Tìm hiểu về lịch sử hình thành của nghề luật sư ở Việt Nam qua các thời kỳ (từ thời phong kiến – Pháp thuộc – Kháng chiến chống pháp & Mỹ – đến nay) và sự phát triển của nghề luật sư trên thế giới.
..
Những nội dung liên quan:
- Khái niệm và đặc điểm của nghề luật sư
- Những thách thức của nghề luật sư
- Thu nhập của nghề luật sư tại Việt Nam?
- Trở thành Luật sư – dễ hay khó?
..
Sự hình thành, phát triển của nghề luật sư trên thế giới
Trên thế giới, nhân loại đã từng biết đến manh nha của nghề luật sư ngay từ thế kỷ V trước công nguyên, trong nhà nước Hy Lạp cổ đại, với sự tồn tại của “một HĐXX có sự tham gia của mọi người dân”.[1] Cùng với thời gian, hình thức tố tụng dần được hoàn thiện và bên cạnh người có chức năng xét xử là các Linh mục còn có sự tham gia của người được coi là có chuyên môn để việc xét xử tránh có sai sót. Đây được xem như những manh nha đầu tiên của nghề luật sư hiện nay.
Đến thời kỳ La Mã cổ đại, trong nhà nước La Mã, hoạt động sáng tạo luật pháp của các vị quan tòa, các luật gia La Mã đã đóng góp không ít công sức của mình để hoàn thiện quy phạm pháp luật, làm cho chúng ngày càng chặt chẽ hơn, dễ áp dụng hơn. Một trong số hoạt động này “là hình thức scribere respondere, có nghĩa là hoạt động tư vấn cho các công dân hiểu rõ hơn các điều luật khi họ có những công việc liên quan đến pháp luật. Cavera – hoạt động giúp cho công dân ký kết các thỏa thuận để tránh được những thiếu sót có thể gây thiệt hại về quyền lợi”.[2] Những hoạt động tư vấn có ý nghĩa manh nha của nghề luật sư như hiện nay đã để lại những triết lý quý báu đối với kỹ năng viện dẫn, sử dụng pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp luật sư, chẳng hạn: “incivile est nisi tota lege perspects una aliqua particula eius proposita iudicare vel respondere”- nghĩa là không thể đưa ra những câu trả lời đúng, những lời diễn giải hoặc giải quyết vụ việc nếu không xuất phát từ nội dung cả điều luật mà chỉ chú ý tới một phần nào đó của nó[3].
Lịch sử phát triển của nghề luật sư trên thế giới được biết tới là một nghề nghiệp tự do, phát triển chậm trong xã hội, đến tận thế kỷ XVI, mới xuất hiện khái niệm luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng (ở Anh). Mặc dù có sự tranh luận về quan điểm, cách nhìn nhận về sự phát triển của nghề luật sư trên thế giới[4] , nhưng một đặc điểm chung về nghề luật sư qua lịch sử phát triển nhiều thời kỳ tại các quốc gia trên thế giới là chịu sự tác động, chi phối của nhà nước, pháp luật quốc gia.
Đến thế kỷ XX, khi các quốc gia trên thế giới có sự phân chia theo các nước tư bản chủ nghĩa, các nước xã hội chủ nghĩa thì nghề luật sư ở các nước cũng có sự khác nhau về vị trí, vai trò và sự phát triển. Với một số quốc gia như Vương quốc Anh, “do pháp luật nằm trong án lệ vốn là một hệ thống phức tạp và khó hiểu nên để một người dân bình thường có thể hiểu được pháp luật quy định như thế nào thì họ thường phải cần đến sự trợ giúp của luật sư”.[5] Và do là hệ thống tố tụng tranh tụng nên ở Vương quốc Anh, luật sư trở thành trung tâm của quá trình tố tụng. Từ đặc thù lịch sử này, nghề luật sư ở nước Anh có bề dày lâu đời so với nhiều nước trên thế giới.
Cũng là trường phái pháp luật thông luật, nhưng nghề luật sư ở Hoa Kỳ lại được khẳng định ở vai trò “tạo ra, tìm kiếm, giải thích, điều chỉnh, áp dụng và thực thi các quy định và nguyên tắc để cấu trúc các mối quan hệ và tương tác giữa con người với nhau”.[6] Trong môi trường tư pháp với một nền tố tụng mang tính đối kháng cao, đặt trong hệ thống pháp luật phức tạp nên người dân Hoa Kỳ cần sự tham gia của luật sư vào các giao dịch hàng ngày trở lên tất yếu.
Đối với nhiều nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, nghề luật sư được nhà nước bảo đảm thực hiện, nhưng phạm vi phát triển nghề nghiệp này ở từng nước đều có sự khác biệt.
Điểm chung nhất có thể rút ra từ sự phát triển của nghề luật sư trên thế giới là sự gắn bó và phụ thuộc của nghề này vào chế độ chính trị – kinh tế – pháp luật từng quốc gia, phục vụ lợi ích của nhà nước, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Sự hình thành, phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam
Sự hình thành và phát triển nghề luật sư ở Việt Nam chịu sự tác động của điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước qua các thời kỳ.
* Nghề luật sư trong thời kỳ các nhà nước phong kiến Việt Nam
Trải qua nhiều triều đại của các nhà nước phong kiến Việt Nam, phải đến thời kỳ nhà Lê (từ Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi), do những cải cách và thay đổi quan trọng về tư duy xây dựng pháp luật qua các đời vua Lê, thể hiện qua Bộ luật Hồng Đức, nền tảng thể chế về bào chữa được hình thành, từ đó cũng đồng thời hình thành một nghề với tên gọi “thầy cung”, “thầy kiện”.[7] Nhưng với điều kiện của xã hội Việt Nam thời bấy giờ, vị thế của người làm nghề này không được xã hội coi trọng, một phần do quan niệm xã hội coi những người làm công việc này là dạng người “xui nguyên giục bị”, bị tầng lớp quan lại phong kiến phân biệt đối xử. Chẳng hạn, dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) có quy định, “học trò trong nước, không kể hạng quân hay dân, người nào xin thi đều cho phép viên quan bản quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực sự có đạo đức, hạnh kiểm mới cho ứng thi. Còn hạng người bất hiếu, bất mục,… và xui nguyên giục bị đều không được thi”.[8] Việc quy định này phản ánh rõ quan niệm không đề cao nghề của những người có thể giúp người dân thực hiện quyền được tự bảo vệ trước sự phán xử của quan lại. Một phần nguyên nhân của quan niệm này nhằm bảo vệ quyền lợi “bất khả xâm phạm” của tầng lớp quan lại phong kiến trong xã hội Việt Nam thời kỳ đó.
* Nghề luật sư thời kỳ Pháp thuộc (1858 – 1945)
Chính sách đô hộ thực dân của Pháp đã phân chia địa giới hành chính lãnh thổ nước ta thành ba kỳ. Chính quyền thực dân Pháp đã ban hành một số văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động của nghề luật sư bào chữa ở Việt Nam thời kỳ này, như Nghị định ngày 26/11/1867 của Thống đốc Nam Kỳ và các sắc lệnh sửa đổi, bổ sung của Tổng thống Cộng hòa Pháp vào các năm 1888, 1930, 1931. Với những văn bản này, chế định luật sư bào chữa chủ yếu phục vụ cho công việc cai trị của chính quyền thực dân ở Việt Nam, hạn chế tối đa sự tham gia của người Việt Nam. Cho đến giữa năm 1930, 1931, chế định luật sư bào chữa được sửa đổi thành luật sư ở tất cả các Tòa án. Tổ chức luật sư đoàn Sài Gòn – luật sư đoàn Hà Nội được thành lập và hưởng quy chế tương tự như luật sư đoàn của Pháp. Bắt đầu từ khi đó, việc tham gia hoạt động nghề nghiệp luật sư được mở ra cho cả người Việt Nam và phụ nữ được quyền làm nghề luật sư. Ngay từ thời kỳ này, người làm nghề luật sư đã phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể về đào tạo, về thời gian tập sự nghề và một số tiêu chí khác. Việc thành lập đoàn luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư đã phản ánh về sự tồn tại của nghề luật sư ở Việt Nam. Trong giai đoạn này cũng đã có một số luật sư Việt Nam khẳng định được tên tuổi trong hoạt động nghề nghiệp, như luật sư Phan Văn Trường, luật sư Nguyễn An Ninh…
* Nghề luật sư thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945 – 1975)
Thời kỳ này đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Nam, nghề luật sư chịu sự chi phối, điều chỉnh theo pháp luật của thực dân Pháp và sau năm 1954 đến 30/4/1975 là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Các quy định về nghề luật sư vẫn căn bản dựa trên những tiêu chí về độ tuổi, về quốc tịch, về văn bằng cử nhân luật, thời gian tập sự và tiêu chuẩn đạo đức.
Ở miền Bắc, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sắc lệnh công khai khẳng định quyền hành nghề của luật sư bằng việc cho phép các luật sư có quyền tham gia bào chữa cho bị cáo tại tất cả các Tòa án cấp tỉnh trở lên và Tòa án quân sự. Cùng với quy định về quyền bào chữa của luật sư, Sắc lệnh cũng cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn của luật sư.
* Nghề luật sư tại Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Sự phát triển của nghề luật sư qua 45 năm gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới, mở cửa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, cho đến Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, tất cả đều ghi nhận nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Tại Điều 133 Hiến pháp năm 1980, ngoài việc tái khẳng định quyền bào chữa của bị can, bị cáo tiếp tục được bảo đảm thì cũng quy định rõ việc tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý. Quyền dân chủ của công dân được mở rộng. Bên cạnh quyền được bào chữa, người dân còn được quyền sử dụng hệ thống tổ chức luật sư để giúp đỡ, tư vấn về pháp lý. Nghề luật sư qua đó được mở rộng phạm vi nghề nghiệp so với hoạt động truyền thống là bào chữa cho bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự.
Sau Hiến pháp năm 1980, Pháp lệnh số 2A-LCT/HĐNN8 về tổ chức luật sư được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 18/12/1987 đánh dấu sự quan tâm lớn của Nhà nước Việt Nam đối với nghề luật sư. Đây là văn kiện pháp lý quan trọng được ban hành để điều chỉnh tổng thể, riêng biệt về luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam. Với 25 điều quy định, Pháp lệnh đã ghi nhận hoạt động hành nghề của các luật sư Việt Nam với tổ chức nghề nghiệp là các đoàn luật sư. Địa vị pháp lý của luật sư và tổ chức nghề nghiệp luật sư được điều chỉnh cụ thể trong văn bản pháp quy của nhà nước, ngoài quy định chung của Hiến pháp. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý quan trọng để luật sư và tổ chức nghề nghiệp của luật sư có được khuôn khổ thể chế bảo đảm quyền hành nghề, đồng thời góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam của thời kỳ mới. Nội dung cơ bản nhất trong Pháp lệnh đối với địa vị pháp lý của nghề và người hành nghề là tư cách luật sư được công nhận thay thế tư cách bào chữa viên nhân dân, theo đó luật sư có quyền cung cấp cho xã hội dịch vụ pháp lý có thù lao. Điều đó cũng đánh dấu một bước phát triển mới của tính chuyên nghiệp và tính độc lập của nghề luật sư tại Việt Nam.
Trên cơ sở của những đổi mới căn bản trong thể chế pháp lý về luật sư và nghề luật sư qua Pháp lệnh năm 1987, ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh luật sư. Với 08 chương, 45 điều, Pháp lệnh chính thức đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho nghề luật sư hoạt động tại thị trường dịch vụ pháp lý đúng tư cách và bản chất của loại hình dịch vụ đặc thù trong xã hội. Pháp lệnh luật sư năm 2001 có những đổi mới căn bản về khuôn khổ thể chế luật sư. Ngoài quy định luật sư là nghề chuyên nghiệp trong xã hội, các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến luật sư (điều kiện, phạm vi hành nghề, địa vị pháp lý, dịch vụ pháp lý và thù lao); TCHNLS (hình thức, địa vị pháp lý); các vấn đề pháp lý về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư và quản lý nhà nước về hoạt động của luật sư, TCHNLS được điều chỉnh một cách tổng thể, chi tiết trong thể chế này. Pháp lệnh đặt nền móng pháp lý cơ bản để nghề luật sư có tiền đề chính trị – pháp lý hội nhập môi trường đổi mới, cải cách tư pháp, mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tiếp tục sự chuyển đổi về thể chế từ Pháp lệnh luật sư năm 2001, LLS năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (sau đây gọi tắt là LLS năm 2006) cùng với các Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (năm 2011, năm 2019) cho thấy, nghề luật sư hiện nay ở Việt Nam có sự phát triển toàn diện trong môi trường thể chế chính trị – pháp lý thuận lợi và chuyên nghiệp. Bên cạnh những thay đổi nhanh của thể chế pháp lý về luật sư và nghề luật sư, kết quả của công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam sau hơn 35 năm triển khai thực hiện đã tác động tích cực tới diện mạo, chất lượng, phạm vi, hiệu quả hoạt động của nghề luật sư, thể hiện rõ ở sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ luật sư Việt Nam trên mọi bình diện (năng lực; vị thế xã hội; vai trò và sự cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước). Vị thế của nghề luật sư trong mối tương quan với các nghề nghiệp khác trong xã hội không ngừng được nâng lên. Nghề luật sư tại Việt Nam hiện nay phát triển trên cả 5 phương diện: Sứ mạng – Tầm nhìn; Hệ thống thể chế pháp lý và quy tắc đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; Hệ thống tổ chức hành nghề và quản trị hành nghề; Hệ thống quản lý nhà nước và quản trị, quản lý nội bộ; Nguồn nhân lực và văn hóa tổ chức.
[1] TS. Nguyễn Văn Tuân, Tìm hiểu về luật sư và nghề luật sư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr. 7.
[2] Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp), Luật La Mã, Hà Nội, 1994, tr. 17 – 18.
[3] Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Sđd, tr. 19.
[4] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Tạp chí Thông tin khoa học pháp lý, số chuyên đề tháng 2/2013.
[5] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Tlđd, tr. 14.
[6] Gon, Robert W, The Role of Lawyers in Prodicing the Rule of Law: Some Critical Reflections (2010), Faculty Scholarship Series Paper 1937.
[7] Học viện Tư pháp, Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tham khảo từ tr. 40 đến tr. 42.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, tập X, Tổ biên dịch Ban nghiên cứu Văn Sử Địa biên dịch và chú giải, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 75/1023.
Để lại một phản hồi