05 quy tắc luật sư cần lưu ý khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thuật ngữ pháp lý Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng

Dưới đây 05 quy tắc luật sư cần lưu ý khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng được đề cập trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành.

Những nội dung liên quan:

..

Nội dung chính:

* Quy tắc 10.1: Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không.

Các giai đoạn tiếp xúc với khách hàng không giống nhau trong mỗi vụ việc, qua nhiều bước khác nhau. Luật sư không nên coi nhẹ giai đoạn tiếp nhận này với suy nghĩ đơn giản là việc tiếp xúc ban đầu chỉ mang tính “thủ tục” và phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tiếp xúc đó, chẳng hạn như khách hàng muốn luật sư đến nhà riêng, ở nơi công cộng hay ở trụ sở tổ chức hành nghề. Trước khi tiếp xúc theo lịch hẹn, luật sư cần trao đổi để khách hàng có thể chuẩn bị trước về nội dung yêu cầu, các thông tin, tài liệu ban đầu, nhân thân hoặc hồ sơ pháp lý của pháp nhân.

Nội dung quy tắc này đòi hỏi luật sư khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, trên cơ sở xem xét, nhận diện chính xác yêu cầu của khách hàng, cần giải thích cho họ biết khả năng của luật sư và những giới hạn trách nhiệm để tránh sự lầm tưởng là luật sư có thể giải quyết mọi vấn đề. Vì mới tiếp nhận vụ việc, không phải luật sư nào cũng có thể trả lời ngay lập tức có nhận trách nhiệm hỗ trợ khách hàng được hay không, mà cần có thời gian nghiên cứu hồ sơ, tham khảo các thông tin liên quan (qua tìm hiểu thông tin trên báo chí, website của cơ quan quản lý nhà nước), tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh quan hệ tranh chấp.

Để hiểu rõ yêu cầu của khách hàng và nắm bắt những tình tiết, hoàn cảnh, nhân thân của bị can, bối cảnh xảy ra vụ án, luật sư có thể tìm hiểu, trao đổi những điểm chủ yếu liên quan đến vụ việc và khách hàng, trao đổi với khách hàng về cách thức đăng ký thủ tục nhờ luật sư (đưa mẫu phiếu yêu cầu nhờ luật sư), giải thích cho thân nhân của bị can biết được về các thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của Luật Luật sư và BLTTHS năm 2015, trao đổi với khách hàng về thù lao luật sư, giải thích cho khách hàng về các yếu tố cấu thành làm căn cứ tính thù lao luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư, dựa trên 3 tiêu chí chính là: Tính chất của vụ án, thời gian dự kiến phải hoàn thành công việc, uy tín và kinh nghiệm của luật sư.

Tuy nhiên, về phần khách hàng, với tâm lý nóng ruột hoặc do tính cấp thiết của vụ việc, họ bao giờ cũng mong muốn nhận được câu trả lời sớm nhất từ phía luật sư có đồng ý tiếp nhận vụ việc của khách hàng hay không? Như đã đề cập ở trên, với sự cẩn trọng và phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn của mình, luật sư cần cân nhắc nhiều yếu tố (trong đó có cả mức thù lao luật sư) trước khi quyết định. Vấn đề đặt ra là cần hiểu cụm từ “nhanh chóng trả lời cho khách hàng” như thế nào? Ngay trong pháp luật thực định, chẳng hạn trong BLTTHS năm 2015 quy định Cơ quan điều tra “thông báo thời gian hợp lý” với người bào chữa tham dự buổi hỏi cung, nhưng thời gian thế nào là hợp lý chưa được quy định cụ thể. Sau này, Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an đã quy định chi tiết thời hạn thông báo cho người bào chữa có nơi cư trú trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 24 giờ và khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 48 giờ.

Trong quy tắc này, việc quy định cụm từ “nhanh chóng” mang tính tương đối, đặt yêu cầu cho luật sư khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, nếu có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý, có thể thông báo tiếp nhận ngay, hướng dẫn khách hàng làm một số thủ tục cần thiết như điền vào mẫu yêu cầu nhờ luật sư (nên để đích thân khách hàng làm điều này, trừ trường hợp có lý do đặc biệt nào đó) hoặc thống nhất, thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý. Trong trường hợp đã thỏa thuận xong về thù lao luật sư, cần cung cấp cho khách hàng các biên nhận, hóa đơn tài chính; chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cần thiết về thủ tục của luật sư (tham gia từ giai đoạn nào…); lưu giữ những tài liệu ban đầu, v.v..

Tùy theo quy chế vận hành của mỗi Tổ chức hành nghề luật sư, nếu cần nghiên cứu hồ sơ, khả năng tiếp nhận vụ việc của khách hàng, luật sư cần chú ý triển khai các bước công việc nhằm đưa ra ý kiến pháp lý ban đầu, hướng giải quyết vụ việc, sớm gửi cho khách hàng trong thời gian hợp lý.

* Quy tắc 10.2: luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết.

Quy tắc này tưởng chừng là điều không cần phải lưu ý trong nhận thức và ứng xử của mỗi luật sư, nhưng thực tế khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng, đôi khi vấn đề giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng lại ảnh hưởng đến việc quyết định tiếp nhận vụ việc của luật sư. Trên thực tế, khi tiếp xúc ban đầu với khách hàng, luật sư có những cảm nhận về giới tính, nhân thân, tôn giáo, quốc tịch, sức khỏe và cả tình trạng tài sản của khách hàng. Điều này cũng là bình thường, vì luật sư sẽ phải căn cứ vào tính chất vụ việc và khả năng, tình trạng tài sản của khách hàng để cân nhắc quyết định mức thù lao luật sư.

Khi nhận thấy khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư có nghĩa vụ thông báo cho họ biết. Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo Điều 7 của Luật này, người được trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc hộ nghèo; (3) Trẻ em; (4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; (5) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; (6) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: (a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (b) Người nhiễm chất độc da cam; (c) Người cao tuổi; (d) Người khuyết tật; (đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; (h) Người nhiễm HIV. Những đối tượng nói trên được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Khi nhận thấy khách hàng thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, luật sư hướng dẫn cho họ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để nhận được sự trợ giúp pháp lý miễn phí. Nếu Tổ chức hành nghề luật sư có ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ. Điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý là “nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý”. Đồng thời, điểm h khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư năm 2006 quy định một trong những hành vi nghiêm cấm đối với luật sư là “nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật”.

* Quy tắc 10.3: luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.

Quy tắc này là một cách tiếp cận khác với Quy tắc 9.7 quy định luật sư không được cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng. Đây là mặt thứ hai của vấn đề, vì không phải luật sư nào cũng có khả năng và trình độ chuyên môn trong tất cả các phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý. Không chỉ sự phân chia các phạm vi tư vấn, tranh tụng hay cung cấp dịch vụ pháp lý khác, ngay trong tố tụng hình sự, nhiều luật sư có kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án hình sự về trật tự xã hội, có những luật sư rất giỏi về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, có luật sư chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm về án ma túy, có những luật sư dành phần lớn thời gian hoạt động nghề nghiệp của mình hỗ trợ pháp lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục…

Khi đã thống nhất phạm vi và yêu cầu cung cấp thể hiện qua hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư có trách nhiệm và bổn phận đạo đức phải thực hiện một cách tận tâm, trong khả năng và trình độ chuyên môn của mình nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. “Trong phạm vi” được hiểu là thực hiện phù hợp với yêu cầu của khách hàng, nhưng điều đó không hạn chế luật sư có sự trợ giúp đối với khách hàng trong một số yêu cầu liên quan đến đời sống, sinh hoạt, quan hệ cá nhân. Luật sư cũng không máy móc một cách vô cảm khi ban đầu gia đình khách hàng chỉ yêu cầu bào chữa trong giai đoạn điều tra, khi hồ sơ vụ án chuyển sang VKS, luật sư từ chối sao chụp, nghiên cứu hồ sơ vụ án, không vào gặp bị can trong Trại tạm giam với lý do hợp đồng chỉ giới hạn giai đoạn điều tra. Trong trường hợp này, luật sư có thể trao đổi với gia đình khách hàng nếu có nhu cầu bào chữa trong giai đoạn truy tố hoặc xét xử sơ thẩm, cần thống nhất làm văn bản yêu cầu bổ sung và ký phụ lục hợp đồng, còn Thông báo đăng ký bào chữa có giá trị cho các giai đoạn tố tụng, trừ khi bị can, bị cáo trong Trại tạm giam từ chối luật sư.

* Quy tắc 10.4: luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.

Khi tiếp xúc với khách hàng để cân nhắc quyết định tiếp nhận vụ việc hay không, bên cạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của luật sư, việc giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này được hiểu là khách hàng không đơn thuần và luôn luôn được coi là “Thượng đế”, mà cũng phải có các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng đối với luật sư. Trong thực tế có trường hợp, do khách hàng có vị thế xã hội, là người nắm giữ chức quyền, có điều kiện kinh tế có thể có thái độ bắt nạt, quát tháo đối với những luật sư mới vào nghề, trái ý với mình.

Ví dụ 13: Chỉ vì trái ý với mình, khách hàng là chủ một ngân hàng suýt xô xát với luật sư, to tiếng tranh cãi ngay trong phòng cấp cứu của Bệnh viện…

Các luật sư tham gia tố tụng, bào chữa trong một số vụ đại án liên quan đến ngân hàng thường gặp rất nhiều áp lực. Khi các luật sư vào làm việc trong Trại tạm giam, khách hàng là bị can, đặc biệt với một số bị can chiếm cổ phần lớn tại Ngân hàng gần như coi ý kiến của mình là tuyệt đối, không cần tính đến kết quả điều tra, tự mình phân công công việc cho mỗi luật sư, ai trái ý thì lập tức từ chối bào chữa.

Người viết từng chứng kiến trực tiếp một đồng nghiệp cùng bào chữa trong một vụ án hình sự, khi vào thăm, làm việc với bị can bị tạm giam được Trại tạm giam đưa ra cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Luật sư lớn tuổi là người đã tham dự hỏi cung và làm việc nhiều lần với khách hàng nên biết tâm lý của khách hàng rất muốn nói trước, dẫn dắt luật sư, nếu đang nói mà luật sư không nghe hoặc ngắt lời thì nổi nóng. Khi đồng nghiệp là luật sư trẻ mới được gia đình mời thêm cùng luật sư lớn tuổi vào Bệnh viện với sự giám sát của cán bộ Trại, do chưa biết tâm lý của khách hàng, nên nhanh nhảu trình bày ý kiến trước, đến khi khách hàng có ý kiến thì không nghe mà chỉ trình bày theo ý của mình. Khách hàng thấy vậy, nổi nóng, yêu cầu luật sư không nói nữa, luật sư vì tự ái cũng phản ứng lại, nói “nếu ông không tôn trọng tôi thì tôi không bào chữa cho ông nữa!”. Ngay khi nghe thấy vậy, dù đang ngồi trên giường bệnh, khách hàng choàng người qua giường bệnh, định đánh vào mặt đồng nghiệp của luật sư lớn tuổi. Thấy vậy, vị luật sư lớn tuổi đứng ra can ngăn, nói với khách hàng là đồng nghiệp của ông mới tiếp xúc, chưa hiểu hết ý và cách làm việc của khách hàng, nên mong khách hàng bớt nóng; hơn nữa đây là trong phòng bệnh của Bệnh viện, to tiếng, xô xát với luật sư có thể dẫn đến dư luận không hay… Nghe đến đây, khách hàng có dịu lại, nhưng về phần luật sư trẻ, do không chịu được sự mạt sát của khách hàng, nên đã bỏ về và không nhận trách nhiệm bào chữa nữa…

Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với khách hàng, luật sư cần yêu cầu khách hàng cung cấp cho luật sư đầy đủ và kịp thời các tài liệu, thông tin, dữ kiện liên quan đến vụ việc; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các tài liệu, thông tin và dữ kiện cung cấp cho luật sư cũng như các quyết định khác biệt với tư vấn của luật sư. Khách hàng cũng phải thông tin đầy đủ cho luật sư kế hoạch làm việc, triệu tập theo yêu cầu của các cơ quan chức năng hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng để tổ chức hành nghề thuận tiện bố trí luật sư cùng tham dự hoặc tư vấn kịp thời; tôn trọng và chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, luật sư cũng cần làm rõ, giải thích cho khách hàng biết là về nguyên tắc, khách hàng không được thay đổi người tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng nếu không có sự thống nhất thỏa thuận bằng văn bản giữa luật sư và khách hàng. Đặc biệt, luật sư cần giải thích và ràng buộc trách nhiệm của khách hàng là phải thanh toán thù lao cho luật sư theo thỏa thuận đã được quy định trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Như trên đã đề cập, không phải yêu cầu nào của khách hàng luật sư đều có nghĩa vụ phải tiếp nhận và bảo vệ quyền lợi, vì có thể có những yêu cầu trái pháp luật hoặc vượt quá khả năng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của luật sư. Về nguyên tắc, luật sư phải nhận diện và đồng thời phải giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là “tính hợp pháp” trong yêu cầu của khách hàng, chỉ khi yêu cầu đó gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng được pháp luật bảo vệ, trong đó bao hàm cả những quyền lợi thuộc về những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, khi nói tới tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng, còn bao hàm cả nghĩa rộng của khái niệm này, chứa đựng cả tính hợp lý, hợp lẽ, hợp lệ.

Luật sư có trách nhiệm phải định lượng, thảo luận và hình dung cùng khách hàng về những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý. Chẳng hạn, chúng ta biết thời hạn BLTTHS năm 2015 và Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định về việc cấp Thông báo đăng ký bào chữa trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận thủ tục, cũng như quyền được gặp mặt của người bào chữa với người bị buộc tội đang bị tạm giam, nhưng thực tế thì không phải bao giờ Cơ quan điều tra hay Điều tra viên cũng tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ, thậm chí có trường hợp còn gây khó khăn. Luật sư với kinh nghiệm của mình cần trao đổi để khách hàng cùng chia sẻ những khó khăn của luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra, cần kiên trì áp dụng mọi biện pháp cần thiết và hợp pháp để đấu tranh, nhưng cũng không nên quá căng thẳng, nảy sinh “quyền anh, quyền tôi”, làm bất lợi trong quan hệ phối hợp và đánh giá, kết luận sau này.

Luật sư cũng cần giải thích cho khách hàng được rõ về quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư. Trên thực tế, khi có sự việc bất đồng, tranh chấp giữa luật sư với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý thì khách hàng sẽ tranh luận nội dung từng điều khoản, nhất là các vấn đề về phạm vi công việc, thù lao, chi phí trong hợp đồng. Do đó, để tránh khác biệt quan điểm về cách hiểu các nội dung, điều khoản của hợp đồng, kinh nghiệm thực tế cho thấy luật sư cần giải thích và ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là luật sư đã giải thích, khách hàng đã được nghe giải thích về quyền, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

* Quy tắc 10.5: Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.

Quy tắc này có mối liên hệ đến Điều 26 Luật Luật sư năm 2006, theo đó thì luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính bao gồm: Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng và đại diện của Tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Nội dung dịch vụ; Thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; Các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Hệ quả pháp lý của việc thực hiện không đúng Quy tắc này có thể dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 03 triệu đến 07 triệu đồng do có hành vi “thông báo không đầy đủ cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý” (theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).

Trên thực tế hiện nay, Bộ Tư pháp hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam chưa xây dựng mẫu hợp đồng dịch vụ pháp lý chuẩn mực theo từng phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý, nên tùy theo kinh nghiệm và mức độ phát triển của mỗi Tổ chức hành nghề luật sư sẽ xây dựng các loại hợp đồng dịch vụ pháp lý khác nhau, trên cơ sở tuân thủ các nội dung cơ bản nói trên. Trong một số quyển sách chuyên sâu về NLS1 hay Sổ tay luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam biên soạn với sự tài trợ của Dự án JICA (Nhật Bản) có đề cập và giới thiệu một số mẫu hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng có thể cũng chưa hoàn thiện.

Thời gian gần đây, theo phản ánh của một số Tổ chức hành nghề luật sư, có một số cơ quan quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư, có xử phạt hành vi không quy định trong hợp đồng dịch vụ pháp lý điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng (được hiểu ở đây là điều khoản bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng). Để xử lý tình huống này, một số Tổ chức hành nghề luật sư đưa vào hợp đồng điều khoản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng với nội dung, nếu một trong hai bên vi phạm, bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng không vượt quá mức thù lao luật sư được quy định trong hợp đồng.

5/5 - (10940 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền