Khái niệm tình đồng nghiệp của luật sư

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư đồng nghiệp

Tình đồng nghiệp của luật sư được quy định trong Quy tắc 17 và được thể hiện qua Quy tắc 9 về giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư và các quy tắc khác trong Chương 3 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư. Tình đồng nghiệp không chỉ chi phối toàn bộ hoạt động hành nghề luật sư mà còn tác động đến hoạt động giao tiếp xã hội của luật sư.

Có thể thấy, Quy tắc 17 là một quy định cá biệt, khác biệt của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam nếu so sánh với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư của một số nước trên thế giới. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam coi trọng, đề cao tâm đức, tình nghĩa của con người với con người trong quan hệ đồng nghiệp giữa các luật sư với nhau.

Khái niệm tình đồng nghiệp của luật sư được xây dựng trên cơ sở phát huy truyền thống đạo đức dân tộc, xuất phát từ thực tiễn hoạt động nghề luật sư, sự tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ, thiện chí với đồng nghiệp. Tình đồng nghiệp của luật sư là tình cảm được hình thành, duy trì và thường xuyên vun đắp trên cơ sở niềm tự hào nghề nghiệp, sự tôn trọng, cảm thông, hợp tác hiệu quả, giúp đỡ lẫn nhau chân thành, vì sự nghiệp của cá nhân luật sư và giới luật sư Việt Nam, loại trừ hoạt động cạnh tranh không lành mạnh; đặt ra nguyên tắc ứng xử của luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp; chỉ rõ và nghiêm cấm luật sư không được thực hiện một số loại hành vi cụ thể trong quan hệ đồng nghiệp; quy định về đạo đức và ứng xử của luật sư với một số chủ thể khác có liên quan như tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư, cá nhân không phải là luật sư trong Tổ chức hành nghề luật sư và cơ quan, tổ chức nơi luật sư hoạt động trong trường hợp luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân.

Thực tiễn cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động, chi phối, và quyết định quan hệ của luật sư với đồng nghiệp. Để có “đồng nghiệp tốt” luật sư cần phải biết tiết chế bản thân, giảm cái tôi, suy nghĩ vì nghề nghiệp, suy nghĩ vì đồng nghiệp; cần phải coi trọng “tình đồng nghiệp của luật sư”, đặt nhiệm vụ “bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư” lên trên các mối quan hệ xã hội khác. Có như vậy, người luật sư mới có đủ sự tỉnh táo cần thiết, đủ bản lĩnh để dung hòa, cân đối, giảm thiểu mâu thuẫn, lợi ích đối lập phát sinh từ hoạt động nghề nghiệp. Từ đó có ứng xử phù hợp, giữ gìn tình cảm với đồng nghiệp, thể hiện trách nhiệm của người luật sư với nghề luật sư.

Tình đồng nghiệp của luật sư hình thành và phát triển trước hết và chủ yếu thông qua hoạt động hành nghề của luật sư, phát sinh từ các hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của luật sư. Bên cạnh đó, luật sư còn có nhiều mối liên hệ, giao tiếp xã hội với đồng nghiệp. Giao tiếp xã hội của luật sư với đồng nghiệp không chỉ được điều chỉnh bằng Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp mà còn bị điều chỉnh bởi Điều lệ, nội quy, quy chế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố. Ví dụ như nội quy Đoàn luật sư, quy chế quản lý tài sản và chi tiêu tài chính của Đoàn luật sư quy định các chế độ phúc lợi đối với luật sư thành viên như chế độ hiếu, hỷ, ốm đau, thai sản và cách thức triển khai, thực hiện các chế độ này.

Bộ Quy tắc quy định luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp phải tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng nghề nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích của đồng nghiệp như bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình; không được phân biệt đối xử. Trong thực tiễn có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động đến quan hệ luật sư với đồng nghiệp như: Tuổi đời, thâm niên hành nghề; quan hệ giữa luật sư làm công tác quản lý hành chính với luật sư thành viên; quan hệ giữa luật sư Trưởng tổ chức hành nghề và luật sư thành viên của tổ chức; chức danh, công việc trước khi hành nghề luật sư; luật sư nhận nhiều vụ việc, nhiều khách hàng với luật sư nhận ít vụ việc, ít khách hàng…

Tình đồng nghiệp của luật sư không cho phép luật sư để các quan hệ xã hội tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến tìm cảm, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người luật sư, nghề luật sư. Do đó, Bộ Quy tắc yêu cầu và buộc luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề (Quy tắc 17.1)

Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư với đồng nghiệp không chỉ là những tuyên bố, khẩu hiệu mà cần được áp dụng, thực hành trong thực tiễn. Tình đồng nghiệp đôi khi chỉ là những cử chỉ, việc làm giản đơn, bình dị thường ngày chứa đựng tình cảm, sự tôn trọng, trân trọng, quý trọng của luật sư đối với đồng nghiệp.

Tình đồng nghiệp của luật sư là cơ sở, căn cứ để tạo lập, xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp của luật sư với đồng nghiệp và không bị chi phối, ràng buộc bởi những mối quan hệ khác của luật sư. Điều đó đặt ra yêu cầu luật sư phải sử dụng chức danh luật sư làm cơ sở để xác lập mối quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp; sử dụng tình đồng nghiệp làm trung tâm, trọng tâm điều giải các mối quan hệ xã hội khác; đặt quan hệ đồng nghiệp lên trên các mối quan hệ khác trong trường hợp mối quan hệ đó có mâu thuẫn, tác động không tích cực đến quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp. Bảo đảm quan hệ giữa các luật sư: bình đẳng, độc lập, tôn trọng, hợp tác.

Tình đồng nghiệp của luật sư không cho phép luật sư để kết quả thắng, thua trong hoạt động nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến quan hệ của luật sư, quan hệ giữa các Tổ chức hành nghề luật sư; không cho phép luật sư phân biệt, so sánh vùng, miền. Tình đồng nghiệp của luật sư không phải tự nhiên mà có. Tình đồng nghiệp của luật sư cần được mỗi luật sư chủ động tạo lập, chủ động giữ gìn, chủ động phát huy thông qua những việc làm thiết thực hàng ngày. Tình đồng nghiệp của luật sư chỉ tồn tại và thật sự đi vào đời sống thường ngày của giới luật sư khi và chỉ khi mỗi luật sư luôn có ý thức tạo lập, xây dựng, duy trì, vun đắp bằng cái tâm của mình thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày, cũng như trong quyết sách, quyết định liên quan đến luật sư và nghề luật sư của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.

Không có thắng, thua giữa luật sư với luật sư; tên Tổ chức hành nghề luật sư, tên Đoàn luật sư không phản ánh chất lượng, uy tín, đạo đức người luật sư; vùng, miền nơi luật sư hoạt động không quyết định đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

5/5 - (1996 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền