Những quy tắc luật sư cần lưu ý khi xung đột lợi ích với khách hàng hoặc bên thứ ba

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng

Những quy tắc luật sư cần lưu ý khi khách hàng mà mình nhận tư vấn, bảo vệ quyền lợi có xung đột lợi ích với khách hàng cũ hoặc bên thứ ba.

..

Những nội dung liên quan:

..

Đây là nội dung của “Quy tắc 15. Xung đột về lợi ích” trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành

* Quy tắc 15.1: Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng. Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này.

“Xung đột lợi ích” là một trong những khái niệm trung tâm, phản ánh rõ nét hành vi ứng xử về mặt đạo đức của luật sư. Trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp của luật sư có sự đan xen các mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng, giữa các khách hàng với nhau, giữa khách hàng với bên thứ ba… Lợi ích của các bên trong các mối quan hệ này là khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau, đặt luật sư vào tình thế khó xử. Luật sư cần giải quyết được vấn đề “xung đột về lợi ích” để bảo đảm nguyên tắc “độc lập”, từ đó mới thực hiện được những nghĩa vụ đối với khách hàng, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Giải quyết vấn đề xung đột về lợi ích cũng góp phần củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung đối với luật sư và nghề luật sư. Vì thế, nội dung quy tắc này đã định nghĩa khá rõ thế nào là xung đột về lợi ích trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng.

Tuy nhiên, xung đột lợi ích trong quan hệ giữa luật sư với khách hàng khá đa dạng. Đó không chỉ là xung đột lợi ích giữa các bên trong cùng một vụ tranh chấp, mà còn đối với khách hàng cũ của luật sư hoặc bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

“Bên thứ ba” là bên nào?

“Bên thứ ba” được hiểu là những người không phải khách hàng nhưng luật sư có mối quan hệ về quyền lợi, nghĩa vụ có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng trong trường hợp có xung đột về lợi ích. Ví dụ, khi một luật sư làm thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần A, nghĩa vụ của thành viên độc lập đối với “bên thứ ba” là Hội đồng quản trị Công ty A không cho phép luật sư có hành vi đi ngược lại lợi ích của Công ty A, nên nếu luật sư này bảo vệ cho khách hàng B trong vụ việc tranh chấp với Công ty A thì phát sinh xung đột về lợi ích.

Mặt khác, cần hiểu khái niệm “xung đột lợi ích” là xung đột quyền lợi trước pháp luật (ví dụ, quyền lợi giữa nguyên đơn – bị đơn, bị cáo – bị hại), có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, còn trong thực tế, vẫn có những trường hợp luật sư nhận bào chữa cho bị cáo có vai trò chủ mưu và cả bị cáo có vai trò là đồng phạm (đồng ý chí thực hiện tội phạm). Trong trường hợp này, có thể không bị coi là xung đột lợi ích. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử một số vụ đại án Ngân hàng, Thẩm phán chủ tọa thường đề nghị mỗi luật sư chỉ nhận bào chữa cho một bị cáo độc lập mà không cần giải thích lý do có thuộc trường hợp xung đột về lợi ích hay không. Vậy ai là người có thẩm quyền xác định có xung đột lợi ích, từ đó luật sư không được nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng mà quyền lợi của họ đối lập nhau? Vấn đề này thực tế chưa được ấn định cụ thể trên thực tế, nên trong nhận thức và ứng xử của luật sư, quy tắc này là để luật sư tự rà soát và quyết định xem khách hàng mà mình nhận tư vấn, bảo vệ quyền lợi có xung đột lợi ích với khách hàng cũ hoặc bên thứ ba hay không. Nếu các lợi ích này bị xung đột thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc luật sư tận tâm, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng.

* Quy tắc 15.2: Trong quá trình thực hiện vụ việc, luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của luật sư thì luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết.

Quy tắc này là sự tiếp nối, điều chỉnh ứng xử của luật sư khi thực hiện vụ việc, phát hiện quyền lợi khách hàng của mình có thể xung đột với khách hàng cũ của luật sư hoặc bên thứ ba thì luật sư cần chủ động xử lý, tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Luật sư cần chủ động thảo luận với khách hàng về các tình huống có thể dẫn đến xung đột về lợi ích, cũng như ảnh hưởng của nó đến quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Ví dụ 18: Câu chuyện luật sư bị từ chối bào chữa do cách hiểu không đúng về “xung đột lợi ích”

Trong vụ án hình sự xảy ra tại Công ty P vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, một luật sư bào chữa cho bị cáo là Giám đốc Công ty P. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, trong quá trình tổ chức thi hành án, một Chấp hành viên bị coi là có hành vi sai phạm trong xử lý tài sản thế chấp liên quan đến Công ty P, bị khởi tố, bắt tạm giam. Gia đình của Chấp hành viên đến nhờ luật sư này bào chữa, khi làm thủ tục, Cơ quan điều tra lấy lý do luật sư đã từng bào chữa cho Giám đốc Công ty P, nên đã từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa với lý do “xung đột về lợi ích”. Vấn đề đáng bàn ở đây là việc luật sư này bào chữa cho Chấp hành viên không phải trong cùng một vụ án hình sự trước đây, cũng không phải trong cùng một quan hệ quyền lợi với khách hàng cũ, đó là chưa kể khách hàng cũ của luật sư là Giám đốc, quyền lợi khác hoàn toàn với quyền lợi của Công ty. Tuy nhiên, luật sư kịp thời thông báo cho gia đình khách hàng về tình huống nêu trên, được gia đình thống nhất không tiếp tục đề nghị luật sư này thực hiện việc bào chữa cho khách hàng nữa.

* Quy tắc 15.3: Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

– Quy tắc 15.3.1: Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau.

Thực tiễn hành nghề cho thấy, quy tắc này không buộc luật sư phải ưu tiên quyền lợi của khách hàng so với các quyền lợi, nghĩa vụ khác của luật sư, một việc mà nhiều khi muốn luật sư cũng không thể thực hiện được trên thực tế. Quy tắc này yêu cầu luật sư phải tránh những tình huống để các quyền lợi, nghĩa vụ này xung đột với nhau, khiến luật sư ở vào tình thế “khó xử” nếu phải chọn lựa ưu tiên quyền lợi, nghĩa vụ nào. Cách tốt nhất là nhận diện và xác định, trên cơ sở thảo luận với khách hàng trước khi quyết định từ chối tiếp nhận hay tiếp tục thực hiện vụ việc cho khách hàng.

>>> Xem thêm: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng

– Quy tắc 15.3.2: Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện.

– Quy tắc 15.3.3: Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ.

Cả hai quy tắc 15.3.2 và 15.3.3 đều được giải thích và thực hiện như Quy tắc 15.3.1. Tuy nhiên, theo thực tiễn hành nghề, việc xác định cùng một vụ việc cần được nhận diện rõ ràng. Cụ thể, trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng khác nhau liên quan đến cùng một đối tượng trong giao dịch, giải quyết tranh chấp thì có thể xem là cùng vụ việc. Ví dụ, khi luật sư đang giúp khách hàng A đàm phán thuê dài hạn căn nhà của B thì được khách hàng C đến nhờ luật sư đàm phán với B để mua chính căn nhà này. Nếu luật sư nhận lời C thì sẽ phát sinh xung đột về lợi ích, vì quyền lợi của C (được mua căn nhà) mâu thuẫn với quyền lợi của A (được thuê căn nhà).

Ngoài ra, nghĩa vụ chủ yếu đối với khách hàng cũ là “giữ bí mật thông tin”, nên “vụ việc khác có liên quan trực tiếp” trong ngữ cảnh của Quy tắc 15.3.3 được hiểu là vụ việc mà qua đó luật sư có được những thông tin của khách hàng cũ có thể đem lại lợi thế cho khách hàng hiện tại so với khách hàng cũ. Ví dụ, một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, trong quá trình làm việc cho Công ty A theo hợp đồng lao động đã tham gia vào một vụ thương lượng để bồi thường thiệt hại cho B do lỗi sản phẩm của Công ty A (vụ việc 1). Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty A, luật sư nhận làm đại diện cho khách hàng C để đòi Công ty A bồi thường thiệt hại cho C với cùng nguyên nhân do lỗi sản phẩm của Công ty A (vụ việc 2). Như vậy, thông tin mà luật sư có từ vụ việc 1 có thể được sử dụng để tạo lợi thế cho C trong vụ việc 2, nên có xung đột về lợi ích phát sinh khi luật sư nhận vụ việc của C.

Xung đột về lợi ích trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng
Xung đột về lợi ích trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng

– Quy tắc 15.3.4: Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.

Đây là tình huống thật sự rất hiếm khi xảy ra nhưng Quy tắc này vẫn dự liệu để luật sư nhận diện và đánh giá một cách độc lập và bất vụ lợi do liên quan đến cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư. Mặc dù quan hệ dịch vụ pháp lý là quan hệ tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, trong đó bao hàm cả quyền lợi của luật sư, nhưng quyền lợi đó không thể đánh đổi, tạo ra lợi thế hay đứng trên quyền lợi của khách hàng.

Trong các vụ việc ngoài tố tụng (như các giao dịch hợp đồng…) thì không phải lúc nào xung đột cũng được nhận biết rõ ràng. Việc đồng thời là luật sư của khách hàng trong giao dịch mà luật sư hoặc thành viên gia đình của luật sư tham gia cùng với khách hàng tạo ra cho những người này lợi thế so với khách hàng. Ví dụ, luật sư thực hiện công việc tư vấn pháp luật và soạn thảo hợp đồng cho khách hàng để thành lập một doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, trong đó luật sư hoặc thành viên gia đình của luật sư là một bên tham gia đầu tư. Khi đó, quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách là một bên tham gia đầu tư có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ luật sư bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng khi thực hiện công việc tư vấn pháp luật và soạn thảo hợp đồng. Do đó phát sinh xung đột về lợi ích. Để thực hiện công việc này, luật sư cần phải giải thích cho khách hàng nhận thức được xung đột để khách hàng có sự cân nhắc, tham vấn ý kiến của bên thứ ba (có thể là luật sư khác) nếu thấy cần thiết, và phải được sự đồng ý của khách hàng theo Quy tắc 15.4.

Việc hạn chế tại Quy tắc 15.3.4 này không áp dụng đối với giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ… giữa khách hàng với luật sư hoặc thành viên gia đình của luật sư nếu những điều khoản của giao dịch này được áp dụng chung như đối với những đối tác khác của khách hàng. Khi đó, không có xung đột phát sinh do luật sư hoặc thành viên gia đình của luật sư không có được lợi thế với tư cách làm luật sư cho khách hàng trong giao dịch. Ví dụ, luật sư soạn thảo hợp đồng mẫu mua bán căn hộ chung cư cho khách hàng là chủ đầu tư chung cư. Sau đó, luật sư hoặc thành viên gia đình của luật sư mua căn hộ chung cư do chủ đầu tư này bán theo hợp đồng như những người mua căn hộ khác. 

– Quy tắc 15.3.5: Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong CQNN, trọng tài viên, hòa giải viên.

Tình huống mà Quy tắc này đặt ra tuy không phổ biến, nhưng trong thời gian tới có khả năng phát sinh. Hiện nay, trong tổng số các luật sư trên cả nước, nhiều cán bộ trong các CQTHTT đến tuổi nghỉ hưu, trở về với mái nhà chung của giới luật sư. Trong quá trình hành nghề luật, có thể họ đã từng tham gia xử lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp theo các trình tự tố tụng dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, tố tụng trọng tài, hòa giải… Khi trở thành luật sư, theo Quy tắc này, họ phải từ chối tiếp nhận vụ việc mà trước đó họ đã từng tham gia giải quyết với tư cách là người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong CQNN, trọng tài viên, hòa giải viên. Thực tiễn cho thấy, Quy tắc này còn nhằm mục đích ngăn ngừa luật sư tận dụng lợi thế không chính đáng do có được thông tin và vị thế trong việc đã tham gia giải quyết vụ việc với một trong những tư cách nêu trên, đi ngược với những nguyên tắc độc lập, khách quan, vô tư, công bằng, tuân theo pháp luật của những người đảm nhiệm vị trí công vụ theo quy định pháp luật và các quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Đồng thời, Quy tắc 15.3.5 cũng nhằm tránh gây ra sự ngộ nhận của khách hàng về việc luật sư có thể tạo ra lợi thế cho khách hàng do có được thông tin, vị thế nói trên, gây ra nhầm lẫn cho khách hàng về chức năng và công việc của luật sư.

– Quy tắc 15.3.6: Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư.

Đây là trường hợp trong tổ chức hành nghề có các luật sư có quan hệ huyết thống, thân thích, là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư hay những người nói trên hoạt động trong Tổ chức hành nghề luật sư khác. Nếu trong cùng tổ chức hành nghề, đương nhiên các thành viên trong gia đình luật sư không thể cùng nhận tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau. Trong trường hợp khác Quy tắc này đòi hỏi mỗi luật sư có quan hệ thân thích, ruột thịt với nhau phải cân nhắc xem khách hàng của mình có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc hay không. Sở dĩ như vậy là để tránh trường hợp, do bị chi phối bởi tình huyết thống, thân thích sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng, sự tận tâm của luật sư trong việc tiếp nhận và thực hiện công việc hỗ trợ cho khách hàng.

– Quy tắc 15.3.7: Trường hợp luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3, luật sư khác đang làm việc trong cùng Tổ chức hành nghề luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6.

Quy tắc này điều chỉnh một thực tế, đã trở thành nguyên tắc “nằm lòng” của các luật sư trong cùng một tổ chức hành nghề, vì giữa các đồng nghiệp trong cùng tổ chức ít nhiều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cả về quan hệ kinh tế (chia sẻ với nhau lợi ích từ nguồn thù lao của khách hàng: Tiền lương, tiền thưởng, phần chia lợi nhuận của Tổ chức hành nghề luật sư…); cũng như quan hệ quản lý tổ chức và quản lý công việc dịch vụ pháp lý, dẫn đến khả năng chia sẻ, tiết lộ thông tin giữa các luật sư đồng nghiệp. Tuy nhiên, do sự liên đới giữa các luật sư đồng nghiệp trong phạm vi mối quan hệ phụ thuộc trong cùng tổ chức, nên quyền lợi thuộc về cá nhân của mỗi luật sư không chịu ảnh hưởng của quy tắc này. Vì thế, các trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và Quy tắc 15.3.6 được loại trừ khỏi hạn chế không được nhận, thực hiện vụ việc đối với các luật sư khác trong cùng tổ chức.

* Quy tắc 15.4: Luật sư vẫn có thể nhận hoặc thực hiện vụ việc trong các trường hợp tại Quy tắc 15.3, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, trừ các trường hợp sau đây:

– Quy tắc 15.4.1: Các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật.

– Quy tắc 15.4.2: Các vụ án, vụ việc tố tụng, vụ việc khiếu nại hành chính, vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, hòa giải thương mại.

– Quy tắc 15.4.3: Trường hợp tại Quy tắc 15.3.5.

Một trong những mục đích chủ yếu của yêu cầu giải quyết “xung đột về lợi ích” là nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Do đó, về nguyên tắc, khách hàng chịu ảnh hưởng của xung đột về lợi ích có thể xem xét về mức độ ảnh hưởng với quyền lợi của mình và cân nhắc từ bỏ yêu cầu tránh xung đột về lợi ích để đồng ý cho luật sư được nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù có xung đột về lợi ích. Quy tắc 15.4 xác lập quyền của khách hàng được từ bỏ yêu cầu tránh xung đột về lợi ích, dưới hình thức “đồng ý bằng văn bản của khách hàng”. Tất nhiên, để nhận được sự đồng ý của khách hàng thì trước hết luật sư phải thông báo và giải thích với khách hàng về xung đột.

Tuy vậy, cho dù có sự đồng ý của khách hàng thì luật sư vẫn phải tuân theo pháp luật và các nguyên tắc hành nghề luật sư. Vì thế mà Quy tắc 15.4 còn xác định những trường hợp ngoại lệ mà luật sư không thể nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù được khách hàng đồng ý.

Có 03 trường hợp ngoại lệ được liệt kê trong các quy tắc 15.4.1, 15.4.2 và 15.4.3.

Quy tắc 15.4.1 là “các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật”. Theo pháp luật hiện hành, có thể kể đến các trường hợp: theo điểm a khoản 1 Điều 9 của LLuật sư năm 2006; khoản 2 Điều 87 của BLTTDS năm 2015; khoản 4 Điều 72 BLTTHS năm 2015; khoản 3 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015…

Quy tắc 15.4.2 là các vụ việc được giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại, tố tụng, trọng tài, hòa giải. Đây là các vụ việc có mức độ đối kháng cao về lợi ích giữa các bên do đã có bất đồng, tranh chấp, hoặc có hành vi có dấu hiệu tội phạm… Nhìn chung, các bên không tự quyết định được kết quả vụ việc mà phải tham gia vào quá trình tranh luận, tranh tụng để bên thứ ba có thẩm quyền tài phán (HĐXX, trọng tài…) quyết định kết quả. Vì thế, cho dù có sự đồng ý của tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng thì luật sư cũng không thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng này mà không trực tiếp gây bất lợi, làm xấu đi tình trạng của khách hàng kia. Ví dụ, việc yêu cầu mức bồi thường thiệt hại cao hơn cho nguyên đơn thì cũng đồng thời không thể làm giảm đi mức phải bồi thường của bị đơn. Hơn nữa, sự thỏa hiệp nội tại của luật sư về quyền lợi của một trong hai phía hoặc cả hai phía khách hàng đối lập cũng tước đi cơ hội tạo điều kiện tối đa cho các bên đối lập trong việc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình thông qua tranh luận, tranh tụng. Do đó, luật sư không thể thực hiện một cách có hiệu quả nghĩa vụ của mình đối với khách hàng nếu nhận hoặc thực hiện vụ việc cho cả hai bên khách hàng đối lập.

Ngoại lệ được nêu tại Quy tắc 15.4.3 là trường hợp của Quy tắc 15.3.5: “Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong CQNN, trọng tài viên, hòa giải viên”. Như đã giải thích ở trên, yêu cầu tránh xung đột lợi ích đối với trường hợp của Quy tắc 15.3.5 không chỉ vì mục đích bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn để ngăn ngừa luật sư tận dụng lợi thế không chính đáng trong việc đã tham gia giải quyết vụ việc với một trong những tư cách nêu trên, đi ngược với những nghĩa vụ độc lập, khách quan, vô tư, công bằng, tuân theo pháp luật của những người đảm nhiệm vị trí công vụ. Đây không phải là những nghĩa vụ đối với khách hàng, mà là những nghĩa vụ theo pháp luật, đối với cơ quan, tổ chức mà luật sư đã từng công tác và đối với các bên liên quan trong vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết. Do đó, sự đồng ý của khách hàng cũng không thể miễn trừ cho luật sư khỏi yêu cầu tránh xung đột về lợi ích theo Quy tắc 15.3.5.

5/5 - (16782 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền