Quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư

Những vấn đề chung, sự cần thiết phải quy định quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp điều chỉnh mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác.

..

Những nội dung liên quan:

..

Mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Mối quan hệ giữa luật sư và Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xuất hiện khi luật sư tham gia tố tụng. Bên cạnh các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, mối quan hệ này chịu sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng, pháp luật luật sư và các quy định pháp luật khác liên quan. Từ thực tiễn tham gia tố tụng, có thể nhận thấy mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng tập trung vào các hoạt động được pháp luật tố tụng quy định như: tham gia tố tụng, tham gia các hoạt động điều tra như hỏi cung, thực nghiệm điều tra, cung cấp chứng cứ, trao đổi, kiến nghị, tham gia phiên tòa… trong các vụ án hình sự; khởi kiện, cung cấp chứng cứ, tham gia hòa giải, làm việc, tham gia phiên tòa… trong các vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại hay vụ án hành chính. Nhận thức đầy đủ, toàn diện và ứng xử phù hợp khi tham gia phiên tòa, luật sư góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Khi hành nghề với tư cách đại diện ngoài tố tụng, luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, phạm vi quan hệ luật sư thường linh động, phong phú, đa dạng hơn nhiều so với những quy chuẩn nghiêm ngặt khi tham gia tố tụng. Các cơ quan nhà nước là đối tượng giao dịch, tiếp xúc của luật sư, bao gồm nhiều dạng, các cấp khác nhau, mở rộng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để có thái độ ứng xử chuẩn mực, đạt được yêu cầu mong muốn của khách hàng, luật sư cần nhận biết thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm giải quyết, thông suốt về quy trình, thời hạn giải quyết; giới hạn của việc tư vấn và khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, mối quan hệ này cũng tiềm ẩn những xung đột tiềm tàng, do không được thỏa mãn yêu cầu, khách hàng dễ bị kích động dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, cũng như uy tín của cơ quan nhà nước. Việc tuân thủ và vận dụng đúng đắn các quy tắc đạo đức và ứng xử sẽ gây dựng niềm tin của khách hàng đối với việc hành nghề của luật sư, đồng thời cũng dành được sự tôn trọng của các cơ quan nhà nước đối với luật sư.

Sự cần thiết phải quy định quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp điều chỉnh mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Nghề luật sư gắn bó mật thiết với số phận con người, đòi hỏi phép ứng xử chuẩn mực, mang tính chuyên nghiệp và dựa trên nền tảng cơ bản của đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình hành nghề, luật sư phải tiếp xúc hầu hết các chủ thể trong xã hội, đó chính là mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác. Do vậy rất cần các quy tắc liên quan điều chỉnh, bảo đảm chuẩn mực đạo đức khi ứng xử cũng như trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Ngoài ra, nghề luật sư cũng có những lúc thăng, lúc trầm, để có thể giữ vững đạo đức, chuẩn mực cần thiết phải có các quy tắc điều chỉnh để luật sư không vượt ngưỡng và có những ứng xử phù hợp. Mặt khác, khi hành nghề, luật sư luôn luôn đứng về phía khách hàng, sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng còn một bên là những người thuộc cơ quan nhà nước, thực thi quyền lực nhà nước, do vậy, không tránh khỏi có những góc nhìn khác nhau, quan điểm thậm chí trái ngược nhau và có thể xảy ra ứng xử vượt quá chuẩn mực đạo đức nên việc có các quy tắc đạo đức và ứng xử điều chỉnh là rất phù hợp để mỗi bên thấy được quyền, nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ. Việc hình thành các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong mối quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Mối quan hệ giữa luật sư và Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước là quan hệ giữa một bên đại diện cho đương sự trong vụ án, vụ việc, yêu cầu và bên kia là người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực hoặc mối quan hệ giữa cá nhân với một pháp nhân hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể. Mối quan hệ này thể hiện một mặt các bên phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, tôn trọng và tạo mọi thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho nhau để tìm ra sự thật, giải quyết vụ việc, yêu cầu. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, yêu cầu, các bên lại giám sát lẫn nhau khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, đây là mối quan hệ được thể hiện giữa con người với con người trong quá trình giải quyết công việc chung. Trong mối quan hệ đó không tránh khỏi những ảnh hưởng của tình cảm, tâm lý, phong tục tập quán, đạo đức, lối sống… Chính vì vậy, cần có sự rành mạch, rõ ràng để bảo đảm tính khách quan khi giải quyết công việc nhưng không làm mất đi tình cảm giữa người với người. Điều đó, đòi hỏi những người thực thi quyền lực nhà nước và luật sư không chỉ biết áp dụng đúng các quy định của pháp luật mà còn phải có lòng tự trọng, sự tế nhị, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ, nhưng trên nguyên tắc pháp quyền1 .

Trong mối quan hệ này, luật sư và Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức hay luật sư và người tiến hành tố tụng, cá nhân đều là những chủ thể thực hiện công việc, chức năng mà xã hội giao phó không phải là mối quan hệ của hai phía đối lập, đối nghịch, xung đột lẫn nhau. Chính vì vậy, các bên cần có thái độ làm việc, ứng xử phù hợp với vị trí, chức năng của mình. Luật sư cần có quan niệm đúng đắn về mối quan hệ mang tính phản biện giữa các chức năng của tố tụng hình sự; nhận diện đúng bản chất mối quan hệ giữa luật sư với các Cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước cũng như nhận thức rõ vai trò, chức năng nghề nghiệp, tránh tâm lý nạn nhân, kẻ yếu thế khi tham gia giải quyết vụ án, vụ việc, yêu cầu.

Mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân về bản chất là mối quan hệ công việc, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mỗi vị trí, chức danh khi giải quyết vụ việc.

Các quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Để điều chỉnh mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã quy định Chương IV và V (từ Quy tắc 26 đến 30) là những quy định hết sức cốt lõi và thiết thực khi luật sư hoạt động hành nghề của mình trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Trong đó, Chương IV (Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng) được thiết kế 3 quy tắc (26 – 28) gồm quy tắc chung khi tham gia tố tụng, quy tắc ứng xử tại phiên tòa và quy tắc quy định những điều luật sư không được làm. Các quy tắc này đã điều chỉnh những vấn đề cốt lõi, cần thiết trong quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Chương V (Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác), gồm có 02 quy tắc (29, 30) quy định về thái độ ứng xử, việc chấp hành các quy tắc, nội quy, quy định pháp luật liên quan của luật sư với các tổ chức, cá nhân nêu trên.

5/5 - (16048 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền