Năng lực nghề nghiệp của luật sư

Luật sư
Luật sư - Ảnh: hocluat.vn

Năng lực nghề nghiệp của luật sư là những phẩm chất tâm lý, nhân cách cần có của luật sư, phù hợp với tính chất, đặc thù của nghề nghiệp, bao gồm năng lực nhận thức, năng lực hành động thực tiễn, năng lực giao tiếp, phát triển quan hệ; năng lực tổ chức, quản lý thời gian và công việc của luật sư.

Năng lực nghề nghiệp của luật sư là gì?

Theo Cục quản lý nhân sự (Office of Personnel Management) của Hoa Kỳ, năng lực được hiểu là đặc tính có thể đo lường được của kiến thức, kỹ năng, thái độ, các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ và là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác. Năng lực nghề nghiệp là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp và bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp đạt được những kết quả cao. Nếu không có sự tương ứng này thì con người không thể theo đuổi nghề được. Năng lực nghề nghiệp được coi là sự tích hợp nhuần nhuyễn giữa ba thành tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để hoàn thành được những công việc và nhiệm vụ trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Từ đây, có thể định nghĩa:

Năng lực nghề nghiệp của luật sư là những phẩm chất tâm lý, nhân cách cần có của luật sư, phù hợp với tính chất, đặc thù của nghề nghiệp, bao gồm năng lực nhận thức, năng lực hành động thực tiễn, năng lực giao tiếp, phát triển quan hệ; năng lực tổ chức, quản lý thời gian và công việc của luật sư.

Năng lực nghề nghiệp của luật sư về bản chất là tổ hợp gắn kết của ba thành tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Kỹ năng của luật sư được hình dung: (i) Theo nghĩa rộng chính là năng lực cá nhân của luật sư trong hoạt động xã hội – nghề nghiệp; (ii) Theo nghĩa hẹp là khả năng thực hiện công việc nghề nghiệp một cách có hiệu quả trong một thời gian thích hợp, với các điều kiện nhất định, dựa vào sự tích hợp nhuần nhuyễn với yếu tố kiến thức và thái độ trong hoạt động hành nghề. Ở mức độ tương đối, kỹ năng nghề nghiệp của luật sư có thể được phân biệt theo hai cấp độ: kỹ năng cơ bản và kỹ năng bậc cao. Kỹ năng cơ bản là khả năng luật sư thực hiện đúng hành vi và tác nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể trong từng vụ việc/tình huống/mối quan hệ pháp luật. Kỹ năng bậc cao là khả năng luật sư thực hiện hoạt động hành nghề một cách thành thạo, linh hoạt và sáng tạo, với khả năng ứng biến, xử lý tình huống/vụ việc khó, phù hợp với những mục tiêu khác nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống, vụ việc và các mối quan hệ nghề nghiệp đan xen, phức tạp. Do đặc thù nghề nghiệp luật sư là cung cấp cho xã hội và người dùng những sản phẩm của tư duy trí tuệ đỉnh cao trong lĩnh vực pháp luật nên sự phân biệt những cấp độ kỹ năng này tuy không có tính chất tuyệt đối nhưng rất có ý nghĩa trong môi trường nghề nghiệp thực tiễn. Chính khách hàng là chủ thể cảm nhận, quan sát, đánh giá cấp độ của kỹ năng luật sư, thể hiện qua giao dịch thực tế để quyết định có lựa chọn hay không dịch vụ pháp lý của từng luật sư/tổ chức hành nghề theo cách mà họ cho rằng luật sư giỏi/chuyên nghiệp/uy tín hay ngược lại. Cấp độ đạt được của kỹ năng nghề nghiệp luật sư chịu sự tác động của nhiều yếu tố, như môi trường đào tạo, môi trường trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng trên hết vẫn do chính các điều kiện chủ quan của cá nhân người làm nghề quyết định. Cùng xuất phát điểm như nhau về thời gian theo quy định pháp luật, nhưng sự trưởng thành và phát triển về nghề nghiệp của mỗi cá nhân luật sư sẽ khác nhau về thời gian vật chất cho từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp (tham khảo mô hình dưới đây).

Năng lực nghề nghiệp của luật sư
Năng lực nghề nghiệp của luật sư

Giá trị thương hiệu cá nhân của luật sư luôn đồng nghĩa với yêu cầu luật sư phải sở hữu kỹ năng nghề nghiệp bậc cao, vì kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vốn được tích hợp và thể hiện ra ở kỹ năng hoạt động nghề nghiệp. Cấp độ cao của kỹ năng lại là cơ sở có tính thuyết phục đối với niềm tin của thị trường và khách hàng vào thương hiệu nghề nghiệp của luật sư, một trong số yếu tố để căn cứ vào đó giải quyết mối quan hệ giữa luật sư – khách hàng về xác định thù lao luật sư trong dịch vụ pháp lý.

Trên thực tế, mỗi cá nhân luật sư là một “cái tôi” riêng biệt. Vậy làm thế nào để tự mình thích nghi/phù hợp với nghề nghiệp luật sư và đạt được sự thành công trong công việc và sự nghiệp thì phần lớn tùy thuộc vào năng lực đối với nghề nghiệp của từng cá nhân. Thông thường, tư duy phát triển nghề nghiệp ngày nay đưa ra một cách tiếp cận có tính tham vấn rất hữu ích, đó là “Thuyết con nhím” (Hedgehoge Concept), tức sự lựa chọn nghề nghiệp thực sự có ý nghĩa cho bản thân trên cơ sở xác định đúng điểm giao thoa giữa ba yếu tố: Điều ta yêu thích – Điều ta giỏi – Điều xã hội cần.

Năng lực cá nhân của luật sư tồn tại trong thế giới nghề nghiệp có thể được tiếp cận theo lý thuyết “Tảng băng trôi”, theo đó, phần nổi/phần thể hiện ra thế giới khách quan mà mọi chủ thể pháp luật và xã hội có thể quan sát, theo dõi, đánh giá được chính là phần được đào tạo, trải nghiệm, tích lũy tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp từ lý thuyết và thực tiễn (tức“mặt xã hội” của năng lực cá nhân). Phần chìm bên trong (tức “mặt chủ quan” bên trong năng lực cá nhân) của luật sư là “cái tôi” được định vị, thể hiện ra ở bản ngã tự nhiên, bản chất, tố chất, phẩm chất, nhân cách, tư duy, đặc tính cá nhân, sở thích, đam mê, động lực sống, làm việc và phát triển nghề nghiệp.

Năng lực cá nhân của luật sư

Năng lực quản trị và làm chủ cái tôi cá nhân đối với luật sư là vô cùng quan trọng, vì nó quyết định việc hình thành, trau dồi và gìn giữ đạo đức nghề nghiệp, quyết định bản lĩnh, thái độ, cách thức hành xử của luật sư trong các mối quan hệ đa dạng, phức tạp, liên quan đến lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể pháp luật trong xã hội.

Nghề luật sư liên quan trực tiếp tới số phận con người nên việc sở hữu năng lực thông minh cảm xúc (Trí tuệ cảm xúc) để tạo ra khả năng hiểu biết, quan sát, phân tích, giải thích và phản ứng lại với cảm xúc của người khác trong giao tiếp xã hội và nghề nghiệp vừa là lợi thế so sánh, vừa là giá trị nghề nghiệp cốt lõi của luật sư. Trí tuệ cảm xúc đối với luật sư là khả năng giám sát các cảm giác và cảm xúc của bản thân cũng như của người khác; khả năng phân biệt chúng; khả năng sử dụng các thông tin đa chiều, nhằm định hướng suy nghĩ và hành động khi giải quyết công việc của nghề nghiệp.

Hệ cảm xúc tồn tại cùng với cuộc sống và công việc của luật sư trước hết là cảm xúc tích cực với những tên gọi khác nhau, như “niềm tin nội tâm”, “linh cảm nghề nghiệp”, “tình thương yêu con người”, “sự đồng cảm, chia sẻ”… Những cảm xúc đó giúp luật sư có khả năng phản ứng một cách nhanh chóng với tình huống nghề nghiệp, gia tăng cơ hội thành công cũng như tránh khỏi rủi ro nghề nghiệp. Trau dồi, làm giàu và quản trị tốt cảm xúc tích cực có ý nghĩa thiết thực đối với luật sư để khắc phục, hạn chế, loại bỏ cảm xúc và tư duy tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp, như tức giận, phân biệt đối xử, định kiến giới, đề cao cái tôi bản thân, hợp tác không hiệu quả,…

Ngoài quản trị và hài hòa các trạng thái cảm xúc cá nhân một cách hiệu quả, luật sư còn cần phải hiểu được cảm xúc của người khác, vì điều đó đóng một vai trò cốt yếu trong việc vừa giữ an toàn cho bản thân luật sư, vừa nắm rõ/thấu hiểu yêu cầu/mong muốn/thông điệp của khách hàng cũng như các chủ thể pháp luật khác. Bài học “biết mình, biết người” chính là sự khái quát hóa của năng lực quản trị cái tôi và năng lực “đọc thông điệp” từ người đối diện của luật sư. “Cặp năng lực” song hành này là một trong số điều kiện tiên quyết cho những quyết định đúng đắn của luật sư khi lựa chọn phương án giải quyết công việc nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng và cho cả bản thân luật sư. Bởi vậy, khi luật sư không có hoặc hạn chế những năng lực này thì đồng nghĩa với việc luật sư hạn chế/thiếu vắng năng lực giao tiếp và phát triển quan hệ xã hội, cũng tức là luật sư tự tạo ra “rào cản” của phát triển nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân cần có trong môi trường cạnh tranh nghề nghiệp quyết liệt như hiện nay.

Các loại năng lực nghề nghiệp cơ bản của luật sư

Trong môi trường hành nghề luật sư hiện đại, năng lực nghề nghiệp luật sư là sự kết hợp và phát triển hài hòa các loại năng lực sau:

* Năng lực nhận thức của luật sư

Năng lực nhận thức dựa trên nền tảng vững chắc của tư duy. Tư duy là sự phản ánh quá trình nhận thức ở trình độ cao của luật sư một cách khái quát, tích cực, và đầy tính sáng tạo về thế giới tự nhiên, xã hội, công việc nghề nghiệp qua các khái niệm, suy lý và phán đoán. Đặc điểm tư duy tri thức của luật sư là sự khái quát hóa, trừu tượng hóa để hình thành khái niệm, lý thuyết, nguyên lý rồi đưa chúng trở lại với hoạt động nhận thức thực tiễn một cách sáng tạo và hiệu quả. Có thể nói, tư duy trừu tượng và khái quát hóa luôn là cặp đôi trong hành trình tư duy về mỗi vụ việc/tình huống của luật sư. Khả năng tư duy là một trong những kỹ năng có giá trị nhất, có tính ứng dụng cao nhất cần có ở một luật sư. Nghề nghiệp luật sư yêu cầu người luật sư làm việc dựa trên kỹ năng tư duy chứ không dựa trên sức khỏe cơ bắp. Luật sư cần phải biết cách vận dụng những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân vào công việc mình làm để mang lại kết quả tốt nhất cho khách hàng. Luật sư phải vận dụng để thu thập, phân tích và sử dụng thông tin, ra quyết định cũng như hợp tác với mọi chủ thể pháp luật để giải quyết vấn đề, đóng góp ý tưởng và cải thiện kết quả làm việc của bản thân. Các tư duy Logic – Phản biện – Sáng tạo là quá trình phản ánh hiện thực khách quan và tổng hợp lại trong tư duy tri thức đỉnh cao của luật sư.

THÔNG ĐIỆP:

MỖI VẤN ĐỀ TRONG THỰC TIỄN ĐỀU CÓ TÍNH HAI MẶT NÊN PHẢI TƯ DUY VỀ NÓ NHƯ NÓ ĐANG TỒN TẠI MÀ KHÔNG PHẢI TỪ ĐỊNH KIẾN CỦA BẢN THÂN CON NGƯỜI

MINH HỌA VỀ TƯ DUY ĐỈNH CAO

Câu chuyện:  Người mù cầm đèn lồng

Một chàng trai mù đến chơi nhà một người thân, khi ra về thì trời đã tối nên người họ hàng tốt bụng thắp cho anh ta một chiếc đèn lồng để đi đường cho tiện. Người họ hàng nói: “Trời tối rồi, đường tối, cháu cầm theo cái đèn lồng đi cho đỡ tối!”.

Chàng trai mù đáp lại: “Chú rõ ràng biết cháu mù mà còn đưa cho cháu đèn lồng, là chú đang trêu cháu đúng không”.

Người họ hàng nói: “Cháu tư duy như thế là rất hạn hẹp. Đường không chỉ có mình cháu đi, còn có nhiều người qua lại, cháu cầm đèn lồng, người khác nhìn thấy cháu, vậy thì họ sẽ không đụng phải cháu”.

– Tư duy hạn hẹp: Tư duy theo quan điểm cá nhân.

– Tư duy tổng thể: Biết đặt mình vào một môi trường, hoàn cảnh tổng thể để suy nghĩ một cách có hệ thống, sẽ phát hiện ra cách xử lý tình huống/vấn đề, làm cho hành động của bản thân luôn có sự tương tác với người khác/phù hợp với bối cảnh/hoàn cảnh thực tế.

– Tư duy đỉnh cao: là kết quả của quá trình nhận thức/trải nghiệm/giải quyết vấn đề/khái quát hóa thành phương pháp nhận thức và phương pháp tư duy có thể áp dụng cho người khác/tình huống khác nhau từ thực tiễn.

Do tính đặc thù nghề nghiệp nên tư duy tri thức đỉnh cao đối với luật sư là một quá trình sáng tạo để tìm ra các mối liên hệ và quan hệ; tìm ra quy luật khách quan chi phối diễn tiến của các tình tiết, sự kiện cũng như quá trình diễn ra trên thực tế của một sự việc/mối quan hệ/tình huống có vấn đề. Trong quá trình nhận thức sự thật khách quan đó, tư duy của luật sư không chỉ biết đặt ra các vấn đề mới, mà còn giải quyết chúng bằng những phương pháp thích hợp. Đồng thời, đó cũng là quá trình luật sư phải “huy động” được một cách sáng tạo những “vốn tri thức” phong phú hiện có của bản thân, đồng nghiệp hay những người cùng cộng tác, bao gồm cả kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp; huy động không chỉ tri thức lý luận, pháp luật mà cả sự am hiểu dưới mọi góc độ cần thiết về những lĩnh vực “có vấn đề”.

Năng lực quan sát, nhận biết, phân biệt, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo là nội hàm cơ bản thuộc năng lực nhận thức nghề nghiệp của luật sư, vì tất cả những năng lực này được đúc kết trở thành “Tư duy pháp lý” – Công cụ không thể thiếu của cấp độ kỹ năng nghề nghiệp luật sư bậc cao.

Quan sát, nhận biết, phân biệt là những hoạt động của tư duy tri thức/pháp luật ở thang bậc nhận thức ban đầu mà luật sư thu nạp/tiếp nhận được từ quá trình tham gia đào tạo các bậc học và đào tạo nghề nghiệp luật sư. Vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo lần lượt là những bước tiếp theo của tư duy pháp lý luật sư bậc cao hơn để tìm ra vấn đề pháp lý mấu chốt, cơ sở pháp luật và phương án giải quyết phù hợp cho vụ việc/quan hệ phát luật phát sinh mà khách hàng yêu cầu luật sư hỗ trợ/cung cấp ý kiến tư vấn hoặc đứng ra giải quyết theo yêu cầu của khách hàng.

Những luật sư giỏi nghề, có uy tín và thương hiệu nghề nghiệp trên thị trường dịch vụ pháp lý thường là “bộ máy” sáng tạo khoa học pháp lý ứng dụng với khả năng nhận diện, phân tích, suy đoán, phản biện và lập luận các vấn đề pháp lý vượt trội; nhìn xa trông rộng và vận động trí não liên tục. Về nguyên lý của tư duy, để làm/giải quyết một tình huống/vụ việc/ quan hệ pháp luật cụ thể, thì luật sư phải “nhìn thấy” sự việc/tình huống với những tình tiết/sự kiện liên quan trong tư duy pháp lý và “tin đó là điều có thể” làm/thực hiện được. Tức luật sư phải hình dung, suy nghĩ, phân tích, đánh giá về tình huống/vụ việc ngay khi bắt tay vào thực hiện. Tất cả sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp phải bắt đầu từ trong suy nghĩ và niềm tin nội tâm của luật sư trước khi trở thành phương án/kết quả giải quyết cung cấp cho khách hàng.

Môi trường hành nghề luật sư chịu sự tác động sâu sắc của quy luật kinh tế thị trường và Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công việc và hoạt động hành nghề của luật sư đòi hỏi cần có hệ thống các kỹ năng vượt trội bên cạnh nền tảng kiến thức và trình độ chuyên môn pháp luật, đó chính là năng lực tư duy và giải quyết vấn đề đầy sáng tạo. Trong một xã hội năng động, hiện đại như hiện nay thì chìa khóa để mở cánh cửa thành công đối với mỗi luật sư chỉ có thể là khả năng tư duy hiệu quả.

* Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư

Đối với luật sư, đây là nhóm năng lực liên quan đến khả năng sử dụng và làm chủ các kiến thức chuyên môn, xã hội, pháp luật và các kỹ năng thực hiện các công việc phải làm, cần làm, nên làm thuộc vị trí nghề nghiệp luật sư. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư tổng hợp cả hai yếu tố: (1) Sở hữu một nền tảng trí thức sâu rộng với sự am hiểu các vấn đề xã hội – pháp luật – chuyên môn thuộc lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật của luật sư cho khách hàng; (2) Sự thành thạo trong thực hiện quy trình, thủ tục về hành chính – tố tụng khi giải quyết các công việc/tình huống phát sinh để hướng dẫn cho khách hàng và tự tiến hành các giải pháp để thực hiện yêu cầu liên quan đến vụ việc/tình huống mà khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư.

Các công việc chuyên môn của hoạt động nghề nghiệp luật sư có thể hiểu theo nghĩa rộng (tất cả các hoạt động phục vụ cho việc giải quyết mối quan hệ công việc với khách hàng) và theo nghĩa hẹp (công việc chuyên môn pháp luật liên quan đến một vụ việc/mối quan hệ pháp luật cụ thể). Về nguyên tắc, một luật sư có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc là phải am hiểu và thực hiện được tất cả các công việc theo đòi hỏi của vị trí nghề nghiệp. Nhưng trong thực tiễn, năng lực này của luật sư chịu sự chi phối của hệ thống quản trị và điều hành của Tổ chức hành nghề luật sư hoặc khách hàng.

Năng lực chuyên môn trong hành nghề luật sư thực tế của luật sư hiện nay không đơn thuần chỉ bao gồm các kiến thức và kỹ năng về pháp luật – tố tụng – chuyên ngành thuộc lĩnh vực đang, sẽ tư vấn, tranh tụng mà thực chất đòi hỏi sự kết hợp giữa các “kỹ năng cứng” (kỹ năng chuyên môn) và kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, môi trường xã hội – nghề nghiệp). Sự thu nạp/tiếp nhận và trau dồi các kỹ năng này để cùng với các kỹ năng khác tạo ra năng lực nghề nghiệp bậc cao của luật sư là hành trình dài của những “chặng đường” nối tiếp từng giai đoạn, tương đồng với lượng thời gian vật chất và công sức, trí tuệ luật sư đầu tư cho phát triển nghề nghiệp bản thân.

* Năng lực giao tiếp – phát triển quan hệ của luật sư

Giao tiếp là một trong những kỹ năng làm việc hiệu quả cực kỳ quan trọng của nghề luật sư trong thế kỷ XXI, bao gồm những quy tắc, nghệ thuật, cách hành động, cách ứng xử, đối đáp, thuyết phục, thương thảo, phản ứng linh hoạt, xử lý tình huống phát sinh ngoài ý muốn… được đúc rút qua kinh nghiệm hành nghề và giải quyết công việc thực tế hàng ngày để luật sư có thể giao tiếp hiệu quả và thuyết phục hơn trong các quan hệ xã hội – nghề nghiệp. Với nghề nghiệp của luật sư, kỹ năng giao tiếp là “mắt xích” tối quan trọng trong số các kỹ năng mà luật sư cần trau dồi và hoàn thiện để đạt hiệu quả tương tác với các đối tác khác nhau, thúc đẩy công việc của cá nhân và của khách hàng diễn ra thuận lợi, đạt kết quả theo mục tiêu đã xác định. Trong nhóm nghề luật, nghề luật sư đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực giao tiếp và phát triển quan hệ của người hành nghề.

Năng lực giao tiếp của luật sư là khả năng lắng nghe tích cực; trao đổi và tiếp nhận, xử lý thông tin, thông điệp, sự phản hồi hay yêu cầu từ khách hàng và các chủ thể quan hệ pháp luật trong môi trường hoạt động nghề nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu giải quyết thành công, hiệu quả công việc đã xác định.

Không gian và đối tượng giao tiếp của luật sư vô cùng rộng, phong phú, phức tạp, chứa đựng nhiều cơ hội cũng như rủi ro nghề nghiệp khó lường trước. Ngoài phương pháp giao tiếp thông thường trong xã hội (qua ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), luật sư giao tiếp với chủ thể pháp luật theo cách thức đặc thù của nghề nghiệp, đó là thông qua nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể; qua cảm xúc và tư duy.

Trong công việc và giao tiếp với chủ thể pháp luật, luật sư là chủ thể “thiết kế” lên “ kịch bản” (tức kế hoạch và phương án giải quyết vụ việc/yêu cầu) cùng “luật chơi chung” (tức giao kết hợp đồng) với khách hàng và những chủ thể pháp luật khác, đồng thời cũng là chủ thể chủ động “điều hành” việc hiện thực hóa kịch bản và luật chơi vào giải quyết các tình huống/vụ việc cụ thể. Nói cách khác, luật sư vừa là người “xây dựng kịch bản”, vừa là “đạo diễn” và vừa là “diễn viên” thuần thục, nhuần nhuyễn trên các tư cách khác nhau, tùy thuộc tính chất của công việc và yêu cầu của khách hàng. Giao tiếp của luật sư trên cả ba vai trò: Người “soạn kịch bản”; người “đạo diễn”; người thực hiện vai diễn trong những vị trí, cách thức có khả năng biến đổi linh hoạt, năng động, vô cùng đa dạng, sáng tạo và đầy tính “nghệ thuật” của nghề luật sư, với điều kiện bảo đảm sự chính xác, đúng đắn về pháp luật, tôn trọng công lý, phù hợp với đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Ở vai trò thiết kế, xây dựng kịch bản và luật chơi, giao tiếp của luật sư là sự kết hợp giữa kỹ năng tư duy với tổ hợp của nhiều kỹ năng giao tiếp (lắng nghe hiệu quả, thuyết phục, đàm phán, thương thảo…) để khai thác tối ưu giá trị của kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhằm nắm bắt vấn đề, tiếp nhận thông tin, yêu cầu, thông điệp của khách hàng; bảo đảm hiểu đúng, hiểu chính xác sự thật khách quan cũng như những điều khách hàng cần và mong muốn đạt được; đánh giá đúng khả năng có thể đáp ứng yêu cầu khách hàng từ điều kiện chủ quan của luật sư cũng như khả năng phối hợp và đáp ứng từ phía khách hàng trước những yêu cầu mà luật sư đặt ra cho khách hàng.

Trong vai trò người thực hiện, giao tiếp của luật sư là phải làm cho khách hàng tin tưởng (nhưng không ảo tưởng/kỳ vọng vô căn cứ), tôn trọng, đồng thuận với ý kiến/phương án tư vấn/giải quyết vấn đề mà luật sư đưa ra, nỗ lực phối hợp để thực hiện hiệu quả “kịch bản” đã thống nhất khi triển khai công việc vào thực tiễn; tích cực hợp tác khi nảy sinh những tình huống/vấn đề ngoài ý muốn; cảm thông, chia sẻ khi kết quả cuối cùng có thể không đạt được trọn vẹn như thỏa thuận và cam kết; đánh giá đúng và trân trọng nỗ lực, công hiến, sự liêm chính, mẫn cán và công sức mà luật sư đầu tư cho công việc.

Năng lực giao tiếp của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp còn được khẳng định ở năng lực giải quyết “khủng hoảng” trong công việc và các mối quan hệ một cách phù hợp, chính xác, phòng tránh rủi ro hoặc hậu quả tiêu cực cho cả luật sư và các chủ thể liên quan.

Tất cả những giá trị và nội dung của năng lực giao tiếp hiệu quả để thiết lập nên năng lực nghề nghiệp của luật sư phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc căn bản: Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể pháp luật; tôn trọng sự thật khách quan, sự độc lập tư pháp; tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong quan hệ với chủ thể khác; đề cao sự chính trực, tinh thần nghĩa hiệp và đạo đức nghề nghiệp luật sư; chân thành và biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, đưa ra quyết định trong giải quyết công việc; bảo đảm giữ gìn sự tín nhiệm trong quan hệ; đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng “cái tôi” của người khác; hài hòa lợi ích giữa các bên; ứng xử phù hợp với văn hóa – ứng xử nghề nghiệp luật sư. Mỗi một nguyên tắc trong giao tiếp này đều có giá trị là “chìa khóa” cho sự thành công của luật sư trong mối quan hệ với khách hàng và mọi chủ thể pháp luật trong xã hội.

* Năng lực tổ chức, quản lý thời gian và công việc của luật sư

Trong nghề nghiệp của mình, yêu cầu về rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý công việc và thời gian (với ý nghĩa là khả năng sắp xếp và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực và thời gian giới hạn để bảo đảm hoàn thành công việc) là yếu tố bắt buộc thuộc năng lực nghề nghiệp luật sư. Lý do của sự tồn tại năng lực tổ chức, quản lý công việc và thời gian đối với luật sư là do thời gian vật chất dùng cho giải quyết công việc theo yêu cầu của khách hàng và tính chất công việc luôn được xác định là những “đại lượng” được chuyển hóa vào thù lao mà khách hàng phải chi trả khi sử dụng dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp. Vì vậy, tổ chức, quản lý công việc và thời gian trước hết là yêu cầu liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đối tượng phục vụ của nghề nghiệp luật sư.

Tổ chức, quản lý thời gian và công việc cũng là tiêu chí về kỹ năng làm việc chuyên nghiệp của luật sư trong môi trường nghề nghiệp có sự tác động khá lớn từ khách quan (công việc/yêu cầu của khách hàng; sự thay đổi thường xuyên của điều kiện, môi trường xã hội; thái độ, khả năng hợp tác của chủ thể pháp luật trong CQNN…). Công việc của nghề nghiệp luật sư tuy độc lập và do luật sư tự quyết định, nhưng về căn bản vẫn thường có sự liên quan trực tiếp, gián tiếp đến nhiều người, nhiều mối quan hệ xung quanh. Vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian giúp luật sư sắp xếp thứ bậc từng kế hoạch và nhiệm vụ/công việc hàng ngày dựa vào mức độ quan trọng và thứ tự ưu tiên cho từng loại việc. Với danh sách công việc được hoạch định cụ thể, luật sư mới có thể tập trung vào những nhiệm vụ nên hoàn thành trước, từ đó tăng hiệu quả công việc, tránh xử lý chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc theo quy định của trình tự tố tụng hoặc thời hạn giải quyết công việc liên quan đến CQNN.

Có kỹ năng quản lý thời gian và công việc tốt để luật sư có thể tránh được tình trạng làm việc với nhiều áp lực, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm khi không có đủ thời gian vật chất để suy xét, đánh giá và đưa ra giải pháp từ những góc nhìn khác nhau. Khi luật sư kiểm soát tốt thời gian và công việc, thì những quyết định cho phương án của khách hàng hoặc bản thân công việc của luật sư có điều kiện để kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện trước khi thực hiện.

Kết quả hữu ích của năng lực quản lý thời gian và công việc còn giúp luật sư loại bỏ “thói quen” thiếu chuyên nghiệp trong văn hóa giao tiếp và làm việc, như trì hoãn công việc, không thực hiện đúng thời hạn của công việc, dẫn đến làm lỡ thời cơ giải quyết công việc tốt nhất cho khách hàng. Quản lý hiệu quả thời gian và công việc còn giúp luật sư và tổ chức hành nghề giảm thiểu sự lãng phí về nguồn lực, qua đó giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho khách hàng, cũng là giúp cho khách hàng có cơ hội và điều kiện sử dụng hợp lý dịch vụ pháp lý của luật sư.

Điều cần nhấn mạnh về năng lực hành nghề của luật sư là: năng lực hành nghề luật sư chịu sự tác động sâu sắc của tố chất cá nhân và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp luật sư Tố chất cá nhân phù hợp với nghề nghiệp luật sư

(1) Vì công lý, thượng tôn pháp luật

(2) Đam mê nghề nghiệp

(3) Trung thực và liêm chính

(4) Tinh thần nghĩa hiệp và trách nhiệm nghề nghiệp cao (5) Bản lĩnh, độc lập

(6) Thương yêu con người

(7) Tỉ mỉ, mẫn cán, cẩn trọng

(1) Có óc quan sát, liên tục nêu và trả lời câu hỏi đặt ra

(2) Có sự phản biện, phát hiện vấn đề trong tư duy giải quyết công việc

(3) Sáng tạo và tư duy đỉnh cao

(4) Có năng lực ra quyết định

(5) Có khả năng đối diện với áp lực công việc và nghề nghiệp

(6) Có kỹ năng làm việc nhóm và phối hợp trong giải quyết công việc

(7) Làm chủ bản thân và các mối quan hệ

Trong nghề nghiệp luật sư, tố chất cá nhân của luật sư phù hợp với nghề nghiệp được quan niệm là tư chất, khí chất tích cực về tâm lý, ý chí, khả năng tư duy và hành động phù hợp với yêu cầu và đặc thù công việc, nghề nghiệp luật sư. Một cá nhân sẵn có những trạng thái, nguồn lực chủ quan phù hợp với nghề nghiệp, qua đào tạo, trải nghiệm nghề nghiệp trong môi trường thực tế sẽ tạo ra sự hòa hợp của hai yếu tố người chọn nghề và nghề chọn người.

Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là những đức tính chân, thiện, mỹ thuộc bản chất của cá nhân, được “khách quan hóa” bởi chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và chuyển hóa trở lại vào suy nghĩ, hành vi, cách ứng xử và hành động thực tiễn của luật sư, phù hợp với giá trị đạo đức nghề nghiệp. Tố chất – phẩm chất đạo đức nghề nghiệp luật sư vừa có tính tự thân, vừa cần được đào tạo, rèn luyện, trải nghiệm thường xuyên trong môi trường hoạt động nghề nghiệp để trở thành niềm tin, thành giá trị cốt lõi của văn hóa và đạo đức hành nghề. Hai yếu tố này cũng là nền tảng chi phối, quyết định thái độ, cách ứng xử, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Đó cũng chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự định hình cái tôi của luật sư, là cơ sở để nhận diện, phân biệt giá trị nhân cách, giá trị nghề nghiệp đối với một luật sư hành nghề chân chính và chuyên nghiệp trong môi trường nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam.

Nghề luật sư trong xã hội không phải chỉ là thắng – thua, không phải chỉ là doanh thu hay nguồn khách có được. Trong lăng kính xã hội và từ niềm tự hào, kiêu hãnh nghề nghiệp, luật sư là một “Nghề danh giá” vì nó được hình thành, duy trì và phát triển bởi những con người ưu tú về trí tuệ và phẩm giá; nó thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà sự thượng tôn pháp luật và tinh thần công lý trao cho. Nó là sự hy vọng và tin tưởng của người dân đối với một điểm tựa pháp luật và lẽ phải vững chắc trên con đường kiếm tìm công lý cho bản thân, gia đình và xã hội, để mang lại sự bình an, hạnh phúc và công bằng cho mỗi số phận con người.

4.9/5 - (31530 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền