05 điều cần lưu ý để đọc hiểu văn bản pháp luật hiệu quả

Chuyên mụcBạn có biết?, Cafe Dân Luật, Kỹ năng mềm Những lưu ý khi đọc hiểu văn bản pháp luật

Tra cứu văn bản pháp luật là một kỹ năng quan trọng mà dân luật cần phải biết, tuy nhiên sau khi tìm được văn bản rồi, việc đọc hiểu văn bản như thế nào lại là một vấn đề còn quan trọng hơn.

 

Có thể bạn quan tâm:

 

05 điều cần lưu ý để đọc hiểu văn bản pháp luật hiệu quả

Nội dung:

Văn bản luật

Thỉnh thoảng tôi có nhận được một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này, chẳng hạn như: Tại sao văn bản quy định như vậy mà cơ quan có thẩm quyền bảo không áp dụng được cho tôi? Quy định này có áp dụng được trường hợp của tôi không?… Gần đây nhất tôi có nhận được một câu hỏi của một bạn liên quan đến quy định về người có công với cách mạng, trong đó bạn ấy cũng đã tìm được tương đối đầy đủ các quy định cần thiết nhưng khi áp dụng thì lại có một chút nhầm lẫn, mà hoàn toàn không phải do bạn ấy.

Vậy nên bài viết hôm nay tôi sẽ chia sẻ 05 điều cần lưu ý để đọc hiểu văn bản pháp luật hiệu quả có kèm theo ví minh minh họa cho từng trường hợp cụ thể.

Thứ nhất: Phạm vi điều chỉnh

Khi bạn tìm được một nội dung tư vấn trên mạng, trong đó có trích dẫn một điều khoản trong 1 văn bản luật nào đó có vẻ giống trường hợp của mình, hoặc khi bạn tìm được một văn bản có vẻ phù hợp với việc mình đang cần giải quyết, bạn đừng vội đọc ngay vào nội dung của điều luật hoặc nội dung quy định vấn đề của bạn trong văn bản đó. Mà trước tiên bạn nên xem đó là văn bản nào, cụ thể là số hiệu và tên của văn bản

  • Ví dụ: Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở

Sau đó bạn tìm và tra cứu ra toàn văn nội dung văn bản đó (chỉ cần tìm thôi chứ không phải đọc toàn văn đâu nhé). Bạn nhìn ngay mấy điều đầu tiên của văn bản, thường là tại Điều 1 sẽ có tên là Phạm vi điều chỉnh:

  • Ví dụ: Luật nhà ở 2014 có Phạm vi điều chỉnh như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, chỉ với VD trên bạn đã có thể thấy được sự cần thiết phải đọc nội dung Điều này phải không. Nếu như giao dịch mua bán, cho thuê nhà ở thương mại của các doanh nghiệp mà bạn tìm ở trong luật nhà ở thì có thể bạn sẽ không tìm được đúng điều mà bạn đang cần rồi.

Thêm một VD nữa để bạn thấy rõ hơn, đó là tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (bạn chú ý hơn vào khoản 2 của Điều dưới đây nhé)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam quy định tại Luật Nhà ở số65/2014/QH13(sau đây gọi là Luật Nhà ở).

2. Việc quy định chi tiết một số điều, khoản về phát triển nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở; giao dịch mua bán, thuê, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ.

Vậy đó, trước tiên bạn nên đọc Phạm vi áp dụng của 1 văn bản pháp luật (thông thường nằm ngay Điều 1 của đa số văn bản), điều này quy định chung và khái quát thôi nhưng đọc cũng dễ hiểu và giúp bạn có hình dung cơ bản về văn bản mình sắp đọc.

Một số Bộ luật đặc thù như Bộ luật hình sự chẳng hạn, sẽ không theo nguyên tắc sắp xếp điều luật phổ biến trên, bởi vì điều đó không phù hợp và cũng không cần thiết, và tôi nghĩ chắc bạn cũng không thấy cần quan tâm lắm đến vấn đề đặc thù này.

Thứ hai: Đối tượng áp dụng

Cũng như Phạm vi áp dụng, Đối tượng áp dụng quy định các chủ thể sẽ chịu sự điều chỉnh hoặc không chịu sự điều chỉnh của văn bản bạn đang đọc. Nội dung này không nằm đâu xa, thường là ở ngay Điều 2 của một văn bản, cũng có trường hợp nằm chung luôn với Điều 1, đối với những văn bản mà đối tượng áp dụng đã quá rõ ràng, có thể đôi lúc bạn thấy nó nằm ở Điều 3, nói chung không đi đâu xa được.

  • Ví dụ: Tại Điều 2, Luật xây dựng 2014 quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Đa phần tên Điều này sẽ là Đối tượng áp dụng như VD tôi nêu trên, nhưng cũng có những trường hợp là tên khác.

  • Ví dụ: Tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Điều 2. Những trường hợp không áp dụng

Nghị định này không áp dụng đối với những trường hợp sau:

1. Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.

2. Đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia.

3. Bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân, danh hiệu dân quân tự vệ; bị buộc thôi việc.

Đó là một cách quy định khác của phần Đối tượng áp dụng

Phần Đối tượng áp dụng đối với Luật, Bộ luật mà nói thì quy định khá tổng quát, có thể bạn chưa cần đọc cũng sẽ hình dung được phần nào, nhưng bạn sẽ thấy rất cần thiết khi đọc các Nghị định, Thông tư hoặc các văn bản dưới luật khác.

Thứ ba: Hiệu lực văn bản

Phần này ai cũng biết là quan trọng, có điều vị trí của nó nằm hơi xa các điều trên nên có lẽ nhiều người quên mất. Thêm nữa là khi bạn đọc một câu trả lời giải đáp pháp luật ở trên mạng thường thì trong đó ít khi nhắc đến hiệu lực của văn bản mà họ đang trích dẫn, có thể câu trả lời đó tại thời điểm trả lời thì văn bản đang có hiệu lực, nhưng tại thời điểm bạn tra cứu thì lại có văn bản mới thay thế mà họ chưa cập nhật chẳng hạn.

Lưu ý nhỏ nữa là nếu như bạn đọc nguyên văn một văn bản, thì cái ngày ở ngay phía bên phải trên đầu văn bản đó chỉ là ngày ban hành văn bản thôi, không phải là ngày văn bản có hiệu lực.

  • Ví dụ nhé: Phần đầu của Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở bạn sẽ thấy
CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 99/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NHÀ Ở

Bạn có nhìn thấy dòng Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2015 không? Đó là ngày ban hành văn bản thôi. Còn hiệu lực của văn bản, tuy không nằm gần nhưng rất dễ tìm, bạn chỉ cần kéo xuống Điều khoản cuối cùng hoặc gần Điều cuối cùng của văn bản, Ví dụ luôn trong Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ở trên, phần hiệu lực nằm ở Điều 87 trên tổng số 88 Điều của Nghị định 99

Điều 87. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.

2. Các Nghị định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

– …

3. Các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở (bao gồm cả việc quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở), sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở được quy định trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà khác với các quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Như vậy kể từ ngày 10/12/2015 thì Nghị định 99 trên mới bắt đầu được áp dụng

Với các bộ luật và luật cũng vậy thôi, bạn có thể thấy rằng:

Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/5/2013

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2014

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2015

Mới đây nhất, Bộ luật hình sự 2015, đáng ra có hiệu lực thi hành vào 01/7/2016 đã phải lùi thời hạn hiệu lực đến ngày 01/01/2018.

Điều khoản hiệu lực không chỉ quy định mỗi ngày có hiệu lực của văn bản, mà còn nhiều nội dung có ích khác có thể cần thiết cho bạn, VD như văn bản nào bị thay thế, hết hiệu lực, trường hợp đặc biệt của việc áp dụng hiệu lực ..v..v..

Thứ tư: Điều khoản chuyển tiếp

Không phải văn bản nào cũng có Điều khoản chuyển tiếp, nhưng khi đã có thì đó lại là một nội dung rất quan trọng của việc áp dụng. Một văn bản có Điều khoản chuyển tiếp thì bạn đọc Điều khoản về hiệu lực thôi là chưa đủ, mà buộc phải đọc thêm cả điều khoản chuyển tiếp nữa mới áp dụng chính xác được. Điều khoản này cũng không ở đâu xa, ngay trước hoặc ngay sau Điều khoản về hiệu lực.

  • Ví dụ: Điều khoản chuyển tiếp của Luật nhà ở 2014 (nằm ngay sau Điều khoản hiệu lực)

Điều 182. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thì không phải thực hiện phê duyệt lại theo quy định của Luật này, trừ trường hợp thuộc diện phải điều chỉnh lại nội dung của dự án do Nhà nước điều chỉnh lại quy hoạch đã phê duyệt hoặc trường hợp phải dành diện tích đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc phải dành diện tích nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định của Luật này.

Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội không có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương nhưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.

(dài quá nên chỉ trích dẫn khoản 1 thôi)

  • Ví dụ tiếp: Điều khoản chuyển tiếp của Luật kinh doanh bất động sản 2014 (nằm ngay trước Điều khoản hiệu lực)

Điều 80. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư, đã được giao đất, cho thuê đất, đã có văn bản cho phép chuyển nhượng dự án hoặc đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bán, cho thuê, cho thuê mua trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm lại thủ tục theo quy định của Luật này

(dài quá nên cũng chỉ trích dẫn 2 khoản thôi)

Bạn chỉ cần đọc thôi là thấy Điều khoản chuyển tiếp có ích như thế nào rồi, chắc tôi không cần giải thích dài dòng thêm.

Khi bạn tra cứu Điều luật theo mục lục trong sách, nếu bạn muốn nhớ đó là điều bao nhiêu, bạn hãy tra cứu và tìm theo số điều, đừng tra cứu và tìm theo số trang trong mục lục.

Thứ năm: Văn bản dẫn chiếu

Lưu ý cuối cùng, sau khi đọc đầu đọc đuôi văn bản rồi, biết đúng là nó áp dụng cho trường hợp nào rồi, bạn bắt đầu tìm đến nội dung văn bản, những nội dung quy định rõ ràng rồi thì không cần bàn thêm, nhưng có một số trường hợp, quy định ở văn bản này lại dẫn chiếu đến một văn bản khác

  • Ví dụ: Điều 37 Luật kinh doanh bất động sản quy định như thế này:

Điều 37. Nguyên tắc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất

1. Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.

2. Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và đăng ký đất đai.

Quy định như thế này thì đơn giản rồi, bạn chỉ cần tra cứu và tìm trong các văn bản luật đất đai là được.

  • Nhưng VD như thế này: Tại Khoản 1, Điều 7 của Nghị định 86/2015 NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021

Điều 7. Đối tượng được miễn học phí

1. Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Bạn có thể thấy cụm từ “theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả người có công với cách mạng và thân nhân của họ là được miễn học phí mà bạn phải dẫn chiếu đến những quy định cụ thể trong Pháp lệnh để xem đó là những đối tượng cụ thể nào, được những ưu đãi cụ thể gì, trong đó có miễn học phí hay không, chứ không phải là áp dụng cho tất cả đối tượng trong Pháp lệnh đó

Chính nhờ thắc mắc này của một bạn gửi cho tôi, mà tôi mới có ý tưởng cho bài viết này  😛

Lưu ý nhỏ cuối cùng, nhỏ quá nên không tách riêng 1 phần, đó là khi bạn đọc nội dung văn bản mà có một từ hay cụm từ nào đó mà bạn thấy chưa rõ, bạn có thể  thử tìm ở Điều Giải thích từ ngữ trong văn bản, thường thì nó hay nằm ở phần đầu văn bản (Điều 3, 4…) và không phải văn bản nào cũng cần hoặc cũng có. Nhưng bạn cứ thử tìm xem.

  • Ví dụ: Điều 3 Bộ luật Lao động 2012:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

….

(dài quá nên lại trích dẫn thôi)

Đó là 5 điều lưu ý theo kinh nghiệm của tôi khi bạn muốn tự nghiên cứu, đọc hiểu và áp dụng văn bản pháp luật. Tất nhiên đó là 5 điều rất cơ bản thôi, nhưng cũng có thể giúp bạn bước đầu tiếp cận văn bản một cách dễ dàng hơn. Còn các vấn đề phức tạp hơn nữa, bạn hãy dành cơ hội cho các luật sư và chuyên gia pháp luật được giúp đỡ bạn nhé.

Đọc thì dài như vậy, nhưng thực ra số điều luật cần đọc trong một văn bản là không nhiều, chủ yếu ở phần đầu và phần cuối. Còn trường hợp văn bản quá ngắn như  1 công văn của Tổng cục thuế chẳng hạn, thì thôi bạn cứ đọc hết luôn cho gọn.

Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này.

Nguồn: Blue & Tansy (https://bluentansy.com/5-dieu-can-luu-y-khi-doc-hieu-van-ban-phap-luat)


Các tìm kiếm liên quan đến lưu ý khi đọc hiểu văn bản pháp luật, cách đọc điều khoản trong thông tư, thứ tự đọc văn bản, cách đọc văn bản quyết định, cách trích dẫn văn bản pháp luật, điều khoản chuyển tiếp là gì, quy định về điều khoản chuyển tiếp, cách cập nhật văn bản pháp luật mới, doc van ban phap luat

5/5 - (1947 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền