Sinh viên Luật phải cân bằng giữa chuyên môn và ngoại ngữ

Sinh viên luật và việc học tiếng anh

Học ngoại ngữ đã và đang trở thành xu hướng của bất kì một người trẻ nào. Không có ngoại ngữ sẽ mất đi cơ hội làm việc trong những công ty đa quốc gia và giảm năng lực cạnh tranh trực tiếp với những ứng viên thông thạo ngoại ngữ khác.

 

Các nội dung liên quan:

 

Sinh viên Luật thiếu và yếu về Ngoại ngữ

Tốt nghiệp Đại học với bằng khá cử nhân Luật nhưng hiện nay chị Lê Thị Bình (Hà Nội) vẫn phải vừa đi làm vừa đi học thêm tiếng Anh.

Chị kể rằng, trong công ty nhiều khi phải làm việc với đối tác nước ngoài, họ gửi hợp đồng sếp yêu cầu kiểm tra mà mình lại không hiểu được nên bắt buộc phải nhờ thêm một bạn dịch thuật nữa, mỗi lần như vậy mình cảm thấy rất xấu hổ, tiến độ công viêc cũng chậm hơn, không chủ động được trong công việc của mình nữa.

LS.TS Phạm Liêm Chính, Trưởng văn phòng Luật sư Chính và cộng sự, đánh giá rất cao vai trò của Ngoại ngữ đối với ngành Luật:

“Ngoại ngữ là vấn đề then chốt, ngoại ngữ trong ngành Luật còn đòi hỏi những yêu cầu cao hơn nữa. Diễn đạt một vấn đề, một điều luật gãy gọn bằng một ngôn ngữ khác đòi hỏi chúng ta phải trau dồi, phải học rất tốt, gần như tiếng mẹ đẻ thì mới đủ khả năng tranh luận trên các diễn đàn, hội thảo quốc tế… Ngoại ngữ chính là chìa khóa để học hỏi và khẳng định chính mình”.

Trong bối cảnh hội nhập Quốc tế ở Việt Nam hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn kinh tế nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam do đó việc sinh viên Luật thành thạo một hay vài ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng.

Không chỉ giúp được đánh giá cao hơn trong mắt nhà tuyển dụng mà còn làm tốt việc khi nhận nhiệm vụ bởi cấp trên.

Ngoại ngữ là một kỹ năng không thể thiếu

Trần Ngọc Thúy, giảng viên Đại học Luật – Đại học Huế cho rằng “Trong thời đại hội nhập quốc tế, tiếng Anh đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời gian gần đây, Việt Nam đang có các tranh chấp quốc tế cũng như tham gia vào các công ước quốc tế. Nếu như không có tiếng Anh, việc giao tiếp giữa các đối tác quốc tế sẽ đem lại rất nhiều khó khăn”.

Đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Đại học Trước tình hình cử nhân Luật thiếu kỹ năng về ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngành Luật cần phải nắm bắt rõ tình hình đồng thời đề ra phương hướng giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho sinh viên Luật cơ hội được học ngoại ngữ tốt, cân bằng với kiến thức chuyên ngành. Với nhiều trường Luật trong cả nước đã đưa các chương trình Chất lương cao với giảng dạy với ưu tiên phát triển ngoại ngữ: Chương trình đào tạo cử nhân chính quy chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Nhật, tiếng Anh…của Đại học Luật TP.HCM hay Chương trình chất lượng cao đưa tiếng Anh pháp lý vào giảng dạy của Đại học Luật Hà Nội.

Không gian thoáng đãng của giảng đường ĐH Luật Huế
Không gian thoáng đãng của giảng đường ĐH Luật Huế

“Năm nay, trường Đại học Luật Huế đã xây dựng chương trình đào tạo Chất lượng cao cho sinh viên từ năm 2018 với nguồn được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những sinh viên có điểm đầu vào cao. Sinh viên sẽ có cơ hội được học ngoại ngữ một cách chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả do chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ có nhiều học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh do giáo viên chuyên ngành của nước ngoài đứng lớp. Sinh viên được học chương trình chất lượng cao không cần đóng thêm học phí”.Ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng Phòng đào tạo Đại Học Luật Huế cho biết:

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Việt Nam như một điểm đầu tư lý tưởng, điều này mở ra nhiều cơ hội đối với các bạn trẻ thành thạo ngoại ngữ. Các doanh nghiệp nước ngoài luôn có chính sách ưu đãi về nhân sự, tiền lương và cơ hội nghề nghiệp luôn rộng cho những ứng viên khả năng Ngoại ngữ tốt.

“Sinh viên có ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội được làm việc ở những vị trí cao trong doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng luật quốc tế…, theo đó thu nhập sẽ tăng lên, tương lai rộng mở” – LS.TS Phạm Liêm Chính nhấn mạnh.

Việc xây dựng các lớp chất lượng cao là một cơ hội tốt để sinh viên tiết kiệm chi phí, thời gian, cân bằng được chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, nâng cao cơ hội tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, góp phần tích cực thúc đẩy vào quá trình hội nhập của đất nước.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền