Này Sinh viên Luật – Hãy ra dáng một người trưởng thành

sinh-vien-luat-truong-thanh
Ảnh minh họa (Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ - Khoa Luật ĐHQGHN)

Các bạn thân mến!

Là một người trẻ, và đã vào trường luật rồi, thì ai cũng có một ước mơ đẹp về nghề nghiệp, làm đích đến cho bản thân trong một tương lai gần, và chắc sẽ không có ai trong tình trạng: học thì học, làm gì tính sau. Ước mơ nghề nghiệp của bạn, đó có thể là: một giảng viên đại học đáng kính, một luật sư tài ba và đức độ, một thẩm phán liêm chính và nghiêm khắc, một nhà tư vấn pháp lý thông thái… Tuy nhiên, mơ ước không thôi thì chưa đủ, nếu muốn đạt được một điều gì đó trong cuộc sống, bạn phải cần một hệ thống các kỹ năng khác nhau để biến giấc mơ thành hiện thực.

 

Những nội dung cùng được quan tâm:

 

Này Sinh viên Luật – Hãy ra dáng một người trưởng thành

Mục lục:

Nam sinh trường luật
Nam sinh trường luật – Ảnh: Facebook

Như đã nói với các bạn ở bài trước rồi, các bạn phải giỏi nhóm kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bắt buộc phải thế! Là kỹ năng sống còn đối với dân luật đấy. Nhưng, giỏi nhóm kỹ năng này chưa đủ, nếu không muốn nói là còn thiếu nhiều lắm. Mong muốn là nói đầy đủ chừng nào tốt chừng ấy, nên hôm nay ta nói thêm về NHÓM THỨ HAI (Nhóm 2: Hãy ra dáng một trưởng thành).

Là người nhiều lần ôm hồ sơ đi tìm việc, từ văn phòng luật đến doanh nghiệp, đã từng tự chuẩn bị cho bản thân mình tham gia ứng tuyển nhiều vị trí công việc, từ nhân viên, đến quản lý bậc trung; cũng như sánh vai người tư vấn, hỗ trợ cho nhà tuyển dụng: xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động của bộ phận pháp chế doanh nghiệp; định biên nhân sự trực thuộc; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, mô tả công việc, tiêu chí ứng viên; hoặc với vai trò của người phỏng vấn, kiểm tra ứng viên để tuyển dụng, tôi tự tin khẳng định rằng: “Dù tuyển dụng vị trí cho người chưa có kinh nghiệm, chúng tôi, những nhà tuyển dụng không bao giờ muốn tuyển “một sinh viên năm thứ 5”, mà muốn tuyển một “nhân sự tiềm năng” cho các vị trí đã định biên”. Sự khác biệt của “nhân sự tiềm năng” và “sinh viên năm thứ 5” là “SỰ RA DÁNG MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH”.

Chính vì điều đó, nên tôi khuyên sinh viên ngành luật, hãy học cách trưởng thành và sớm trưởng thành, để thực sự tạo cho nhà tuyển dụng cảm nhận được “sự cứng cáp”, “sự chín chắn”, và đã đủ “độ tin cậy” để có thể ủy thác công việc, trách nhiệm cho bạn trong tương lai gần. Là sinh viên mới ra trường, tạo được “sự cảm nhận” như tôi đã nói là rất khó, những làm được như thế mới được gọi là thành công.

Thật khó để đưa ra tiêu chí đánh giá một ứng viên thế nào ĐÃ RA DÁNG MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH. Với tôi, khi tuyển dụng, tôi thường dựa vào 04 nhóm yếu tố (sẽ được liệt kê và phân tích dưới đây). Nó không phải là quy chuẩn, không phải mẫu, mà là kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng nó bổ ích cho các bạn là sinh viên và mới ra trường, nên tôi nêu lên như là những gợi ý để các bạn tham khảo, vận dụng cho bản thân mình (không công kích, bài xích hay ném đá nhé – lời nhắn đã nhắn). Tôi nghĩ đó là:

– Bạn đã có quan điểm và định hướng rõ ràng về nghề nghiệp:

Là người mới bắt đầu đi làm, nghĩa là bắt đầu một sự nghiệp, một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá “độ lớn” của bạn là định hướng nghề nghiệp của bản thân bạn, nó chính là ước muốn về tương lai nghề nghiệp của bạn và kế hoạch, các bước đi mà bạn thực hiện để đến cái đích mà bạn chọn trước.

Đối với người học luật, sau khi tốt nghiệp bạn có rất nhiều sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai, đó là: giảng viên ngành luật, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (tố tụng, tư vấn), công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại, làm cán bộ trong các cơ quan nhà nước, làm pháp chế trong các doanh nghiệp, làm cán bộ nhân sự … kể ra còn rất nhiều. Bạn định hướng cho mình một nghề cụ thể thì càng tốt, nếu không thì ít nhất là cũng xác định rõ ràng là bạn hướng về một vị trí trong hệ thống nhà nước, hay sẽ chọn một vị trí nào đó trong lĩnh vực tư nhân.

Những nội dung cùng được quan tâm:

Định hướng thì có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh, nhưng ở từng thời điểm phải rõ ràng. Rõ mục đích mới tỏ đường đi. Không rõ mục đích sẽ không biết đi đâu, về đâu. Sự thay đổi đều cần có lý của nó, để thuyết phục người nghe là nhà tuyển dụng của bạn. Ví dụ: ban đầu bạn thi vào trường luật và học luật để làm một thẩm phán, đó là ước mơ lớn nhất đời bạn; nhưng đến năm thứ 3, bạn đã được gặp và tiếp xúc với một người có kinh nghiệm về nghề thẩm phán, được tư vấn kỹ về nghề này, sau đó bạn thấy rằng bạn không đủ điều kiện cần thiết để theo đuổi giấc mơ nữa, đồng thời do nhu cầu tuyển dụng công chức của địa phương, của ngành Tòa án giảm, bạn nhận thức được khó khăn rất lớn với việc cạnh tranh khi người ứng tuyển rất nhiều, trong khi đó bạn tìm được một công việc bán thời gian tại một công ty tư vấn luật và vô cùng thích thú với công việc đó, nên bạn đã thay đổi định hướng, quyết định hướng bản thân theo nghề “luật sư tư vấn luật”.

Định hướng phải rõ ràng mới giúp bạn dứt khoát trong việc đầu tư học tập kiến thức luật, học kỹ năng, tìm kiếm nơi thực tập, học việc,… giúp bạn nhanh trưởng thành, có kinh nghiệm và đặc biệt là sẽ vượt qua được các câu hỏi chất vấn của nhà tuyển dụng về định hướng, kiểu như: “tại sao bạn thi vào trường luật”, “bạn thích gì ở nghề bạn chọn”, “hình ảnh tương lai mà bạn muốn thấy của bản thân bạn là gì”, “mục tiêu 3 năm của bạn là gì”, “bạn có muốn học thêm gì cho thời gian tới không?”.

Xem:  Tổng hợp những bài thơ hay về con gái trường luật

Định hướng không rõ ràng cho thấy rằng bạn không có đích đến trong tương lai, việc học của bạn sẽ không hiệu quả vì bạn không biết tập trung học gì, học không có chủ đích, vì người khác học thì mình cũng học, thấy bạn bè học Tiếng Anh mình cũng đi học, học thêm Tiếng Trung mình cũng theo, hội thảo nào cũng dự, phong trào nào cũng tham gia, đặt ra nhiều mục tiêu tích lũy kỹ năng này nọ, nhưng cuối cùng lại không biết là sẽ tích lũy được kỹ năng gì, và đã tích lũy được kỹ năng gì. Khi đã đi làm, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, duy trì cảnh “thuyền trôi giữa dòng không bến đậu”, sẽ dẫn đến nhà tuyển dụng không tin tưởng, vì hiệu quả làm việc của bạn sẽ không cao, khả năng nhảy việc để tìm kiếm, thay đổi đam mê rất lớn.

Bởi vậy, nếu không trưởng thành trong quan điểm và định hướng, bạn sẽ bị mất điểm ngay, không che giấu được nhà tuyển dụng trước các câu hỏi vừa nêu ở trên đâu.

Bởi nghề luật rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nên hãy cố gắng để có được MỘT MỤC TIÊU RÕ RÀNG, ngay khi còn là sinh viên và lên kế hoạch, lộ trình để đạt được kế hoạch đó bạn nhé. Mục tiêu càng rõ ràng, cụ thể thì càng dễ dàng hạnh động để đi đến mục tiêu. Nó giúp bạn học tập hiệu quả, làm việc cũng hiệu quả. Nó sẽ giúp bạn tạo sự khác biết thấy rõ đối với những bạn bè cùng lớp của mình, khác biệt với những bạn ngồi chờ cho “cái gì đến sẽ đến”, vì rằng chẳng có cái gì đến ngoài sự hoài nghi, thất vọng, chán nản bản thân khi thấy mình vô dụng, nếu cứ ngồi đó chờ.

Để có mục tiêu rõ ràng, không khó nhưng sẽ không bao giờ tìm thấy với người thụ động. Bạn hãy tự tin tham khảo người có kinh nghiệm, hỏi các thầy cô ở trường, tìm hiểu thêm về yêu cầu của luật (ví dụ để làm luật sư thì phải kinh qua quá trình học tập, đào tạo thế nào, đạt được các bằng cấp, chứng chỉ gì). Nếu bí quá, không tìm thấy ai để hỏi, nhớ hãy hỏi tôi. Tôi sẵn sàng tư vấn, định hướng cho các bạn, với bất kỳ nghề luật nào mà bạn chọn. Tôi biết hạn chế, nhưng là người đi trước, những gì tôi đã kinh qua, đã tìm hiểu, đã nghe bạn bè kể, có khi sẽ cho bạn một ít thông tin tham khảo bổ ích đấy.

Xem thêm:

– Bạn đã phần nào trưởng thành về giao tiếp:

Khi ở trường sư phạm, tôi được giảng viên giảng dạy về giao tiếp, trang bị kiến thức, kỹ năng và tầm quan trọng của giao tiếp. Khi vào trường luật và làm thêm, tôi nhận thấy phần nào tầm quan trọng của giao tiếp, nhưng cũng như các bạn sinh viên thôi, chỉ dừng ở mức nghe người ta nói nó quan trọng, biết nó quan trọng, không giao tiếp tốt thì khó thành công trong công việc, chứ cụ thể thế nào thì chịu thua.

Mãi theo thời gian, từ những ngày tháng làm việc ở văn phòng luật sư, hàng ngày tiếp xúc với lãnh đạo văn phòng, đồng nghiệp, khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; rồi khi vào làm việc tại doanh nghiệp, việc tiếp xúc mở rộng hơn với các sở, ban, ngành hành chính nhà nước, cơ quan tố tụng các cấp, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực từ kỹ thuật đến xã hội, quan hệ đồng nghiệp cũng rộng và phức tạp hơn, đó là quan hệ đối với các nhân sự trong phòng ban, quan hệ với cấp trên, quan hệ với các phòng ban khác, quan hệ với cán bộ lãnh đạo và nhân viên các công ty con, công ty liên danh trong toàn hệ thống, cũng như chi nhánh, văn phòng đại diện trong mọi miền đất nước; đủ mọi trình độ, cấp bậc, từ chị lao công, tạp vụ, đến bác bảo vệ, đến cô nhân viên văn thư, anh trưởng phòng khác, rồi đến các thư ký, trợ lý mà rất nhiều người cho rằng là “rào cản khó chịu” ở ngưỡng cửa văn phòng lãnh đạo…; tùy trình độ nhận thức, mức độ tuổi tác, giới tính, văn hóa vùng miền, vị trí công tác, mức độ quen biết … mà bạn phải có kế hoạch và đưa ra những lựa chọn tiếp xúc, trao đổi khác nhau.

Tôi không giỏi trong giao tiếp, từ ngày ra trường, đi làm, tôi luôn vấp phải những thất bại trong giao tiếp, thuyết phục, bởi cái tôi quá lớn và bởi tôi tự tin thái quá. Dần dần, qua trãi nghiệm công việc, qua sự chỉ bảo của những người đi trước, cùng với sự tự giác ngộ nhanh chóng của bản thân, giúp tôi thấy mình cần phải thật sự thay đổi để trưởng thành. Xin lấy ra đây ví dụ để các bạn tham khảo:

Ngày thứ 8 khi tôi bắt đầu đi làm chính thức tại văn phòng luật năm 2009, tôi đến Tòa nộp đơn khởi kiện, chị thư ký nhất định không nhận hồ sơ của tôi, vì chị cho rằng tôi là người đại diện theo ủy quyền nộp đơn, trong khi văn bản ủy quyền của khách hàng cho tôi là “Giấy ủy quyền”, do đơn phương khách hàng lập, đã được cơ quan công chứng chứng nhận, nhưng tôi chưa ký vào “Giấy ủy quyền”. Lúc đó, thay vì nhẹ nhàng, ký tên bên nhận ủy quyền vào giấy ủy quyền ở phía dưới, để chị thư ký nhận hồ sơ đã, rồi sau này báo lại luật sư phụ trách xử lý, tôi đã ngay lập tức viện dẫn quy định pháp luật, giải thích cơ sở pháp lý để ký hoặc không ký vào giấy ủy quyền, một lô, một hồi, đến lúc chị thư ký cáu giận, nhất quyết không nhận và bỏ đi chỗ khác, trong khi lúc đó đã 11 giờ trưa, đi tìm người khác trong Tòa để hỏi thì hầu như chẳng còn ai để hỏi, để nộp, phải ôm hồ sơ về. Về văn phòng, các bạn hình dung được sự “ê ẩm” như thế nào rồi, khi khách hàng gọi điện thoại hỏi đã nộp được hồ sơ chưa. Và rồi sau đó, cũng đến tại luật sư phụ trách, một mặt, luật sư cử người khác đi nộp, mặt khác chỉ bảo tôi về giao tiếp, ứng xử, rồi được các anh chị đồng nghiệp khuyên bảo, tôi phải tìm gặp chị thư ký “làm hòa”, rồi sau đó học cách điều chỉnh bản thân “không xung đột” nếu như không cần thiết.

Xem:  Đề cương ôn tập môn Kỹ năng của luật sư trong Tố tụng hình sự

Nói đến đây, tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào và biết ơn Luật sư Thái Thanh Hải – người hướng dẫn tập sự cho tôi và Thạc sĩ Huỳnh Như Hiếu – Giảng viên đại học Hồng Bàng, một người chị tôi quen khi học luật sư tại Đồng Nai, những người đã tự nguyện dành tình yêu thương tôi như đứa em út, rất mực hiểu tôi, tận tâm uốn nắn, chỉ bảo tôi để thành công hơn mỗi ngày về giao tiếp, về đối nhân xử thế, hướng dẫn tôi biết thiết lập, xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ giao tiếp từ đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, đối tác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến các quan hệ bạn bè, cũng như gia đình. Nhất là, Luật sư Hải đã dạy tôi cách suy nghĩ và hành động để trở thành một người đàn ông thực thụ, biết cách yêu thương, chăm sóc vợ con, về sự quan trọng của người bạn đời khác giới, với sự bất bình đẳng vốn có trong quan hệ vợ chồng… Thầy dạy tôi làm người trước, làm chuyên môn sau.

Để đưa ra lời khuyên nào đó để từ một sinh viên có thể trưởng thành ngay trong giao tiếp được, thì thật quá khó khăn, và tôi không làm được. Nó cần những chuyên gia thực thụ, nên các bạn cần tìm kiếm họ, bằng cách tìm đọc nhiều sách về xây dựng quan hệ, về giao tiếp, về xử lý các rắc rối trong quan hệ đồng nghiệp, chốn công sở hoặc tham gia các khóa đào tạo về giao tiếp…; rồi bạn cần có trãi nghiệm, cần gặp gỡ, làm việc nhóm, cần có va chạm công việc, để từng ngày, từng ngày sẽ trưởng thành. Ví dụ, đi làm thêm tại một cửa hàng cà phê, hoặc tốt hơn có thể học việc tại một văn phòng luật sư, điều này có thể giúp bạn tự học, từ hoàn thiện bản thân mình về giao tiếp một cách tốt nhất.

Hãy nhớ, bạn giỏi chuyên môn, thành thạo kỹ năng thì mới đạt được một nữa yêu cầu, giao tiếp tốt quyết định một nửa còn lại của thành công khi đi làm trong môi trường doanh nghiệp các bạn nhé.

– Bạn đã ra dáng một nhân viên văn phòng:

Tôi bắt đầu cho bạn bằng một ví dụ:

Vào một buổi phỏng vấn của một doanh nghiệp cho vị trí thư ký của Phòng pháp chế, họ tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường, theo yêu cầu của doanh nghiệp, đã có 2 ứng viên đáp ứng cơ bản các yêu cầu rằng: đã tốt nghiệp đại học loại khá, anh văn giao tiếp, tin học bằng B, chiều cao trên 1,58m (cái này họ cần giao tiếp, ngoại giao nên yêu cầu vậy, rất ít nơi yêu cầu vậy, đây là ví dụ nhé), độ tuổi từ 22-24 tuổi, giới tính nữ, đã vượt qua bài test của doanh nghiệp về chuyên môn và được mời gặp phỏng vấn vòng lựa chọn (vòng cuối cùng). Tại vòng cuối cùng, có hai ứng viên đến trước nhà tuyển dụng theo các phong cách sau đây:

(i) Ứng viên thứ nhất trong bộ vest văn phòng có màu sắc thanh lịch, tóc được chải chuốt rất gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng, đi giày cao gót mức vừa phải, mang theo giỏ xách màu sắc phù hợp với màu bộ vest và màu giầy, xịt một ít nước hoa mùi nhẹ nhàng, cùng một bộ hồ sơ ứng tuyển đầy đủ, có bản chính để đối chiếu khi cần … nhìn như một nhân viên văn phòng thực thụ; đã tìm hiểu được cơ bản về nghề thư ký và nghề pháp lý doanh nghiệp; chuẩn bị trước các phương án chào hỏi, hình dung được các vị trí ngồi có thể (ngồi tại ghế sofa đối diện người phỏng vấn, vừa uống trà vừa nói chuyện; hay ngồi ghế có tựa lưng trước bàn làm việc của người phỏng vấn; hay ngồi trong phòng họp rộng…) và đã chuẩn bị cho bản thân một phong cách ngồi phù hợp … nên đã bắt đầu chào hỏi, ngồi trao đổi rất tự nhiên;

(ii) Ứng viên thứ hai trong trang phục quần jean, áo thun, giầy thể thao, mang theo một chiếc ba lô kiểu sinh viên, phối màu trang phục chưa hòa hợp, chưa kịp trang điểm, vào vị trí ngồi phỏng vấn còn phải lấy khăn giấy lau mồ hôi, khi người phỏng vấn mới uống trà thì giật mình nói “dạ được rồi ạ”, khi hỏi em có mang theo hồ sơ không lại nói “em đã nộp hồ sơ cho phòng nhân sự rồi ạ”…

Bạn thấy rồi đó, là cần tuyển nhân sự cho vị trí Nhân viên pháp lý kiêm nhiệm Thư ký Phòng pháp chế, hàng ngày phải thực hiện công việc chuyên môn, chuẩn bị hồ sơ, sắp xếp các cuộc họp của Phòng và liên phòng với các bộ phận khác, là người làm đầu mối liên lạc cho Phòng và lãnh đạo phòng với nhân sự trong phòng và các phòng ban khác, tạm thời chỉ thế thôi, nếu bạn là người có quyết định tuyển dụng, bạn sẽ chọn ai?

Để trở thành một người có phong cách bên ngoài chững chạc, bất kỳ là nam hay nữ, khi còn là sinh viên, nên định hướng cho bản thân mình một hình mẫu nào đó mà bạn yêu thích mà học theo, rồi nhờ có kinh nghiệm tư vấn cho mình về phong cách cho bản thân, từ đầu tóc, đến trong phục (quần, áo, váy, giầy, tất, vest) cho đến các phụ kiện cần mang theo như giỏ xách, điện thoại, laptop, đồng hồ… làm sao cho hài hòa, toát lên sự thanh lịch, tao nhã, bỏ qua sự cầu kỳ, lòe lẹt, rối rắm.

– Bạn đã chủ động được phần nào tài chính cho bản thân:

Tôi cũng bắt đầu cho bạn một ví vụ của một sinh viên luật đang học những ngày đầu tiên của kỳ thứ 2 của năm thứ nhất, gửi email cho mẹ như sau: “Mẹ ạ, con là bé Su của mẹ đây ạ! Con nhớ mẹ nhiều lắm, dù mới vừa ăn Tết với mẹ và cam chịu vào học trễ 10 ngày vì muốn ở nhà thêm với mẹ! Mẹ ơi, ăn Tết xong, hình như bây giờ mới thấm, nên con mập lên phải 3 ký mẹ ạ, nghe lời mẹ dặn, con ăn ngủ đầy đủ lắm để giữ gìn sức khỏe cho mẹ bớt lo cho con. Do việc sinh viên tụi con chỉ học một buổi, buổi còn lại thì ở nhà, thứ 7 và Chủ Nhật được nghỉ, thầy cô cũng không kiểm tra bài cũ mẹ ạ, làm bài kiểm tra thì làm đề mở – cho mở tài liệu thỏa mái, cuối kỳ mới thi nên con thấy cũng không cần học bài như hồi phổ thông nữa. Hôm trước, con có xin mẹ tiền học Anh Văn, nhưng mấy đứa bạn con nói là năm thứ 3, thứ 4 học và thi lấy bằng là vừa tốt nghiệp mẹ ạ, nên con đã mua cái đầm để đi đám cưới chị Ba con dì Hai, còn lại còn hùn với các bạn đi Vũng Tàu chơi dịp Lễ Tình nhân mẹ ạ – Hội FA của bọn con đi chơi cùng nhau cho đỡ buồn mẹ ạ. Nay cũng đã ngày 25 rồi, tiền tháng của con cũng sắp hết, con xin mẹ gửi cho con tiền, mẹ thương gửi con thêm 01 triệu mẹ nhé, vì phải bù đến cuối tháng sau. Con cam ơn mẹ nhiều lắm, con hứa sẽ đi học chăm chỉ, học về nấu cơm ăn đầu đủ 03 bữa, không thức khuya, không ra ngoài lang thang, giữ gìn sức khỏe như mẹ đã dặn con. Con mãi mãi là Bé Su bé nhỏ của mẹ”.

Xem:  Ngô Nam Phương - Thủ khoa Xuất sắc đầu tiên của ĐH Luật TP.HCM

Đọc xong cái thư này, nếu bạn nào đó thấy quen quen thì sau này khi tốt nghiệp đại học bạn sẽ vô cùng khốn khổ cái thân của bạn đấy; khổ thân gấp 02 phần nếu nhà bạn kinh tế khó khăn, cha mẹ người thân không chu cấp được nữa, khổ một phần nếu nhà bạn kinh tế tốt hơn. Lý do là như thế này:

(i) Cứ đi học rồi về ngủ, như học sinh cấp 4, không biết đi làm thêm khi rảnh rỗi, không biết tham gia các hoạt động ngoại khóa, không biết làm thêm kiếm tiền và tiết kiệm để học các kỹ năng, mua sách hay đọc… chỉ biết ăn bám cha mẹ, người thân, ru rú trong nhà… ngày ra trường sẽ rất thụ động, không tìm được việc chính theo mong muốn, cũng không biết cách làm thêm tạm thời để nuôi sống bản thân chờ việc chính, ngày tháng trôi qua, các bạn sẽ tự hình dung được các bạn sẽ ra sao rồi đó. Mà bạn phải biết sự thật là, nếu có được nhận vào việc chính, thu nhập chưa chắc đã nuôi sống bản thân, phải tiếp tục cày làm thêm để sống, để lấy tiền đi đám cưới, học thêm nhiều khóa học nữa… chứ không phải rời trường là có việc làm lương 10 triệu/tháng ngay đâu.

(ii) Thị trường lao động chật chội và cạnh tranh, cùng với khả năng hạn chế của bạn, bạn sẽ chờ đợi dài hơn người khác khi họ đã khác biệt nhiều hơn bạn. Nếu kinh tế gia đình của bạn tốt, cha mẹ tiếp tục chu cấp, thì bạn cũng rất khó khăn khi tìm việc, bởi bạn chẳng có gì chứng minh cho nhà tuyển dụng các kinh nghiệm, kỹ năng… khi bạn chỉ học một buổi, buổi còn lại ở nhà ngủ.

(iii) Như tôi đã nói ở trên, vì bạn phải chuẩn bị về phong cách, để ra dáng một nhân viên thực thụ, nên bạn phải đầu tư từ trang phục, đến cặp xách, điện thoại, laptop, đồng hồ… nên các bạn ngày từ đầu phải có kế hoạch mà chi tiêu tiết kiệm, làm thêm khi rảnh hoặc vào dịp Tết, dịp hè… để tích lũy tiền, khi gần ra trường thì đi đặt may quần áo, sắm sửa giày dép … để chuẩn bị chiến đấu trong quá trình tìm việc, chiến đấu dai dẳng, kiên trì. Các bạn nữ càng phải tiết kiệm nhiều hơn vì cần nhiều hơn cho trang điểm, làm đẹp bên ngoài cho bản thân mình. Vậy nên, các bạn hãy là anh Thanh Tú, là chị Thanh Duyên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, đừng “mãi mãi là bé Su nhỏ bé của mẹ” nữa nhé.

Con nhà nghèo thì đi làm thêm là đương nhiên, để phụ giúp cha mẹ, để chất lượng sống tốt hơn, để học tập, tích lũy kỹ năng giao tiếp, để tích lũy dự phòng rủi ro; con nhà khấm khá cũng nên đi làm, để dần được độc lập, để thể hiện bản thân mình. Độc lập về tài chính là tiêu chí đầu tiên đánh giá sự trưởng thành của một con người đó bạn.

Tóm lại, hãy cố gắng để RA DÁNG MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH khi ra trường, bạn cần phải:

  • (1) Có mục tiêu rõ ràng và nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp tương lai của mình;
  • (2) Tự học, tự chiêm nghiệm, tích lũy kỹ năng giao tiếp để hạn chế gặp vướng mắc khi đi làm liên quan đến nhóm kỹ năng này;
  • (3) Định hướng và chuẩn bị cho bản thân một phong cách bề ngoài ra dáng một nhân viên văn phòng;
  • (4) Chủ động tài chính cho bản thân để có thể sắm sửa các thứ cần thiết để tìm việc và có tiền để sống chờ việc.

Hãy hình dung một ngày bạn ra trường, bạn đã chuẩn bị sẵn hồ sơ, nhận “bằng tốt nghiệp tạm thời” thì kẹp vào hồ sơ, rồi đầu tóc vuốt keo gọn gàng, diện đồ tây ủi láng mướt vào, khoác vest, xịt tý nước hoa vào cổ tay, chạm lên hai bên đầu sau tai, một ít phía trong vest, đeo đồng hồ, lấy điện thoại thông minh nhét vào túi, đóng giầy tây bóng loáng, xách cặp da, cầm hồ sơ đẹp đẽ, ngăn nắp (sẽ chỉ cách chuẩn bị hồ sơ và trả lời phỏng vấn sau)… đi ứng tuyển! Và rồi, có việc làm, và rồi phát triển, và rồi thăng tiến, nhanh thôi, vì bạn đã học, đã làm việc như một người đã trưởng thành.

Tin hay không tùy bạn!

Những nội dung đang được tìm kiếm:

Trên đây là những nội dung được chia sẻ bởi Luật sư Lê Văn Dụng – Giám đốc công ty luật Share Law. Hy vọng, bài viết cung cấp thêm cho bạn những thông tin bổ ích để bạn có những năm đại học thành công!

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.