Những quy tắc luật sư cần lưu ý khi từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng

Những điều luật sư cần lưu ý khi từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng. Đây là nội dung được đề cập ở Quy tắc 13 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành.

Những nội dung liên quan:

..

Nội dung chính:

* Quy tắc 13.1: Luật sư có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

Quy tắc 13.1.1: Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật.

Quá trình luật sư đảm nhận thực hiện theo yêu cầu của khách hàng thường xuất hiện các yêu cầu mới không thuộc phạm vi hành nghề luật sư hoặc trái với đạo đức và pháp luật. Ví dụ, có luật sư khi nhận bào chữa trong một vụ án mà khách hàng bị quy buộc tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong thời gian phiên tòa đang diễn ra, bỗng luật sư theo yêu cầu của khách hàng, xuất trình một biên nhận chứng minh khách hàng đã trả tiền cho người bị hại. HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, yêu cầu luật sư xuất trình bản chính để người bị hại đối chiếu, sau đó người bị hại cho rằng chữ ký trong giấy nhận tiền nói trên không phải là chữ ký của mình. Luật sư khi tiếp nhận tài liệu này ban đầu hoàn toàn không biết là giấy biên nhận đã bị khách hàng giả mạo chữ ký của người bị hại, khi có kết quả giám định chữ ký theo yêu cầu của Tòa án, giấy biên nhận tiền nói trên bị coi là giả mạo. Tuy nhiên, với trình độ và hiểu biết về pháp lý, luật sư không thể nói rằng mình hoàn toàn không biết hành vi nói trên của khách hàng là sai trái vì luật sư phải hỏi rõ nguồn gốc hình thành giấy biên nhận, phải đánh giá, xem xét ban đầu về chữ ký của người bị hại. Vô hình trung, luật sư tự đặt mình vào thế khó, có thể còn bị quy kết cung cấp bằng chứng giả mạo cho Tòa án.

Về nguyên tắc thì luật sư phải tin khách hàng thì mới có thể đảm nhận vụ việc, nhưng nếu tin tưởng toàn bộ mà không xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp thì rủi ro sẽ thuộc về mình. Trong trường hợp nếu yêu cầu của khách hàng là yêu cầu mới, nằm ngoài phạm vi hợp đồng thì luật sư có thể từ chối hoặc thỏa thuận với khách hàng bổ sung bằng phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý. Nếu yêu cầu này là trái với pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, luật sư cần nói rõ và từ chối yêu cầu của khách hàng.

Quy tắc 13.1.2: Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục.

Đây là trường hợp không dễ ứng xử trong thực tiễn hành nghề. Luật sư bao giờ cũng mong muốn bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trên cơ sở pháp luật, nên trong ý kiến pháp lý hay trình bày trực tiếp tại phiên tòa, làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, luật sư luôn dựa trên pháp luật và trách nhiệm đạo đức để tư vấn cho khách hàng. Vì dựa trên căn cứ pháp luật nên trong một số trường hợp, khách hàng không thỏa mãn hoặc đồng ý, cho rằng luật sư không bảo vệ tối đa lợi ích của mình hoặc chỉ “thuần lý”, không tính đến hoàn cảnh, yêu cầu của khách hàng. Trong trường hợp này, ứng xử đạo đức của luật sư là phải kiên trì giải thích và thuyết phục khách hàng rằng quyền lợi của khách hàng chỉ có thể được bảo vệ khi đó là quyền lợi hợp pháp và chính đáng, dựa trên cơ sở pháp luật. Nếu khách hàng không đồng ý, luật sư cần đưa ra các giải pháp cho khách hàng lựa chọn, nếu khách hàng vẫn không đồng ý thì cần trao đổi thẳng thắn, có thể từ chối không tiếp tục thực hiện, chấm dứt và giải quyết các hệ lụy phát sinh từ hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Quy tắc 13.1.3: Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của luật sư .

Quan hệ cung cấp dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng được thể hiện thông qua hợp đồng, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Không thể nói đã là khách hàng thì chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ, nếu vi phạm các cam kết hay nghĩa vụ trong hợp đồng thì khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm với luật sư . Trong quá trình làm việc, khách hàng và luật sư đều cần có sự tôn trọng lẫn nhau, quyền và nghĩa vụ được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng và hợp lẽ phải. Ngay từ việc hai bên thỏa thuận mức thù lao luật sư , tiến độ thanh toán, nhưng khách hàng không tôn trọng, vi phạm cam kết của mình, trong trường hợp này, phương pháp tốt nhất vẫn là tìm hiểu các nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh dẫn đến việc khách hàng vi phạm cam kết với luật sư , từ đó có thể chia sẻ, tạo điều kiện để khách hàng tôn trọng và thực hiện cam kết. Chỉ trong trường hợp không còn phương án nào khác, khách hàng vẫn kiên quyết không thực hiện nghĩa vụ của mình, dẫn đến quan hệ giữa hai bên xấu đi, không khắc phục được thì luật sư có quyền từ chối thực hiện công việc đang được tiến hành.

Quy tắc 13.1.4: Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, có vị thế và trách nhiệm nghề nghiệp cao quý, không chịu khuất phục trước bất cứ áp lực nào, tận tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể xã hội. Đó chính là tinh thần “hiệp sĩ” truyền lại từ lịch sử hình thành nghề luật sư trên thế giới. Ngay tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư toàn quốc hay địa phương được lập ra cũng nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ là đại diện, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư , bảo đảm tính liêm chính, ngay thẳng, phụng sự công lý, đấu tranh với các biểu hiện, hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, giữa sứ mệnh cao quý và thực tế đời sống thường có những khoảng cách. Điều đó càng đúng trong hoàn cảnh hành nghề luật sư ở Việt Nam, với điểm xuất phát và nhận thức chung của một bộ phận xã hội còn có phần hạn hẹp, nên còn nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động hành nghề luật sư .

Ví dụ 17: Từ rủi ro trong hành nghề… Từ tháng 5/2009 đến nay, Liên đoàn luật sư nhận được 384 trường hợp1 đề nghị bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật sư . Liên đoàn đã triển khai nhanh chóng, kịp thời phối hợp với Đoàn luật sư để can thiệp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư . Tuy vậy, vẫn còn hiện tượng cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong một số vụ án hình sự ở một số cá nhân hoặc một số CQTHTT (như bị từ chối hoặc chậm trễ cấp Thông báo đăng ký bào chữa, chưa tạo điều kiện hoặc không cho luật sư gặp bị can…).

Trong quá trình làm việc, có trường hợp luật sư bị tấn công, xâm phạm thân thể, ném xăng, đặt quan tài trước cửa Văn phòng…, Liên đoàn đã có văn bản và đề ra các giải pháp, phối hợp các cơ quan hữu quan, đề nghị tôn trọng và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư .

Trong thực tế, vẫn có nhiều trường hợp luật sư phải chịu nhiều đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đây thật sự là nỗi ám ảnh trong lòng của mỗi luật sư khi hành nghề, vì thỏa mãn yêu cầu của khách hàng đã khó, vậy mà khi gặp khó khăn, kết quả không đạt được như ý muốn, khách hàng có thể trách cứ luật sư , thậm chí tạo áp lực buộc luật sư phải làm những việc ngoài phạm vi hợp đồng và trái pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Sự đe dọa đó có thể chỉ là uy hiếp về tinh thần, lấy lợi ích vật chất dẫn dụ luật sư làm điều sai trái, thậm chí có khách hàng nhờ cậy luật sư nhưng lúc nào cũng ghi âm lời nói, trao đổi trên điện thoại hay hình ảnh sinh hoạt cá nhân của luật sư . Nếu luật sư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, khách hàng quay trở lại đe dọa, tố cáo luật sư , đưa ra các bằng chứng ghi âm, ghi hình nói trên. Đứng trước những áp lực đó, luật sư không chỉ cần bình tĩnh để nhận diện và đánh giá đúng tình hình, mà còn phải cân nhắc và đi đến quyết định sẵn sàng từ chối tiếp tục thực hiện công việc đã giao kết với khách hàng.

Quy tắc 13.1.5: Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối luật sư .

Quy tắc này đòi hỏi luật sư phải xác định có căn cứ rằng khách hàng đã lừa dối mình, đưa ra các thông tin, tài liệu, chứng cứ giả mạo hoặc sai lệch, bịa đặt tình huống, hoàn cảnh không có thật, thực hiện hành vi tội phạm nhưng lại cho rằng mình bị oan ức… Không phải ngay từ đầu luật sư đã có thể phát hiện sự lừa dối của khách hàng, mà chỉ thông qua quá trình làm việc, tiến trình tố tụng, với kết quả giám định khoa học kỹ thuật hình sự, luật sư mới phát hiện. Trong trường hợp này, luật sư có thể từ chối tiếp tục cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn có một tình huống, nếu như khách hàng thừa nhận đã lừa dối luật sư , nhưng mong muốn trong hoàn cảnh sự thật đó, có cách nào bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Ví dụ, khách hàng tạo bằng chứng ngoại phạm giả mạo để chứng minh mình không giết người, nhưng sau đó bị phát hiện, bị can nhận tội, mong muốn luật sư hỗ trợ cho mình. Luật sư nếu đồng ý, sẽ tìm kiếm các tình tiết giảm nhẹ, nguyên nhân, điều kiện phạm tội để đề nghị đường lối xử lý khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.

* Quy tắc 13.2: Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

Quy tắc 13.2.1: Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức.

Quan hệ giữa luật sư và khách hàng dựa trên hợp đồng dịch vụ pháp lý được thỏa thuận, ký kết một cách tự nguyện, bình đẳng, ngay thẳng và công bằng, nhằm thực hiện công việc đặc thù là cung cấp kiến thức, kỹ năng, giải pháp để xử lý các yêu cầu hợp pháp của khách hàng. Có thể ban đầu khách hàng che giấu, nhưng với sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình, luật sư không khó để có thể nhận diện, phát hiện là khách hàng lợi dụng việc sử dụng sự trợ giúp pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Việc làm sai trái này đã xảy ra, để lại những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của luật sư . Trong trường hợp này, luật sư có quyền, và phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc các CQTHTT biết về sự từ chối này.

Quy tắc 13.2.2: Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11. (Xem bình luận, phân tích Quy tắc 11 quy định những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng ở phần trên).

Quy tắc 13.2.3: Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.

Khoản 4 Điều 72 BLTTHS năm 2015 quy định những người sau đây không được bào chữa: (a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; (b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; (c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Như vậy, khi thuộc trường hợp pháp luật nghiêm cấm hoặc gặp trường hợp bất khả kháng, luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.

5/5 - (8957 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền