theo các mẫu tùy nghi của mình hoặc thiết kế mẫu tương tự như Mẫu số 13 dùng cho việc triệu tập người làm chứng.

Như vậy, thực tiễn Tòa án áp dụng triệu tập như trên đối với đương sự có phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự hay không? Hiện vẫn còn có cách hiểu khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất. Thẩm phán chỉ thực hiện việc triệu tập đương sự đối với việc tham gia phiên tòa (xét xử vụ án dân sự) / phiên họp (giải quyết việc dân sự). Ngoài ra, các hoạt động tố tụng khác thì Thẩm phán không có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập đương sự (trong đó kể cả các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cập, công khai chứng cứ và hòa giải hay các hoạt động khác như lấy lời khai, hoặc lấy lý do triệu tập chỉ để giải quyết vụ án dân sự…).

Quan điểm này có thể dựa vào các cơ sở luận giải sau:

(i) Xuất phát từ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tại khoản 9 Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ nêu triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp;

(ii) Tòa án không có cơ sở để triệu tập đương sự đến để lấy lời khai như người làm chứng vì có sự khác biệt giữa đương sự với người làm chứng trong việc quy định quyền, nghĩa vụ của người làm chứng. Theo đó, pháp luật tố tụng dân sự quy định người làm chứng phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp (khoản 8 Điều 78 BLTTDS). Nghĩa là, chỉ có chủ thể là người làm chứng mới có việc có thể triệu tập họ tại Tòa án chứ không phải chỉ được triệu tập tại phiên tòa, phiên họp như đương sự và các chủ thể khác. Thêm vào đó, quy định triệu tập người làm chứng ngoài phiên tòa, phiên họp tại Tòa án cũng chỉ áp dụng cho thủ tục giải quyết việc dân sự chứ không áp dụng cho việc giải quyết vụ án dân sự vì Mẫu số 13 chỉ áp dụng cho giải quyết việc dân sự;

(iii) Đối với phiên họp mà Tòa án phải triệu tập chỉ có thể là phiên họp giải quyết việc dân sự. Vì đối với phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cập, công khai chứng cứ và hòa giải Tòa án chỉ gửi Thông báo cho đương sự theo Mẫu số 31-DS và 32-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Nói cách khác, đối với phiên họp này Tòa án không triệu tập đương sự mà chỉ thực hiện việc thông báo đúng theo mẫu quy định và “Nếu người được thông báo không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong thông báo này để tham gia phiên họp, Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”[2].

Tóm lại, nếu theo quan điểm thứ nhất thì sẽ dẫn đến hệ quả là không có việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án nếu “nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Nói cách khác, căn cứ đình chỉ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS) chỉ xảy ra sau thời điểm Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử  (đây dường như là quan điểm của các tác giả trong bài viết đang trao đổi).

Quan điểm thứ hai. Tòa án vẫn có quyền hạn thực hiện việc triệu tập các chủ thể nói chung và triệu tập đương sự nói riêng vào các hoạt động tố tụng chứ không chỉ giới hạn việc triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp nhằm giúp cho Tòa án giải quyết vụ việc.

Quan điểm này lý giải dựa trên các cơ sở như sau:

(i) Mặc dù nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán chỉ ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp nhưng dựa vào các hoạt động cụ thể mà Tòa án có trách nhiệm thực hiện và triển khai trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án vẫn có quyền được triệu tập các chủ thể tham gia vào các hoạt động khác ngoài phiên tòa, phiên họp. Chẳng hạn, đối với hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải tiến hành khi thấy cần thiết. Hoạt động lấy lời khai của đương sự (Điều 98 BLTTDS) cũng là một trong những hoạt động cần thiết để thu thập tài liệu chứng cứ nhằm giúp cho Tòa án giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ…

(ii) Quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự tại khoản 16 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng nêu rõ đương sự chỉ phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. Như vậy nếu không triệu tập đương sự thì khó có thể bắt buộc họ đến Tòa án đối với những hoạt động rất quan trọng để chuẩn bị cho việc xét xử tại Tòa án như là Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cập, công khai chứng cứ và hòa giải;

(iii) Nếu Tòa án không tiến hành triệu tập đương sự đến Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cập, công khai chứng cứ và hòa giải thì cũng không thể làm giấy mời để mời họ đến Tòa đối với phiên họp này ngoài việc thực hiện theo mẫu thông báo[3]. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLTTDS thì những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được có trường hợp “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt” sẽ không có trong thực tiễn vì Tòa án có được phép triệu tập đâu để xác định là vụ án không hòa giải được.

Tóm lại, quan điểm thứ hai cũng chính là quan điểm phổ biến hiện nay tại các Tòa án khi triển khai áp dụng quy định về triệu tập đương sự. Có một số hoạt động họ sẽ gửi giấy triệu tập cho đương sự nhưng cũng có những hoạt động họ gửi giấy triệu tập kèm theo giấy thông báo như trường hợp đối với Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cập, công khai chứng cứ và hòa giải.

Nếu theo quan điểm thứ hai này thì có cơ sở để Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ vào trường hợp “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” (điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS).

3. Đề xuất cần phải có hướng dẫn thống nhất

Quan điểm của người viết. Nếu theo cách luận giải hai quan điểm nêu trên thì mỗi quan điểm đều có cái lý của họ. Tuy nhiên, có một thực tế trong áp dụng tại Tòa án hiện nay là vẫn còn có việc triệu tập phổ biến, theo thói quen của các Tòa án là “để giải quyết vụ án”. Trong giấy triệu tập cũng không ghi rõ cụ thể triệu tập đương sự cho hoạt động nào để giải quyết vụ án. Trong khi đó,  đương sự đặc biệt là nguyên đơn e ngại nếu không đến (lần thứ hai, không cần có hay không có lý do) thì đều có thể dẫn đến việc Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo người viết, đây là một kẽ hở của pháp luật làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Có trường hợp đương sự là nguyên đơn không đến Tòa án theo giấy triệu tập vì họ cho rằng việc triệu tập đến Tòa án để giải quyết vụ án là không cần thiết và có thể kéo dài quá trình giải quyết vụ án vì theo họ các chứng cứ, tài liệu cho việc giải quyết vụ án đã đầy đủ và Tòa án cũng không có một bất kỳ yêu cầu nào thêm về việc các đương sự phải cung cấp tài liệu, chứng cứ…

Tóm lại, trong bối cảnh pháp luật tố tụng dân sự chưa thực sự rõ ràng như hiện nay và việc vận dụng trong thực tiễn còn có sự khác biệt thì theo quan điểm của người viết TANDTC cần kịp thời có hướng dẫn áp dụng thống nhất về các trường hợp Tòa án được phép thực hiện việc triệu tập đương sự. Cần thiết phải có quy định mẫu văn bản “Giấy triệu tập” cho đương sự và ghi rõ nội dung của các mục – đặc biệt nội dung về lý do triệu tập phải được giải thích chi tiết. Làm được điều này mới có thể hạn chế được việc “triệu tập không hợp lệ” như thực tiễn hiện nay vẫn còn tồn tại.

Về nội dung quan điểm của các tác giả liên quan đến Tòa án chỉ có quyền ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan sau khi Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Về vấn đề này người viết sẽ có trao đổi chi tiết trong một bài khác gần nhất./.

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự rút kinh nghiệm “Tranh chấp quyền sử dụng đất” – Ảnh: Phương Thảo

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

Xem bài viết gốc tại: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/xac-dinh-the-nao-la-toa-an-%E2%80%9Ctrieu-tap-hop-le%E2%80%9D-duong-su


[1] Triệu tập” là gọi, mời mọi người đến tập trung tại một địa điểm (thường là để tiến hành hội nghị hoặc mở lớp học). Triệu tập đại hội. Triệu tập học sinh. Giấy triệu tập”. Xem Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.1036.

[2]  Xem thêm hướng dẫn tại cuối Mẫu số 31-DS và 32-DS có ghi nhận nội dung này.

[3] Mẫu số 31-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao) “Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền