Những mặt tích cực và hạn chế trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

Chuyên mụcKinh tế vĩ mô Kinh tế vĩ mô

Tiểu luận: Những mặt tích cực và hạn chế trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Tài liệu được gửi đến Hocluat.vn bởi bạn Đinh Quốc Khánh <choluc***@gmail.com>.

LỜI MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Nước ta đã thành công trong việc chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mà vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường nước ta mới ở giai đoạn sơ khai, chưa đạt tới trình độ một nền kinh tế hiện đại. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như bất kì một vấn đề nào cũng luôn tồn tại tính hai mặt tức là vừa có những mặt tích cực đáng kể và cũng vừa có những mặt trái cần khắc phục. Tích cực chính là những thành tựu mà ta và đang có được trong quá trình phát triển kinh tế, cũng như sẽ là tiền đề để có thể tiến xa hơn, còn mặt trái đi song song đó sẽ là những vấn đề tiêu cực mà nền kinh tế hội nhập đem lại cần phải giải quyết. Kể từ năm 1986 khi nước ta quyết định chuyển hướng sang phát triển kinh tế thị trường thì việc đặt ra các vấn đề để giải quyết là hoàn toàn cần thiết. Vì vậy vấn đề nghiên cứu lý luận về tính hai mặt của nền kinh tế thị trường là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để có thể phát triển nền kinh tế nước ta một cách hoàn thiện nhất, và từ đó các doanh nghiệp Việt Nam ta đưa nền kinh tế ngày càng vững mạnh hơn trong tương lai.

2. Mục đích nghiên cứu

Để có thể hiểu rõ hơn về tính hai mặt của nền kinh tế thị trường cũng như củng cố kiến thức cho bản thân để có được một cách nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về những vấn đề tồn tại xung quanh nền kinh tế thị trường, nhóm chúng em đã chọn chủ đề Những mặt tích cực và mặt trái trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

3. Những nội dung chính

Khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN và một số vấn đề tiêu biểu của những mặt tích cực và mặt trái của nền kinh tế thị trường.

CHƯƠNG I : NHỮNG MẶT TÍCH CỰC VÀ MẶT TRÁI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

1. Khái niệm kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế trong đó các yếu tố đầu vào và đầu ra đều phải thông qua thị trường, nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế xã hội mà sản phẩm sản xuất ra là để bán, trao đổi trên thị trường. Trong kiểu tổ chức này toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối, trao đổi tiêu dùng mua bán và hệ thống thị trường do thị trường quyết định.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Những mặt tích cực và mặt trái trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

2.1. Những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường

2.1.1. Kinh tế thị trường góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân

Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường. Có được điều này là vì kinh tế thị trường là nền kinh tế nhiều thành phần hay còn gọi là nền kinh tế mở, cho phép huy động mọi nguồn lực trong xã hội, từ đó tạo ra cơ hội việc làm cho mọi người. Trước đây người nghèo ngoài việc làm nông tiền trả công không đủ cho cuộc sống, họ còn phải sống khổ cực, thiếu thốn đủ điều. Chính vì vậy, sự phát triển của kinh tế thị trường đã tạo một bước chuyển lớn giúp cải thiện đời sống của họ, mở rộng cơ hội việc làm ngoài làm nông còn có thể làm việc trong các cơ quan xí nghiệp hay nhà máy,…

Trước đây vào những năm 1986 tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vào khoảng 50,8% so với cả nước. Tuy nhiên từ khi tiến lên kinh tế thị trường, theo Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB), hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ nghèo cả nước đến cuối năm 2016 còn 8,38 – 8,58%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015. Thu nhập bình quân ở nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/người/năm (2015), tăng 1,9 lần so với năm 2010. Có thể nói rằng Việt Nam là nước có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh nhất ở Đông Nam Á.

2.1.2. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mang tính cạnh tranh

Có thể nói rằng cạnh tranh là linh hồn của kinh tế thị trường bởi đây là nền kinh tế mở mà mà mục đích cuối cùng là để hàng hóa được tiêu thụ nhiều và lợi nhuận cao. Kinh tế thị trường có cạnh tranh cùng với sự thay đổi liên tục về nhu cầu của con người đối với lợi nhuận của nhà kinh doanh sẽ mau chóng trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo không mệt mỏi. Tác động lớn của nền kinh tế hội nhập chính là tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và việc của họ chính là nắm bắt lấy nó qua cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp tìm ra những biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình. Cạnh tranh thể hiện trên mọi mặt của nền kinh tế thị trường, từ nông nghiệp đến sản xuất trên công nghiệp, dịch vụ,…

Đổi mới mô hình kinh tế, việc sản xuất lương thực nước ta không chỉ đủ cho tiêu dùng, dự trữ, mà còn tham gia xuất khẩu lương thực (gạo) trên thị trường thế giới. Và tất yếu chúng ta phải tham gia cạnh tranh với một số chủ thể kinh tế khác cùng xuất khẩu lương thực như nước ta như: Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ,…Từng có một nhận định rằng :“Gạo Việt Nam đã thua gạo Thái Lan và Campuchia”, gạo VN có chất lượng thấp hơn so với gạo Thái Lan và Campuchia do người nông dân VN sử dụng các giống canh tác ngắn ngày. Hai  nước trên chủ yếu là gạo một vụ, chất lượng ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh hơn. Vì vậy để có thể cạnh tranh để giữu vững thị trường thì ta đầu tư và tập trung vào chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu vững tại thị trường trong nước, sau đó mới thu hút các nhà nhập khẩu

2.1.3. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Từ khi tiến lên nền kinh tế thị trường, khoa học và công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng xuất lao động và hiệu quả sản xuất. So với nền kinh tế lạc hậu trước đây vừa tốn nhiều sức người nhưng hiệu quả lao động không cao thì các máy móc thiết bị được áp dụng kỹ thuật hiện đại sẽ cho được năng suất cao hơn rất nhiều, chất lượng cũng được nâng cao hơn và qua đó giúp các doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cũng như tạo ra được những sản phẩm có uy tín không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, vì những yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi phí thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chính là cơ hội lớn để giải quyết những vấn đề đó. Chính vì vậy nền kinh tế nếu càng muốn phát triển thì việc phát triển khoa học kỹ thuật cũng sẽ theo đó mà ưu việt, tiên tiến hơn.

Bất kì lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng khoa học kĩ thuật. Công nghệ UHT (viết tắt của Ultra high temperature), còn gọi là công nghệ một bước, có nhiều ưu điểm vượt trội, được xem là phát minh quan trọng trong ngành chế biến thực phẩm ở thế kỷ XX. Hay cách mạng Công nghiệp 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong

2.1.4. Cho phép đào tạo đội ngũ có năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển

Vì yêu cầu càng cao của nền kinh tế thị trường nên cần có đội ngũ nhân lực có vốn kiến thức về khoa học công nghệ trình độ cao, có khả năng tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới để từ đó làm chủ và phát triển được nền kinh tế mới. Bên cạnh đó nền kinh tế còn đẩy mạnh đào tạo, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, vừa chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 17,9%, trong đó ở thành thị là 33,7%, gấp 3 lần tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 11,2%, phân theo giới tính tỷ lệ này là 20,3% đối với nam và 15,4% đối với nữ; tỷ lệ nhân lực được đào tạo trình độ cao (từ đại học trở lên) năm 2010 là 5,7%, năm 2012 là 6,4%, năm 2013 là 6,9%, so với tổng số lao động trên cả nước. Nền kinh tế càng phát triển thì tri thức của con người cũng ngày một được nâng cao và hoàn thiện hơn.

2.1.5. Kinh tế thị trường vận hành theo quy luật cung cầu, cạnh tranh, giá trị

Cung phản ánh khối lượng sản phẩm hàng hoá được sản xuất và đưa ra thị trường để thực hiện (để bán). cung do sản xuất quyết định, nó không đồng nhất với sản xuất . Cầu phản ánh nhu cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán của xã hội. Do đó, cầu không đồng nhất với tiêu dùng, vì nó không phải là nhu cầu tự nhiên, nhu cầu bất kì theo nguyện vọng tiêu dùng chủ quan của con người, mà phụ thuộc vào khả năng thanh toán. Cung – Cầu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thường xuyên tác động lẫn nhau trên thị trường, ở đâu có thị trường thì ở đó có quy luật cung – cầu tồn tại và hoạt động một cách khách quan. Cung – cầu tác động lẫn nhau. Nếu nhận thức được chúng thì chúng ta vận dụng để tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo chiều hướng có lợi cho quá trình tái sản xuất xã hội. Nhà nước có thể vận dụng quy luật cung – cầu thông qua các chính sách, các biện pháp kinh tế như: giá cả, lợi nhuận, tín dụng, hợp đồng kinh tế, thuế, thay đổi cơ cấu tiêu dùng. Để tác động vào các hoạt động kinh tế theo quy luật cung – cầu, duy trì những tỷ lệ cân đối cung – cầu một cách lành mạnh và hợp lý.

Quy luật cạnh tranh là sự tác động lẫn nhau giữa các nhóm người, giữa người mua và người bán hay giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hai nhóm này tác động lẫn nhau với tư cách là một thể thống nhất, một hợp lực. Cạnh tranh như một tất yếu trong nền kinh tế hàng hoá. Cạnh tranh có tác dụng san bằng các giá cả mấp mô để có giá cả trung bình, giá trị thị trường và giá cả sản xuất đều hình thành từ cạnh tranh trong nội bộ ngành và giữa các ngành. Trong cơ chế thị trường, quy luật cạnh tranh như một công cụ, phương tiện gây áp lực cực mạnh thực hiện yêu cầu của quy luật giá trị, cạnh tranh trong một cơ chế vận động chứ không phải cạnh tranh nói chung.

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hoá, ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hoá thì ở đó có sự hoạt động của quy luật giá trị. Quy luật giá trị là quy luật chi phối cơ chế thị trường và chi phối các quy luật kinh tế khác, các quy luật kinh tế khác là biểu hiện yêu cầu của quy luật giá trị.nQuy luật giá trị biểu hiện sự hoạt động của mình thông qua sự vận động của giá cả xung quanh giá trị. Giá cả phụ thuộc vào giá trị, giá trị là cơ sở của giá cả, những hàng hoá có hao phí lao động lớn thì giá trị của nó lớn dẫn đến giá cả cao và ngược lại. Đối với mỗi hàng hoá thì giá cả hàng hoá có thể bằng hoặc nhỏ hơn hoặc lớn hơn giá trị nhưng đối với toàn bộ hàng hóa của xã hội thì chúng ta luôn luôn có tổng giá cả hàng hóa bằng tổng giá trị. Tác dụng của quy luật giá trị: quy luật giá trị tự phát điều tiết việc sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của cung – cầu thể hiện qua giá cả trên thị trường.

2.2. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường

2.2.1. Kinh tế thị trường gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội

Từ ngày nền kinh tế chuyển đổi sang hướng thị trường đến nay, người giàu tăng nhanh dẫn đến giàu nghèo trong xã hội phân hóa. Bởi sự phát triển của kinh tế thị trường không hoàn toàn phù hợp với tiền năng, cũng như năng lực của mỗi người, khả năng của mỗi người cũng khác nhau, có người nắm bắt được cơ hội và xu thế trở nên giàu có, cũng có người không bắt kịp thời đại mà dần thụt lùi rồi trở nên nghèo khổ. Dần lâu họ lại càng có ít có cơ hội tiếp cận và hạn chế đảm bảo những điều kiện sống cơ bản, tối thiểu. Từ đó bất công xã hội cũng từ từ tăng cao bởi nền kinh tế càng phát triển các dịch vụ hay chi phí xã hội cũng chủ yếu đáp ứng các nhu cầu đời sống của người giàu. TS. Phùng Đức Tùng – viện trưởng viện nghiên cứu phát triển Mekong đã nhận định rằng:“ Tăng trưởng GDP mang lại lợi ích cho người giàu còn người nghèo được hưởng lợi rất ít và ngày càng ít đi

Trong 1 giờ người giàu nhất có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà 10% nhóm nghèo nhất chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Số liệu thống kê cũng cho thấy nếu năm 1993, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số tương đối, thực tế có thể cao hơn nhiều vì thu nhập của người giàu đang rất khó đo đếm được. Kết quả xoá đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70,5-80%).

2.2.2. Kinh tế thị trường làm xuất hiện các tệ nạn xã hội

Vì kinh tế thị trường là nền kinh tế hướng đến lợi nhuận là chủ yếu mà không chú trọng quan tâm đến các vấn đề xã hội, điều này làm gia tăng nhanh những hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát của pháp luật, các tệ nạn diễn ra tràn lan và ngày một phổ biến, tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lí, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị sống và làm mất niềm tin của một bộ phận công chúng. Trong những năm gần đây tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng phạm tội có tổ chức, tụ tập nhóm để trộm cắp, cướp giật, đâm thuê, chém mướn, sử dụng ma túy, cờ bạc, … Khảo sát năm 2010 của vụ văn hóa, ban tư tưởng của trung ương cho thấy có 13 biểu hiện chưa tốt của học sinh, sinh viên. Thống kê năm 2012 có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy, năm 2014-2015 tăng lên 800, bên cạnh còn có 8000 vụ vi phạm hình sự. Tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, sống lang thang, gây rối trật tự gia tăng đến nay lên tới 20 000 đối tượng.

2.2.3. Bóc lột quá sức sức lao động của con người và tài nguyên thiên nhiên dẫn đến ô nhiễm mỗi trường

Từ thực tiễn của nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam còn được thể hiện qua tình trạng bóc lột sức lao động, bấp chấp lợi ích cửa người lao động. Mục đích hoạt động của các doanh nghiệp là lợi ích tối đa vì đây là nền kinh tế hướng đến lợi nhuận, vì lợi nhuận nên làm tất cả. Một quan điểm khó có thể chấp nhận là: Sức lao động trở thành hàng hóa hay nói cách khác vì để thu lại được lợi nhuận cao hơn các đối tượng lao động phải làm quá nhiều việc mà vượt quá số tiền mà họ nhận được. Bên cạnh đó họ còn có thể lạm dụng tài nguyên của xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên gây ô nhiễm môi trường sống của con người, do đó hiệu quả kinh tế – xã hội không được đảm bảo. Lượng chất thải (nước thải, khí thải) xả vào môi trường làm ô nhiễm môi trường nước (đối với nước thải) và ô nhiễm không khí (đối với khí thải) làm cho Trái Đất nóng dần lên, thủng tầng ozone gây hại đến sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất

Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất trên thế giới. Gần đây còn xảy ra các sự việc như nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, hay vụ việc Công ty, Vedan cán bộ của Công ty Vedan thừa nhận rằng hệ thống đường ống được lắp đặt để xả chất lỏng nguy hại ra sông Thị Vải đã được vận hành suốt 14 năm gây nên một mức ô nhiễm độc hại rất lớn.

2.2.4. Phá hoại bản sắc văn hóa Việt Nam

Ở Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống và xây dựng hệ thống giáo dục mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nền kinh tế hướng đến lợi nhuận càng phát triển con người càng xem nhẹ các giá trị tinh thần, nền văn hóa của dân tộc. Khi nền kinh tế muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới đồng nghĩa với việc văn hóa của mỗi quốc gia cũng sẽ có những đổi mới phù hợp với văn hóa thế giới. Tuy nhiên bản sắc văn hoá là những yếu tố văn hoá đặc trưng cho từng cấp độ chủ thể văn hoá. Nó được coi là cốt lõi của triết lý phát triển ở mỗi cộng đồng dân tộc nên vẫn cần phải giữ gìn và phát huy.

Thực tế cho thấy rằng, trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện coi nhẹ những giá trị truyền thống như “tệ sùng bái” nước ngoài, họ không thích hoặc thờ ơ với các bản nhạc, bài ca cách mạng, không quan tâm đến các hình thức nghệ thuật, các dòng dân ca truyền thống. Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày, hàng giờ, trên các mạng thông tin toàn cầu liên tục truyền các hình ảnh, tin tức, ấn phẩm độc hại, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Chính điều này đã góp phần hình thành ở một bộ phận thanh, thiếu niên lối sống buông thả, bạo lực, tình dục,… xa lạ, trái ngược với những giá trị nhân văn lâu đời của dân tộc, những giá trị đã tạo nên bản sắc văn hóa và đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Lối sống tình nghĩa, đậm chất nhân văn kiểu “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”… vốn là một trong những giá trị đạo đức truyền thống của nền văn hóa làng xã Việt Nam đã từng tồn tại hàng ngàn năm nay đang bị mai một, mờ nhạt dần. Đây thực sự là những tín hiệu “báo động đỏ” trong đời sống đạo đức ở nước ta hiện nay.

2.2.5. Lối sống “tiền trao cháo múc” trong xã hội, coi trọng các giá trị vật chất và coi nhẹ các giá trị tinh thần

Kinh tế thị trường phát triển đồng nghĩa với xuất hiện nhiều hơn khuynh hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, hay nguy cơ “thương mại hóa” (cái gì có tiền mới làm, cái gì không có tiền, dù cần cũng không làm). Kinh tế thị trường cũng đã kéo theo lối sống “tiền trao cháo múc”. Đã có không ít hiện tượng: từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị, xã hội sang tuyệt đối hóa các giá trị vật chất kinh tế. Từ chỗ lấy con người tập thể, con người xã hội làm mẫu mực (hy sinh vì tập thể, vì cộng đồng) là đạo đức cao nhất, sang tuyệt đối hóa con người cá nhân, thậm chí là cá nhân ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Từ chỗ lấy lý tưởng, đạo đức làm mẫu mực chuyển sang coi thường đạo đức, phẩm giá; tuyệt đối giá trị thực dụng, tôn sùng tiện nghi vật chất, tôn sùng đồng tiền, coi tiền là trên hết, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị của con người.

Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người. Chính vì vậy mà những hiện tượng tham ô, hối lộ, móc ngoặc, buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền bằng tiền… chúng ta đấu tranh, ngăn ngừa nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang diễn ra phức tạp và là nỗi lo lắng của xã hội. Chính điều này đã làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên có tâm lý coi trọng các giá trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần và dẫn đến sự hình thành lối sống hưởng thụ, thực dụng, xa hoa lãng phí, xa lạ với lối sống giản dị, tiết kiệm – những phẩm chất truyền thống quý báu của con người Việt Nam.

CHƯƠNG II: CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA

1. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nền kinh tế thị trường

Trong kinh tế thị trường, các doanh nghiệp chỉ có thể đứng vững trong cạnh tranh nếu thường xuyên đổi mới công nghệ để hạ chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công cuộc cách mạng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Tuy so với các nước trên thế giới khoa học công nghệ trong sản xuất kinh tế ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và đi sau về nhiều mặt song cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn đang đổi mới từng ngày và không ngừng nâng cao hơn nữa để bắt kịp với xu hướng công nghiệp hóa của thế giới.

  • Về nông nghiệp:

Ở lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2012 đến 2015, các cơ quan khuyến nông từ thành phố đến cơ sở đã triển khai 21 loại mô hình kỹ thuật tiến bộ với trên 4.300 điểm trình diễn. Trong đó, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà. Không chỉ nhân rộng những mô hình hiệu quả, ngành trồng trọt còn triển khai đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật bảo vệ cây trồng…         Trong lĩnh vực chăn nuôi, KHCN được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm…Chương trình Sind hóa đàn bò là một trong những chương trình tiêu biểu. Từ năm 2010-2015, chương trình được đầu tư trên 140 tỉ đồng. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trọng lượng của bò thịt lai Sind tăng cao, lợi nhuận cao hơn bò ta từ 1-2 triệu đồng/con, bê con của bò lai Sind cũng có giá bán cao hơn từ 1-2 triệu đồng/con so với bê ta

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, ngành thủy sản của thành phố cũng có những bước phát triển vượt bậc. Trong 5 năm qua, mỗi năm, tốc độ phát triển của thủy sản luôn tăng trên 10%. Để đáp ứng nhu cầu con giống ngày càng cao trong khi nguồn tôm giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, Trung tâm Giống Nông nghiệp Cần Thơ đã tổ chức chuyển giao qui trình sản xuất giống tôm càng xanh theo qui trình “nước trong- hệ hở” cho 20 hộ dân sản xuất giống tôm càng xanh. 40 kỹ thuật viên được đào tạo để phục vụ cho hoạt động sản xuất của các trại. Kết quả, 10 trại đã tiến hành sản xuất giống tôm càng xanh đạt tiêu chuẩn, cung cấp con giống có chất lượng cho người nuôi trong thành phố và các tỉnh lân cận.

  • Về công nghiệp:

Thiết bị cơ khí công nghệ cao: Như sản xuất và ứng dụng công nghệ mới tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Công trình nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Khoa học và công nghệ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đưa công trình vào vận hành sớm hơn 2 năm so với dự kiến, tận dụng nguyên vật liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm, làm lợi cho đất nước trên 24.000 tỷ đồng. Sản xuất hệ thống các thiết bị nâng hạ lớn (cẩu trục gian máy 1120 tấn, cẩu chân què 350 tấn, cẩu chân xích sức nâng 100-600 tấn), với tỉ lệ nội địa hóa trên 90% với giá thành hạ (bằng 50% giá sản phẩm tương đương của Châu Âu và 75% giá sản phẩm của Trung Quốc)

Sản xuất các sản phẩm cơ điện tử made in Vietnam: Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã tạo dựng được nền móng để phát triển một ngành cơ khí mới (ngành cơ điện tử), có khả năng cạnh tranh và có hiệu quả kinh tế cao. IMI đã sáng tạo kết hợp cơ khí với tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin, để tạo ra các sản phẩm cơ khí mới có tính linh hoạt cao (sản phẩm cơ điện tử), qua đó nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chiếm lĩnh thị phần trong nước, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế.

Sản phẩm của Viện Vật lý địa cầu – Viện KH&CN Việt Nam: Hệ thống tự động hóa quản lý, giám sát và điều khiển tàu thuyền. Hệ thống tự động hóa quản lý, giám sát, điều khiển các tàu thuyền của các biên đội tàu hoạt động trên biển cho phép quản lý gần như đồng thời tình hình cơ động (và tĩnh tại) của các tàu cấp dưới, phân phối liên kết và trao đổi thông tin động một cách linh hoạt giữa các tàu và cụm tàu dưới quyền…

  • Việt Nam tăng thứ hạng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ:

Năm 2015 Việt Nam tăng 19 bậc đứng thứ 52/141 nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Khoa học công nghệ đang thực sự là đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam chắp cánh.

Vai trò của KH&CN ngày càng được coi trọng. Phát triển KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, với các đóng góp thiết thực của KH&CN, nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Xu hướng gia tăng đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng GDP 5 năm qua là kết quả của những đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trước đây, đặc biệt là nhờ những đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trong những năm gần đây, đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi và các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đầu tư nước ngoài gia tăng trong lĩnh vực công nghệ cao.

  • Cần tiếp tục đổi mới khoa học công nghệ

Ghi nhận những kết quả đã thực hiện được của ngành khoa học công nghệ trong giai đoạn 5 năm qua, vẫn có điểm còn cần phải cố gắng, thậm chí phải thay đổi trong tư duy của mỗi người mới mong khoa học công nghệ có những bước đi đột phá hơn. So với thế giới, trình độ công nghệ của ta còn thấp kém không đồng bộ, do đó khả năng cạnh tranh của hàng hoá nước ta so với nước ngoài trên cả thị trường nội địa và thế giới còn kém. Xuất phát từ những nhiệm vụ đó, giải pháp đặt ra đối với khoa học và công nghệ là:

– Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế tài chính nhằm khuyến khích sáng tạo và gắn ứng dựng khoa học và công nghệ với sản xuất kinh doanh, quản lí, dịch vụ.

– Tăng đầu tư ngân sách và có chính sách và có chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực khác để đi nhanh vào một số ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao.

– Coi trọng nghiêm cứu cơ bản trong các ngành khoa học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc

2. Sinh viên trong công cuộc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại

Ngày nay, khi các hình thức đào tạo tại bậc đại học đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong số đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp, hay thực hiện những nghiên cứu khoa học ở cấp khoa, trường… Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện nhằm ba mục đích đó là: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; Tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học; Giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn.

Khi tiến hành thực hiện nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên. Đối với mỗi sinh viên, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn theo sát họ trong suốt quãng thời gian làm việc say này. Do đó, việc trau dồi và phát huy những kỹ năng này là yêu cầu được đặt ra hết sức cấp thiết với sinh viên.

Về phía mình, sinh viên cần phải nhận thức được vai trò thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó, có ý thức tự giác, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà mình đã lựa chọn. Nghiên cứu khoa học không những củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức lý luận, kiến thức xã hội mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng dành cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập hay kỹ năng thuyết trình… Do vậy, nhà trường và bản thân mỗi sinh viên luôn phải đề cao tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực thực hiện các biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học góp phần phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập thế giới.

KẾT LUẬN

Thực tế đã chứng minh, thị trường ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống người dân được nâng cao. Nhưng do công cuộc đổi mới đi sau nhiều năm bởi bị ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh lớn, so với các nước khác sự phát triển của nước ta là chưa đáng kể, đòi hỏi các nhà thương mà phải có vốn sống, có kinh nghiệm thôi chưa đủ mà còn phải không ngừng học hỏi nâng cao năng lực quản trị của mình, thích ứng với sự biến động, vối nhu cầu của thị trường. Có vậy mới phát triển và mở rộng doanh nghiệp của mình. Hoàn thành được vai trò kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, Thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, góp phần đáng kể để phục vụ vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nước ta và các nước trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Dân kinh tế
  2. Tạp chí Tổ chức Nhà nước
  3. Sách giáo dục công dân 11
  4. Tạp chí tài chính
  5. Các tài liệu tham khảo khác
  • https://123doc.org/document/1183723-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-viec-han-che-nhung-nhuoc-diem-cua-nen-kinh-te-thi-truong.htm
  • http://ungdung.skhcn.daklak.gov.vn/ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-tao-suc-bat-moi/
  • http://www.vanlanguni.edu.vn/doi-song-cap-nhat/314-co-hoi-va-thach-thuc-cua-khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-hien-nay
  • http://www.hochiminhcity.gov.vn/thongtinthanhpho/thongtintuyentruyen/Lists/Posts/Post.aspx?List=49d70ac4-60f7-40fd-9c0a-8d03227ab911&ID=6780&Web=9e81d926-527c-4781-b409-f054619f1528
  • http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Ap-dung-cong-nghe-cao-trong-nen-nong-nghiep-huong-di-dot-pha-cua-nong-nghiep-Viet-Nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-59658.html
  • http://khoahoc.tv/thanh-tuu-khoa-hoc-cong-nghe-dong-gop-cho-phat-trien-kt-xh-29509
  • http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1289-xoa-doi-giam-ngheo-ben-vung-chong-tai-ngheo-thanh-tuu-thach-thuc-va-giai-phap.html
3/5 - (2 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền