Mục lục:
Độ tuổi có quyền tham gia quản lý nhà nước
Hạn chế quyền tham gia quản lý nhà nước
3. Những trường hợp không được làm việc trong cơ quan nhà nước do vi phạm pháp luật hình sự
Quyền tham gia quản lý Nhà nước là một trong những quyền chính trị quan trọng được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế. Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, quyền tham gia quản lý công việc nhà nước và xã hội đã được quy định tại Điều 25 của Công ước “Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào như đã nêu ở Điều 2 và không có sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện được họ lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý chí của mình”.
Độ tuổi có quyền tham gia quản lý nhà nước
Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28). Để thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, Hiến pháp quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định (Điều 27). Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29). Thực hiện quy định này, Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”. Luật trưng cầu ý dân năm 2015 cũng quy định: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp không được ghi tên, bị xóa tên trong danh sách cử tri.
Mặc dù, Điều 25 của Công ước ghi nhận và bảo vệ quyền của “mọi công dân” được tham gia công việc quản lý nhà nước, quyền bầu cử và ứng cử; quyền tham gia các cơ quan công quyền nhưng luật pháp quốc gia lại quy định công dân cần phải đạt đến một độ tuổi nhất định mới được quyền bầu cử, ứng cử hay được bổ nhiệm vào những chức vụ cụ thể trong hệ thống chính quyền. Quy định này không được coi là trái với Công ước mà hoàn toàn phù hợp, bởi để nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, làm chủ được hành vi, thì công dân phải đạt đến độ tuổi nhất định.
Hạn chế quyền tham gia quản lý nhà nước
1. Những trường hợp không được bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân do vi phạm pháp luật hình sự [1]
Một trong những nghĩa vụ cơ bản của công dân là trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng[2]. Những
người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự là người không chấp hành Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa (gọi là tội phạm), thì họ không thể tham gia quản lý nhà nước (không được bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực Nhà nước, không được làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, không được bỏ phiếu cho ý kiến khi nhà nước trưng cầu ý dân).
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định một số trường hợp không được bầu cử (Điều 30), không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 37) khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định trường hợp bị tước một số quyền công dân tại Điều 44.
Cụ thể: Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật hình sự quy định thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
+ Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
+ Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Khoản 1 Điều 30 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri (không được cấp thẻ cử tri và không có quyền bỏ phiếu bầu cử). Tuy nhiên, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà những người này được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.
Vậy, người bị tạm giam, tạm giữ có được đi bầu cử không?
Pháp luật quy định không tước quyền bầu cử của người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khoản 5 Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Theo quy định tại Điều 37 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, có 05 nhóm trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân:
+ Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
+ Người đang bị khởi tố bị can.
+ Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
+ Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
+ Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Những trường hợp không được bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân do vi phạm pháp luật hình sự
Bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền chính trị cơ bản của công dân, tuy nhiên, một số công dân đã vi phạm nghiêm trọng quy định Hiến pháp luật và bị xác định là tội phạm thì không có quyền bỏ phiếu quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Điều 25 Luật trưng cầu ý dân năm 2015 quy định các trường hợp không được ghi tên, xóa tên trong danh sách cử tri, trong đó đối với vi phạm pháp luật về hình sự thì những người sau không có tên trong danh sách cử tri hoặc bị xóa tên:
– Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án;
– Người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;
Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do thì những người này được bổ sung tên vào danh sác cử tri và nhận thẻ cử tri để bỏ phiểu trưng cầu ý dân.
– Người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
3. Những trường hợp không được làm việc trong cơ quan nhà nước do vi phạm pháp luật hình sự
Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định người có hành vi vi phạm hình sự không được tuyển dụng, làm việc trong cơ quan nhà nước.
– Người không được đăng ký dự tuyển công chức: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích (Điểm C Khoản 2 Điều 36)
– Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật hình sự:
+ Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc (Khoản 3 Điều 78 Luật cán bộ, công chức năm 2008);
+ Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm (Khoản 3 Điều 79 Luật cán bộ, công chức năm 2008).
+ Cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì bị tạm đình chỉ công tác. Thời gian này được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ (Khoản 1 Điều 81 Luật cán bộ, công chức năm 2008).
+ Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc (Khoản 3 Điều 82 Luật cán bộ, công chức năm 2008).
Tóm lại, quyền tham gia quản lý nhà nước chỉ dành cho những cá nhân có tư cách công dân (mang quốc tịch Việt Nam và đạt đến độ tuổi quy định bảo đảm năng lực hành vi dân sự, không bị tước hoặc hạn chế một/một số quyền công dân) và không được có sự phân biệt giữa các công dân vì lý do dân tộc, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc xã hội, sở hữu. Người bị tước hoặc bị hạn chế một hoặc một số quyền công dân thì không được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội do bản thân họ đã không chấp hành đúng những quy tắc xử sự chung, vi phạm quy tắc công cộng, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của người khác. Việc tước hoặc hạn chế quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân phải tuân theo quy định của pháp luật.
[1] Chỉ đề cập những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự, đang bị bắt, tạm giam, tạm giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
[2] Điều 46 Hiến pháp năm 2013.
Để lại một phản hồi